(ĐHVO). Ngày 28/04 vừa qua, lớp Luật kinh tế 62B, khoa Luật, trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có buổi kết nối, giao lưu với Hội người khuyết tật quận Thanh Xuân với mục đích chia sẻ về quyền và những vấn đề còn tồn tại liên quan đến việc phân biệt đối xử với người khuyết tật tại Việt Nam.
Chị Nguyễn Minh Châu – cán bộ của Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam trò chuyện với các bạn sinh viên tại buổi giao lưu
Tham dự buổi giao lưu có chị Nguyễn Minh Châu – cán bộ của Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, cô Nguyễn Thu Trang – Giảng viên khoa Luật Đại học Kinh tế quốc dân cùng với sự tham gia của các bạn sinh viên lớp Luật kinh tế 62B và các thành viên trong Hội người khuyết tật quận Thanh Xuân.
Tại buổi trò chuyện, chị Nguyễn Minh Châu có chia sẻ: Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm kỳ thị phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật thông qua các sáng kiến nghệ thuật” do Hội người khuyết tật quận Thanh Xuân đề xuất và được sự tài trợ từ Quỹ Abilis Phần Lan. Dự án với mục tiêu nâng cao nhận thức cho người khuyết tật, học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội để nói không với kỳ thị, phân biệt đối xử đối với phụ nữ khuyết tật.
Hội người khuyết tật quận Thanh Xuân là một trong nhiều Hội người khuyết tật trên cả nước mà có trường hợp các thành viên nữ bị kỳ thị và phân biệt đối xử trong gia đình và cộng đồng. Từ thực tế đó, việc nâng cao nhận thức, đưa ra thông điệp truyền thông “Nói không với kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật” thông qua sử dụng các hình thức nghệ thuật là điều cần thiết.
Qua buổi giao lưu này, người khuyết tật quận Thanh Xuân đã truyền cảm hứng đến với các giảng viên và sinh viên khoa Luật, Đại học Kinh tế Quốc Dân bằng những sáng kiến nghệ thuật, giúp họ hiểu đầy đủ hơn về kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật và phụ nữ khuyết tật để truyền thông tới cộng đồng, xã hội nhằm giúp người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói chung tự tin hơn, dám thay đổi bản thân để hòa nhập và đóng góp cho đất nước và xã hội.
Bên cạnh những thông điệp, những kiến thức bổ ích, các thành viên trong Hội người khuyết tật quận Thanh Xuân còn mang đến những màn ảo thuật, diễn kịch vô cùng đặc sắc và lôi cuốn. Các tiết mục không chỉ đem lại niềm vui, tiếng cười cho các bạn sinh viên mà lồng ghép vào đó là các thông điệp đầy ý nghĩa: “Hầu hết người khuyết tật đều có thể đi làm và nuôi sống bản thân mình nếu họ được học tập và tạo cơ hội việc làm; người khuyết tật có quyền được yêu, được kết hôn, sinh con, cần được tôn trọng,…”
Những tiết mục đặc sắc lôi cuốn mang đầy những thông điệp ý nghĩa
Mong rằng dự án “Giảm kỳ thị phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật thông qua các sáng kiến nghệ thuật” của Hội người khuyết tật quận Thanh Xuân cùng với chị Nguyễn Minh Châu có thể mở rộng hơn nữa, lan truyền thông điệp tốt đẹp đến với tất cả học sinh, sinh viên, người khuyết tật trên cả nước.
Công Năng