Bữa chiều

(DHVO). Tôi người Bắc mới chuyển vào Nam sống nên những ngày đầu bỡ ngỡ lắm. Bỡ ngỡ về ngôn từ, nghe người ta nói mà mình chẳng hiểu gì và ngược lại, ra chợ sắm chục bát đũa mà phải về không vì trong trong Nam người ta gọi bát là chén. Mỗi lần đi họp giao ban nghe các quản đốc người “trỏng” trình bày thì mình như chuyên gia nước ngoài – chẳng hiểu gì…Nhưng cách sống, cách sinh hoạt mới là sự khác biệt.
Ngay buổi chiều đầu tiên nhà tôi dọn cơm ra ăn ngoài sân cho mát mẻ, bữa cơm chiều nhà tôi thường trùng với khoảng thời gian hàng xóm đi bộ thể dục. Cũng với cái lệ ngoài Bắc, thấy hàng xóm đi qua, cả nhà tôi ai cũng đon đả “Mời chú vào ăn cơm!”. Hì, mời xã giao, mời thay câu chào thôi , mời mà biết chắc người ta không vào. Người hàng xóm được mời lưỡng lự một lúc rồi dừng lại cười tươi và hỏi lại “Nhà bác mới chuyển vô đấy ạ? Nhà em lát mới ăn, em ngồi với bác làm ly rượu”. Lạ rồi nha! cảm giác ngỡ ngàng, vui vui trong tôi xuất hiện. Không đợi mời chào nhiều, ông hàng xóm tự lấy thêm ghế .
– Rượu nhà bác để chỗ nào?
– Ồ, , chú để anh đi lấy.
Thế là bà xã tôi đi lấy thêm bát, 2 chiếc ly uống rượu. Ly rượu đầu tiên đã tạo ra được sự tự nhiên giữa khách và chủ. Trong câu chuyện, ông hàng xóm chỉ tôi từng nhà và giới thiệu với thái độ thân thiện và hết sức tự nhiên. Một lúc sau thấy một cặp vợ chồng nhà kế bên đi qua, không đợi tôi mời, ông bạn hàng xóm kéo luôn:
– Hai bác vào đây làm ly với nhà bác mới đến cái…
– À, vâng, chào các bác!
Người chống kéo luôn người vợ vào nhập mâm, cũng tự nhiên như người khách đầu…Cũng may, nhà tôi luôn nấu cơm theo cách dân Quảng Ninh – Luôn nhiều hơn mức cần thiết, nên cũng ổn. Dần dà vài lần như thế tôi bắt đầu nhận ra đó là nếp văn hóa mới cần phải làm quen và sớm hòa nhập.
Ngoài quê tôi, mời nhau bữa cơm khó lắm. Nếu mời nhau ra quán thì dễ, chứ mời nhau về nhà ăn cơm, ăn cỗ thì phép tắc khá phức tạp. Nếu nhà có việc, người chủ nhà phải sang nói với hàng xóm từ vài hôm trước với hàng loạt câu rào đón “…tuần tới nhà em có việc, có làm vài mâm cơm rau mắm, em sang mời hai bác với các cháu sang nhà em …”. Thế rồi ngày trước hôm có việc lại một bài tương tự “… hôm trước em có nhời với hai bác, ngày mai mời hai bác với các cháu sang em. Em phải nhắc lại, kẻo hai bác quên…”. Gần đến giờ vẫn lại phải cử người sang lần nữa nhắc. Người được mời thường sang muộn hơn giờ mời để chứng tỏ mình không vì miếng ăn và mình có vai trò quan trọng. Thế đấy, đừng nói chuyện “mời rơi” theo kiểu “Bác vào ăn cơm nhé!” mà họ vào đâu – Ngày ở ngoài đó tôi ít để ý vì sống theo tập tục đó cũng quen. Tính khách sáo cũng được coi là một văn hóa ngoài đó.
Trong này, theo phong cách mới tôi bắt đầu thấy hay hay. Chưa ăn, mời là ăn ngay, ít khi khách sáo theo kiểu “ Nhà bác mời cơm đi ạ! Em mới ăn rồi.” mặc dù bụng đang đói meo. Trong này nếu mình sang nhà khác mà gặp bữa mà gia chủ không muốn mời thì người ta sẽ nói : “ Bác ngồi chơi uống nước! Em ăn nốt bữa rồi ra tiếp bác”, nhưng thường thì họ sẽ mời và thật lòng họ rất muốn có thêm người làm ly cho vui, không cần khách sáo, không cần thêm thức ăn…
Và cứ thế, một nếp sinh hoạt mới của khu phố tôi dần được hình thành. Ban đầu là mấy vị đàn ông quanh nhà chiều nào cũng qua nhà tôi làm ly rượu, ít thôi nhưng lấy cớ để hàn huyên, tiện thì ăn cơm luôn cho nhà khỏi đợi. Sau thì cứ cuối tuần thì cả mấy nhà ăn tối với nhau, rồi nhà nọ kéo thêm nhà kia, rồi nhu cầu ăn chung thường xuyên hơn…Đã hơn 4 năm nay xuất hiện một đoạn khu phố đặc biệt, cứ bữa chiều là ăn chung với nhau trừ những ngày mùa mưa. Ăn chung theo cách nhà nào nấu cơm, nấu món nhà ấy, đến giờ mang sang nhà tôi – Chiều nào cũng ăn cỗ cả. Ngày trước nhà có bánh trái thì để mốc meo, giờ đông vui, có gì cũng hết. Nhà tôi lại được tiếng nhà giàu vì hôm nào cũng đãi cả mấy chục khách.
Từ cái bữa chiều ấy, tình phố xóm thay đổi hẳn. Ban đầu ngồi với nhau thì rượu là chính, sau này để duy trì tốt hơn thì rượu không được quá coi trọng, không ép nhau nên những người uống được ít không phải lo lắng. Chắc trong từng con người, trong từng sự kiện vẫn có những điều thường xảy ra như đối với những khu phố khác, nhưng dường như mọi người đều thấy thiếu thiếu nếu như vắng một buổi không gặp nhau, cũng vì thế mà văn hóa phố được hòa với văn hóa làng quê, gắn bó, thương yêu, giúp đỡ đó là những cảm nhận chung sau mỗi bữa cơm chiều.
Mỗi xóm phố, mỗi làng quê đều có những cách gắn kết cộng đồng riêng của mình. Không thể gắn nguyên cách của nơi này vào nơi khác, nhưng sự chân thành, ý thức gắn kết của từng thành viên là không thể thiếu.
Vui lắm khi mấy ông “cò đất” khen rằng:” Khu đất nhà các bác giờ cao giá lắm! Ai được làm hàng xóm nhà các bác thì phải phụ thêm cả tỷ bạc giá trị gia tăng vì hàng xóm thân thiện”. Chẳng biết có đúng không nhưng cứ nghĩ đến việc bên cạnh nhà mình là ông hàng xóm giống như ông bạn “ Láng giềng tốt” với 8 chữ vàng … thì mảnh đát ấy có rẻ cũng chẳng mua./.

Tường Thế Hà (Lâm Đồng)

Bài viết liên quan

43

Chuỗi hoạt động chào mừng 70 năm giải phóng thành phố Nam Định

“Tháng 3 giỗ mẹ” – tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

1

Bầu chọn danh hiệu “Vận động viên (VĐV) tiêu biểu và đề cử vận động Thể thao người khuyết tật xuất sắc thành phố Hải Phòng lần thứ 30 năm 2023”

tl-1-5308.jpg

Quảng Bình: Triển lãm về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

thoi-3-2228

Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy xoá mù chữ ở Lạng Sơn

D29031

Giải marathon Quốc gia 2023 xác lập kỷ lục Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang