“Bớt đòi hỏi, tìm cách tháo gỡ khó khăn đi”

(ĐHVO). Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát cũng chính là khoảng thời gian chúng ta sống trong sự chờ đợi được sống bình yên như chúng ta đã từng sống. Để làm được điều ấy, việc cần làm là ý thức đoàn kết, đồng lòng, chia sẻ, nỗ lực vượt khó, sự sáng tạo và quyết tâm cao nhất, đồng sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi và khống chế dịch bệnh.

Đại dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp và khó lường tại Việt Nam. Đợt bùng phát dịch trong thời điểm hiện nay đang tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân khi lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành phố.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta chỉ đạt 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Mặc dù đã được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2020 (1,82%), nhưng vẫn chưa hồi phục được tốc độ tăng như cùng kỳ các năm 2018 và 2019 (7,05% và 6,77%). Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng. Trong Quý II/2021, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lao động lần lượt là 2,4% và 2,6%, đều tăng so với Quý I/2021 (2,19% và 2,2%).

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong 7 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 23%, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 28,6%, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 27,4%.

Dịch bệnh ngày càng phức tạp, làm ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe, đời sống của người dân, khó khăn chồng chất khó khăn. Không khỏi xót xa trước hình ảnh hàng nghìn người vượt hàng nghìn cây số bằng xe máy từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê. Những dòng người gần như bỏ chạy khỏi mảnh đất mà họ đã chọn để mưu sinh, họ không còn việc làm, tiền thuê nhà cũng không thể trả. Họ phải trở về mảnh đất chôn nhau cắt rốn, vì dù sao ở đó dù khó khăn thế nào, họ vẫn có thể sống sót qua ngày.

Những ngày này, vào các trang báo, trên mạng xã hội, các hội nhóm, đâu đâu chúng ta cũng thấy những hình ảnh xúc động về sự sẻ chia, đùm bọc nhau trong mùa dịch. Bên cạnh sự tàn khốc của dịch bệnh COVID-19, chúng ta cảm nhận rõ hơn bao giờ hết chính là những giá trị nhân văn, là tình thương yêu của con người với con người. Người có điều kiện thì chia sẻ nhiều, người khó khăn thì chia sẻ ít nhưng điểm chung ở họ là trái tim ấm áp, là nghĩa tình.


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Đáng tiếc, trong hoàn cảnh như vậy đâu đó vẫn còn những cá nhân thờ ơ, vô cảm, thậm chí vô trách nhiệm, chỉ quan tâm đến lợi ích bản thân, thiếu quan tâm, chia sẻ, đồng cảm trước những khó khăn của đất nước. Thay vì có việc làm thiết thực để bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng, tìm cách tháo gỡ khó khăn thì họ lại tùy tiện vi phạm các quy định về phòng chống dịch, chỉ biết kêu ca, oán trách, đòi hỏi, bới móc, không có tinh thần xây dựng, thậm chí có người chỉ tập trung xuyên tạc, vu khống, xúi giục, kích động người khác nhằm công kích chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Hay một số người còn có những suy tiêu cực như: Xã hội này sinh ra ta thì phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và cho ta cuộc sống đầy đủ. Đó là những suy nghĩ hết sức vô trách nhiệm. Tự bản thân mỗi người cần phải suy nghĩ xem mình đã làm được những gì để góp phần xây dựng Tổ quốc này chưa hay vẫn còn sa đà vào suy nghĩ thiển cận, vào những thú vui vô bổ, nguy hiểm hơn là có những kẻ “nhàn cư vi bất thiện”, không làm được việc gì có ích cho xã hội còn buông những lời lẽ vô bổ, xúc phạm, vi phạm chuẩn mực đạo đức trên các trang mạng và đặc biệt hơn là những phần tử phản động chuyên viết bài bêu xấu, xuyên tạc, tuyên truyền luận điệu xấu chống Đảng, chống Nhà nước, bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo.

Văn hóa phản biện của chúng ta thật sự đang có vấn đề khi nhiều người lợi dụng mạng xã hội để thỏa sức chỉ trích, đả kích vào một vài cá nhân mỗi khi thấy chướng tai gai mắt với họ.

Chửi bất chấp đúng – sai, tốt – xấu đang biến văn hóa phản biện của một số bộ phận trở nên vô cùng xấu xí. Ai cũng có quyền tự do ngôn luận, quyền phát biểu chính kiến của bản thân trước các vấn đề của đời sống nhưng không có nghĩa là có quyền dè bỉu người khác rồi moi móc đời tư của họ. Khi cơ quan điều tra còn chưa kiểm tra, xác minh, kết luận thì không được phép có hành vi “Vu khống”, “Làm nhục người khác”, “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”. Chúng ta cần sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Phản biện, lên tiếng phản đối những cái chưa được, không đẹp hoặc xấu xí để góp phần cải thiện xã hội là cần thiết cho sự phát triển nhưng cái cần hơn, chính là sự tử tế.

Bạn biết không, trong cuộc sống còn biết bao người sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn. Để được học hành, họ phải vừa học vừa làm. Nhiều khi tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi, nhưng không xin được công việc phù hợp với chuyên môn, họ vẫn vui vẻ khi gắn bó với việc làm trái ngành học. Bởi với họ, có việc làm để có thể tự lo cho bản thân, gia đình và góp một phần công sức nhỏ bé cho đất nước đã là điều may mắn.

Bạn biết không, hằng năm có biết bao nhiêu sinh viên ra trường tình nguyện đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo công tác. Điều kiện sống ở đó rất khắc nghiệt, lại sống xa nhà, vậy mà trên môi những bạn trẻ ấy luôn nở nụ cười rạng rỡ. Bởi được sống, được cống hiến cho Tổ quốc đối với các bạn ấy đã là một hạnh phúc.

Chúng ta thường có xu hướng đề cao những khó khăn của bản thân so với mọi người xung quanh. Trước tình hình dịch bệnh, nhiều cá nhân thường có thói quen suy nghĩ tiêu cực thậm chí ra sức than vãn, chỉ trích cộng đồng và những người xung quanh.

Khi chìm đắm trong những đòi hỏi mang tính cá nhân ấy, họ quên mất rằng ở đâu đó ngoài kia có nhiều người đang phải đối đầu với những vất vả, chịu đựng những nỗi đau gấp trăm ngàn lần như thế.

Những y bác sĩ, những bệnh nhân, những người vô gia cư, những trẻ em lang thang và người già cơ nhỡ… họ có những áp lực và nỗi khổ đau riêng mà chưa chắc ai cũng cảm nhận được và không phải ai cũng đăng bài lên mạng xã hội, lên báo để than nghèo kể khổ cho cả xã hội biết là mình đang khổ mà không ai giúp mình.

Bạn biết không, so với biết bao cảnh đời bất hạnh ngoài kia, chúng ta vẫn còn được thở, còn được sống an lành trong nhà là điều may mắn hơn rất nhiều người.

Bạn có cảm thấy xót xa không khi bản thân liên tục than thở về đời sống khó khăn trong khi ở khu cách ly, bệnh viện dã chiến có hàng nghìn y bác sỹ phải thức trắng đêm để chăm sóc người bệnh. Họ mỏi mệt đến độ phải nằm vật ra sàn nhà để nghỉ ngơi, phải cấp cứu vì quá kiệt sức khi phải lo lắng cho hàng nghìn bệnh nhân, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng vì bị nhiễm bệnh trong khi điều trị cho bệnh nhân.

Bạn có cảm thấy có lỗi không, khi bản thân chỉ biết mỗi việc than nghèo kể khổ mà không tìm ra cách tự tháo gỡ khó khăn cho chính mình? Chỉ biết oán trách mà không biết làm gì để tự giúp mình? Chỉ biết đòi hỏi người khác phải làm gì cho mình mà không biết nghĩ mình đã làm được gì để giúp người khác?

Bạn có biết rằng để đổi lấy những giây phút bình yên trong mỗi gia đình của chúng ta, đã có biết bao người phải chấp nhận hy sinh những nhu cầu riêng tư, đời sống thường nhật thậm chí cả tính mạng của riêng họ.

Vì vậy, hãy luôn trân trọng và biết ơn với những điều mình đang có. Bạn hãy chăm chỉ làm mọi việc mà bạn có thể làm để kiếm tiền một cách hợp pháp để lo cho gia đình tùy theo năng lực của bạn. Cho dù bạn có phải đi bán rau, lái xe grab, bán hàng online, đi bán nước, đi dạy gia sư, đi làm giúp việc hay ngồi làm việc miệt mài đến 2-3h sáng để dịch tài liệu hay viết sách…. kiếm tiền thì bạn hãy tự hào vì bạn vẫn còn được sống, được lao động chân chính để lo cho cuộc sống của chính mình và người thân của mình. Cuộc sống chẳng bao giờ là dễ dàng cả, đó là điều mà chúng ta phải hiểu. Nhiều người vì hoàn cảnh éo le không được đến trường, hoặc việc học hành trở nên dang dở. Họ phải bước vào cuộc sống bằng lao động chân tay thay vì khối óc, nhưng đó mới là cuộc sống. Nếu ai cũng chọn những công việc nhẹ nhàng thì các công việc nặng nhọc sẽ về phần ai, ai cũng ngồi văn phòng, ai cũng làm giảng viên, bác sĩ thì ai sẽ quét rác…? Không có một nghề nào là thấp kém, nghề nào cũng cần cho xã hội. Miễn là việc làm chân chính, thì đồng tiền kiếm được từ những giọt mồ hôi kia lại càng có ý nghĩa và càng được trân trọng. Tuỳ theo khả năng của mình, mỗi người có thể làm được những việc khác nhau để giúp ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Những ai đã thành công đều phải trải qua nhiều lần thất bại, những con người trưởng thành đều có những sai lầm trong quá khứ và những bài học của thuở ấu thơ. Nếu muốn đi đến thành công, bạn đừng sợ thất bại và đừng tuyệt vọng khi gặp phải điều đó. Quan trọng là sau mỗi lần thất bại, bạn biết cách đứng lên và rẽ qua một con đường khác để đi đến thành công…Chúng ta có quyền nhận được một cuộc sống hạnh phúc và chúng ta có nhiều hơn chúng ta tưởng. Hy vọng, hoài bão và ý chí chính là những vũ khí lợi hại nhất của mỗi con người khi phải đối mặt với khó khăn thử thách. Đừng bao giờ ngừng tin vào bản thân mình, khó khăn thử thách chỉ là chuyện nhỏ mà thôi. Khi con người ta biết cố gắng, bản thân chúng ta sẽ nhận ra được cốt lõi của vấn đề không phải chúng ta ngu dốt hay như thế nào mà là bản thân cố gắng nhưng chưa đủ.

Bất kể tuổi tác, kinh nghiệm hay công việc của bạn như thế nào, rồi sẽ luôn có cách để chúng ta tái tạo lại bản thân và tìm thấy tiếng gọi đích thực của mình trong cuộc sống. Hãy giữ cho mình cái nhìn tích cực và đừng bao giờ bỏ cuộc. Cơ hội tiếp theo đang chờ đợi bạn phía trước và tất cả những gì bạn cần làm là ngừng nghi ngờ bản thân và phải không ngừng cố gắng, tái tạo chính mình để bước về nơi cơ hội đang chờ đón bạn.

Sự thất bại đôi khi có thể tàn phá và biến cuộc sống mà ta bỏ công gầy dựng trở thành một đống gạch vụn. Tuy nhiên, nếu bạn biết cách xử lý và đối mặt với những thất bại đó thì bạn hoàn toàn có thể biến những tình huống éo le kia trở thành cơ hội để phát triển bản thân, trưởng thành hơn và khám phá được những sức mạnh đang tiềm ẩn bên trong chính bạn.

Con đường tới thành công chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên những khó khăn trở ngại đó sẽ rèn cho chúng ta tính kiên trì và chăm chỉ nỗ lực không ngừng nghỉ. Có một sự thật không thay đổi là không có bất cứ thứ gì quý giá lại đến một cách dễ dàng. Sự thất bại bao giờ cũng đến trước và nhiều hơn thành công nhưng nếu có cái nhìn sâu sắc và tích cực, bạn sẽ thấy rằng thành công thực sự không phải được trải bằng cánh hoa hồng mà bằng chính những thất bại bạn đã trải qua.

Những số phận nghiệt ngã, hoàn cảnh éo le không phải là rào cản ngăn cách con người tới với sự thành công, thành công sẽ tới với những người kiên trì và biết vượt qua khó khăn để khẳng định mình.

Có lẽ, điều quan trọng nhất mà mỗi người nên làm trong cơn dịch bệnh này chính là việc san sẻ tình yêu thương, sự đồng cảm với mọi người. Hành động này sẽ giúp cho chúng ta tạo ra nhiều năng lượng tích cực, giúp xoa dịu bớt những tổn thương và khó khăn trong mùa dịch bệnh.

Mỗi chúng ta hãy học cách yêu thương và tử tế với mọi người xung quanh ngay trong thời điểm khó khăn này. Đó cũng là cách để bạn suy nghĩ tích cực và cảm thấy bình tâm hơn trong cuộc sống.

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát cũng chính là khoảng thời gian chúng ta sống trong sự chờ đợi được sống bình yên như chúng ta đã từng sống. Để làm được điều ấy, việc cần làm là ý thức đoàn kết, đồng lòng, chia sẻ, nỗ lực vượt khó, sự sáng tạo và quyết tâm cao nhất, đồng sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi và khống chế dịch bệnh. Mỗi người là ngọn lửa nhỏ lan tỏa tình người sẽ thắp lên ngọn lửa khát vọng lớn lao của cả dân tộc chiến thắng bằng được dịch bệnh.

Còn riêng với tôi, hạnh phúc chỉ đơn giản là được sống trong một đất nước thanh bình, được sống với ước mơ, hoài bão của mình. Bạn à, hãy bớt đòi hỏi đi và sống mở lòng hơn, thay vì ngồi chờ đợi sự giúp đỡ của người khác thì hãy tự tìm cách tháo gỡ khó khăn cho mình trước, có như vậy bạn sẽ thấy cuộc sống này vẫn đáng sống và người tốt vẫn còn rất nhiều.

TS. Vũ Thị Minh Huyền

Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI GIA ĐÌNH TRẺ EM VÀ NGƯỜI BẠI NÃO VIỆT NAM TỔ CHỨC GIẢI CHẠY THIỆN NGUYỆN “NÂNG BƯỚC CHÂN EM” LẦN THỨ 6

SEE_5346

Trao giải cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024

Picture1

“Vá lành” những mảnh khuyết cuộc đời bằng đôi bàn tay khéo léo

z5916242329405_55c88a8cf81ef44bfcd7e6a8b48c7ad1

THAM VẤN CÁC BÊN LIÊN QUAN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI ĐẢM BẢO HÒA NHẬP CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Picture1

Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam: Ủng hộ 87 người khuyết tật bị ảnh hưởng sau bão lũ

Picture3

NHU CẦU VỀ THÔNG TIN PHÁP LUẬT VÀ MỨC ĐỘ ĐÁP ỨNG CÙNG MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CÔNG TÁC THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang