(ĐHVO). Trước những ánh nhìn kỳ thị, có người sẽ thu mình lại, chìm đắm trong đau thương; có người lại nỗ lực vươn lên, trở thành đoá hoa rực rỡ nhất, khoe sắc thắm của riêng mình. Câu chuyện ấn tượng của cô gái đến từ Cao Bằng, Bế Thị Băng là động lực sống của những người đồng cảnh ngộ, giúp họ hiểu rằng dù không còn hoàn thiện nhưng vẫn có thể trở nên hoàn hảo nhất theo cách của mình.
Bế Thị Băng (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông thôn tại vùng núi Cao Bằng, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, thương bố mẹ vất vả nên Bế Thị Băng đã sớm có định hướng tương lai, tự lập và có một công việc ổn định với thu nhập tốt ở Hà Nội.
Những tưởng cuộc đời sẽ thuận buồm xuôi gió với người con gái nghị lực, giỏi giang, nhưng vào năm 24 tuổi, chiếc xe container đã bất ngờ đâm vào đuôi xe máy của cô, sau bốn ngày hôn mê, Băng tỉnh dậy và biết chân phải của mình đã không còn nữa.
Đối với một người con gái đang ở độ tuổi xuân thì, tai nạn giao thông nghiêm trọng không chỉ khiến cô mất đi một phần cơ thể mình mà còn lấy đi sự tự tin, rạng rỡ vốn có.
Khi đó, Băng cảm thấy cuộc đời như một giấc mơ: mới hôm qua thôi cô vẫn còn rất bình thường mà hôm nay cô đã mang trên mình 1 khiếm khuyết vĩnh viễn không thể thay đổi được nữa, cô bắt đầu sợ và lo lắng cho tương lai của mình.
Nghĩ lại về quãng thời gian đã qua, Băng tâm sự: “Ngày đó suy nghĩ của tôi vẫn còn non nớt và rất nhạy cảm. Tôi bị ám ảnh và kích động tâm lý bất kỳ khi nào nghe thấy những câu nói tiêu cực của người khác. Tình trạng vết thương của tôi không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn, cơ thể bắt đầu hoại tử dần sau 1 tuần phẫu thuật. Đã có lúc tôi thầm nghĩ: liệu mình còn sống được bao lâu nữa nhỉ? Bác sĩ cũng nói với bố tôi rằng tôi chỉ còn 5% sự sống, bác sĩ vẫn sẽ cố gắng chữa trị nhưng có lẽ gia đình phải chuẩn bị tinh thần.
Cuộc sống của tôi ngày đó không khác gì địa ngục, phải chịu sự tra tấn và đau đớn nhức nhối mỗi ngày. Tôi chỉ biết nằm im và cảm nhận, tâm hồn tôi bỗng chốc trở nên chai sạn dần.”
Vết thương của Băng ngày đó ai nhìn cũng sợ hãi, cô luôn là người phải rửa vết thương sau cùng, chịu đựng nỗi đau, nỗi ám ảnh mỗi lần rửa vết thương. Những lần vô tình nghe thấy mọi người nói chuyện với nhau ở ngoài cửa, họ nói với bố cô rằng: “vết thương như thế thì không phục hồi được đâu , bụng sẽ thối dần dần ra, vì nhìn chướng to như thế …” Bố cô rơi nước mắt, nghẹn ngào đáp lại: “con tôi nó còn trẻ, nó sẽ chịu đau được và phục hồi nhanh chóng”. Câu nói của bố chứa đựng niềm tin và hy vọng đối với cô con gái của mình, điều đó giúp Băng dần lấy lại được niềm tin, nghị lực sống.
Cô chia sẻ: “Những ngày sau đó, tôi dần dần ổn định cảm xúc và nghĩ về nhiều điều. Tôi trân trọng cuộc sống từng ngày dù vết thương nhức nhối từ trong ra ngoài. Tôi thầm nghĩ về gia đình và bố mẹ, nghĩ về hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình, tôi cảm thấy có lỗi với bố mẹ ngay cả khi tai nạn đó không phải điều tôi có thể kiểm soát. Bố mẹ đã cho tôi một cơ thể hoàn chỉnh nhưng nay cơ thể tôi đã không còn lành lặn, nếu tôi ra đi thì bố mẹ tôi sẽ phải chịu nỗi buồn vô tận. Nghị lực sống dâng trào trong tôi, tôi muốn được sống, muốn tất cả những vết thương này sẽ nhanh chóng được hồi phục, tôi không muốn sống 1 cuộc đời “tầm gửi”.
Với sự chăm sóc, động viên cổ gia đình, kỳ tích đã xảy ra, những ngày sau đó tin tức tốt đẹp đã đến với Băng, cơ thể cô đã dần ổn định, bác sĩ cho biết tình trạng sức khỏe của cô được phục hồi rất tốt và có thể ra viện .
Niềm hạnh phúc lan toả trong gia đình nhỏ, thương con, bố Băng muốn cô về quê sinh sống nhưng cô không đồng ý. Cô xin phép bố được tiếp tục ở lại tại Hà Nội: “Đó cũng là lần đầu tiên tôi không nghe lời của bố. Tôi chỉ muốn tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình, tôi nói với bố tôi nếu bố muốn tôi về quê thì chắc chắn tôi sẽ “chết”. Cuối cùng, bố tôi đồng ý với quyết định của tôi”
Vừa mới ra viện, Băng vẫn chưa thể đứng hay đi được bằng nạng, bác sĩ nói rằng có thể cô sẽ phải ngồi xe lăn vĩnh viễn. Giây phút đó, cô bỗng lại cảm thấy thất vọng và sợ hãi, nhưng nhanh chóng vượt qua sự sợ hãi đó, Băng vực dậy bản thân, trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết: “Vết thương của tôi chưa cắt chỉ đã bục cả ra và chảy máu, nhưng tôi đã gối lên nỗi đau về thể xác, quên đi rằng vết thương của tôi đang rất đau, bởi nếu tôi nghĩ nó đau tôi sẽ mất đi sức mạnh tập đứng. Lần đầu tiên tôi đứng được lâu nhất là gần 20 giây, sau đó là gần 100 giây. Có những lần ngã và ngất đi nhưng tôi biết rằng nếu mình bỏ cuộc thì tôi sẽ không bao giờ có đủ dũng khí để bắt đầu lại một lần nữa. Tôi liều mình chiến đấu, bởi tôi muốn dù là khuyết tật nhưng ít ra tôi vẫn còn đi được; tôi còn rất nhiều thứ tôi chưa làm trước đây, tôi sẽ không để hai từ “khuyết tật” có cơ hội cản trở mình. Tôi chỉ muốn cố gắng hết sức, dù khuyết tật nhưng tôi sẽ hoàn thành mọi việc hoàn hảo nhất có thể”. Trái ngọt luôn đến với người nỗ lực, Băng dần dần đứng được vững trên một chân, và có thể sử dụng nạng gỗ để đi lại.
Khi mọi thứ đã ổn định, cô muốn được hoà nhập, nhưng điều cô lo lắng nhất đó là nếu đi ra đường với 1 chân chắc sẽ xấu hổ lắm. Băng nghĩ cách may những chiếc váy dài để che đi khiếm khuyết. Lần đầu tiên chống nạng đi trên đường, cô cảm giác như mình đang ở 1 thế giới khác, cảm giác mình đang làm sai điều gì đó. Thêm vào đó là ánh mắt thiếu tế nhị từ cộng đồng, thái độ không thân thiện, lời nói thiếu thiện cảm, những từ nhạy cảm “què chân, cụt chân” khiến bước chân của Băng nặng nề hơn bao giờ hết.
Người phụ nữ đẹp nhất khi được là chính mình (ảnh do nhân vật cung cấp)
Sau đó, cô tìm cách lắp chân giả, nhưng khi có chân giả rồi họ vẫn nói chân cô nhìn như robot, chân gỗ, đi bị thọt, “con gái mà lại bị thọt chân , tội nghiệp và ngại nhỉ…”. Tất cả những điều đó làm cô suy nghĩ lại cuộc sống của mình: “Tôi phải sống khác và sống cuộc đời của tôi, tôi không sống vì suy nghĩ của người khác, tôi phải là chính mình, tôi không muốn sống trong sự lo lắng hay sống trong cảnh “hoá trang” mỗi ngày nữa. Tôi phải là chính tôi!”
Tai nạn giao thông đã cướp đi mạng sống, sức khoẻ, “sự hoàn chỉnh” của rất nhiều người. Họ cũng chỉ là nạn nhân và cần nhận được sự sẻ chia, yêu thương chứ không phải những ánh mắt kỳ thị từ cộng đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được điều ấy, trước những ánh nhìn kỳ thị, có người sẽ thu mình lại, chìm đắm trong đau thương; có người lại nỗ lực vươn lên, trở thành đoá hoa rực rỡ nhất, khoe sắc thắm của riêng mình. Và Băng chính là một cô gái như vậy, cô tìm cho mình những bộ môn thể thao khác để rèn luyện sức khỏe, lấy lại sự thăng bằng trên 1 chân còn lại, từ trượt patin, cưỡi ngựa, học võ, đến đi xe đạp, bơi , nhảy múa,…
Sự nỗ lực, vươn lên của Băng đã được công nhận, thể hiện một phần qua các giải thưởng mà cô đã đạt được: giải quán quân vẻ đẹp vầng trăng khuyết Việt Nam (năm 2019), giải nhất tài năng múa, giải nhất vũ điệu riêng mình,… và một số giải thưởng qua ảnh. Không chỉ vậy, cô còn được Báo Phụ nữ Việt Nam mời làm đại sứ Mottainai “quỹ học bổng dành cho trẻ em khó khăn là nạn nhân từ tai nạn giao thông” và là ban giám khảo cho 1 số cuộc thi về nghị lực trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Băng cũng có những quỹ từ thiện của riêng cá nhân cô để xoa dịu nỗi đau người khuyết tật như hỗ trợ lắp chân tay giả, truyền cảm hứng đến với những bệnh nhân nhi, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư …).
Nói về sự thành công của mình, cô chia sẻ: “Bố tôi là người đã truyền cảm hứng cho tôi từ khi tôi còn nhỏ, ông dạy tôi phải cố gắng chịu đựng và luôn có niềm tin vào những điều tốt đẹp. Dù nghèo, dù khó khăn nhưng cuộc sống luôn phải có mục tiêu. Những lời dạy của bố theo tôi từ thời ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, tạo động lực rất lớn để tôi vượt qua quãng thời gian khó khăn ấy. Một lý do khác giúp tôi vượt lên mọi chuyện là vì tôi không muốn những người có hoàn cảnh như tôi phải chịu đựng sự kỳ thị như tôi đã từng trải qua, tôi muốn xã hội có cái nhìn bình đẳng và văn minh hơn với người khuyết tật. Tôi thích truyền cảm hứng, tôi chưa bao giờ nghĩ những điệu múa do tôi tự biên đạo lại được nhiều người dùng để truyền cảm hứng như vậy, điều đó thôi thúc tôi cần phải sống tích cực hơn”
Hiện tại, Băng chủ yếu kinh doanh thẩm mỹ nha khoa, đầu tư, kinh doanh homestay và mỹ phẩm. Ngoài ra, cô còn là 1 vũ công và là người mẫu ảnh: “Tôi thích được làm chủ, tôi nghĩ tôi chỉ hạnh phúc khi tôi được làm chủ chính mình, sau đó tôi có thể làm được nhiều việc khác có ích, lan tỏa những năng lượng tích cực, làm việc thiện, chia sẻ yêu thương cho những người khác; đi du lịch, đến tất cả những nơi mà tôi muốn. Sống 1 cuộc đời tự chủ , độc lập và không phiền đến người khác ngay cả khi là người khuyết tật” .
Quả thực, sống không chỉ là tồn tại mà còn phải sống để cho đi. Đôi khi yếu đuối là sự bắt đầu nhưng tôi tin rằng, kết thúc luôn là những nụ cười và hạnh phúc!
Hồng Liên