Về triển khai gói an sinh 26.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động, doanh nghiệp vừa được Chính phủ thông qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương đẩy nhanh thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do Covid-19; triển khai ngay trong tuần này, không để chậm trễ hơn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị sơ kết ngành LĐ-TB&XH 6 tháng đầu năm được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh thành cả nước ngày 14/7.
Khó khăn qua rồi mới hỗ trợ, không còn ý nghĩa nữa
Việc ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP (gói 26 nghìn tỷ) và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch như hiện nay; với tinh thần thông thoáng nhất có thể, giảm tối đa thủ tục, giảm bớt phiền hà, rút ngắn thời gian.
Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết ngành LĐ-TB&XH 6 tháng đầu năm được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành cả nước ngày 14/7.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để ra được Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Bộ trưởng và các cục, vụ đã gấp rút, dồn hết sức lực, “vừa chạy vừa xếp hàng”, làm việc đến tận nửa đêm để đảm bảo gói hỗ trợ ra kịp thời điểm người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này.
Vì thế, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương phải khẩn trương triển khai gói 26 nghìn tỷ ngay trong tuần này, “không để chậm trễ hơn nữa”.
Với yêu cầu trên, tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố cho biết, hiện địa phương đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động, với số tiền hơn 800 tỷ đồng.
Ông Tấn thông tin, hôm nay 15/7, TP. Hồ Chí Minh sẽ kết thúc chi hỗ trợ cho lao động tự do và chuyển sang tiến hành thực hiện gói an sinh 26.000 tỉ đồng. “Dự kiến 30/7, việc hỗ trợ theo kế hoạch của TP.HCM sẽ hoàn thiện”, ông nói.
Trước thông tin này, hoan nghênh TP. Hồ Chí Minh và yêu cầu các địa phương khác sớm triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đến tay người lao động và doanh nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý các địa phương khi triển khai hỗ trợ “không tạo thêm rào cản chính sách”.
Việc hỗ trợ lao động tự do cũng không nên thận trọng quá mức cần thiết, phải thực hiện nguyên tắc tạo mọi điều kiện để người dân nhận hỗ trợ và tăng cường công tác hậu kiểm.
“Hiện người dân đang gặp khó khăn nên các tỉnh cần nhanh chóng hỗ trợ”, Bộ trưởng nói và nêu quan điểm một cách chân thành: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đừng để khi khó khăn qua rồi chúng ta mới hỗ trợ thì lúc đó không còn ý nghĩa gì nữa…
Không để tình trạng nơi làm ngay, nơi chờ hướng dẫn
Trong khi nhiều địa phương đã bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 cho người dân thì Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vẫn đang nghiên cứu thủ tục giấy tờ và đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, Sở đang đôn đốc các sở, ngành liên quan khẩn trương góp ý kiến để hoàn thiện Quyết định, trình UBND Thành phố ban hành nhằm triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ tới các đối tượng thụ hưởng…
“Căn cứ Nghị quyết 68, Sở đang xây dựng dự thảo về đối tượng, điều kiện được hỗ trợ đối với lao động tự do, đồng thời đang nghiên cứu phương thức chi trả để đảm bảo đúng nguyên tắc”, bà Bạch Liên Hương cho biết và thông tin, trong tháng 7, Sở sẽ hoàn thiện quy trình để triển khai “gói” hỗ trợ này.
Đốc thúc tiến độ thực hiện của các địa phương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn nhắc nhở lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, thời điểm này chưa triển khai hỗ trợ người dân và doanh nghiệp theo Nghị quyết 68 là chậm.
“Không thể có tình trạng nơi làm ngay, nơi chờ hướng dẫn”, Bộ trưởng nói.
Làm bằng cả tấm lòng, cả trái tim
“Hà Nội triển khai Nghị quyết 68 đến nay là quá chậm, hết tháng 7 mới triển khai xong thủ tục hành chính là chậm trễ trong hỗ trợ”, Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH nêu rõ: Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã quy định rất rõ, rất thông thoáng.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đều đã có hướng dẫn cụ thể, vì thế “Hà Nội phải chủ động triển khai”.
“Tinh thần là Bộ không ban hành văn bản hướng dẫn nữa. Hà Nội cần “đeo bám”, sát với thực tế, triển khai hiệu quả hơn, nhất là trong tình hình Hà Nội đang tạm dừng một số dịch vụ để phòng chống dịch”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và thêm lần nữa nhấn mạnh, việc triển khai gói 26 nghìn tỷ phải thật khẩn trương, gấp rút hoàn thiện ngay trong tuần này.
“Tôi đề nghị các địa phương rà soát, kiểm tra tình hình, đơn vị nào chậm trễ là có lỗi với dân. Để xảy ra trục lợi là có tội với dân. Chúng ta không chỉ làm bằng trách nhiệm mà cần cả bằng tấm lòng, bằng cả trái tim”, ông Dung nhấn mạnh.
Nguồn Báo Điện tử Dân Sinh