Thời gian qua, những “Ngôi nhà tạm lánh” của Câu lạc bộ Phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình do Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) phụ trách đã trở thành chỗ dựa tinh thần quan trọng với chị em khi bị bạo hành về thể chất và tinh thần. Nơi đây đã trở thành địa chỉ tin cậy mang lại bình yên cho nhiều chị em yếu thế.
Bà Ngô Thị Hồng Huệ (ngoài cùng bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) về việc triển khai mô hình “Ngôi nhà tạm lánh”.
Chia sẻ yêu thương
Trước đây, chị N.T.N ở xã Đặng Xá thường xuyên bị chồng bạo hành. Chồng chị hay uống rượu, mỗi khi quá chén, không làm chủ được bản thân, chị N lại bị thượng cẳng tay, hạ cẳng chân… Không muốn để gia đình hai bên biết chuyện, mỗi lần chồng chuẩn bị gây sự, chị N.T.N lại tìm đến nhà Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đặng Xá Ngô Thị Hồng Huệ – một trong 10 “Ngôi nhà tạm lánh” ở xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) làm nơi nương náu.
“Tại đây, tôi được động viên, chia sẻ, tư vấn cách hàn gắn hôn nhân. Nhờ vậy, tôi đã tìm cách khuyên bảo để chồng nhận ra lỗi, quyết tâm bỏ rượu, sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình hơn”, chị N.T.N cho biết.
Tương tự, chị P.A.T ở xã Đặng Xá tuy không bị chồng bạo hành thân thể, nhưng do quan hệ mẹ chồng, nàng dâu hay phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến chị và chồng thường có “chiến tranh lạnh”. Lâu ngày, chị P.A.T bị trầm cảm, tâm lý bất ổn. Biết được hoàn cảnh gia đình chị P.A.T, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đặng Xá Ngô Thị Hồng Huệ đã cử cán bộ tiếp cận, khéo léo động viên chị đến “Ngôi nhà tạm lánh” tại nhà Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Kim Âu (xã Đặng Xá) Hoàng Thị Hải. Tại đây, chị P.A.T được phân tích, tư vấn về cách ứng xử với mẹ chồng… Từ đó, mỗi khi trao đổi với mẹ chồng, thay vì tranh luận, chị giữ thái độ ôn hòa, gần gũi. Dần dần quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu được cải thiện, không khí gia đình đã đầm ấm, yên vui.
Chị N.T.N và chị P.A.T chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp đã tìm được sự bình yên trong những “Ngôi nhà tạm lánh”. Qua 10 năm hoạt động, mô hình nhân văn này đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng, với hơn 200 cán bộ ở 12 chi hội, thu hút gần 2.000 thành viên tham gia.
Nhân rộng, lan tỏa
Xuất phát từ thực tế, thấy nhiều phụ nữ chịu thiệt thòi, là “nạn nhân” bị bạo lực thân thể, tinh thần trong chính gia đình mình, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đặng Xá Ngô Thị Hồng Huệ trăn trở suy nghĩ giải pháp để giúp đỡ chị em. Sau khi nghiên cứu kỹ các quy định về bảo vệ quyền lợi phụ nữ, phòng, chống bạo lực gia đình… bà Huệ tập hợp cán bộ, hội viên ở các thôn để họp bàn. Khi bà Huệ đề xuất ý tưởng xây dựng mô hình “Ngôi nhà tạm lánh” mọi người đều đồng tình, hưởng ứng.
Chia sẻ về điều này, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hoàng Long (xã Đặng Xá) Nguyễn Thị Chung cho biết, thành công “hóa giải” khúc mắc cho những phụ nữ đến lánh nạn tại nhà bà chính là sự ủng hộ từ chồng, con. Thấy việc làm của bà rất nhân văn nên mọi người vui vẻ chung tay hỗ trợ. Còn Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Lời (xã Đặng Xá) Đoàn Thị Điệp cho biết: “Ban đầu, khi tôi trình bày ý tưởng về việc ngôi nhà của gia đình sẽ là địa chỉ cho phụ nữ bị bạo hành lánh nạn, chồng, con chưa đồng ý ngay. Nhưng sau khi tôi mang tài liệu, hình ảnh về nỗi khổ cực của người phụ nữ bị bạo hành… thì mọi người dần cảm thông. Hiện nay, chồng, con tôi còn trang bị cả tủ thuốc, dụng cụ y tế bông băng, thuốc và đặc biệt khi có người gặp nạn đến thì luôn coi họ như người thân trong gia đình…”.
Chủ tịch UBND xã Đặng Xá Nguyễn Thị Nam đánh giá, mô hình “Ngôi nhà tạm lánh” của Câu lạc bộ Phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình do Hội Liên hiệp phụ nữ xã phụ trách rất thiết thực, 100% trường hợp đến lánh nạn xong về gia đình đều hạnh phúc, bình yên. Xã đang xem xét cơ chế hỗ trợ nhân rộng mô hình này.
Hiện nay, mô hình trên của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đặng Xá được nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đến học hỏi kinh nghiệm. Mong rằng từ đây, mô hình tiếp tục được nhân rộng, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng một cộng đồng an toàn cho phụ nữ.
Theo Báo Hà Nội mới