Bình Dương: Đối tượng có hành vi cướp giật vé số của người khuyết tật

(ĐHVO). Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn thường gặp những người khuyết tật vượt qua những rào cản và khiếm khuyết của bản nhân để có thể lao động chân chính và làm việc như bất kỳ ai khác. Tuy nhiên, đã có một số đối tượng đã lợi dụng những hạn chế trong khả năng tự vệ của người khuyết tật để thực hiện những hành vi phạm tội. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức bị xã hội lên án.

Theo các thông tin phản ánh, chiều ngày 01/02, một người phụ nữ khuyết tật đi xe 3 bánh bán vé số dạo trong một con hẻm trên đường 30/4 (phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một). Lúc này xuất hiện một người đàn ông đi xe máy tiếp cận, giả vờ hỏi mua, rồi bất ngờ giật hơn 200 tờ vé số và bỏ chạy. Bị giật bất ngờ, người phụ nữ khuyết tật tri hô nhờ giúp đỡ nhưng đối tượng đã tẩu thoát khỏi hiện trường. Hiên tại, lực lượng chức năng địa phương đã vào cuộc xác minh, truy xét đối tượng này.

( Hình ảnh đối tượng giật vé số của người khuyết tật)

Để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề pháp lý liên quan vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý – Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt đã có những quan điểm chia sẻ: Trước hết, phải khẳng định, cũng như bất cứ ai trong xã hội, hình ảnh lao động chân chính, chăm chỉ luôn là một hình ảnh đáng trân trọng và điều đó càng có ý nghĩa hơn khi là người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, nỗ lực, phấn đấu để mưu sinh, đảm bảo sinh kế cho bản thân và gia đình. Và bất kỳ ai trong chúng ta cũng cần đồng cảm và hỗ trợ, tuy nhiên, lại có những người lợi dụng những hạn chế trong khiếm khuyết của người khuyết tật để thực hiện hành vi phạm tội. Có thể nói, đây là một vụ việc gây phẫn nộ, bức xúc trong dư luận trong thời gian vừa qua, hành vi của người đàn ông không những vi phạm đạo đức xã hội mà hoàn toàn có thể đã vi phạm pháp luật hình sự. Đó là hành vi đáng lên án và phải chịu sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật, qua đó giáo dục và răn đe đối với tất cả mọi người để tránh những sự việc tương tự xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt – PV

Trong buổi phỏng vấn, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt chia sẻ thêm, với hành vi giật hơn 200 tờ vé số của người phụ nữ khuyết tật rồi bỏ chạy thì người đàn ông trên có thể bị xử lý hình sự về tội cướp giật tài sản theo quy định tại Điều 171 Bộ luật hình sự 2015 mức phạt tù nhẹ nhất là 01 năm, cao nhất có thể là chung thân. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc cướp giật của người khuyết tật hoàn toàn có thể được xem là yếu tố tăng nặng, định khung cao hơn theo quy định của pháp luật. Đồng thời, theo khoản 2 điều 14 Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng quy định hành vi xâm phạm đến tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật là hành vi bị nghiêm cấm. Vì vậy người nào có hành vi xâm phạm đến tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Điểm c khoản 2 điều 9 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Hiện, vụ việc đang là tâm điểm của dư luận trong những ngày qua. Vì vậy rất mong cơ quan điều tra sẽ sớm tìm ra thủ phạm và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Thực hiện: Hưng Nguyên

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top