(ĐVHO). Ngày 16/02/2022 UBND Tỉnh Bình Định ban hành Quyết Định số 467/QĐ-UBND nhằm nâng cao năng lực người thực hiện trợ giúp pháp lý và đảm bảo người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Quyết định số 09/QĐ-BTP ngày 07/01/2022 của Bộ Tư pháp, ngày 16/2/2022 UBND tỉnh Bình Định ra Quyết Định số 467/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2022.
Nội dung các hoạt động cụ thể của Kế hoạch cần đáp ứng những yêu cầu: Phù hợp với đặc thù của người khuyết tật và quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cũng như các xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong các kế hoạch, chương trình, đề án về người khuyết tật; Tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức về người khuyết tật; Ttrong quá trình triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính có thể lồng ghép với các hoạt động trợ giúp pháp lý khác nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Theo kế hoạch, các hoạt động thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý gồm:
Thứ nhất, nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. Xây dựng các chương trình, tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính (cụ thể theo từng dạng tật trong các lĩnh vực pháp luật phù hợp với thực tế của địa phương) ít nhất từ 01 đến 02 lớp/năm.
Thứ hai, thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính đồng thời chú trọng thực hiện tư vấn chính sách đặc thù dành cho người khuyết tật ở các dạng tật khác nhau và vụ việc tham gia tố tụng.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Thứ ba, thực hiện truyền thông, tăng cường khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính: Tổ chức điểm truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính ở cơ sở; lồng ghép việc truyền thông trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính với các chương trình, đề án khác về người khuyết tật ở địa phương, nhất là tại xã, phường, thị trấn nơi người khuyết tật sinh sống; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong hoạt động truyền thông để tăng cường khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính như: nghiên cứu bổ sung nội dung hỗ trợ người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính khi xây dựng các phần mềm về trợ giúp pháp lý.
Thứ tư, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính; khảo sát, đánh giá kết quả, nhu cầu thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính.
Để tổ chức thực hiện, Sở Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; đồng thời giúp UBND tỉnh theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và báo cáo việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này trong phạm vi toàn tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc UBND tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính.
Hồng Thái