(ĐHVO). Chiều ngày 9/01, Hội NKT tỉnh thái Bình phối hợp với Trung tâm hỗ trợ Sống độc lập thành phố Hà Nội, trường đại học RMIT thành phố HCM tổ chức Chương trình: “Tư vấn tiếp cận thông tin về tiêm chủng phòng chống Covid-19 cho người lớn và trẻ em Thái Bình” theo hình thức trực tuyến.
Dự và chủ trì hội nghị có Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội NKT tình Thái Bình; Đồng chí Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sống độc lập Hà Nội; TS.BS Đặng Thị Thanh Huyền, thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ TW); Bác sĩ chuyên khoa cấp I Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Trưởng phòng Phục hồi chức năng và Giám định, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế; lãnh đạo đại diện Hội NKT cùng các đại biểu tại các tỉnh thành trên cả nước.
Phát biều khai mạc chương trình, đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sống độc lập Hà Nội chia sẻ: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid- 19 trong thời gian qua, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân cả nước nói chung và NKT nói riêng, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người NKT trong công tác tiếp cận vaccine cũng như việc tăng cường bảo vệ sức khỏe cho NKT vượt qua đại dịch, Trung tâm đã tổ chức chuỗi dự án “Tiếp cận thông tin về tiêm chủng phòng chống Covid-19 cho NKT”. Với mục tiêu, mô hình hóa thông tin liên quan về vaccine, để tạo điểm kết nối thông tin về vaccine cho NKT là người Việt Nam tại Indonesia góp phẩn đẩy nhanh quá trình tiêm chủng phòng chống Covid- 19 của hai quốc gia, qua các kênh thông tin, giúp NKT tật có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vaccine cũng như các biện pháp phòng tránh để cùng vượt qua đại dịch.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội NKT Tỉnh Thái Bình chủ trì hội nghị
Tại buổi hội thảo, TS.BS Đặng Thị Thanh Huyền và BS. Nguyễn Thị Thanh Lịch đã chia sẻ, trao đổi một số thông tin, kế hoạch tiêm chủng cũng như những tình huống thường gặp trong công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Theo TS.BS Đặng Thị Thanh Huyền, trong thời điểm hiện tại, dịch bệnh ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, với tốc độ lây lan nhanh cùng với những biến chủng thay đổi với tốc độ nhanh và phức tạp, điều cần thiết lúc này là tăng độ bao phủ vaccine trên diện rộng để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh đối với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với NKT và những đối tượng bị bệnh nền, vì đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Thông tin về tiến độ cung cấp và tăng độ phủ Vaccine trên cả nước, đồng chí cho biết, thời gian qua, với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước cùng các Bộ, Ngành liên quan trong công tác đàm phán và mua sắm, tiêm chủng vaccine phòng Covid- 19, đến thời điểm hiện tại, theo thông báo của Bộ y tế, tính đến ngày 9/01, Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng cho hơn 160 triệu liều Vaccine phòng Covid- 19, đạt tỉ lệ bao phủ 99.8 % đối với những trường hợp đã được tiêm 1 mũi và tỉ lệ tiêm liều cơ bản đạt đạt 92.1% dân số, đối với những độ tuổi từ 18 tuổi trở lên. Đối với các trường hợp có độ tuổi từ 12-17 đã được tiêm mũi 1 là 88.5% đạt tỉ lệ bảo phủ cơ bản là 64.1% dân số.
Cũng theo TS.BS Đặng Thị Thanh Huyền, qua nghiên cứu của các nước tiên tiến trên thế giới thì dịch Covid-19 cũng cần xem như một loại bệnh cúm mùa, mà ta cần sống và thích ứng một cách linh hoạt để có thể vừa chống dịch và phát triển các hoạt động khác, trong đó, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 được xem là công việc thông thường như một hoạt động tiêm chủng khác.
Trước những băn khoăn của một số hội viên về việc tiêm chủng an toàn, cũng như giải pháp khắc phục cho các trường hợp phản ứng sốc phản vệ trong quá trình tiêm chủng đặc biệt là đối với NKT, và một số băn khoăn về những trường hợp có bệnh nền như: bệnh ung thư, cao huyết áp, động kinh, phụ nữ có thai và đang cho con bú….cũng như sự kháng thể của Vaccine trước biến thể mới Omicron, TS.BS Đặng Thị Thanh Huyền cho biết: Theo khuyến cáo, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 đối với người có bệnh nền, người cao tuổi, bệnh nhân động kinh, phụ nữ đang mang thai và cho con bú là điều cần thiết. Không những thế, đối với những trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng yếu như, bệnh nhân đang điều trị ung thư, hay các bệnh nền làm suy giảm sức đề kháng thì càng phải tiêm bổ sung thêm liều vaccine hơn những người khỏe mạnh khác để tăng khả năng đề kháng cho cơ thể và cần tiêm vaccine sớm nhất để bảo đảm an toàn trước những biến chủng phức tạp.
Tuy nhiên, việc tiêm chủng chỉ là một trong số các biện pháp cần thiết để tăng khả năng chống chọi bệnh tật chứ không hoàn toàn có thể ngăn chặn việc nhiễm bệnh, cũng như ngăn chặn hoàn toàn mức độ lây lan của dịch bệnh, đặc biệt là đối với biến chủng mới Omicron. Cũng chính vì điều đó, ngoài việc tăng độ phủ của vaccine, việc thực hiện các biện pháp 5K cũng như thực hiện đeo khẩu trang là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn này, bởi đây đang là giai đoạn nguy hiểm, dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp. Mặt khác, trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022 sắp đến, việc lây nhiễm có thể gia tăng do người dân di chuyển từ các địa phương, trong đó có những địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Chia sẻ về những trường hợp phản ứng cũng như sốc phản vệ đối với vaccine, TS.BS Đặng Thị Thanh Huyền cho biết, việc tiêm chủng không tránh khỏi những trường hợp bị phản ứng với vaccine phòng covid- 19. Tuy nhiên, theo thống kê đến thời điểm hiện tại việc tiêm chủng vẫn đang đạt tỉ lệ an toàn, những trường hợp sốc phản vệ do vaccine gây ra rất ít, trong đó, một số trường hợp phản ứng thông thường đã được khuyến cáo. Đặc biệt, đối với độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi hoàn toàn yên tâm bởi theo khảo sát đến thời điểm hiện tại gần như tất cả các trường hợp đã được tiêm chủng đều đảm bảo an toàn và không có những phản ứng phản vệ quá mức.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã thảo luận trao đổi và đưa ra những khuyến nghị đề xuất đối với các cấp Bộ, Ngành liên quan nhằm thúc đẩy công tác trợ giúp cho NKT, theo đó đề xuất:
– Lồng ghép chương trình tiêm chủng cho NKT vào trong tất cả các quy định về công tác tiêm chủng phòng Covid- 19 của Quốc gia và địa phương.
– Hỗ trợ đăng ký tiêm chủng cho NKT. Lập danh sách những người khuyết tật đặc biệt nặng, người có bệnh nền được ưu tiên tiêm chủng tại cơ sở y tế.
– Tại các địa điểm tiêm, cần bố trí các điều kiện thuận lợi để người khuyết tật có thể di chuyển bằng phương tiện của mình được thuận lợi như, đường dành cho xe lăn, đường dốc, thang máy…
Trần Hiền