Các thầy thuốc cảnh báo, thời tiết nắng nóng bất thường khiến trẻ em mắc các bệnh mùa hè tăng nhanh, trong đó có bệnh tay-chân-miệng. Nếu trẻ đến viện muộn, bệnh biến chứng nặng để lại di chứng thần kinh, bại não.
Bệnh tay, chân và miệng (TCM) là một hội chứng bệnh ở người do virus đường ruột thuộc họ Picornaviridae gây ra. Bệnh thường được đặc trưng bởi sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước.
Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi, hiếm gặp hơn ở nhóm trẻ dưới 6 tháng và trên 5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều vào tháng 2 – 4 và tháng 9 – 12.
Ảnh minh họa, nguồn ảnh Internet
Theo thống kê của Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc tay chân miệng. Chỉ tính riêng 2 tháng 6-7, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh này đã tăng 5-6 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 30-50 bệnh nhân. Các bệnh nhân chủ yếu đến từ Hà Nội. (Thông tin trên báo VOV)
Bệnh tay chân miệng tuy có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu như: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
Tổn thương ở da: rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
Hiện tại vẫn chưa có vaccine phòng bệnh chân tay miệng. Trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành.
Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Lan Phương (T/h)