Bảo vệ chăm sóc trẻ em là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của toàn xã hội cùng với sự hỗ trợ có hiệu quả của các tổ chức quốc tế, nhiều trẻ em đã được hưởng các quyền cơ bản của mình, được bảo vệ chăm sóc, giáo dục tốt hơn.
Bến Tre: Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em tại gia đình và cộng đồng.
Phòng, chống đuối nước cho trẻ
Trong giai đoạn 2015-2017, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích gây ra. Tại tỉnh Bến Tre, giai đoạn này có 63 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Đuối nước hiện đang là mối đe dọa lớn nhất tới sự sống còn của trẻ em, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Tổn thất về xã hội và kinh tế do đuối nước gây ra ở trẻ em và vị thành niên rất lớn.
Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước tại Việt Nam là: do nhận thức của cộng đồng về công tác phòng tránh đuối nước trẻ em còn hạn chế; cha mẹ, người chăm sóc trẻ và đặc biệt là chính bản thân các em thiếu kiến thức, kỹ năng về an toàn torng môi trường nước; do trẻ không biết bơi vì thực tế hiện nay có khoảng 30% trẻ em lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết bơi.
Chương trình sữa học đường cho trẻ em góp phần cải thiện dinh dưỡng cho trẻ
Bên cạnh đó, còn rất nhiều nguyên nhân khác như thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường không an toàn; do thiên tai bão lũ, do trẻ em chưa thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông đường thủy; môi trường sống còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước.
Để góp phần phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng chống đuối nước ở trẻ em trong thời gian tới, Bến Tre tập trung một số nhiệm vụ như:
Tăng cường công tác tuyên truyền với nội dung đa dạng, phong phú bằng nhiều cách, nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giáo dục vận động xã hội, cộng đồng, trường học và hộ gia đình quan tâm hơn nữa về tình hình tai nạn thương tích đối với trẻ em; phổ biến các biện pháp phòng, chống tai nạn, các biện pháp sơ cấp cứu khi gặp tai nạn; cung cấp kiến thức, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về kỹ năng sống cho trẻ em.
Nâng cao năng lực quản lý của cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp. Củng cố và nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn trong môi trường nước, các quy định an toàn khi tham gia giao thông cho trẻ em
Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa các loại hình tai nạn, thương tích trẻ em phòng, chống đuối nước trẻ em trong 03 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp liên ngành về thực hiện và công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung, phòn chống đuối nước ở trẻ em nói riêng.
Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa các loại hình tai nạn, thương tích trẻ em phòng, chống đuối nước trẻ em trong 03 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội
Đảm bảo trẻ em phát triển toàn diện
Thời gian qua, Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã chọn ba tỉnh để triển khai thí điểm 02 mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời. Đó là tỉnh Bắc Ninh, Bến Tre và Hải Phòng.
Tiêu chí lựa chọn là địa phương có kế hoạch triển khai Quyết định 1437/QĐ-TTg và có những ưu tiên để thực hiện công tác chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; tỉnh có sự cam kết triển khai mô hình thí điểm và nhân rộng tại địa phương; Cấp huyện, cấp xã có đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em sẵn sàng để triển khai thực hiện mô hình; Tỷ lệ trẻ em dưới 8 tuổi khá cao, các em cần được chăm sóc để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần.
Trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời, trên cơ sở đó, bảo đảm cho trẻ em đến 8 tuổi được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; được bình đẳng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo độ tuổi nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Vì vậy, tỉnh đã chọn 02 xã An Thủy và xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri để triển khai thí điểm mô hình này.
Theo số liệu thống kê, tại huyện Ba Tri tỷ lệ trẻ em dưới 8 tuổi chiếm 51,82% dân số trẻ em toàn huyện (khoảng 19.700 trẻ); trong đó, 02 xã Mỹ Thạnh và An Thủy tỷ lệ này dao động từ 48-55,2% so với dân số trẻ em của xã. Mô hình điểm gồm có các hoạt động như Hình thành ban điều phối các cấp và đội ngũ cộng tác viên của mạng lưới cung cấp dịch vụ tại 02 xã An Thủy và xã Mỹ Thạnh; Khảo sát, đánh giá về số lượng trẻ em độ tuổi từ 0-8 tuổi trong các hộ gia đình, đặc điểm tình hình trẻ em và số nhân khẩu trong gia đình cũng như thực trạng tình hình trẻ em và công tác chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em tại địa phương, thực trạng tình hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em từ 0-8 tuổi, nhận thức của cộng đồng, của các gia đình và nhu cầu của trẻ về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em…
Hình thành các dịch vụ, mạng lưới thực hiện công tác tư vấn, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ trong chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời và dịch vụ kết nối nhằm đáp ứng nhu cầu của trẻ về chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng; Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn giáo dục làm cha mẹ, cung cấp dịch vụ và kết nối dịch vụ chăm sóc toàn diện trẻ em những năm đầu đời.
Trẻ em con hộ nghèo Bến Tre, tham quan tìm hiểu bảo tàng Lâm Đồng tại trại hè Đại sứ hàng việt tí hon
“Phát triển toàn diện trẻ em đòi hỏi các ngành phải hỗ trợ từ sớm và can thiệp liên ngành. Việc cung cấp dịch vụ toàn diện sẽ đảm bảo các em được hưởng một tuổi thơ an toàn, hạnh phúc và có cơ hội tốt hơn để phát triển tự tin và là nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước trong tương lai. Bên cạnh đó, các dịch vụ phát triển trẻ em toàn diện có thể được nâng tầm để củng cố sự gắn kết xã hội chiều ngang giữa các nhóm và sự gắn kết xã hội chiều dọc giữa các cấp các ngành và người dân.
Trong 02 năm qua, việc triển khai Kế hoạch số 5830/KH-UBND, ngày 11/12/2018 theo tinh thần Quyết định 1437/QĐ-TTg ngày 29/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng trong giai đoạn 2018-2025, với sự phối hợp của các cấp, các ngành, đã mang lại những kết quả đáng kể, như: Truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ có liên quan đến công tác trẻ em của các ngành, đoàn thể các cấp, các cơ sở cung cấp dịch vụ về các kiến thức, kỹ năng liên quan đến chăm sóc trẻ em; Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành; theo dõi, giám sát, đánh giá về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch, chất lượng các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em và môi trường hỗ trợ việc tiếp cận các dịch vụ cho trẻ em và tăng cường huy động nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, trẻ em.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát bền vững, đảm bảo trẻ em phát triển toàn diện, thời gian tới, với sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, trong đó có sự quan tâm đặc biệt của ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Y tế, lực lượng Cộng tác viên tại cơ sở, sẽ có những giải pháp xác thực để đạt được mục tiêu của Kế hoạch….” ông Phạm Thanh Hùng – PGĐ Sở LĐTBXH cho biết.
Nguồn: Báo Điện tử Dân sinh