Ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, một trong những công việc trọng yếu nhất của Đảng ta đã thực hiện là củng cố, tăng cường chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân. Đó là việc tổ chức cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, tất cả công dân từ mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt thành phần xã hội, giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…
Ngày 06/01/1946, với ý chí của cả Dân tộc quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do; với niềm tin “Đi bỏ phiếu là đặt một viên gạch xây đắp nền cộng hoà dân chủ”, nhân dân ta ở khắp mọi miền đất nước, mặc dù nhiều người đã phải hy sinh, nhưng chúng ta đã thực hiện thành công quyền lợi và nghĩa vụ của người dân một nước độc lập có chủ quyền. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân ta đã thực hiện quyền làm chủ đất nước và xã hội thông qua lá phiếu để bầu những đại biểu thay mặt mình gánh vác công việc nước nhà.
Ảnh minh họa – Nguồn Internet
Quốc hội Việt Nam đầu tiên ra đời từ lòng dân, đại diện các tầng lớp, các giới, các đảng phái chính trị ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Với 403 đại biểu bao gồm các thành phần công nhân, nông dân, trí thức, các nhà tư sản, người buôn bán… đó là hình ảnh tượng trưng cho khối toàn dân đoàn kết, minh chứng cho việc thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực của nhân dân. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức để điều hành đất nước và ban hành Hiến pháp 1946, mở ra trang sử mới cho đất nước ta khi có một hệ thống chính quyền thống nhất, chính danh về mặt pháp lý, đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Đó chính là nền tảng vững chắc cho Cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để đi đến thắng lợi cuối cùng. Sự ra đời của Quốc hội và cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 đã mãi mãi gắn liền với những bước ngoặt lịch sử vĩ đại của Dân tộc.
Cuộc Tổng tuyển cử lần thứ 2 diễn ra năm 1976, sau 30 năm chúng ta phải chiến đấu giải phóng miền Nam. Nếu như cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 đã chính thức hóa về mặt pháp lý Nhà nước và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 lại mang ý nghĩa chính thức hóa việc thống nhất đất nước. Tuy có khác nhau về hoàn cảnh lịch sử, nhưng hai cuộc Tổng tuyển cử đều có một điểm chung là khơi dậy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, khát vọng độc lập, hòa bình của người Việt Nam. Các đại biểu dân cử khi ấy ít nhiều còn có sự khác biệt, nhưng đều gặp nhau ở tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng cống hiến tài năng phụng sự nhân dân và luôn hướng về mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết. Danh sách các ứng cử viên trong cuộc Tổng tuyển cử hai miền Nam Bắc năm 1976 đã phản ánh đậm nét hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam thống nhất. Kết quả cuộc Tổng tuyển cử là sự ra đời Quốc hội nước Việt Nam (Khóa VI). Đó là sự kế thừa và phát triển liên tục từ năm 1946, thể hiện sự nhất quán trong đường lối cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Qua 75 năm với 14 nhiệm kỳ hoạt động từ Khóa I cho đến Khóa XIV, Quốc hội đã xây dựng và thông qua 5 bản Hiến pháp, dù ở vào thời điểm, hoàn cảnh lịch sử nào, Quốc hội Việt Nam luôn là niềm tin của nhân dân và đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước.
Ngày 17/11/2020 Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 quyết định Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật 23/5/ 2021. Cuộc bầu cử lần này trong thời điểm Việt Nam đang tiếp tục triển khai công cuộc đổi mới, xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN theo quy định của Hiến pháp 2013 và các luật có liên quan. Đến nay công tác chuẩn bị cho Ngày bầu cử đang được các cấp, các ngành và các địa phương tích cực chuẩn bị để đảm bảo cuộc bầu cử thành công đúng với kỳ vọng của nhân dân. Tính đến hết ngày 19/3/2021 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai, theo kế hoạch hội nghị hiệp thương lần ba sẽ được tổ chức trước 17 giờ ngày 19/4/2021.
Việt Nam sau 35 năm đổi mới chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện với những dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Cuộc bầu cử lần này được tiếp thêm động lực sau thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã và đang cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục phấn đấu đưa nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng XHCN.
Để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, ngoài Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, chúng ta còn có 21 văn bản hướng dẫn bầu cử của: BCH Trung ương; Quốc hội; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính; UBKT Trung ương; UBTV Quốc hội; Bộ Nội vụ; Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết liên tịch UBTV Quốc hội – Chính phủ – MTTQ Việt Nam; Hội đồng bầu cử Quốc hội; Hội đồng bầu cử Quốc gia; Ban Tổ chức Trung ương; UBTW-MTTQ Việt Nam; Ban Tuyên giáo TW… ban hành hướng dẫn thực hiện. Có thể nói cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để tổ chức thắng lợi, bảo đảm tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm để ngày bầu cử thành công.
Tuy nhiên, càng gần đến ngày bầu cử, các thế lực thù địch càng đẩy mạnh việc xuyên tạc về tổ chức bầu cử, cổ xúy cho một số đối tượng tự xưng là “dân chủ”, “vì dân”… tự ứng cử, nói xấu các nhân sự là đảng viên, kêu gọi “tẩy chay bầu cử”… Đi bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân. Để có được quyền này, cả dân tộc, toàn thể nhân dân ta phải đấu tranh kiên cường, biết bao xương máu cha ông đã đổ xuống cho con cháu hôm nay. Trải các bản Hiến pháp, quyền bầu cử và ứng cử luôn được khẳng định. Hiến pháp năm 2013, Điều 27 hiến định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”. Như vậy, Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền bầu cử, ứng cử được coi là quyền quan trọng nhất của công dân. Đi đôi với quyền là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân. Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.
Năm 2020 và hiện nay, cùng với thế giới, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và nguy cơ có thể còn kéo dài. Cùng với dịch bệnh là những diễn biến phức tạp của thế giới và khu vực về cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, thương mại, công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ… diễn ra ngày càng phức tạp luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn mới; các thế lực phản động chưa khi nào từ bỏ ý định chống phá cách mạng của Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm 2021 – 2025, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030” và những năm tiếp theo để xây dựng Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, theo tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn Dân tộc.
Từ những kinh nghiệm trong các kỳ Tổng tuyển cử bầu Quốc hội trước đây, là những bài học quý giá để Đảng và Nhà nước ta tiếp tục lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021– 2026 đi đến thành công. Quốc hội Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra sau thành công của Đại hội XIII của Đảng, là dịp để nhân dân tiếp tục thực hiện quyền làm chủ thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người thật sự có đức, có tài đại diện cho mình tại Quốc hội và HĐNH các cấp. Để Ngày bầu cử 23/5/2021 thực sự là ngày hội lớn của toàn dân. Thêm một lần nữa khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, miềm tin của nhân dân đối với Đảng, để hoàn thành công cuộc đổi mới đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam./.
T.V.C