Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức Hội nghị tập huấn “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” giai đoạn 2021 – 2025, với sự tham gia của gần 100 phóng viên, biên tập viên từ các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và các cơ quan báo chí địa phương khu vực phía Nam. Tham dự và chủ trì Hội nghị tập huấn có bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại lớp tập huấn.
Hội nghị được nghe các chuyên gia của Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ thông tin cho các nhà báo về hiện trạng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và các xu hướng công nghệ nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; các văn bản của pháp luật như: Luật Trẻ em, Luật an toàn thông tin mạng cũng như các Nghị định, Thông tư và Bộ quy tắc áp dụng cho các nhóm đối tượng trong vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Mục đích của Hội nghị tập huấn nhằm cung cấp những thông tin, tư liệu hữu ích để các phóng viên báo chí có thể lan tỏa thông điệp và nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho trẻ em trên môi trường mạng. Với 2 chuyên đề chính: Hiện trạng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và một số quy định liên quan của về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Xu hướng công nghệ nhằm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Bà Phạm Thị Thuỷ, Cục trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ thông tin về bảo vệ trẻ em, những quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Hiện nay, internet được coi là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Với Internet, trẻ em có thể truy cập, tìm kiếm những điều bổ ích và những điều mình thích, nhưng song hành cùng những tiện ích lành mạnh là những tác động xấu, ảnh hưởng tới nhận thức của trẻ. Để an toàn trên môi trường mạng và không lạc lối khi bước vào thế giới intenet, trẻ em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng, nhận biết cần và đủ.
Vì vậy, Báo chí đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác thông tin và truyền thông về các vấn đề trẻ em trên môi trường mạng. Để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền một cách hiệu quả, không vi phạm các quyền của trẻ em, báo chí cần được trang bị nhiều hơn nữa về kiến thức và chia sẻ các giá trị đạo đức cụ thể trong truyền thông, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Mục tiêu của Chương trình nhằm bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật; trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng… |
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội