Việc nhận diện những quan điểm sai trái, xuyên tạc quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề dân chủ trên mạng xã hội của các thế lực thù địch và chủ động đấu tranh bảo vệ quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề dân chủ là nhiệm vụ cấp bách đối với cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân yêu Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Tóm tắt:
Trong bài viết, tác giả chỉ ra việc nhận diện những quan điểm sai trái, xuyên tạc quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân chủ trên mạng xã hội của các thế lực thù địch. Từ đó, chủ động đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, ngăn chặn sự chống phá của chúng, bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ một cách có hiệu lực, hiệu quả.
Từ khóa: Mạng xã hội; Dân chủ; Người khuyết tật, Chủ nghĩa Mác-Lênin…
1. Đặt vấn đề
Sự ra đời, phát triển vượt bậc của mạng xã hội, bên cạnh những ưu điểm không thể phủ nhận được trong đời sống của mỗi con người và cộng đồng xã hội, đã trở thành một môi trường lý tưởng nhất: đặc biệt, là lợi dụng những đối tượng là người yếu thế trong xã hội: người khuyết tật, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn …. để lợi dụng, phát tán những tư tưởng, quan điểm sai trái, xuyên tạc vấn đề dân chủ theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, với mục đích cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc nhận diện những quan điểm sai trái, xuyên tạc quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề dân chủ trên mạng xã hội của các thế lực thù địch và chủ động đấu tranh bảo vệ quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề dân chủ là nhiệm vụ cấp bách đối với cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân yêu Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
2. Mạng xã hội
Mạng xã hội (social network) được định nghĩa ở nhiều giác độ khác nhau, nhưng theo Nghị định Về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên mạng của Chính phủ: “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”[1]. Nhờ đó, người dùng có thể truy cập các dịch vụ mạng xã hội thông qua các công nghệ dựa vào web trên máy tính (máy tính để bàn, xách tay, máy tính bảng) hoặc các ứng dụng trên điện thoại thông minh người dùng kết nối với nhau trên các nền tảng tương tác cao, thông qua đó các cá nhân, cộng đồng và tổ chức có thể chia sẻ thông tin, ý tưởng và các hình thức thể hiện khác thông qua các cộng đồng trên mạng internet.
Việt Nam vốn là một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, tỷ lệ người nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn cao nhưng lại là một trong những nước sớm hội nhập quốc tế về công nghệ hiện đại, đặc biệt là Internet, mạng xã hội. Theo số liệu thống kê, Việt Nam đứng thứ 12/20 quốc gia dẫn đầu[2] về số lượng người sử dụng Internet với 94% là số người sử dụng hàng ngày, 67% dân số sử dụng, truy cập trung bình 7 tiếng/ngày, 6% là số người sử dụng ít nhất một lần trong tuần. Với khoảng 360 mạng xã hội hoạt động, số người sử dụng mạng xã hội đạt 64% dân số Việt Nam, ở mức cao trong khu vực Đông Nam Á và châu Á (tính đến cuối năm 2019)[3], “có hơn 1.600 trang mạng điện tử tổng hợp và 132 mạng xã hội đã được cấp phép và hàng chục mạng xã hội của nước ngoài có dung lượng lớn người sử dụng (như facebook, twitter, v.v.), đạt mức thâm nhập/dân số là 48%, cao hơn mức trung bình của khu vực (38,8%) và của thế giới (45%).
Trong bối cảnh hiện nay, mạng xã hội đã góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước, đã trở thành công cụ rất quen thuộc và là “một phần tất yếu” của các tầng lớp nhân dân, đáng chú ý phải kể đến là công cụ hỗ trợ quan trọng trong công việc, cuộc sống đối với những người có hoàn cảnh khó khăn: người nghèo, người khuyết tật…. Những tiện ích của mạng xã hội đem đến những cách thức giao tiếp tiện lợi, có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi; tạo điều kiện cho các thành viên trong xã hội, xóa bỏ mọi khoảng cách và kết nối với nhau. Người dân có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua mạng xã hội. Đặc biệt, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn được tự do thể hiện quan điểm, được mọi người tôn trọng, được sự bình đẳng, được tạo điều kiện giúp đỡ. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương chủ động đưa thông tin chính thống lên các mạng xã hội để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính và liên hệ với người dân, nhất là đối với những người khuyết tật, người khó khăn trong nhận thức và hành vi. Tất cả những điều đó cho thấy bảo đảm quyền tự do Internet, mạng xã hội luôn là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước và được bảo đảm thực hiện trên mọi lĩnh vực xã hội ở Việt Nam.
Với cơ chế lan truyền thông tin “tốc độ hàm số mũ”, khó kiểm soát, mạng xã hội đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với đời sống xã hội. Chính Klaus Schwab đã cảnh báo: “Sức mạnh dân chủ của truyền thông số đồng nghĩa với việc nó có thể được các chủ thể phi nhà nước lợi dụng, đặc biệt là với những cộng đồng có động cơ xấu sử dụng để tuyên truyền, vận động người ủng hộ với mục đích cực đoan”[4]. Do nắm ưu thế về công nghệ hiện đại, các thế lực thù địch “nhào nặn” thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc trên mạng xã hội để tác động vào nhận thức, từ nhận thức sẽ dẫn dắt hành vi và ứng xử. Các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng sự thương cảm của mọi người đối với: người nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn … để tuyên truyền những luận điêu xuyên tạc, chống phá Nhà nước. Khi mà ứng xử được lặp đi lặp lại sẽ dần chuyển thành nền nếp, tập quán, thói quen và cuối cùng sẽ thành những chuẩn mực của xã hội. Mạng xã hội tuy ảo nhưng đã mang đến những hậu quả thật, nhất là khi người dùng mạng xã hội hiện nay vẫn còn tình trạng thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong những lần thích (like), chia sẻ (share), bình luận (comment). Đặc biệt, người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người yếu thế trong xã hội bị kì thị và xúc phạm trên môi trường mạng xã hội.
Dân chủ là một vấn đề nhạy cảm và phức tạp, phản ánh bản chất, thể chế chính trị của mỗi quốc gia. Do vậy, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách lợi dụng vấn đề này để chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cả từ cơ sở lý luận cho đến thực tiễn. Điều đó, đòi hỏi chúng ta phải nhận diện những quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch hòng bác bỏ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ trên mạng xã hội để có những giải pháp hữu hiệu.
3. Nhận diện quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, bác bỏ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ trên mạng xã hội hiện nay
Thời gian qua, các thế lực thù địch đã và đang biến mạng xã hội trở thành công cụ đắc lực cho các hoạt động chống phá tư tưởng để tác động đến nhận thức làm phai nhạt lý tưởng cách mạng, hướng lái nhận thức, lôi kéo người dân vào các hoạt động phức tạp về an ninh, trật tự. Trong đó, có những luận điểm mới xuất hiện và có những luận điểm đã xuất hiện trong lịch sử nhưng đến nay mới được tung lên mạng xã hội (trước đây chủ yếu tồn tại dưới dạng “truyền tay”). Tuy nhiên, những luận điệu của các thế lực thù địch ngày càng bộc lộ đầy đủ nhất những ý đồ chính trị đen tối nhằm tạo cớ cho sự hình thành các tổ chức chính trị phản động đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, là tiếp tục thực hiện các bước của chiến lược “diễn biến hòa bình” từ đó tiến hành bạo loạn, lật đổ, gây bất ổn chính trị – xã hội trong nước. Chúng tập trung tuyên truyền chống phá nhiều nhất là quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ cả trên cơ sở lý luận và thực tiễn.
Thứ nhất, chúng phủ nhận hệ thống tư tưởng Mác-Lênin về dân chủ. Các thế lực thù địch cho rằng, quan điểm Mác-Lênin về dân chủ là sai lầm ngay từ “gốc”, từ việc lựa chọn thế quan duy vật, dựa trên nguyên lý nhất nguyên trong triết học (sự nhất nguyên duy vật về sự khởi nguyên của thế giới vạn vật từ một nguyên thể vật chất) dẫn tới một đảng phái đại diện cho một giai cấp về thể chế chính trị, một đảng lãnh đạo nên không tạo ra cơ sở khách quan cho việc thực hành và phát huy dân chủ. Việt Nam chỉ có thể có dân chủ khi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập (!)[5].
Thứ hai, về cơ sở thực tiễn, chúng cho rằng, Việt Nam vẫn chỉ duy trì chế độ một đảng sẽ đồng nghĩa với độc tài, không có tiếng nói đối lập sẽ cản trở quá trình phát triển của đất nước, chỉ có thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì Việt Nam mới có dân chủ thực sự, xã hội Việt Nam mới sánh kịp được với các quốc gia khác trên thế giới, mới có thể phát triển (!)[6].
Vậy “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” có phải lựa chọn duy nhất để có dân chủ thực sự và phát triển xã hội ở Việt Nam hay không?
Thực tiễn lịch sử phát triển của các nước trên thế giới cho thấy: Dân chủ không đồng nhất với đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, nên việc thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không đồng nghĩa với việc sẽ có dân chủ thực sự hay không có dân chủ thực sự. Dân chủ là một phạm trù có tính lịch sử, xuất hiện khi nhà nước xuất hiện và mỗi nền dân chủ đều gắn với nhà nước nhất định. Nó tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn lịch sử tương ứng. Bởi “quyền không bao giờ có thể ở mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa của xã hội do chế độ kinh tế đó quyết định”[7]. Mỗi quốc gia có những điều kiện đặc thù về trình độ phát triển, về kinh tế, về chính trị,… lịch sử khác nhau, do đó có những nền dân chủ khác nhau. Chính những điều kiện lịch sử đó quy định xu hướng dân chủ chứ không phải là cơ chế đa nguyên, đa đảng hay một đảng quy định.
Vấn đề đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phải là vấn đề mới, nó xuất hiện từ rất sớm, khi các nhà triết học Hy Lạp cổ đại bàn đến sự đa nguyên về sự khởi nguyên của thế giới về sau được các nhà tư tưởng vận dụng trong phân tích về đa nguyên trong chính trị. Đến thời cận đại (thế kỷ XVIII), khi giai cấp tư sản lên cầm quyền, thì vấn đề đa nguyên chính trị được luận bàn một cách phổ biến. Thế giới quan của chủ nghĩa đa nguyên là phủ nhận tính thống nhất của thế giới vật chất, cho rằng thế giới là sự kết hợp của các nguyên thể, các yếu tố, nhưng đã được cường điệu, thổi phồng cái riêng. Chủ nghĩa đa nguyên dựa trên cơ sở chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và cho đó là mẫu hình các nước phải tuân theo. Họ chủ trương xây dựng và quản lý xã hội theo nguyên tắc đa lực lượng, đa đảng phái và các tổ chức này quan hệ với nhau theo nguyên tắc hiệp thương. “Nếu chủ nghĩa đa nguyên được áp dụng vào chủ nghĩa xã hội thì sẽ dẫn đến nguy cơ phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản, hạ thấp đảng thành một tổ chức xã hội bình thường. Nó đối lập hoàn toàn với lý luận đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác-Lênin”[8].
Về thực tiễn, việc thực hiện đa nguyên, đa đảng không đồng nghĩa với việc nước đó sẽ có dân chủ, sẽ phát triển. Điều này đã được chứng minh trên thực tế, có những nước thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập nhưng vẫn thuộc hàng nghèo nhất thế giới, chính trị xã hội thì bất ổn. Ngược lại, có những nước chỉ có một đảng lãnh đạo nhưng vẫn là một nước phát triển về kinh tế, chính trị xã hội ổn định, đời sống nhân dân được no ấm. Điều đó nói lên rằng: Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phải là cứu cách duy nhất cho sự phát triển của đất nước. Thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không đồng nhất với việc đưa đất nước phát triển, đời sống nhân dân được no ấm. Mặc khác, việc lựa chọn chế độ chính trị và mô hình phát triển đất nước còn phụ thuộc vào thực tiễn lịch sử, điều kiện cụ thể của mỗi nước.
Mặc dù bản chất của dân chủ là quyền lực của nhân dân, là quyền lựa chọn nhân dân, nhưng các thế lực thù địch lại cho rằng: “nền dân chủ tư sản được sản sinh ở Phương Tây được tạo ra là để áp dụng trên khắp thế giới”. Điều này cho thấy, chính họ rêu rao về dân chủ nhưng không hề tôn trọng những nguyên tắc sơ đẳng nhất của dân chủ. Lịch sử bắt đầu từ đâu thì tư duy bắt đầu từ đó, nên các giá trị của dân chủ phải được hình thành từ thực tiễn lịch sử. Hơn nữa, thực tiễn luôn biến đổi nên không bao giờ có một giá trị vĩnh hằng, càng không có chân lý áp dụng cho mọi quốc gia. Một mặt họ rêu rao truyền bá quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để có tiếng nói đa dạng, có tính đối trọng kiềm chế lẫn nhau, nhưng mặt khác, chính họ lại tuyên truyền cho sự độc tôn, tuyệt đối của nền dân chủ tư sản như một mô hình lý tưởng mà không muốn sự hiện hữu của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Điều này nói lên rằng, quan điểm về dân chủ của các thế lực thù địch tuyên truyền chỉ là giả hiệu, sai trái, xuyên tạc có mục đích không trong sáng, không vì quyền dân chủ thực sự của nhân dân mà vì những toan tính, mưu đồ khác phá hoại, lật đổ.
Thực tế cần khẳng định dù các thế lực thù địch sử dụng mạng xã hội để áp đặt, vu khống đến đâu thì cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng Việt Nam là một nước luôn tôn trọng và phát huy, bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân. Đặc biệt, luôn đề cao, phát huy, đảm bảo các quyền cho những đối tượng yếu thế trong xã hội: người khuyết tật, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều này được thể hiện ngay trong hệ thống quan điểm, đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, được thể chế hóa thành Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và từ thực tiễn đời sống xã hội.
Do đó, một đảng hay đa đảng chỉ là hình thức tổ chức nhà nước, tổ chức quản lý xã hội, chứ không phải cứ đa đảng là có dân chủ, một đảng là không dân chủ, v.v.. Một nền dân chủ thực sự chỉ được quyết định bởi “bản chất cách mạng của đảng cầm quyền”[9], đảng đó đại diện cho lợi ích của ai và có nhận được sự ủng hộ của số đông dân chúng (Theo V.I.Lênin: Dân chủ là sự thống trị của đa số[10]) đối với sự cầm quyền ấy hay không, sử dụng quyền lực nhà nước vào những mục đích gì trên thực tế.
Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ được hiện thực hóa ở Việt Nam đã dần thấm sâu vào đời sống của nhân dân. Thế nhưng trên một số trang mạng xã hội vẫn có những cá nhân, tổ chức phát tán những bài viết xuyên tạc, phủ nhận những thực tế về dân chủ ở Việt Nam. Họ phủ nhận, xuyên tạc tất cả, từ những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật đến cuộc đấu tranh chống sự tha hóa quyền lực, quan liêu tham nhũng của những cán bộ suy thoái, phai nhạt lý tưởng hiện nay. Trước tình hình như vậy, đòi hòi chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu.
4. Giải pháp đấu tranh ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ trên mạng xã hội hiện nay
Để chủ động đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, ngăn chặn sự chống phá của chúng, bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ một cách có hiệu lực, hiệu quả cần kiên trì và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những thông tin sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ trên mạng xã hội.
Trước hết để nâng cao “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những thông tin sai trái, xuyên tạc chúng ta cần tăng cường tuyên truyền quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ trên mạng xã hội dưới dạng “thường thức dân chủ”. Đồng thời yêu cầu cán bộ, đảng viên và động viên khích lệ nhân dân đưa nhiều tin, bài về dân chủ mang tính tích cực, gương tốt việc tốt, chú ý tuyên dương những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn , người khuyết tật có thành tích tốt trong thực hiện dân chủ với phương châm lấy “xây” để “chống”, lấy thông tin “tích cực” đẩy lùi thông tin “tiêu cực” trên mạng xã hội hiện nay.
Thứ hai, vạch trần âm mưu thủ đoạn và các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ trên mạng xã hội. Điều này, đòi hỏi chúng ta phải tích cực, chủ động ứng dụng những thành tựu của công nghệ hiện đại vào việc nắm bắt tình hình thực tế, dự báo, kịp thời phát hiện những âm mưu, thủ đoạn đặc biệt là phương thức hoạt động của các thế lực trên không gian mạng Internet. Chúng ta cần cung cấp kịp thời đầy đủ những bài viết trên mạng xã hội luận giải, làm rõ những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ trên cơ sở được soi rọi bằng lý luận khoa học sắc bén, giàu sức thuyết phục, bằng cả sức mạnh của niềm tin. Đồng thời, “tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”[11] mà Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đưa ra.
Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các lực lượng trong đấu tranh, ngăn chặn những quan điểm sai trái, xuyên tạc quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ trên mạng xã hội. Bản thân cuộc tấn công của các thế lực thù địch vào quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ không phải là ngẫu nhiên, đơn lẻ mà là một hệ thống với sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ kỹ thuật hiện đại, những chuyên gia giỏi có nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ, chặt chẽ nhằm tìm ra những khâu mắt xích yếu nhất, những kẽ hở, những khoảng trống của chúng ta để tấn công. Bởi vậy, muốn chống lại cuộc tấn công có quy mô, có hệ thống thì chúng ta phải xây dựng hệ thống các tổ chức chặt chẽ để đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên mạng xã hội. Cuộc chiến đấu trên môi trường mạng Internet vì vậy diễn ra ngày một trở nên khó lường, khốc liệt hơn. Những tiếng nói chính thống, trung thực cần phải nhanh nhạy để phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc, để bóc trần mọi mưu nham hiểm, tinh vi nhằm phá hoại khối đoàn kết thống nhất của nhân dân, cản trở sự đồng thuận xã hội, ngăn cản sự phát triển của Việt Nam. Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời thực hiện các chủ trương, giải pháp cơ bản cần được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có hệ thống.
Thứ tư, một mặt chúng ta phải tăng cường chỉnh đốn đảng, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, hạn chế để xẩy ra những thiếu sót, khuyết điểm trong quản lý kinh tế, trong đời sống xã hội để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, chống phá “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí, diễn biến phức tạp”[12]. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin thường nhắc nhở những người cộng sản rằng, trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền thường dễ mắc căn bệnh kiêu ngạo cộng sản, từ đó dẫn đến độc quyền nếu không được kiểm soát. Nhận thức sâu sắc điều này, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; tăng cường tự phê bình và phê bình, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt và hoạt động của mình. Mặt khác, chúng ta tập trung vào phát triển kinh tế đất nước, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân thì không một thế lực nào có thể chống phá được.
Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý mạng xã hội đảm bảo an ninh mạng trên môi trường internet, đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện trong công tác đấu tranh với những quan điểm sai trái, xuyên tạc, ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ trên mạng xã hội. Nhà nước phải có đối sách phù hợp, sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế, ngăn chặn những thông tin quan điểm sai trái, xuyên tạc, chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước vẫn rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay (Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng biện pháp này như, Trung Quốc; Hàn Quốc; Thái Lan; Mỹ… Đồng thời, cần làm sạch thông tin trên mạng xã hội bằng cách cung cấp kịp thời, chính xác những thông tin chính thống và an toàn để người dân nhận biết. Khi phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”[13] của Đảng được thực thi “trở thành một thứ văn hóa tồn tại một cách tự nhiên, ngấm sâu trong đời sống xã hội”[14] thì khó có thế lực thù địch nào có thể làm lay chuyển được lòng dân. Về phía người dân, cần phải trở thành những người thông thái khi sử dụng mạng xã hội trên cơ sở thực hiện nghiêm túc Luật An ninh mạng năm 2018.
5. Kết luận
Để bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về dân chủ, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, chúng ta phải nhận diện đúng các quan điểm đó. Để nhận diện đúng các quan điểm sai trái, thù địch, trước hết, cần chú ý đến bản chất nội dung thông tin, mục đích và chủ thể truyền phát thông tin trên mạng xã hội. Mặt khác cần khắc phục những hạn chế yếu kém bên trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội; “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân”[15] là giải pháp lâu dài, nhưng hiệu quả nhất để đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.
TS. Đặng Văn Luận
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định Về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên mạng, Số: 72/2013/NĐ-CP, ngày 15 tháng 7 năm 2013.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H., 2016.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H., 2021.
4. Hội đồng Lý luận Trung ương, Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong đảng, Nxb. CTQG Sự thật, H., 2017.
5. C.Mác và Ăngghen, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 1995, t.19.
6. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 2005, t.32.
7. Hồ Sĩ Quý, Một số vấn đề về dân chủ độc tài & phát triển, Nxb. Lý luận chính trị, H., 2014.
8. Klaus Schwab: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, H.,2018.
9. Thông tấn xã Việt Nam, ngày 26/02/2010.
10.https://www.vietnamplus.vn/diem-danh-11-mang-xa-hoi-ua-thich-cua-nguoi-viet-nam/550983.vnp, (Cập nhật ngày 9-2-2019).
11. https://vovworld.vn/vi-VN/binh-luan/tu-do-internet-o-viet-nam-la-thuc-te-khong-the-phu-nhan-799546.vov (Cập nhật 7/11/2019).
12. http://dangcongsan.vn/tieu-diem/truyen-thong-xa-hoi-va-nhung-thach-thuc-cho-dung-cua-nha-bao-557347.html (Cập nhật 21/6/2020).
13. https://www.youtube.com/watch?v=a-y4yHClj0Y (Cập nhật 6/4/2019).
[1] Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định Về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên mạng, Số: 72/2013/NĐ-CP, ngày 15 tháng 7 năm 2013.
[2] https://vovworld.vn/vi-VN/binh-luan/tu-do-internet-o-viet-nam-la-thuc-te-khong-the-phu-nhan-799546.vov (Cập nhật 7/11/2019).
[3] http://dangcongsan.vn/tieu-diem/truyen-thong-xa-hoi-va-nhung-thach-thuc-cho-dung-cua-nha-bao-557347.html (Cập nhật 21/6/2020).
[4] Klaus Schwab: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, H.,2018, tr.163.
[5] https://www.youtube.com/watch?v=a-y4yHClj0Y (Cập nhật 6/4/2019).
[6] https://www.youtube.com/watch?v=a-y4yHClj0Y (Cập nhật 6/4/2019).
[7] C.Mác và Ăngghen, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H., 1995, t.19, tr.36.
[8] Hội đồng Lý luận Trung ương, Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong đảng, Nxb. CTQG Sự thật, H., 2017, tr.315.
[9] Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) đã trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ năm 2010 rằng: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên hay không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất” (Thông tấn xã Việt Nam, ngày 26/02/2010).
[10] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 32, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.515.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H., 2016, tr.201.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H., 2016, tr.74.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H., 2016, tr.169-170.
[14] Hồ Sĩ Quý, Một số vấn đề về dân chủ độc tài & phát triển, Nxb. Lý luận chính trị, H., 2014, tr.237
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H., 2021, tr.38.