(ĐHVO). Chiều ngày 30/11 đồng chí Phạm Văn Sơn tỉnh ủy viên, phó giám đốc Sở tài nguyên môi trường thông tin về “Công tác bảo vệ môi trường làng nghề, xử lý rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh Nam Định” trong khuôn khổ hội nghị giao ban báo chí tháng 11 do Ban tuyên giáo tỉnh ủy phối hợp Sở thông tin truyền thông tổ chức.
Đồng chí Phạm Văn Sơn phó giám đốc sở tài nguyên môi trường tỉnh Nam Định
Theo Sở tài nguyên môi trường (STNMT) trên địa bàn tỉnh Nam Định có 142 làng nghề với tổng số hộ làng nghề khoảng 16.000 hộ. Các làng nghề phân bố theo địa bàn các huyện; trong đó nhóm làng nghề trồng cây, kinh doanh sinh vật cảnh, trồng cây dược liệu với 36 làng tập trung chủ yếu ở huyện Hải Hậu, Nam Trực và Thành Phố Nam Định; đây là nhóm làng nghề được khuyến khích phát triển tại các làng nghề. Còn lại là các ngành nghề khác như dệt chiếu, đan cói, sơn mài thủ công mỹ nghệ có 27 làng; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan có 22 làng; nhóm sản xuất cơ khí, cơ khí đúc, tác chế kim loại có 11 làng….
Những năm qua, hoạt động sản xuất tại các làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, tăng thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất làng nghề đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Năm 2020, qua kết quả quan trắc Sở TNMT đã thực hiện quan trắc môi trường 22 làng nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định
Về nước thải: Nước thải của các hộ sản xuất được thải chung với nước thải sinh hoạt của các hộ dân; thải ra kênh, mương thoát của địa phương sau đó thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm cục bộ lưu vực sông nội đồng chảy qua làng nghề.
Về nước mặt: Khu vực làng nghề đang trong tình trạng ô nhiễm ở từng thời điểm, một số thông số vượt quy chuẩn cho phép như COB, BOD, photphat nhưng ở mức độ khác nhau. Ngoài ra, môi trường nước mặt tại một số làng nghề cơ khí còn bị ô nhiễm bởi thông số kim loại như: Cr (VI) (làng nghề Bình Yên, Đồng Côi), Fe (làng nghề Tống Xá)…
Về môi trường không khí: Theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh Nam Định năm 2019-2020, môi trường không khí tại các làng nghề chưa có dấu hiệu ô nhiễm bởi thông số bụi lơ lửng, CO2, So2, No2, tuy nhiên thông số tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép (QCVN26:2010/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn) nhưng ở mức thấp tại một số làng nghề cơ khí, đồ gỗ.
Các hộ sản xuất trong làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ; thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu, hoạt động sản xuất theo thời vụ và mỗi hộ thường chuyên sản xuất một chi tiết nhỏ; ý thức, nhận thức BVMT của các hộ sản xuất còn hạn chế.
Việc chuyển đổi di dời của các cơ sở sản xuất trong làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp làng nghề còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực, kinh phí, quỹ đất quy hoạch CCN và việc thay đổi thói quen, tập quán sản xuất của người dân.
Nguồn vốn thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề còn hạn chế, nguồn chi sự nghiệp môi trường chưa đáp ứng yêu cầu BVMT chung trong đó có công tác BVMT làng nghề.
Hàng năm tỉnh Nam Định đã dành trên 1% tổng chi ngân sách hàng năm cho công tác bảo vệ môi trường.
Khu vực nông thôn 9 huyện có 201 xã, thị trấn: các thôn, xóm, cụm dân cư đã thành lập các tổ thu gom rác thải, đội vệ sinh môi trường, ước tính tổng lượng rác phát sinh khoảng 660 tấn/ngày, trong đó thu gom được khoảng 580 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom rác thải ước tính đạt 88,4%.
Khu vực nông thôn có 182/201 xã/thị trấn đầu tư xây dựng công trình xử lý RTSH, trong đó có 73 xã/thị trấn đang xây dựng bãi chôn lấp; 109 xã/thị trấn lắp đặt lò đốt. Công suất các lò đốt đặt từ 300kg/h đến 500kg/h; một số lò đốt có công suất 1000kg/h.
Việc xã hội hóa trong công tác thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt đem lại hiệu quả tích cực như “Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu Nam Giang” do Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Nam Trực thực hiện tại thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực; “Công viên kết hợp xử lý rác thải TT Xuân Trường” do công ty TNHH Tân Thiên Phú thực hiện; “Lò đốt rác LODORA” do công ty TNHH MTV xây dựng và môi trường Thảo Nguyên sản xuất thực hiện tại thị trấn Ngô Đồng hay “Khu liên hợp xử lý rác thải phía Bắc huyện Trực Ninh” do Công ty TNHH môi trường đô thị Trực Ninh thực hiện tại Thị trấn Cổ Lễ…
Tuy nhiên, năng lực quản lý RTSH tại nhiều địa phương và ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, không hợp tác, chấp hành các quy định của địa phương về thu gom xử lý rác thải, vẫn còn tình trạng người dân đổ trộm rác ra ven đường, đê, kênh mương.
Cùng với đó là các quy định quản lý, xử lý chất thải rắn nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng còn chồng chéo, không thống nhất giữa các Bộ, ngành. Một số chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, coi đó như nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn.
Giải đáp những băn khoăn của phóng viên phản ánh về một số vấn đề dư luận quan tâm trong thời gian qua về môi trường như: sự ô nhiễm không khí khu vực huyện Ý Yên bị ảnh hưởng bởi nhà máy Đạm Ninh Bình, tình trạng ngập úng cục bộ trong trước mùa mưa bão khu vực nội thành cũng như việc xả thải gây ô nhiễm nguồn nước mặt, hay vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng phát triển nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đại diện STNMT tiếp thu ý kiến đồng thời khẳng định trong thời gian tới tiếp tục phối hợp, tham mưu cho các cấp nhằm thúc đẩy các hoạt động thiết thực từng bước khắc phục những tồn tại vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, làng nghề nói riêng trên địa bàn tỉnh.
Trần Hồng