Bảo vệ giống nòi người Việt trước ô nhiễm môi trường nước

(ĐHVO). Khu dân cư phát triển nóng từ đất nông nghiệp, làng lên phố cần xây dựng thành những Khu đô thị hiện đại mới có thể tách nước thải với nước mưa và có nhà máy xử lý nước thải độc lập. Việc tái thiết đô thị và siết chặt nước thải ảnh hưởng lợi ích của hàng ngàn doanh nghiệp, hàng triệu người dân chắc chắn rất khó khăn nhưng đất nước phát triển nào cũng phải trải qua cho nên cần có sự quyết tâm của cả Hệ thống chính trị.

Bên cạnh sự gia tăng đầu tư của các Doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đang tăng giá trị hàng tỷ đô la giúp tăng trưởng kinh tế, nhiều nhà máy sản xuất trong nước (mía đường, thuộc da, thực phẩm, pin ắc quy … ) cũng mở rộng sản xuất nhưng ít quan tâm đến xả thải thì số lượng các dòng sông “chết” đang tăng và các nhà quản lý cố hồi sinh trong vô vọng.

Ô nhiễm môi trường nước là nước mặt sông hồ và nước ngầm bị nhiễm bẩn, mang các chất độc hại, trực quan chúng ta có thể thấy màu nước đen ngòm của các dòng sông và bốc mùi hôi thối.

Trước tiên là ảnh hưởng đời sống sức khoẻ, giống nòi với những người dân tiếp xúc nước bẩn, ăn rau trồng trong nước bẩn, sinh hoạt dùng nước bẩn mà khó có thể tránh được:  đặc trưng là nhiễm Asen, các kim loại nặng chì, đồng, thuỷ ngân, Cadimi …  gây biến đổi gen làm chết thai, dị tật thai ảnh hưởng lâu dài cho giống nòi người Việt, người nhiễm kim loại nặng là bất cứ người Việt nào ăn rau muống, rau cần trồng ở nơi nước bẩn cũng có thể mắc các bệnh ung thư da, dạ dày, vòm họng khi chưa già, đang ở độ tuổi phát triển và tuổi lao động … không ai có thể tránh được hậu quả về sức khỏe dù điều kiện kinh tế khá giả.

Thứ hai ô nhiễm nước gây ảnh hưởng tới nền kinh tế nặng nhất là nuôi thuỷ sản, ô nhiễm làm chết cá, tôm hoặc cho sản phẩm không đạt chất lượng xuất khẩu do nhiễm kim loại nặng dẫn đến bị trả về, doanh số năm 2022 nước ta xuất khẩu thuỷ sản đạt 11 tỷ đô la. Bên cạnh đó ô nhiễm nước ảnh hưởng tới ngành du lịch, khi dòng nước đen chảy ra biển Mỹ Khê – thành phố Đà Nẵng khiến khách du lịch sốc nặng và ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu du lịch từ khách quốc tế.

Tốc độ đô thị hoá nhanh khiến nguồn nước sạch trở nên khan hiếm, nhiều Quốc gia lớn trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn nước sạch, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở nước ta nếu không được xử lý căn cơ tận gốc sẽ kéo theo hậu quả khủng khiếp cho đời sống sức khoẻ cư dân, nền kinh tế, xa hơn nữa là phá huỷ hệ sinh thái, nếu không sớm giải quyết có thể trở thành mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngang bằng với an ninh năng lượng thiếu điện hoặc an ninh lương thực do thiệt hại của nó cho kinh tế và môi trường.

Từ năm 1998 đến nay Ngân hàng Thế giới đánh giá nước ta có tiến bộ trong thu gom xử lý nước thải, tuy nhiên còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, khó khăn lớn nhất là nhu cầu vốn đầu tư rất cao, dự kiến cần tới 8,3 tỷ Đô la Mỹ để cung cấp dịch vụ thoát nước cho khoảng 36 triệu dân đô thị vào năm 2025.

Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh khác trên cả nước cũng tình trạng tương tự là tình trạng không tách đường thoát nước mưa với nước thải sinh hoạt và sản xuất nhỏ và nơi duy nhất là chảy ra sông hồ mang mầu nước đen kèm mùi hôi thối khó thở, mỗi khi mưa to ngập thì nước thải ngấm thẳng xuống ô nhiễm luôn các mạch nước ngầm, ruộng rau, …  Tỷ lệ nước thải của các hhu công nghiệp, làng nghề sản xuất được xử lý trước khi xả ra môi trường thì số liệu mỗi cơ quan khác nhau, nơi thì nói xử lý được 90%, nơi công bố 40% … trên thực tế việc xả thải chui ra sông hồ không kiểm soát nổi do thiếu sự phối hợp giữa các ngành. Ngoài ra do phong tục lạc hậu người dân còn xả cả rác sinh hoạt, rác tâm linh: bàn thờ, bát hương, giường chiếu người chết … xuống những dòng sông trong đô thị khiến ô nhiễm nặng thêm và ngành thoát nước vô cùng vất vả để vớt và nạo vét lòng sông.

Các bộ, ban, ngành, tổ chức cũng đang vào cuộc quyết liệt để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước :

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên thực hiện tách nước thải với nước mưa khu bãi tắm Mỹ Khê, vì đây là bãi biển chủ lực du lịch của Thành phố, đảm bảo không còn nước thải tràn ra biển. Hai trạm xử lý nước thải tại Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn xử lý nước xong thì cho đổ về sông Hàn ra Vịnh Đà Nẵng, nhưng khi mưa quá lớn trạm không xử lý kịp nên vẫn còn hiện tượng nước vẫn tràn ra biển do hệ thống xử lý nước thải vẫn chung với nước mưa gây nên.

Các Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đều ban hành quy định: Đô thị, khu dân cư tập trung mới; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa, trừ trường hợp đặc thù do Chính phủ quy định. Đây chính là một chính sách đột phá trong bảo vệ môi trường nhưng thực thi không hề đơn giản do chính sách tác động đến nhiều doanh nghiệp, nhất là trong thời kỳ kinh doanh khó khăn hiện nay nhưng không thể không làm.

Nhiều thành phố đã dùng hóa chất xử lý làm sạch nước trên các con sông, hồ nhưng cũng chưa phải là giải pháp căn cơ, vấn đề tách nước mưa với nước thải cần nguồn tài chính khổng lồ.

Ngân hàng Thế giới cũng hỗ trợ vốn từ Qũy bảo vệ môi trường cho vay đầu tư các trạm xử lý nước thải khu công nghiệp với lãi suất ưu đãi chỉ 2.6% / 1 năm từ hàng chục năm qua.

Vướng mắc lớn nhất nằm ở đâu ?

Lắp đặt hệ thống nước thải cho khu đô thị mới không khó, khó nhất là xử lý nước thải cho những khu dân cư tự phát, sản xuất nhỏ xen kẽ nhà ở nhiều vô kể, những làng tái chế pin ắc quy vẫn hoạt động, nhà máy nằm rải rác vẫn xả thải trộm, làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải xả thẳng ra sông còn khá nhiều …  đây là vấn đề quá lớn vượt xa tầm xử lý của ngành thoát nước, đó là quy hoạch khu dân cư, luôn đi sau so với phát triển, dân xây nhà tự phát trên đất nông nghiệp rồi vừa ở vừa sản xuất tại chỗ, làng được quy hoạch vội vàng lên phố, lên quận trong khi hệ thống thoát nước và xử lý nước vẫn kiểu cũ, vấn đề nan giải này cộng với tư duy nhiệm kỳ nên một số Thủ trưởng làm qua loa rồi đẩy cho khóa sau. Vấn đề lớn nhất khó nhất là làm sao tách nước thải sinh hoạt, sản xuất ra khỏi nước mưa và từng bước xử lý nước tại vài trăm cống trước khi chảy vào sông thì chưa có giải pháp đi kèm lộ trình triệt để mà chỉ ghi phấn đấu đạt tỷ lệ …% chung chung.

Không đổ lỗi cho ai cả, đây là lịch sử để lại nên chúng ta cần đưa ra giải pháp, lộ trình giải quyết khả thi, phù hợp điều kiện kinh tế đất nước, cho doanh nghiệp đủ thời gian ứng phó, lập kế hoạch, lộ trình giải quyết :

Bộ Tài Nguyên  và Môi trường, Bộ Xây dựng, ngành liên quan cần vạch ra lộ trình quy hoạch cụ thể tầm nhìn 10 – 20-50 năm phải quy hoạch tái thiết đô thị. Đây sẽ là phần khó làm nhất, ngay trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở cần có quy định thuận lợi cho tái thiết đền bù, dự án mới phải xây dựng đủ hạ tầng có xử lý nước thải mới cho bán nhà, quy định cấm sản xuất trong khu dân cư và cho lộ trình thực hiện 1-3 năm :  Khu dân cư phát triển nóng từ đất nông nghiệp, làng lên phố cần xây dựng thành những khu đô thị hiện đại mới có thể tách nước thải với nước mưa và có nhà máy xử lý nước thải độc lập, việc tái thiết đô thị và siết chặt nước thải ảnh hưởng lợi ích của hàng ngàn doanh nghiệp, hàng triệu người dân chắc chắn rất khó khăn nhưng đất nước phát triển nào cũng phải trải qua cho nên cần quyết tâm của cả Hệ thống chính trị.  Tái thiết đô thị một mũi tên trúng nhiều đích: Mục đích chính là xây dựng hạ tầng trạm xử lý nước thải, tách nước thải với nước mưa bằng 2 đường riêng biệt, hiệu quả kèm theo là sẽ xóa bỏ ngõ 1.5 m thay bằng đường nội bộ trên 10m, xe cứu hỏa có thể đến mọi nơi trong thành phố, xe cấp cứu hay bến xe buýt cũng đỗ cửa nhà dân, tất cả dây điện nổi chưa hạ ngầm đang chờ chỉ đạo treo trên cột sẽ được thi công hạ ngầm toàn bộ, toàn bộ thành phố sẽ có hạ tầng đồng bộ, người dân có thể chọn xe buýt thay vì đi xe máy như trước kia, các chính sách khác mới có thể thực thi được.

Ủy ban nhân dân các tỉnh cần chuyển những làng nghề sản xuất có nước thải độc hại ví dụ tái chế pin ắc quy cần phải đưa vào khu sản xuất làng nghề tập trung có xử lý nước thải đạt chuẩn, cần có khu dành riêng cho chuyển đổi được trợ giá cho dân địa phương và đưa ra lộ trình bắt buộc hộ kinh doanh, doanh nghiệp chỉ được sản xuất ở nơi đủ điều kiện xử lý chất độc hại, không để hộ sản xuất nào nằm trong khu dân cư nữa.

Các khu công nghiệp hiện hữu cần có lộ trình bắt buộc 3 năm tới phải đầy đủ hệ thống xử lý nước thải, các nhà máy nằm riêng biệt ngoài khu công nghiệp cần khuyến khích chuyển vào trong khu CN để dễ kiểm soát xả thải. Công tác quản lý cũng không thể xem nhẹ: Cần xử phạt hành chính hoặc truy tố một số cơ sở xả thải trộm ra môi trường, tùy theo quá trình vi phạm nhẹ hay nghiêm trọng để các doanh nghiệp phải chi phí lâu dài cho vấn đề môi trường, sau khi tái thiết phải quản lý chặt xây dựng đường thoát nước mưa nước thải đúng chỗ, quy trách nhiệm cán bộ nếu để nước thải ra môi trường và phạt nặng người dân, tổ chức vi phạm.

Kinh tế muốn phát triển bền vững cần phải bảo vệ môi trường, hay nói cách khác bảo vệ môi trường là nền tảng phát triển kinh tế bền vững, nếu để ô nhiễm suy thoái môi trường thì chi phí chữa bệnh cho người dân sẽ tăng vượt quá thu nhập, giống nòi sẽ tăng dị tật bẩm sinh, các ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, nuôi thủy sản khó tăng trưởng, mất mát lớn về kinh tế là nguy cơ hiện hữu. Quốc gia để ô nhiễm môi trường sẽ không thu hút nhân tài, tinh hoa, doanh nhân kỳ lân … an cư trong nước, cống hiến xây dựng đất nước mà sẽ chảy máu chất xám, ngoại tệ sang những nước không ô nhiễm chỉ vì mục đích định cư, nước ta tầm nhìn trở thành nước phát triển năm 2045 không thể tồn tại những con sông đen ngòm hôi thối trong đô thị như hiện nay, nếu không làm bây giờ e là quá muộn.

Quy hoạch bảo vệ môi trường muốn có tư duy tầm nhìn không thể tách rời với quy hoạch đô thị, quy hoạch công nghiệp, và cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc mở hội thảo công khai về thực trạng ô nhiễm nguồn nước và làm cuộc cách mạng chính sách tầm nhìn 20-50 năm vì sự phát triển của giống nòi Việt, sức khỏe người Việt, vì Việt Nam thịnh vượng. Nhiệm vụ “bất khả thi” nếu được giải quyết thì mới hy vọng những dòng sông chết có màu xanh trở lại, cá bơi lội tung tăng: sông Tô Lịch, sông Tích, sông Đáy, sông Kim Ngưu, sông Bắc Hưng Hải, sông Cầu, Sông Đồng Nai, các hồ trong đô thị cũng xanh và sạch, như vậy mới là phát triển bền vững.

Huy Cường

Bài viết liên quan

Picture1

Ngày hội hiến máu Giọt hồng Đất Cảng tại huyện An Lão

tai-xuong-1704452432

Người có nhóm máu hiếm không phải là bệnh lý

Benh-Nhan-Kham-Chua-

Đề xuất giá dịch vụ mới tại cơ sở khám chữa bệnh

img-1414-6908.jpg

Bệnh viện tư nhân ở Đắk Lắk miễn phí toàn bộ cho 50 lượt lọc thận đầu tiên cho các bệnh nhân

img-7500-9782

Chủ động phòng tránh rét cho học sinh vùng cao

treem-2

Việt Nam cần khẩn trương giải quyết vấn đề Suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang