(DHVO). Các tuyển thủ trẻ của Việt Nam bị loại từ vòng đấu bảng U23 châu Á. Ngay lập tức các fan hâm mộ nước nhà xúm vào an ủi động viên các thành viên đội tuyển, và ai không động viên họ, nghiễm nhiên thành kẻ hẹp hòi, chỉ đòi hỏi các tuyển thủ cứ chiến thắng theo ý mình.
Đội U23 xứng đáng đáng để người hâm mộ bóng đá Việt động viên tinh thần sau cú sốc thua U23 Triều Tiên. Nhưng “Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”.
Các tuyển thủ của chúng ta đều đã hết tuổi vị thành niên. Họ nhận thức được và đủ bản lĩnh để đứng lên từ sai lầm. Vậy hãy thẳng thắn khen chê để họ còn có cơ tiến bộ. Rõ ràng lứa U23 hiện nay đá kém. Rõ ràng việc thủ môn Bùi Tiến Dũng mắc lại sai lầm trong cùng một tình huống là không thể chấp nhận. Rõ ràng lối đá xấu của Trọng Hùng không phù hợp với yêu cầu của HLV. Rõ ràng nhiều vị trí trên sân đá dưới phong độ…Vậy thì phải nêu ra để họ khắc phục.
Ai cũng biết, bóng đá Việt Nam dưới “triều đại” HLV Park Hang-seo đã liên tục đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, và đã lọt vào TOP 100 của bóng đá thế giới.
Ai cũng biết, đoàn quân bóng đá Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo mới mang lại cho mọi con dân Việt lòng tự hào dân tộc khi bước ra đấu trường châu lục.
Nhưng không phải ai cũng để ý tâm nguyện của HLV Park Hang-seo khi ông bày tỏ, nếu thôi chức HLV trưởng bóng đá Việt Nam, ông sẽ toàn tâm toàn ý đào tạo và phát triển bóng đá trẻ Việt Nam.
Cũng như HLV người Áo Alfred Riedl khi nhận xét “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”, ông Park Hang-seo cũng đã sớm nhận ra bóng đá Việt Nam muốn vươn xa, phải chú trọng tới vấn đề đào tạo trẻ.
Thường Châu tuyết trắng, các tuyển thủ U23 Việt Nam đã lập nên kỳ tích trên đấu trường châu lục. Trong chiến công đó có sự đóng góp cực kỳ to lớn của ông Đoàn Nguyên Đức, ông bầu của đội bóng đá Hoàng Anh – Gia Lai. Cả một lứa cầu thủ được đào tạo bài bản, làm nòng cốt cho đội tuyển ở mọi tuyến, đã giúp HLV Park Hang-seo định hình lối chơi cho đội tuyển, và gặt hái thành công. Nhân sự của đội U23 giải vừa rồi không đồng đều khiến việc càng thay người càng thấy đội tuyển yếu đi.
“Chẻ sợi tóc làm tư”, người hâm mộ đều thấy kết quả yếu kém vừa qua thực ra không thuộc về riêng cá nhân hay tổ chức nào. Phong độ của một đội bóng không phải lúc nào cũng giữ được. Việc đào tạo cầu thủ cũng không như đào tạo người thạo việc ở các ngành nghề khác. Như sự xuất hiện của các nghệ sỹ, các lò đào tạo bóng đá có khi vài lứa mà không có nổi một “thần đồng” ra đời.
Nếu đã xác định như vậy thì đừng “Ngủ quên trong vinh quang của quá khứ”.
Đã đến lúc những người có trách nhiệm với bóng đá nước nhà, đặc biệt là các “ông bầu”, cần quyết liệt và tâm huyết hơn nữa với công tác đào tạo trẻ. VFF cũng cần thay đổi quy chế, buộc các đội trong giải V-League phải có tuyến trẻ chất lượng và mỗi trận đấu giải, bắt buộc phải có một số lượng nhất định các cầu thủ trẻ tham gia. Trước mỗi trận đấu ở V-League, nên có trận đấu của tuyến trẻ 2 đội, coi như rửa sân, để chúng có kinh nghiệm thi đấu, điều mà các cầu thủ nhí rất khao khát và cần thiết. VFF cũng cần lập thêm Ban bóng đá học đường để hướng lớp thiếu niên sớm được rèn luyện kỹ năng nếu theo đuổi con đường bóng đá chuyên nghiệp.
Có như vậy, việc đào tạo cầu thủ trẻ của bóng đá nước nhà mới đạt được chất và lượng.
Hồ Công Thiết