Bạo lực vẫn là nỗi ám ảnh của phụ nữ và trẻ em khuyết tật

(ĐHVO). Hiện nay, các vụ bạo lực phụ nữ và trẻ em khuyết tật ở Việt Nam chưa có chiều hướng giảm, diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi, phức tạp. Và thậm chí, ngay chính người thân, máu mủ ruột thịt lại là những hung thủ gây ra các vụ bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật.

Theo Công bố Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ ngày 14/7/2020 cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người trải qua bạo lực thể các (chiếm 11,4%) và tình dục (9%) từ 15 tuổi do người khác gây ra.

Từ số liệu trên có thể thấy tình trạng bạo lực giới tại nước ta chưa có dấu hiệu tích cực. Phụ nữ và trẻ em đặc biệt là phụ nữ, trẻ em khuyết tật luôn bị bạo hành với các hành vi khác nhau như ngược đãi, đánh đập, cưỡng ép lao động quá sức, xâm hại sức khỏe, tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thậm chí là cưỡng ép quan hệ tình dục,…

Một thực tế đáng buồn là hầu hết nạn nhân của tình trạng bạo lực giới, đặc biệt là những người khuyết tật đều do người thân, người quen, thậm chí những người ruột thịt gây ra. Không khó lý giải cho điều này bởi đa số người thân, gia đình người khuyết tật đã xem họ như sự xui xẻo, là gánh nặng và là lực cản khiến gia đình rơi vào cảnh đói nghèo, tai tiếng. Điều này là động cơ cho các hành vi vi phạm pháp luật đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật.

Bởi vậy mà phụ nữ và trẻ em khuyết tật cần được quan tâm nhiều hơn do họ vốn có sẵn sự mặc cảm, dễ bị kỳ thị nên khả năng hòa nhập xã hội thường thấp, khi bị xâm hại và bạo hành thì người khuyết tật sẽ càng sống khép kín. Đặc biệt, nếu nạn nhân mắc chứng tự kỷ thì sang chấn nặng nề về tâm lý sẽ khiến tình trạng trầm trọng, khó hồi phục hơn. Đa phần các nạn nhân của các vụ bạo hành không dám lên tiếng, không phản kháng bởi họ phần lớn sống phụ thuộc vào người khác. Bên cạnh đó, thái độ của cộng đồng, sự thiếu hụt các dịch vụ hỗ trợ cần thiết,… đã tạo nên “sự im lặng” của rất nhiều nạn nhân. Và như vậy, nạn bạo lực giới đối với phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật vẫn cứ âm ỉ diễn ra,…


Để hiểu thêm thực trạng các vụ án về bạo lực giới đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em khuyết tật, TS. Ls Nguyễn Hồng Thái – Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng Nghiệp bày tỏ quan điểm: “Việc xử lý các vụ án bạo lực phụ nữ, trẻ em nói chung hiện nay chưa thực sự nghiêm minh. Nhiều vụ việc không được bảo vệ thành công do nạn nhân sợ hãi hay bị kẻ xâm hại đe dọa nên không dám lên tiếng, có người lên tiếng nhưng sau đó lại rút đơn, có người sợ xấu hổ hoặc bị chê cười,… Bên cạnh đó, nhiều vụ được giải quyết theo hướng “tình cảm, cho qua”. Vấn đề này đòi hỏi các đơn vị chức năng, các tổ chức xã hội phải có giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em khuyết tật trước tình trạng bạo lực giới hiện nay.”

PV: Xin hỏi ông, hiện pháp luật Việt Nam đã có những quy định như thế nào để bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước tình trạng bạo lực giới?

Theo Điều 23, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em quy định các quốc gia thành viên phải đảm bảo cho trẻ em khuyết tật được hưởng một cuộc sống đầy đủ và tươm tất, được bảo vệ phẩm giá, thúc đẩy khả năng tự lực và tạo điều kiện cho các em tham gia vào cộng đồng. Việt Nam đã tham gia Công ước về quyền trẻ em, do đó Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với tinh thần của Công ước quốc tế trước các hình thức bóc lột, bạo hành, xâm hại.

Khoản 2, Điều 8 Luật Người khuyết tật 2010, quy định gia đình có trách nhiệm bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật; Tôn trọng ý kiến của người khuyết tật trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của bản thân người khuyết tật và gia đình… Theo Điều 14, Luật người khuyết tật quy định những hành vi bị nghiêm cấm: Cấm kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật; Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật;…

PV: Vậy ông cho biết, hiện nay pháp luật đã có những chế tài xử lý như thế nào?

Hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật cần được xử lý kịp thời và triệt để. Hiện có 2 hình thức xử lý là phạt vi phạm hành chính và nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khoản 2, Điều 9, Nghị định số 144/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Xâm phạm thân thể của người khuyết tật; Xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người khuyết tật; Xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật…

Khoản 1, Điều 134, Bộ Luật hình sự 2015 quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người không có khả năng tự vệ mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Pháp luật luôn bảo vệ người yếu thế trong xã hội nhưng thực tiễn khi áp dụng luật còn gặp nhiều vấn đề. Phụ nữ và trẻ em khuyết tật quá nhạy cảm, e ngại, xấu hổ, sợ bị trả thù nên khó có thể phơi bày sự thực. Điều này không chỉ khiến các nạn nhân các vụ bạo lực đối diện với nguy cơ cao hơn mà khiến việc xử lý bạo lực theo pháp luật gặp nhiều trở ngại. Do vậy, các cơ quan có liên quan cần tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ và trẻ em khuyết tật, khi có hành vi bạo lực xảy ra cần có cơ sở chăm sóc sức khỏe, bảo vệ nạn nhân.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang