Bạo lực gia đình – vấn nạn của toàn xã hội

(ĐHVO). Bạo lực gia đình là vấn nạn của toàn xã hội. Không chỉ tác động trực tiếp đến thành viên trong gia đình mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương. Hậu quả mà nó để lại cho con người, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em đang dần trở nên nghiêm trọng và đáng báo động. Do đó, cần phải chung tay đẩy lùi vấn nạn bạo lực gia đình.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Khái niệm về bạo lực gia đình được pháp luật quy định rõ tại Khoản 2 Điều 1 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007:

2. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.”

Theo đó, bạo lực gia đình được hiểu đơn giản là hành vi bạo hành xảy ra đối với các thành viên trong gia đình. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 khẳng định quan điểm có tính nguyên tắc của Nhà nước trong việc ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những đối tượng được xem là thuộc nhóm yếu thế, là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình, gồm:  trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ và người tàn tật (khoản 3, Điều 3, Luật Luật Phòng, chống bạo lực gia đình).

Tuy nhiên, hành vi được cho là bạo lực gia đình phải được quy định rõ để dễ dàng căn cứ, áp dụng, xử lý. Pháp luật Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 2, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Hành vi được xem là hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Dựa trên quy định mà pháp luật đã đặt ra, các hành vi bạo lực gia đình phải được phát hiện và xử lý kịp thời để tránh khỏi những hệ lụy ảnh hưởng đến gia đình, từng thành viên trong gia đình nói riêng và toàn xã hội nói chung. Mỗi hộ dân, mỗi tổ dân phố, xã phường, cần phải có ý thức, trách nhiệm, cùng chung tay ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn bạo lực gia đình. Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính. Công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải cần đặc biệt chú trọng.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Bạo lực gia đình mang đến những ảnh hưởng xấu không chỉ với hạnh phúc gia đình mà còn ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Những người bị bạo hành phải chịu những tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Trẻ em sống trong một gia đình tan vỡ, không hạnh phúc sẽ mất đi cơ hội được phát triển toàn diện. Bởi vậy mà mỗi cá nhân cần phải có trách nhiệm thực hiện đúng quy định pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới để kịp thời ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình. Mỗi phố, phường, tổ dân phố hiện nay cũng đều xây dựng các bộ phận, hội nhóm để quan tâm đến từng gia đình trong phạm vi phố phường của mình. Từ đó, phát hiện và kịp thời ngăn chặn xảy ra trên địa bàn. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phối hợp với những gia đình có tình trạng bạo lực gia đình để góp phần đẩy lùi vấn nạn bạo lực gia đình thông qua việc ban hành các quy phạm pháp luật về bạo hành gia đình. Ngoài ra, các tổ chức xã hội, các hiệp hội cũng thường xuyên kêu gọi, tổ chức, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về những hậu quả mà bạo lực gia đình mang lại.

Mặt khác, để đạt hiệu quả, mang tính thực thi trong công tác thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì khung chế tài xử lý hành vi vi phạm là rất quan trọng, răn đe, kiểm soát các hành vi vi phạm. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Một là, xử phạt hành chính

– Đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình; hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình (Điều 49, Điều 50 Nghị định 167/2013/NĐ-CP): phạt tiền lên tới 2.000.000 đồng, buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

– Đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình (Điều 51): phạt tiền lên tới 1.500.000 đồng; buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu; Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh.

– Đối với hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý (Điều 52): phạt tiền lên tới 1.000.000 đồng, buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

– Đối với hành vi bạo lực về kinh tế (Điều 56): phạt tiền lên tới 1.000.000 đồng.

– Đối với hành vi sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động hành vi bạo lực gia đình (Điều 61): Phạt tiền lên tới 1.000.000 đồng.

Hai là, truy cứu trách nhiệm hình sự

Người phạm tội liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội khác nhau theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể như sau:

– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017): phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

– Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017): phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ phạt tù từ 03 tháng đến 3 năm.

– Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017): phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ phạt tù từ 03 tháng đến 6 năm.

Hồng Thái

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang