Kiến ba khoang phát triển mạnh vào đầu mùa mưa, nhiều người bị tấn công, viêm da nặng đã phải vào bệnh viện điều trị.
Theo thống kê của Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, khi mùa mưa bắt đầu, chỉ trong tháng 6, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 80 – 100 ca bị viêm da do bị kiến ba khoang tấn công. Tình trạng này trước đây rất ít gặp nhưng trong tháng qua, số ca bệnh đã tăng đột biến.
Ảnh minh họa, nguồn ảnh Internet
Kiến ba khoang hay còn gọi là kiến gạo, kiến lác có kích thước nhỏ, kích thước xấp xỉ như mối, có cánh và thân mình chia thành các khoang đen – cam rất đặc trưng. Kiến sống trong môi trường tự nhiên và bị thu hút bởi ánh sáng trong nhà, bám đậu trên tường, trần nhà, quần áo, chăn màn,…
Chúng xuất hiện phần lớn khi trời mưa, khí hậu ướt át, độ ẩm cao và gây ra dị ứng cho con người.
Độc tính được phát hiện trong người kiến ba khoang là Pederine dù không gây chết người nhưng lại tương tự sâu ban miêu hay con giời leo khiến vùng da tiếp xúc bị phỏng, nóng rát, đau đớn và khó chịu. Những vết này có khả năng lây lan nhanh và rộng như zona, giời leo.
Trước tình trạng kiến ba khoang đang tấn công tại nhiều khu dân cư, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, nếu kiến ba khoang xuất hiện nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng trong nhà, nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện ở dưới ánh đèn, cần tránh và đứng xa chúng.
Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác và đến ngay các cơ sở Y tế gần nhất để được kiểm tra.
Lan Phương (T/h)