Những năm gần đây, vấn đề kháng thuốc kháng sinh đã được thông báo nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tình trạng kháng kháng sinh đang mang tính toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển với các bệnh truyền nhiễm còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu bệnh tật như: Nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm khuẩn bệnh viện… đang là gánh nặng thực sự vì sự gia tăng chi phí do phải bắt buộc thay thế các kháng sinh cũ bằng các kháng sinh mới đắt tiền hơn.
Năm 2020, WHO ghi nhận sự gia tăng kỷ lục số lượng các quốc gia hiện đang theo dõi và báo cáo về tình trạng kháng kháng sinh – đánh dấu một bước tiến lớn trong cuộc chiến toàn cầu chống lại hiện trạng kháng thuốc. Những dữ liệu từ các quốc gia cho thấy, một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn đáng lo ngại đang ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp kháng thuốc trong điều trị. Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Khi chúng tôi thu thập được nhiều bằng chứng hơn, chúng tôi thấy rõ hơn và lo ngại hơn về việc chúng ta đang mất đi các loại thuốc chống vi khuẩn quan trọng trên toàn thế giới với tốc độ ngày càng nhanh. Những dữ liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các loại thuốc chống vi khuẩn mà chúng ta đang có, đồng thời phát triển các loại mới để điều trị hiệu quả các bệnh liên quan đến nhiễm trùng, bảo tồn các lợi ích sức khỏe được thực hiện trong thế kỷ trước và đảm bảo một tương lai an toàn cho cộng đồng”.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Sau báo cáo từ Hệ thống giám sát sử dụng và kháng kháng sinh toàn cầu (GLASS) của WHO năm 2018, từ số lượng các trang web giám sát là 729 trên 22 quốc gia, chỉ trong ba năm tồn tại, hệ thống hiện đã tổng hợp dữ liệu từ hơn 64.000 địa điểm giám sát với hơn 2 triệu bệnh nhân ghi danh từ 66 quốc gia trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia cũng đang báo cáo về chỉ số kháng kháng sinh (AMR) như là một phần của mục tiêu Phát triển bền vững. Hanan Balkhy, Trợ lý Tổng giám đốc về kháng kháng sinh tại WHO cho biết: “Sự mở rộng các quốc gia, cơ sở và bệnh nhân được bảo vệ bởi hệ thống giám sát AMR mới cho phép chúng tôi ghi nhận rõ hơn về mối đe dọa sức khỏe cộng đồng của kháng kháng sinh”. Tỷ lệ kháng thuốc cao trong số các thuốc chống vi khuẩn thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng thông thường, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc một số dạng tiêu chảy, cho thấy thế giới đang đứng trước nguy cơ mất dần các phương pháp hiệu quả để khắc phục các bệnh này. Ví dụ, tỷ lệ kháng với ciprofloxacin, một loại thuốc chống vi khuẩn thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, dao động từ 8.4% đến 92.9% ở 33 quốc gia báo cáo.
WHO lo ngại rằng xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng bởi việc sử dụng kháng sinh không phù hợp trong đại dịch COVID-19. Bằng chứng cho thấy chỉ có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân COVID-19 cần dùng kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và WHO đã ban hành hướng dẫn không cung cấp liệu pháp kháng sinh hoặc điều trị dự phòng cho bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ hoặc bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 trừ khi có một chỉ định lâm sàng để làm như vậy. Tiến sĩ Balkhy cho biết: “Chúng tôi tin rằng hướng dẫn rõ ràng này về việc sử dụng kháng sinh trong đại dịch COVID-19 sẽ giúp các nước giải quyết COVID-19 một cách hiệu quả và ngăn chặn sự xuất hiện hiện tượng kháng thuốc trong bối cảnh đại dịch”. Ông cũng cho biết thêm: “Chúng ta phải tăng cường hợp tác toàn cầu, bao gồm giữa khu vực công và tư nhân để cung cấp các gói hỗ trợ tài chính và phi tài chính để phát triển các loại thuốc chống vi khuẩn mới”.
Thực trạng kháng thuốc tại Việt Nam cũng vô cùng đáng báo động. Mặc dù hiện tại chúng ta đã và đang kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, nhưng thói quen mua và sử dụng thuốc không theo đơn vẫn xảy ra phổ biến, đây là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng thuốc không còn tác dụng hoặc giảm tác dụng với người bệnh. Để giảm tốc độ kháng thuốc và để ngành y học có đủ thời gian để nghiêm cứu ra các phương pháp chữa trị thay thế và hiệu quả cần sự chung tay của tất cả mọi người.
Theo WHO