Báo động gia tăng đột quỵ ở người trẻ

Trong những ngày giá rét này, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ; riêng Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 9-11 đến 15-12 đã tiếp nhận khoảng 1.000 ca. Điều đáng nói, không chỉ xảy ra đối với người cao tuổi, giờ đây bệnh nhân đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa. Đây là tình trạng rất đáng báo động.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Đỗ Hằng

Đột quỵ ở người trẻ tăng 2% mỗi năm

Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại nước ta. Trung bình, mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, 50% trong số đó tử vong. Nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ đã phải gánh chịu các di chứng nặng nề, mất khả năng lao động, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đột quỵ thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) trong hơn một tháng qua (từ ngày 9-11 đến 15-12) đã tiếp nhận khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó hơn 100 ca là bệnh nhân trẻ có độ tuổi trung bình từ 18 đến 44 tuổi. Thậm chí, tại đây đã tiếp nhận trường hợp 14 tuổi cũng bị đột quỵ. Khi nhập viện, bệnh nhân này có biểu hiện đau đầu nhưng rất may chưa có rối loạn vận động. Chụp cắt lớp, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị dị dạng mạch não…

Tương tự, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng đã tiếp nhận điều trị trường hợp đột quỵ não nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi và nhiều trường hợp khác trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Từ đầu năm 2020 đến nay, tại đây đã cấp cứu hơn 3.000 ca đột quỵ, trong đó bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm khoảng 17%.

Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến người trẻ tuổi mắc đột quỵ não, bao gồm: Bệnh lý dị dạng mạch máu não, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, bệnh béo phì, lười vận động, đái tháo đường, tăng huyết áp, lạm dụng rượu, bia… “Người trẻ tuổi với thói quen ăn, uống có hại cho sức khỏe như ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn sẽ đối diện với các bệnh lý mạch máu lớn và nhỏ sớm hơn, dẫn tới bệnh lý đột quỵ, tim mạch”, bác sĩ Phạm Văn Cường cảnh báo.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội – Hồi sức thần kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức) thông tin thêm, đột quỵ não trước đây thường xảy ra ở những người cao tuổi. Thế nhưng, hiện tại bệnh viện có khoảng 25% ca đột quỵ xảy ra ở những người trẻ tuổi, với mức tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Đột quỵ đặc biệt tăng ở những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng “béo phì văn phòng”, áp lực công việc…

Bác sĩ thăm khám một bệnh nhân đột quỵ tại Trung tâm Đột quỵ não (Bệnh viện trung ương Quân đội 108). Ảnh: Mai Hằng

Nâng cao nhận thức của cộng đồng

Phần lớn người trẻ mắc đột quỵ thường nhập viện muộn. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), lý do là người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra với mình. Khi đến bệnh viện muộn, họ đã làm mất đi “thời gian vàng” để xử lý.

“Với người trẻ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ. Chẳng hạn với người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì… nên thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng có bất thường mạch máu cần được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn khuyến cáo.

Để phòng tránh sự gia tăng đột quỵ ở người trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về bệnh đột quỵ. Nếu người dân biết các yếu tố nguy cơ, các dấu hiệu cảnh báo, đồng thời với việc được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” đối với bệnh đột quỵ sẽ giảm bớt gánh nặng cho các gia đình và cho toàn xã hội.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, những người trẻ tuổi không nên chủ quan, không được lạm dụng rượu, bia, nhất là trong điều kiện thời tiết giá lạnh như hiện nay. Bởi vì nếu uống nhiều rượu, bia trong thời tiết giá lạnh khiến chất cồn lưu lại trong máu lâu (do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm) làm huyết áp tăng cao, dễ dẫn tới đột quỵ. Ở người trẻ tuổi có thể đẩy lùi được đột quỵ nhờ những thói quen sinh hoạt lành mạnh, như: Tích cực vận động thể dục, thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, nói không với thuốc lá, hạn chế tối đa rượu, bia… Khi có biểu hiện của đột quỵ, như: Yếu, liệt tay chân, méo miệng, nói khó… cần thăm khám sớm nhất có thể ở các cơ sở y tế chuyên khoa.

Theo Báo Hà Nội mới

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang