“Sự phát triển nhanh chóng của Internet ở Việt Nam gây ra mối nguy cơ mới cho trẻ em với số vụ lạm dụng trên Internet và mạng xã hội cũng đang gia tăng”, bà nói. “Việt Nam vẫn thiếu một khung pháp lý mạnh để bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục. Đi kèm đó là việc thiếu các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ cho các nạn nhân”.
Tờ Guardian cho rằng chính phủ Việt Nam đã có những sáng kiến tích cực chống nạn lạm dụng tình dục trẻ em và xã hội cũng cởi mở hơn về vấn đề này.
Đó là một buổi sáng tại một trường học ở Hà Nội, một nữ sinh bước vào lớp, ngồi xuống bàn và máu bắt đầu chảy xuống dưới ghế của cô bé. Sáng hôm đó, cô bé bị lạm dụng tình dục. Khi giáo viên nhắc nhở rằng em nên lót vài tấm giấy ăn để ngồi lên cho đến khi máu ngừng chảy, cô bé bật khóc.
Sự việc được Huỳnh Mai, một chuyên gia tâm lý trường học, kể lại và gây xôn xao ở Việt Nam tháng trước. Nó phản ánh văn hóa thờ ơ và kỳ thị đối với vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em ở Việt Nam suốt nhiều thế hệ. Tuy nhiên, sau một số vụ việc gây chấn động, trong đó nhiều vụ là các giáo viên lạm dụng chính học sinh của mình, chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều sáng kiến nhằm đưa vấn đề ra dư luận.
Trong số này có sáng kiến “Chấm dứt bạo lực về thể chất với trẻ em tại gia đình và trường học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, giới thiệu các lớp chống xâm hại tình dục và xuất bản các cuốn sách dạy trẻ em về cách đối phó khi bị tấn công hay những phần riêng tư trên cơ thể.
Với những nạn nhân như Thảo, các trường học là nơi quan trọng để khởi động chiến dịch. Năm 13 tuổi, cô bị thầy dạy toán lạm dụng và sự việc kéo dài suốt hai năm sau đó. Do sự sợ hãi của Thảo, kẻ lạm dụng cô chưa bao giờ được nêu tên hay đưa ra tòa. “Ông ta thường đánh tôi. Tôi sợ lắm nhưng không dám kể cho bố mẹ vì ông ta dọa sẽ giết tôi”, Thảo kể. “Ông ta điều khiển tôi, khiến tôi cảm thấy bản thân mình tồi tệ hơn”.
Việc lạm dụng bằng bạo lực trở thành lạm dụng tình dục khi Thảo 14 tuổi. Quá hoảng loạn, cô cuối cùng đã kể cho mẹ nghe sự việc nhưng gia đình chọn cách im lặng. “Chúng tôi biết công an sẽ không giải quyết và mẹ tôi không muốn ai phán xét, nói những lời cay độc hay lan truyền những tin đồn khiến tôi tổn thương”, cô kể.
Thảo mất nhiều năm mới hồi phục. “Tôi có nhiều vết thương đến mức không đếm xuể, tôi đã làm tổn thương mình và tan nát trái tim cha mẹ. Tôi đã dung thứ cho điều đó suốt 735 ngày, tôi đã chịu đựng nó 735 ngày và cảm giác như là 10 năm”, cô nói.
Vụ lạm dụng tình dục ở trường học của Thảo không phải là chuyện hy hữu. Hầu hết các vụ lạm dụng trẻ em gây chấn động ở Việt Nam năm nay đều liên quan tới các giáo viên. Một giáo viên đạo đức gần đây đã bị kết án tù vì cưỡng hiếp hai bé gái và một giáo viên khác bị bắt vì làm một học sinh có thai.
Tại Việt Nam, luật pháp về bạo lực tình dục trẻ em vẫn còn mơ hồ khiến việc truy tố khó khăn. Một số hình thức bạo lực tình dục thậm chí không được xem là tội hình sự và tấn công tình dục vẫn là một hành vi vi phạm hành chính với mức phạt tối đa chỉ là 300.000 đồng.
Hồi tháng ba, một người đàn ông bị phạt 200.000 đồng vì quấy rối một phụ nữ trong thang máy một chung cư ở Hà Nội. Tháng sau đó, một cựu quan chức có hành vi tương tự tại TP HCM nhưng lần này nạn nhân là một trẻ em. Sự việc gây phẫn nộ cho dư luận khắp cả nước và người dân của khu chung cư đã đệ đơn kiến nghị sửa đổi luật. Tuy nhiên, tòa án tối cao vẫn đang tranh luận việc “chạm vào cổ và bụng” có bị xem là quấy rối tình dục hay không.
Chiến dịch của chính phủ không chỉ hướng đến các giáo viên mà lực lượng cảnh sát cũng đang được đào tạo để nhận ra các dấu hiệu tấn công tình dục ở cả phụ nữ và trẻ em ngoài những bằng chứng như nạn nhân bị “cưỡng ép”, “trói tay chân”, “đánh đập” hay “xé quần áo”.
Công an Việt Nam ghi nhận có 1.547 vụ lạm dụng trẻ em trong năm 2018 nhưng do văn hóa e ngại, con số thực sự có thể cao hơn nhiều. Bà Rana Flowers, đại diện của Unicef tại Việt Nam, cho rằng những con số trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Bà hoan nghênh các sáng kiến của chính phủ Việt Nam nhưng cho rằng còn nhiều việc phải làm, nhất là đối với tình trạng lạm dụng trực tuyến.
Chiến dịch nâng cao nhận thức đang thấm dần vào xã hội, khi mọi người bắt đầu lên tiếng về lạm dụng trẻ em, kêu gọi điều chỉnh luật pháp hiệu quả hơn, lan truyền kiến thức trên mạng xã hội và thậm chí thiết kế một trò chơi dạy cho trẻ em cách bảo vệ bản thân. Nhiều trẻ em mới 6 tuổi đã đăng ký tham gia các lớp học tự vệ do một tổ chức từ thiện ở TP HCM tổ chức.
Tuy nhiên, trọng tâm của chiến dịch vẫn tập trung vào việc làm thế nào để trẻ em tránh bị tấn công hơn là ngăn ngừa việc lạm dụng. Queenie nằm trong số những người chọn cách giấu kín việc mình bị tấn công do sợ hãi. Khi còn nhỏ, cô bị tấn công hai lần, lần đầu là bởi một người bạn của gia đình và sau đó là bởi bạn trai của chị họ. Tuy nhiên, cô lo sợ rằng mọi người sẽ nói rằng “không có chuyện gì xấu cả, chỉ cần tránh xa hắn ta và tiếp tục sống”.
Zoe Osborne/UNICEF Vietnam/Thành Chung dịch