Bâng khuâng nhớ Trường Sa

45 năm qua, những ngày Tháng Tư lịch sử luôn gợi cho mỗi chúng ta nhớ về mốc son chói lọi, truyền thống hào hùng của dân tộc: Giang sơn thu về một mối, Bắc – Nam liền một dải, quần đảo Trường Sa được giải phóng trong quyết tâm chiến lược của cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân năm 1975.


CBCS Đảo Nam Yết làm nhiệm vụ tuần tra (ảnh chụp tháng 5 – 2019).

Tháng Tư năm nay đặc biệt hơn mọi năm, khi quân và dân cả nước vừa trải qua 3 tháng chống chọi với dịch COVID-19. Vượt qua giai đoạn vất vả nhất của dịch, cả nước đang hân hoan hướng tới kỷ niệm 45 năm Chiến thắng 30-4 với quyết tâm chiến thắng đại dịch và khôi phục kinh tế – xã hội. Trong niềm vui kỷ niệm Ngày non sông thống nhất của nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc, những người lính Hải quân rất đỗi tự hào đã cùng các lực lượng trong cả nước giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa. Năm nay còn là năm toàn thể cán bộ chiến sĩ (CBCS) lực lượng Hải quân đã và đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam Anh hùng (7-5).

Là một quần đảo nằm ở phía nam Biển Đông với trên 100 đảo lớn nhỏ và bãi san hô ngầm, Trường Sa – một phần lãnh thổ Việt Nam, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng cả về quân sự và kinh tế. Những năm gần đây, đã thành thông lệ, để kịp thời động viên (CBCS) ở Trường Sa, Bộ Tư lệnh Hải quân đều tổ chức các đoàn công tác từ đất liền ra thăm và chung vui mừng ngày giải phóng cùng CBCS trên Đảo vào dịp tháng 4, 5, 6. Đây cũng là thời điểm những cơn “cuồng phong” của biển tạm lắng, mặt biển hiền hòa, êm dịu để những con tàu có thể nhẹ nhàng lướt sóng ra khơi, mang hơi ấm đất liền ra Đảo. Song, cũng bởi đại dịch nên việc tổ chức các đoàn công tác từ đất liền ra với CBCS nơi hải đảo thời gian này lại chưa thực hiện được. Cũng trong thời điểm này, lợi dụng lúc các quốc gia trên toàn thế giới đang phải lo đối phó với đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã có những hành vi xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, làm CBCS của chúng ta nơi biển đảo càng thêm vất vả…

Tôi may mắn có dịp được ra thăm (CBCS) và chứng kiến những ngày Tháng Tư lịch sử ở quần đảo Trường Sa. Bâng khuâng nhớ tới hình ảnh CBCS nơi tuyến đầu Tổ quốc, dòng suy tư đưa tôi về với hình ảnh người lính hải quân với những gương mặt dạn dày nắng gió, một vẻ đẹp bình dị, rắn rỏi nhưng đầy lạc quan, ai cũng luôn bản lĩnh và ý trí với nhiệm vụ thiêng liêng cao cả được Tổ quốc trao cho. Những chàng trai quả cảm và đầy nhiệt huyết ấy luôn sẵn sàng chống chọi với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết cùng sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong gian khó, các anh vẫn luôn vững niềm tin, yêu Tổ quốc và mang trong mình phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ. Vượt lên chính bản thân mình, niềm tin tưởng, lạc quan ấy không chỉ được sưởi ấm bằng mỗi con tim, khối óc mà còn được truyền lửa qua các thế hệ những người lính; vẫn luôn ngời sáng lên từ ánh mắt, nụ cười trong gian lao thử thách cũng như những hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió.

Dưới tán lá bàng vuông, chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ được tổ chức mỗi khi có đoàn ra thăm đảo là nguồn động viên rất lớn với CBCS.

Vẫn biết, Trường Sa hôm nay đổi thay rất nhiều so với năm xưa. Một Trường Sa khang trang và kiên cường trước mọi thử thách, bão giông. Trường Sa không chỉ thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng, mà còn là khát vọng hòa bình của bộ đội Hải quân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên biển. Những CBCS Trường Sa luôn mang trong mình niềm tự hào dân tộc, tâm thế của những người làm chủ đất nước hòa bình và thống nhất. Chắc chắn Trường Sa những ngày này cũng đang cờ hoa rực rỡ, CBCS cùng nhau ôn lại những ngày tháng hào hùng của dân tộc cũng như truyền thống của Quân chủng Hải Quân Nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Song, Biển Đông chưa bao giờ ngơi bão tố. Cách đây hàng trăm năm, những người con ưu tú của đất nước đã vượt muôn vàn khó khăn, gian khổ, xả thân giữa biển khơi mênh mông vì chủ quyền đất nước. Để rồi, tinh thần quả cảm, quyết tâm vô hạn, dũng cảm phi thường ấy lại được các thế hệ sau nối tiếp. Niềm tin, khí phách của những người lính 45 năm giải phóng Trường Sa như đang thôi thúc CBCS nơi đây luôn đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí chiến đấu vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và ngày hôm nay, phẩm chất Bộ đội cụ Hồ lại sáng ngời hơn khi các CBCS hải quân thân yêu đang tiếp tục được giao trọng trách nặng nề nhưng rất vẻ vang: Gìn giữ nền hòa bình cho dân tộc, cho Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Cùng chung niềm vui của cả nước mừng ngày giải phóng, chắn chắn tinh thần sẵn sàng chiến đấu của toàn thể CBCS sẽ được nâng lên rất cao. Dẫu thiếu vắng đi chút hơi ấm đất liền, nhưng các anh hãy yên tâm, đất mẹ thiêng liêng, Tổ quốc vẫn luôn nhớ về các anh với niềm tin yêu vô bờ bến; hướng về Trường Sa bằng những suy nghĩ và hành động thiết thực nhất. Mong các anh luôn chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Giữa mênh mông trời biển, CBCS Trường Sa hôm nay vẫn luôn tự hào về truyền thống anh hùng, bất khuất mà các thế hệ cha anh đã xây dựng nên, quyết tâm gìn giữ, xây dựng một quần đảo thép giữa trùng khơi.

Đỗ Thị Thìn

Bài viết liên quan

Picture3

Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024)

43

Chuỗi hoạt động chào mừng 70 năm giải phóng thành phố Nam Định

“Tháng 3 giỗ mẹ” – tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

1

Bầu chọn danh hiệu “Vận động viên (VĐV) tiêu biểu và đề cử vận động Thể thao người khuyết tật xuất sắc thành phố Hải Phòng lần thứ 30 năm 2023”

tl-1-5308.jpg

Quảng Bình: Triển lãm về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

thoi-3-2228

Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy xoá mù chữ ở Lạng Sơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang