(ĐHVO) Trong cuộc sống, ai cũng có một hoàn cảnh riêng, nhưng chắc chắn chẳng mấy ai được suôn sẻ mọi việc suốt cuộc đời. Hoàn cảnh luôn tác động đến mỗi người mà hoàn cảnh thì luôn thay đổi. Có người thuận lợi hơn thì cũng có người kém may mắn hơn, thậm chí bất hạnh. Để vượt qua những rủi ro, bất hạnh họ chỉ có thể bắt đầu bằng nghị lực của chính mình…
Nghị lực là một năng lực tinh thần. Nghị lực tác động đến suy nghĩ, cách làm việc của mỗi người. Thành công là kết quả làm việc. Trong cuộc sống, ai cũng có mục đích của riêng mình và đều mong muốn gặt hái thành công. Để đạt được mục đích, con nguời phải có nghị lực để thực hiện chứ không thể trông chờ vào may mắn, cũng không thể chỉ đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Cuộc đời vẫn thường chất chứa bao nhiêu sóng gió, nhiều người gặp những hoàn cảnh rủi ro, đầy gian truân, trở ngại nhưng họ vẫn vươn lên và đạt những thành công rực rỡ. Chuyện này không hiếm gặp.
Nghị lực vươn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt – Ảnh minh họa
Người có nghị lực luôn có thể chuyển rủi thành may, chuyển họa thành phúc. Đó là người không chịu khuất phục số phận và đổ lỗi thất bại của mình cho hoàn cảnh.
Nghị lực của con người không phải trời sinh ra mà có, nó xuất phát và được rèn luyện từ gian khổ của cuộc sống. Người xưa nói: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” là vậy. Thực tế cho thấy nhiều người gặp hoàn cảnh trớ trêu nhưng họ có nghị lực vươn lên, quyết tâm vượt qua số phận để thay đổi cuộc sống. Những cũng không ít người sống trong điều kiện thuận lợi nhưng trông chờ ỷ lại, không tận dụng cơ hội để phấn đấu, khi gặp thất bại khó khăn thường sụp đổ nhanh chóng và bỏ cuộc sớm. Vậy nên muốn có nghị lực ta phải rèn luyện, đi từ gian khó mà lên. Trời không lấy hết đi của ai thứ gì, nghị lực là tài sản lớn nhất và vô giá mà cuộc sống ban tặng cho người có thái độ sống tích cực.
Để rèn luyện nghị lực, ta phải rèn ở ba phương diện năng lực, đó là: Suy nghĩ, quyết định và hành động. Để được gọi là người có nghị lực ta phải đạt mức: Suy nghĩ thông suốt; tinh thần quyết đoán và hành động bền bỉ, tự chủ. Những đức tính này phải dung hòa, nếu thái quá sẽ có hại cho nghị lực. Có nhiều yếu tố tác động đến nghị lực. Chẳng hạn, sự hiểu rộng, biết nhiều giúp ta suy nghĩ chín chắn, thông sâu; tình cảm nồng nhiệt giúp ta quyết định mau và bền chí hành động; hoàn cảnh xã hội – lời khen chê của người khác làm tăng giảm nghị lực,…. Ta phải dựa vào những điều đó để điều tiết việc làm và rèn nghị lực sống. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như thay đổi những thói quen xấu mà lâu nay ta vẫn chưa làm được đến những việc lớn hơn.
Khi đã có nghị lực con người đối chọi với khó khăn một cách dễ dàng hơn, có thể vượt qua được mọi thử thách của cuộc sống một cách đơn giản hơn. Người có nghị lực lớn được xem là người ”bị định mệnh thử thách”, họ luôn tỏ ra xuất chúng khi vượt qua trở ngại, thậm chí còn thích đương đầu với nó. Thành công của họ là từ chính họ làm nên vì vậy nó không phụ thuộc và bất kì hoàn cảnh nào. Những thành công đó thật vẻ vang và đáng tự hào.
Vậy nên muốn thành công thì không thể thiếu nghị lực. Đừng sợ trở ngại, vì chính nó là thứ để ta rèn nghị lực sống của mình. Phải đương đầu với thử thách và thất bại thì mới đủ nghị lực để đi đến thành công trong cuộc sống
Nam Phương