Bắc Ninh: Chú trọng tạo việc làm cho người khuyết tật

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng gần 40 nghìn người khuyết tật (NKT). Mặc dù NKT ngày càng nhận được sự quan tâm, chăm sóc, trợ giúp về nhiều mặt nhưng vẫn còn không ít người chưa được làm việc phù hợp với năng lực bản thân để tự tạo lập cuộc sống. Công tác giải quyết việc làm cho NKT vì thế cần thêm nhiều hơn nữa sự nỗ lực, chung tay của toàn xã hội.

Những năm qua, công tác trợ giúp NKT được các cấp ngành, địa phương trong tỉnh triển khai bằng nhiều hình thức hướng tới hỗ trợ ngày càng toàn diện mọi mặt đời sống của NKT. Bên cạnh những trường hợp khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp hàng tháng, NKT được ưu tiên tham gia các lớp đào tạo nghề, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ tiếp cận giao thông, thông tin và truyền thông, trợ giúp pháp lý, tham gia hoạt động văn hóa, thể thao… Nhiều NKT có điểm tựa để vượt lên hoàn cảnh, tự tạo lập cuộc sống.
Anh Nguyễn Hà Hải (xã An Bình, huyện Thuận Thành) từ nhỏ mang trên mình đôi chân tật nguyền, sức khỏe yếu. Với tinh thần không đầu hàng số phận, anh Hải không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập. Sau khi tốt nghiệp Khoa Thông tin thư viện, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc Gia Hà Nội), anh được tạo điều kiện công tác tại Trường THCS An Bình (huyện Thuận Thành) với vai trò thủ thư và phát huy được hết năng lực, sở trường của mình.

Trẻ em khuyết tật được dạy nghề, hướng nghiệp tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội tỉnh

Trường hợp khác là chị Đỗ Thị Huế, (phường Phù Chẩn, thành phố Từ Sơn) là NKT bẩm sinh. Ngoài được biết đến với vai trò là Trưởng nhóm khuyết tật Bắc Ninh, chị còn là chủ một cửa hàng thời trang khá có tiếng ở địa phương. Thành quả này có được từ nỗ lực không biết mệt mỏi của chị cùng sự đồng hành, trợ giúp nhiều mặt từ các khóa học nghề, vốn vay ưu đãi… Hiện tại dù còn những khó khăn nhưng với chị đây là công việc phù hợp với sức khỏe, khả năng, mang lại nguồn thu nhập đủ nuôi bản thân.
Theo anh Hải, chị Huế, chìa khóa quan trọng nhất để NKT hòa nhập với cộng đồng là được lao động, làm việc, từ đó từng bước tự lập, bớt phụ thuộc vào gia đình. Song chặng đường để một NKT tìm được một việc làm phù hợp không hề đơn giản, phần vì trở ngại về sức khỏe, ngoại hình, tâm lý mặc cảm, tự ti, phần vì cộng đồng, xã hội còn tồn tại định kiến, e dè, chưa tin tưởng vào khả năng của NKT.
Thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có gần 40 nghìn NKT, trong đó có 19.961 NKT nặng và đặc biệt nặng đang được hưởng trợ cấp thường xuyên. Ngoài ra, còn khoảng gần 20 nghìn NKT có khả năng lao động. Tuy nhiên theo khảo sát của Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, tỷ lệ có việc làm đối với lao động là NKT chỉ chiếm hơn 30 %. Lý do NKT không tìm được việc làm chủ yếu là do: Thiếu vốn, phương tiện sản xuất, kỹ năng, chuyên môn, bị phân biệt kỳ thị, học vấn thấp…
Đáng quan tâm hơn, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người NKT càng khó tiếp cận với cơ hội việc làm hơn so với trước đây. Ông Đỗ Quang Quyển, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho hay: “Đa số việc làm của NKT hiện nay là do họ tự tạo ra, chủ yếu xoay quanh những việc có thể làm tại nhà như: Sửa chữa đồ điện tử, may mặc, tẩm quất, làm đẹp, thủ công mỹ nghệ, phụ bán hàng… Đó là những công việc giản đơn, thiếu tính ổn định nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Từ thực tế này, các cơ quan chức năng cần có giải pháp trợ giúp NKT tăng cường tiếp cận cơ hội việc làm. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nhằm khai thác, phát huy đầy đủ năng lực của NKT vào sự phát triển cộng đồng hướng tới xây dựng một xã hội hoà nhập, bình đẳng”.
Luật Người Khuyết tật, Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 với nhiều đổi mới đang là cơ sở, hành lang thuận lợi để NKT được quan tâm hỗ trợ hòa nhập xã hội. Trong đó nội dung đào tạo nghề, tạo việc làm với NKT quy định rõ huy động trách nhiệm, sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là phía các doanh nghiệp. Bên cạnh được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, NKT được tạo điều kiện tiếp cận thông tin về thị trường lao động, tham gia vào các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho NKT.
Các huyện, thị xã, thành phố có thêm nhiều chính sách tạo điều kiện để NKT tìm được việc làm tại chỗ, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân xóa bỏ rào cản, sự kỳ thị đối với NKT. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động là NKT. Trước hết là thay đổi quan niệm trong tuyển dụng với NKT, coi họ không chỉ là đối tượng cần ưu tiên, mà còn là những lao động đầy tiềm năng. Tuyển dụng NKT không phải là làm từ thiện mà vì năng lực của họ đáp ứng được yêu cầu công việc…
Thực tế đã chứng minh nếu được đào tạo và trao cơ hội phù hợp, NKT hoàn toàn có khả năng làm việc tốt, tự lập bản thân. Tuy nhiên, cơ hội đó chỉ đến nếu bản thân NKT gỡ bỏ được sự tự ti và các cấp ngành, xã hội cùng chung tay, thay đổi cách nghĩ, cách nhìn về NKT, mở rộng cánh cửa việc làm để tạo điều kiện cho NKT hòa nhập với cộng đồng./.

Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang