Với mỗi em, bà Nam lại dạy theo phương pháp khác nhau. Ảnh: NVCC |
Nghề giáo không có tuổi hưu
Những người đang sinh sống tại phố An Dương (Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội), hơn 20 năm qua, chắc chẳng xa lạ gì với một lớp học đặc biệt dành cho những mảnh đời bị khiếm khuyết về trí tuệ.
Điều đầu tiên phải kể đến là những cô, cậu học trò theo học tại lớp đều là những đứa trẻ khi sinh ra đã không được may mắn như những bạn bè cùng trang lứa. Một điều đặc biệt khác trong lớp học này là học trò sẽ không gọi người truyền đạt kiến thức cho mình bằng thầy, bằng cô mà gọi bà, xưng con.
Và đặc biệt hơn nữa, người đứng lớp giảng bài lại là một cụ bà năm nay đã bước sang tuổi 90, da mồi, mái tóc bạc trắng như cước. Người giáo viên đặc biệt ấy là bà Hồ Hương Nam (cựu giáo viên Trường THCS Hoàng Hoa Thám).
Những ngày này, lớp học tình thương của bà Nam vẫn chưa thể mở cửa trở lại. Bà Nam kể rằng thời điểm trước, dịch bệnh Covid-19 hoành hành, theo chỉ đạo của chính quyền địa phương nên lớp học phải tạm thời đóng cửa. Lúc đó, lớp có 18 trẻ bị khiếm khuyết về trí tuệ theo học.
Bình thường mới trở lại, lớp học được mở cửa nhưng sau đó lại có một đến hai trường hợp mắc Covid-19. “Cũng kể từ đó, phụ huynh học sinh tỏ ra hoang mang, sợ con em mình mắc bệnh nên hoãn thời gian đến lớp.
Lâu dần, họ ngại và không cho các em đi học nữa. Bây giờ lớp học vẫn chưa thể mở cửa trở lại và bản thân tôi vẫn đang phải đến từng gia đình vận động để các cháu có thể đi học”, bà Nam chia sẻ.
Để vơi bớt nỗi nhớ nhung học trò và chờ thời điểm lớp học được mở cửa trở lại, đều đặn hàng ngày, bà Nam nhờ một người xe ôm quen chở đến nhà những người học trò gần đó để được trò chuyện, nắm bắt tình hình của các em.
Với những học trò ở xa, cứ thỉnh thoảng bà Nam lại gọi một cuộc điện thoại. Nội dung cuộc điện thoại đó lần nào cũng đều được kết thúc bằng những lời dặn dò của bà Nam dành cho học trò. Có đôi khi, bà Nam lại bắt xe đến lớp học tình thương để dọn dẹp, sắp xếp ngay ngắn lại từng quyển sách sẵn sàng chờ ngày học trò đến lớp.
Trong cuộc trò chuyện với tôi, bà Nam gây ấn tượng mạnh bởi khuôn mặt phúc hậu, nụ cười hiền hòa, giọng nói Huế nhẹ nhàng và mái tóc bạc trắng như cước.
Không những thế, trí nhớ của bà cũng khiến người đối diện phải nể phục. Những thăng trầm của thời thế, hành trình xây dựng và gắn bó với lớp học tình thương đều được bà Nam ghi nhớ một cách tuần tự và logic.
Bà Hồ Hương Nam là người gốc Huế. Thời kỳ đất nước vẫn còn khói lửa chiến tranh, bà trong diện được tập kết ra Bắc. Trong thời gian này, bà học và tốt nghiệp lớp đào tạo sư phạm cấp tốc rồi được phân công giảng dạy tại một số ngôi trường trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trước khi giảng dạy tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ).
Năm tháng gắn bó với nghiệp “gõ đầu trẻ”, được đi, tiếp xúc nhiều với những mảnh đời khó khăn nên bà Nam có cơ hội hiểu hơn sự vất vả của trẻ khuyết tật. Sau mỗi chuyến đi, lòng thương cảm của người giáo viên lại được hun đúc.
Bà Nam cũng tự nhủ bản thân phải làm được một điều gì đó để có thể giúp những phận đời “vầng trăng khuyết” ấy bớt le lói, đau buồn. Thế nhưng, bà Nam bảo, lúc ấy đành “lực bất tòng tâm” vì điều kiện chưa cho phép.
Năm 1979, bà Nam nghỉ hưu theo chế độ. Cũng kể từ đây, bằng tấm lòng nhân hậu, bà Nam đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường mà bất kỳ ai nếu được biết, được nghe kể qua đều sẽ không khỏi cảm động.
Rời xa “phấn trắng, bảng đen”, bà Nam được bố trí làm cộng tác viên dân số. Công việc mới cho bà được tiếp xúc nhiều hơn nữa với những trường hợp trẻ em khuyết tật không được đến trường hay nói đúng hơn là không ngôi trường nào dám nhận.
Bà Nam bảo, cuộc sống quanh quẩn với 4 bức tường lâu ngày dễ khiến tâm hồn trẻ trở nên “cằn cỗi”, bộ não không được hoạt động cũng dần khiến trẻ mất đi nhận thức với cuộc sống xung quanh.
Chứng kiến những cảnh đó, bà Nam đau xót vô cùng. Sau nhiều đêm trăn trở, bà quyết định phải mở lớp dạy chữ miễn phí. Học sinh của lớp học đó sẽ chính là những đứa trẻ có khiếm khuyết về trí tuệ. Thế nhưng, từ lý thuyết đến thực tiễn không phải lúc nào cũng giống nhau.
Như cánh chim không mỏi
Bà Nam lau dọn, sắp xếp lại sách vở của lớp học tình thương trong thời gian tạm dừng. |
Bà Nam chia sẻ: “Để lớp học ấy được mở ra cần phải có không gian tối thiểu để trẻ có thể ngồi học. Mà thời bấy giờ nhà ai cũng nhỏ, cũng chật nên kiếm đâu ra được.
Thứ nữa, lớp học phải có học trò. Trẻ bị khiếm khuyết về trí tuệ phụ huynh họ mặc cảm, ngại cho trẻ tiếp xúc với người khác lắm nên thuyết phục họ cho trẻ đến trường là rất khó”.
Thế nhưng, việc khó mấy, quyết tâm đến cùng vẫn sẽ thành công. Bà Nam vạch ra đường hướng chi tiết để lần lượt tháo gỡ những khó khăn. Về địa điểm học tập, bà đề đạt ý kiến và được chính quyền hỗ trợ địa điểm mở lớp. Trong khi đó, để trẻ có thể đến lớp, bà Nam không quản nắng mưa đến từng nhà vận động, thuyết phục từng người.
Thậm chí, với những gia đình còn ngờ vực, chưa thông suốt, bà Nam phải dùng đến “khế ước miệng” để nhận được những cái gật đầu của họ. Trong chia sẻ với tôi, bà Nam bảo rằng, bà phải cam kết nếu trong 1 tháng trẻ đến học tại lớp không thấy tiến bộ bà sẽ gửi trả về gia đình.
“Thời ấy, nhiều người còn bảo tôi bị tâm thần khi có tuổi rồi không chịu nghỉ ngơi mà lại tự ‘mua dây buộc mình’”, bà Nam nhớ lại.
Sau những khó khăn vất vả, “trái ngọt” đầu tiên đã đến với bà Nam khi vào năm 1997, lớp học tình hương bao năm bà ấp ủ đã được mở tại trụ sở tuần tra phường An Dương (quận Tây Hồ) với chỉ vỏn vẹn 2 học sinh.
Bà Nam từng là giáo viên, từng trải qua rất nhiều các tiết thao giảng nhưng chưa bao giờ bà cảm thấy áp lực khi dạy trẻ dưới ánh mắt “theo dõi” của phụ huynh. Thời gian 1 tháng đầu từ khi lớp học được mở ra, ngày nào phụ huynh học sinh cũng đến theo dõi từng tiết học của bà.
Trời không phụ lòng người khi 2 trẻ theo học tại lớp của bà Nam có những tiến triển rõ rệt. Phụ huynh trẻ cũng cảm nhận được cái tâm của bà nên yên tâm gửi gắm nhờ bà dạy dỗ. Sau này, “tiếng lành đồn xa”, số lượng người đưa trẻ đến học tập tại lớp học của bà Nam ngày một đông.
Cái lớp học tạm bợ ngày đầu cũng được chuyển sang một căn phòng rộng chừng 10m2 bên trong khuôn viên Trường THCS An Dương. Không gian “đặc biệt” của bà giáo Hồ Hương Nam có biển hiệu “Lớp học tình thương”. Mọi thứ dường như được xóa nhòa, cứ đều đặn, lớp học của bà được sáng đèn từ thứ 2 đầu tuần đến thứ 6 theo đúng lịch giảng dạy của nhà trường.
Với những đóng góp của mình, năm 2014, bà Nam vinh dự được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu ‘Công dân Thủ đô ưu tú’. Ảnh: NVCC |
Món quà cảm động
Bà Nam tâm sự, với một nhà giáo ở tuổi của bà, việc còn được đứng trên bục giảng là một điều đặc biệt lắm rồi và những đứa trẻ ở lớp học tình thương này là lứa học trò đặc biệt nhất trong cuộc đời dạy học của bà. “Những con người đặc biệt sẽ cố gắng làm được những điều đặc biệt.
Đó là khi nào còn sức khỏe, tôi vẫn sẽ giúp các em vốn sinh ra đã thiệt thòi đủ đường có thể tự lập, biết đến con chữ, có khả năng nhận biết để giảm đi phần nào nỗi gian truân cho bố mẹ các em. Tôi nghĩ một cách giản dị rằng, đó chính là tình thương và trách nhiệm của một nhà giáo”, bà Nam chia sẻ.
Bà Nam đứng lớp không chỉ giảng bài bằng bảng đen, phấn trắng, mà bà phải đến tận nơi uốn từng nét chữ một cho từng em. Học sinh cũ thì bà giao bài tập, học sinh mới bà ngồi cạnh tỉ mỉ kèm cặp từ đầu. Với mỗi em, bà lại dạy theo phương pháp khác nhau.
Những em bị câm điếc, bà sẽ dạy cho chúng cách viết, học sinh khiếm thị thì bà sẽ dạy cho chúng phương pháp nghe. Bà Nam bảo, bản thân bà cũng phải tự mình học ký hiệu ngôn ngữ cơ thể ở cơ sở khuyết tật với chứng chỉ xuất sắc để về chỉ dạy cho các em ở lớp học của mình.
“Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy cho những đứa trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ còn khó hơn. Hơn chục em trình độ khác nhau, tiếp thu rất chậm, có em bị khèo tay không cầm được bút, có em tôi dạy hàng tháng ròng mới viết được chữ O tròn trịa.
Bắt đầu bằng việc viết chữ O lên bảng đen để các em nhận mặt chữ, sau đó viết bút chì vào vở ô ly, đỡ tay em kéo từ từ khoanh tròn chữ O cho đúng hướng, tròn vành. Cứ như vậy, đều đặn ngày nào cũng tập và em đã tự viết được chữ O”, bà Nam nhớ lại.
Theo bà Nam, dạy trẻ khiếm khuyết ngoài tình thương, kiên nhẫn, điều cần thiết nữa là sự thường xuyên. Là một nhà giáo, bà Nam hiểu rằng, việc học nếu gián đoạn sẽ phải bắt đầu lại từ con số 0.
Chính vì thế nên ngay cả những khi thay đổi thời tiết, người yếu, bà Nam vẫn đến lớp đều đặn. Đó cũng được xem như là một cách để bà Nam làm gương cho học trò.
Sự kiên trì của bà Nam sau nhiều năm cũng đã được trả công xứng đáng bằng việc những đứa trẻ thiểu năng đã biết viết, biết đọc. Có em học sinh bị liệt chân tay cũng đã đọc viết tinh thông… Sự thay đổi đó khiến phụ huynh các em vui mừng khôn xiết. 25 năm đằng đẵng trôi, bà Nam chia sẻ rằng, bản thân cảm thấy vui khi được chứng kiến nhiều học trò tiến bộ từ lớp học của mình.
Trụ sở tuần tra phố An Dương (địa chỉ lớp học tình thương của bà Nam) trước đây giờ thành Trung tâm Văn hóa, Thể thao phường Yên Phụ. |
Bà Nam bảo từng ấy thời gian, thứ bà nhận được là sự công nhận của mọi người với những việc bà làm và quan trọng hơn hết là giúp cho những đứa trẻ vốn không được may mắn từ khi chào đời cảm thấy tự tin, có ích hơn trong cuộc sống. Và câu chuyện về bông hoa hồng học trò tặng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sẽ luôn là món quà mà bà Nam nhớ mãi.
“Tôi nhớ mãi ngày 20/11 đặc biệt đó. Khi ấy tôi vừa bước chân vào lớp thì cháu lớp trưởng giấu một bông hoa hồng đã chuẩn bị từ trước ở phía sau lưng và chạy lên tặng tôi kèm câu nói “hôm nay là ngày của bà, cháu có bông hoa tặng bà”. Sau đó, cả lớp cùng ùa lên để tặng tôi những bông hoa tươi thắm kèm những lời cảm ơn.
Dù câu nói chưa được “tròn vành, rõ chữ” nhưng đó là những âm thanh khiến tôi rất cảm động và bật khóc như một đứa trẻ. Sau này, tôi mới biết đó đều là những bông hoa được các em dành dụm tiền ăn sáng để mua tặng tôi”, bà Nam xúc động nhớ lại.
Mỗi người đều có quyền lựa chọn cho mình một cách sống khác nhau. Bà Nam bảo, nhìn thấy những nụ cười hồn nhiên, vô tư và chứng kiến những “vầng trăng khuyết” tiến bộ theo từng ngày là bà cảm thấy bản thân mình đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại