Bà mẹ thứ hai của những ” chiến binh ung thư”

(DHOV). Đến với lớp học chữ của cô Phấn, các bệnh nhi như quên đi bệnh tật, đớn đau để đua nhau viết văn, làm toán, tập đọc, tập tô và hòa mình vào một môi trường sư phạm nặng tình nghĩa cô trò.

Đó là mong ước lớn nhất của cô Đinh Thị Kim Phấn, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Đuốc Sống (quận 1, TPHCM), sau hơn 10 năm đứng lớp học bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Cô lúc nào cũng vui vẻ, cố gắng truyền những năng lượng tích cực nhất cho những học trò bất hạnh này. Bởi, cô biết thời gian của các em đôi khi chỉ đếm được bằng ngày.

cô ân cần dạy cho những chiến binh ung thư tại trường

Cô Đinh Thị Kim Phấn và các chiến binh nhỏ của mình. Ảnh internet

Giường bệnh là nhà, phòng bệnh là lớp học

Khác với các khoa phòng khác, khoa Nội 3 Bệnh viện Ung bướu TPHCM luôn ầm ĩ tiếng trẻ khóc cười, la hét. Đây là khu vực dành riêng cho các bệnh nhi ung thư. Đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi loại bệnh ung thư đến từ đủ các miền trong đất nước, những đứa trẻ ở đây có chung điểm: bệnh viện là nhà. Bởi, thời gian nằm viện, truyền hóa chất, “vào thuốc” kéo dài ngày này qua tháng khác, gần như không có điểm dừng. Nhưng từ 10 năm qua, những đứa trẻ ở đây có thêm một niềm vui mới, là lớp học của má Phấn.

Ban đầu, má Phấn dạy chữ cho những đứa trẻ ung thư ngay tại phòng bệnh, rồi dần dần bệnh viện bố trí riêng cho khoa Nội 3 một căn phòng nhỏ làm nơi sinh hoạt chung. Cứ 2 buổi mỗi tuần lại rộn ràng tiếng trẻ đọc bài, tập hát. Có đứa mang cả bình truyền vào lớp học, miệt mài say sưa nghe các cô truyền kiến thức. Thỉnh thoảng giữa giờ học lại có tiếng gọi: “Bé Thảo Nhi đi truyền thuốc”, “Bé Phú Lộc đến giờ vô thuốc nha”…

Có lẽ “học sinh” gắn bó với lớp học má Phấn lâu nhất từ trước đến nay là bé Lê Quang Trường, đã 10 năm ở đây vì căn bệnh ung thư máu. Những lúc không phải truyền thuốc, Trường lại đến lớp của má Phấn để được tập viết, tập đọc. Ngồi đung đưa một chân trên hành lang khoa Nội 3, bé Phú Lộc (12 tuổi) kể giọng hồn nhiên nhưng khiến người nghe không cầm được nước mắt: “Con bị ung thư xương, vào viện 3 năm rồi, ăn tết ở đây luôn nè. Từ bữa vào viện đến giờ con được về nhà ở Năm Căn (Cà Mau) có 2-3 lần thôi. Trước khi vào viện, con đang học lớp 3, vô đây con học lớp cô Phấn, vui lắm, nhưng con cũng phải nghỉ nhiều vì mỗi lần truyền thuốc mất hơn một tuần lận”.

Khuôn mặt khắc khổ, anh Chiếm, ba của Phú Lộc, ngậm ngùi bảo, ban đầu con kêu nhức xương, tôi cho đi khám, họ kêu thằng nhỏ bị viêm xương, nhưng uống thuốc hoài không đỡ, chân nó cứ ngày một sưng to. Tôi đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1. Vừa vào đến cổng bệnh viện, chưa kịp khám gì thì thằng nhỏ gãy chân luôn. Bác sĩ nói nó bị ung thư xương di căn rồi, phải cắt cái chân đó đi thì mới giữ được tính mạng. Cắt chân xong, thằng nhỏ được chuyển qua đây và ở luôn từ đó đến giờ. Trước ở nhà, tôi đi làm thuê làm mướn, phụ hồ cho người ta. Từ khi thằng nhỏ bệnh là bỏ hết việc để vô đây. Má nó ở nhà còn phải chăm 2 đứa em nhỏ, thêm ba tôi bị tai biến nằm liệt giường nữa. Tiền thuốc dù có bảo hiểm y tế trả nhưng mỗi tháng tôi vẫn phải mất 6-10 triệu đồng mua thêm thuốc ngoài toa. Ăn uống đều phải trông chờ vào từ thiện và mạnh thường quân, chứ không kiếm đâu ra được. May có lớp học của cô Phấn nên thằng nhỏ không quên mặt chữ”.

Còn khỏe, còn đứng lớp

10 năm qua, lớp học đặc biệt này luôn giữ được “lửa” chính là nhờ cô Phấn. Cơ duyên đưa đẩy cô đến với lớp học này cũng rất tình cờ. Khi đó, cô đang hoạt động trong chương trình “Ước mơ của Thúy” thì được giới thiệu đến với bệnh nhi ở đây. Trăn trở trước những đứa trẻ hàng ngày trị bệnh mà không biết đọc, biết viết, dù đã đến tuổi đến trường, cô xin Bệnh viện Ung bướu được mở lớp dạy chữ miễn phí luôn. Ban đầu lớp có 50 bé chưa từng biết chữ, sau đó số học sinh cứ tăng dần, bao gồm cả bé đã đi học và chưa từng đi học. Và cứ thế miệt mài trong suốt 10 năm, cô cùng các giáo viên và sinh viên tình nguyện, một tuần 2 buổi cùng học, cùng vẽ, cùng viết với các bé. 10 năm có khoảng 1.200 bệnh nhi đến với lớp học này, trong đó không ít bé đã mãi mãi ra đi khi chưa viết đến trang cuối của cuốn vở học trò.

Không biết đã bao nhiêu lần cô rơi nước mắt tiễn biệt học sinh. Rồi lặng thầm lưu giữ kỷ vật của các bé như một cách ghi nhận sự tồn tại của những thiên thần đáng yêu trên cõi đời này. Những kỷ vật ấy đơn giản chỉ là cuốn vở, cây viết các bé từng sử dụng, được xếp ngay ngắn trên kệ sách đặt tại phòng học. Hơn 300 cuốn vở lưu trữ, nghĩa là hơn 300 bé không còn quay lại lớp học. Có cuốn vở mới chỉ viết được mấy chữ “Con mơ làm cô giáo”.

Khi chúng tôi thắc mắc, suốt 10 năm qua, có lúc nào cô muốn dừng lại, cô trải lòng: Động lực lớn nhất để tôi tiếp tục con đường này chính là vẻ mặt bừng sáng của các bé khi được học chữ, học hát. Năm nào tôi cũng tự dặn mình “Cứ cố gắng hết sức vì biết đâu sang năm mình không thể làm được nữa”. Và cứ mỗi năm dặn mình như vậy, tôi đã đi được 10 năm và sẽ tiếp tục cho đến khi không còn cố được nữa. Các bé ở lớp học này đều là những “chiến binh” quả cảm, chống lại bệnh tật. Bất cứ học sinh nào trong lớp tôi cũng xem như con. Chừng nào còn đủ khả năng, tôi vẫn sẽ dạy dỗ các bé tử tế. Tôi chỉ mong muốn các bé viết được tên mình, hay ít nhất đọc được số giường mình đang nằm. Khi gặp người lớn biết chào hỏi và nói lời cảm ơn khi nhận được quà, chứ tôi không có ước mơ xa xôi gì./.

Công Năng

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang