Theo chân đoàn làm phim Đài truyền hình MBC (Hàn Quốc) về Trường Lưu ghi hình tư liệu về khối mộc bản này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến một kho tàng sử liệu đồ sộ, một di sản vô giá của văn hóa Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Mộc bản Trường Lưu có hơn 2.000 bản gỗ thị được khắc chữ Hán và Nôm ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử, chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời Hậu Lê do dòng họ Nguyễn Huy chế tác và gìn giữ. Giáo sư Nguyễn Huy Mỹ (người ngoài cùng bên trái) giới thiệu Mộc bản Trường Lưu với đoàn làm phim. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, mộc bản hiện chỉ còn 394 bộ được lưu giữ, bảo quản tại nhà thờ Nguyễn Huy Tự (Trường Lộc) và Bảo tàng Hà Tĩnh. Toàn bộ mộc bản được khắc với kỹ thuật thủ công truyền thống, khắc ván bằng âm bản tinh xảo trên cả 2 mặt, chữ được viết với thư pháp đẹp đẽ, thanh thoát với nhiều dạng chữ như: Lệ, thảo, giản, dị tự, tục tự, cổ tự, chữ kiêng húy… được khắc nổi theo thể chân thư, mỗi mặt khoảng 18-20 hàng theo chiều ngang tấm gỗ. Chiều dài mỗi tấm gỗ mộc bản bằng kích cỡ trang giấy 30 cm, rộng 20 cm, dày 2 cm, được làm từ gỗ cây thị, một loại gỗ có độ dai, mềm và bền cao nên mới lưu giữ được đến ngày nay. Mộc bản Trường Lưu được 5 danh nhân văn hóa dòng họ Nguyễn Huy biên soạn gồm Nguyễn Huy Tửu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Huy Tự. Ngoại trừ Nguyễn Huy Tửu, những người còn lại đều tham gia giảng dạy tại Quốc Tử Giám. Đoàn làm phim Đài Truyền hình MBC tái hiện cảnh giỗ tổ Nguễn Huy – Trường Lưu. Được trực tiếp xem, chứng kiến và nghe hậu duệ dòng họ Nguyễn Huy kể về khối Mộc bản Trường Lưu còn sót lại, đoàn làm phim Đài truyền hình MBC không khỏi trầm trồ và thán phục. Thông qua sự kiện giao lưu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc, đoàn đã tìm về mảnh đất “địa linh nhân kiệt” Trường Lưu để ghi lại những thước phim tư liệu về mộc bản cũng như những nét sinh hoạt đời sống thường nhật của người dân nơi đây. Là người trực tiếp chỉ đạo sản xuất, ông Park Byungkyoo – Giám đốc sản xuất Đài truyền hình MBC chia sẻ: “Chúng tôi biết đến Mộc bản Trường Lưu của các bạn thông qua chương trình hợp tác quốc tế Việt Nam – Hàn Quốc. Hiện nay, tại Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc đang giữ 64.226 mộc bản, chính vì vậy, chúng tôi muốn đến Việt Nam để xem Mộc bản Trường Lưu có những điểm gì khác so với mộc bản của chúng tôi. Sau khi được tìm hiểu về Mộc bản Trường Lưu thì khá bất ngờ và cảm thấy thú vị vì kích thước của nó khá nhỏ nhưng cực kỳ chi tiết và đẹp mắt. Điều quan trọng hơn nữa là chúng tôi được nghe kể về lịch sử ra đời, những nét văn hóa, giáo dục, phong tục, tập quán truyền thống của Việt Nam xưa thể hiện qua từng tấm mộc bản. Đó là tư liệu để chúng ta có thể so sánh với sự tiếp xúc văn hóa, giáo dục lẫn nhau, đồng thời, chúng ta còn có thể nghiên cứu về nghề in, kỹ thuật, mỹ thuật chạm khắc, đời sống KT-XH của một vùng quê xa kinh thành”. Nét văn hóa riêng của người Việt Nam được tái hiện qua những nghi lễ ở dòng họ Nguyễn Huy khiến đoàn làm phim cảm thấy thú vị. Bộ phim tài liệu về Mộc bản Trường Lưu sẽ được trình chiếu tại lễ hội Văn hóa thế giới Hồ Chí Minh – Gyeongju Expo 2017, do TP Hồ Chí Minh và tỉnh Gyeongju đăng cai tổ chức, sánh ngang cùng các tư liệu văn hóa nổi tiếng khác. Mặc dù phải di chuyển qua nhiều địa điểm để có thể ghi hình được đẹp nhất nhưng các thành viên trong đoàn làm phim đều cảm thấy thú vị vì được hiểu thêm về cuộc sống, văn hóa của con người Việt Nam. Là người trực tiếp dẫn đoàn và giới thiệu Mộc bản Trường Lưu cho đông đảo bạn bè quốc tế, GS. Nguyễn Huy Mỹ – hậu duệ đời thứ 16 dòng họ Nguyễn Huy – Trường Lưu cho biết: “Xét về góc độ lịch sử ra đời thì Mộc bản Trường Lưu có trước cả Mộc bản triều Nguyễn và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm nhưng cái độc đáo của Mộc bản Trường Lưu thể hiện ở chỗ, đây là di sản thuộc sở hữu của một dòng họ duy nhất ở nước ta còn được lưu giữ đến ngày nay. Giá trị của nó ngày càng được đông đảo bạn bè và học giả quốc tế công nhận. Ngoài hãng phim MBC Hàn Quốc về Trường Lưu làm tư liệu, trong 2 tháng tiếp theo, sẽ có 4 đoàn làm phim từ Hàn Quốc và Nhật Bản đến khám phá, tìm hiểu về mộc bản. Đây là sự kiện đáng tự hào không chỉ của dòng họ Nguyễn Huy – Trường Lưu chúng tôi mà còn đối với nền văn hóa nước nhà”. Mộc bản Trường Lưu đã để lại dấu ấn trong kho tàng văn hóa thế giới. Thông qua di sản ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương do UNESCO công nhận này, cho thấy Việt Nam có sự tương đồng với các nước đồng văn như Hàn Quốc, Nhật Bản và nổi bật với những nét đẹp truyền thống không thể hòa lẫn. Ngân Giang