(ĐHVO). Bệnh kinh nghiệm, bệnh giáo điều là một sai lầm trong tư duy của chủ thể nhận thức. Người mắc các căn bệnh này thường có xu hướng hoặc là tuyệt đối hóa vai trò của kinh nghiệm hoặc tuyệt đối hóa vai trò của lý luận, do sai lầm đó, chủ thể nhận thức thường có những hành động gây ra tình trạng kém hiệu quả trong hoạt động của cá nhân và tổ chức. Ảnh hưởng của hai căn bệnh này, đặc biệt nguy hại khi chủ thể là những cán bộ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện, hiện nay bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều còn là một tượng khá phổ biến cần được khắc phục.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng đã không ngừng vận dụng các nguyên tắc nhận thức của Chủ nghĩa Mác- Lênin vào việc xây dựng các đường lối, chủ trương định hướng cho sự phát triển của đất nước. Một trong số đó, nguyên tắc mà Người quan tâm nhất là nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Người nhấn mạnh: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của Chủ nghĩa Mác- Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[1]. Nguyên tắc này đã trở thành cách thức và phương pháp hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong quá trình thực hành nguyên tắc này, Người đã phát hiện ra rằng, đội ngũ cán bộ ở nước ta thường yếu và thiếu lý luận, hiệu quả tổ chức các hoạt động không cao. Từ đó, Người chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế là do nhiều người “chỉ bo bo giữ lấy những kinh nghiệm lẻ tẻ. Họ không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng. Vì vậy, họ cứ cắm đầu nhắm mắt mà làm, không hiểu rõ toàn cuộc của cách mạng”[2]. Nói như vậy, không có nghĩa Chủ tịch Hồ Chí Minh coi thường kinh nghiệm, theo Người kinh nghiệm cũng rất quý nhưng nó cũng có giới hạn nhất định: có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng, một mắt mờ. Chính vì phát hiện ra những điều trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc cán bộ học phải đi đôi với hành, nói đi đôi với làm, gắn lý luận với thực tiễn… cần trở thành phương châm hành động của người cán bộ.
Cho dù Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài phát biểu, nhiều lời căn dặn cán bộ phải coi trọng cả kinh nghiệm, lý luận, tránh rơi vào bệnh kinh nghiệm, bệnh giáo điều, song đội ngũ cán bộ hiện nay vẫn còn nhiều biểu hiện của hai căn bệnh này. Điều đó đang ảnh hưởng tới kết quả quá trình hoạt động thực tiễn của các địa phương.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trong nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, coi nguyên tắc này là một trong những căn cứ lý luận cho việc hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn kết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách”[3].
1. Bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều
Việc tìm hiểu căn nguyên của hai căn bệnh kinh nghiệm và giáo điều có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi chỉ có thể dựa trên những hiểu biết chính xác về bản chất, nguồn gốc dẫn đến hai căn bệnh này mới giúp cho chúng ta nhận diện, khắc phục được những sai lầm trong tư duy và do đó cải thiện tính kém hiệu quả trong hoạt động thực tiễn.
Về nguồn gốc của bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều đã được các nhà kinh điển Mác – Lênin chỉ rõ, đó là do không nhận thức đúng mối quan hệ giữa thực tiễn và lý luận.
Theo các nhà kinh điển Mác – Lênin, thực tiễn là toàn bộ các hoạt động vật chất – cảm tính, có tính lịch sử xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội. Lý luận khoa học là hệ thống những tri thức được khái quát từ kinh nghiệm thực tiễn, phản ánh những mối liên hệ bản chất, tất nhiên, mang tính quy luật của các sự vật, hiện tượng được biểu đạt bằng hệ thống nguyên lý, quy luật, phạm trù.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: ‘‘Lý luận là sự tổng kết kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử’’[4]. Lý luận được hình thành trên cơ sở khái quát kinh nghiệm thực tiễn, nhưng không phải cứ có kinh nghiệm thực tiễn là có được lý luận. Lý luận được hình thành thông qua hoạt động tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, khái quát lý luận của các nhà lý luận. Như vậy, giữa lý luận và thực tiễn có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau. Trong mối quan hệ đó, thực tiễn có vai trò quyết định đối với lý luận. Vai trò đó thể hiện ở chỗ thực tiễn là cơ sở, là động lực, là mục đích, là tiêu chuẩn để kiểm tra nhận thức và lý luận. Lý luận mặc dù được hình thành từ thực tiễn nhưng có vai trò tác động trở lại đối với thực tiễn. Sự tác động của lý luận thể hiện qua vai trò xác định mục tiêu, khuynh hướng, điều chỉnh hoạt động thực tiễn, làm cho hoạt động thực tiễn có hiệu quả hơn.
(Ảnh minh họa)
Từ mối quan hệ biện chứng giữa thực tiễn và lý luận, đòi hỏi chúng ta khi nhận thức và tổ chức hoạt động thực tiễn phải đảm bảo nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Nguyên tắc này đặt ra hai yêu cầu cơ bản bao gồm lý luận phải luôn xuất phát từ thực tiễn, lý luận phải nắm bắt tình hình thực tiễn, phản ánh chính xác các vấn đề của thực tiễn; mặt khác thực tiễn phải được dẫn dắt, chỉ đạo bởi lý luận. Như vậy, vấn đề đặt ra là, thực tiễn khi được lý luận soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng sẽ không mắc phải bệnh kinh nghiệm, còn lý luận khi dựa trên cơ sở thực tiễn, phản ánh thực tiễn thì sẽ không sẽ mắc phải bệnh giáo điều. Thực tiễn và lý luận thống nhất, bổ sung cho nhau, đảm bảo sự tồn tại của nhau. Nắm vững nguyên tắc này là chìa khóa dẫn đến thành công trong tổ chức các hoạt động trong thực tiễn. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào và khi nào chúng ta cũng có khả năng nhận thức và vận dụng đúng hai yêu cầu này. Thông thường, chúng ta thường rơi vào tình trạng hoặc là tuyệt đối hóa quá mức vai trò của thực tiễn hoặc của lý luận đến mức phiến diện, một chiều, chỉ nhìn thấy một trong hai yếu tố đó. Đây là nguyên nhân căn bản dẫn đến bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều.
Bệnh kinh nghiệm có khuynh hướng tuyệt đối hóa vai trò của tri thức kinh nghiệm, coi thường lý luận, đề cao thực tiễn, hạ thấp lý luận, ngại học tập lý luận. Vận dụng kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề thực tiễn một cách máy móc, dẫn đến tình trạng áp đặt kinh nghiệm trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Bệnh giáo điều là căn bệnh có khuynh hướng tuyệt đối hóa lý luận, coi thường kinh nghiệm thực tiễn, coi lý luận là bất di bất dịch, việc nắm lý luận chỉ dừng lại ở những nguyên lý chung trừu tượng, thuộc lòng lý luận, không chú ý đến những hoàn cảnh lịch sử cụ thể của sự vận dụng lý luận; áp dụng lý luận cứng nhắc không xem xét điều kiện cụ thể.
Như vậy, nguyên nhân của bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa và bệnh giáo điều xuất phát từ khuynh hướng nhận thức sai lệch về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, vi phạm sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của đội ngũ cán bộ kém hiệu quả, thậm chí là thất bại trong hoạt động thực tiễn. Điều này rất cần được khắc phục.
Đây là một thói quen xấu, là một dạng “khuyết tật” của xã hội hiện đại. Nếu không biết khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế của bệnh kinh nghiệm, giáo điều thì sẽ ảnh hưởng, làm chận quá trình phát triển của xã hội. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến cuộc sống, đặc biệt đối những nhóm người yếu thế: người nghèo, người khuyết tật…
Nghiên cứu để khắc phục bệnh giáo điều là khắc phục những khiếm khuyết của xã hội, từ đó tạo động lực phát triển cho mỗi cá nhận, cộng đồng và toàn xã hội.
2. Ảnh hưởng của bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều đến việc tổ chức và thực hiện nhiệm vụ chính trị của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện.
Bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều là những điểm hạn chế trong tư duy, khi mắc phải những căn bệnh này, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện sẽ dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị kém hiệu quả, thậm chí dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng, những ảnh hưởng đó biểu hiện ở các điểm sau:
Thứ nhất, ảnh hưởng của bệnh kinh nghiệm đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Bệnh kinh nghiệm là bệnh tuyệt đối hóa các kinh nghiệm đã có và áp dụng một cách máy móc vào hiện tại. Mặt khác, những kinh nghiệm này mới chỉ là những trị thức kinh nghiệm thông thường, mới đạt ở trình độ thấp của tri thức. Do vậy, đội ngũ cán bộ khi mắc bệnh kinh nghiệm thường dẫn đến những ảnh hưởng sau trong thực hiện nhiệm vụ chính trị:
Một là, khi mắc bệnh kinh nghiệm, cán bộ cấp huyện thường có tư duy đề cao, tuyệt đối hóa, thỏa mãn với những kinh nghiệm đã tích lũy được của bản thân, của đơn vị. Do vậy, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị thường rơi vào tình trạng chỉ dựa trên kinh nghiệm, mò mẫm, thiếu định hướng, sa vào vụn vặt, sự vụ, suy nghĩ giản đơn, tư duy áng chừng, đại khái, phiến diện, thiếu tính hệ thống; do tầm nhìn hạn chế bởi kinh nghiệm cũ, nên trong giải quyết những vấn đề trong thực tiễn, cán bộ cấp huyện thường lúng túng, không có khả năng vận dụng phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.
Từ đó, trong hoạt động lãnh đạo, quản lý chỉ thấy việc trước mắt không nhìn thấy việc lâu dài, thiếu nhìn xa, trông rộng, chỉ thấy các vấn đề cục bộ mà không thấy việc tổng thể. Hậu quả là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị thường chậm trễ, theo lối mòn, thiếu sáng tạo, không thích ứng với bối cảnh, điều kiện mới.
(Ảnh minh hoạt)
Hai là, rơi vào tư duy phục cổ, hoài cổ, tuyệt đối hóa sự thành công trong quá khứ, coi đó là cái nhất thành bất biến. Rơi vào tình trạng bảo thủ, trì trệ, không chấp nhận ý kiến mới, những mô hình mới, những cách làm mới.
Trên thực tế, tư duy bảo thủ thường hướng chủ thể nhận thức tới việc muốn duy trì, bảo vệ những cái cũ, cái đã lỗi thời, lạc hậu; Kỳ thị cái mới, không chịu tiếp thu cái mới, cái tiến bộ, thậm chí là chống lại cái mới trên cả phương diện nhận thức lẫn hành động.
Đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện, tư duy bảo thủ đem lại hậu quả rất lớn đối với tập thể khi họ đem tư duy, nhận thức bảo thủ đó áp đặt cho các cá nhân và tập thể, tụt hậu, kéo lùi sự phát triển của đơn vị; không thích ứng được với những cái mới. Bóp nghẹt hoặc ngăn cản sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ dưới quyền, gây tâm lý hoang mang, chán nản, mất động lực phấn đấu của cán bộ. Cán bộ hài lòng với cái đã có, an phận, thủ thường. Hậu quả là không phát triển được hiệu quả hoạt động của đơn vị, tình trạng trì trệ kéo dài.
Ba là, bệnh kinh nghiệm là nguyên nhân dẫn tới bệnh gia trưởng, tư tưởng gia đình trị. Bệnh gia trưởng tác động xấu đến nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Bệnh gia trưởng của người cán bộ lãnh đạo, quản lý làm cho cán bộ tự cao, tự đại, luôn tự cho mình là trung tâm, có quyền quyết định mọi vấn đề. Tác phong gia trưởng làm cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trở nên độc đoán chuyên quyền, xem thường ý kiến tập thể, mang tính áp đặt chủ quan. Do vậy, về cơ bản quyết định của họ thường không đạt hiệu quả cao, dễ dẫn đến mắc sai lầm phân công nhiệm vụ trong đơn vị theo kiểu ban phát bổng lộc, cách làm này gây tác hại rất lớn đối với tập thể, cơ quan, đơn vị và đối với toàn xã hội. Hậu quả của bệnh gia trưởng làm cho cán bộ dưới quyền không dám nói, sợ hãi và thực chất là gây ra tình trạng mất dân chủ trong cơ quan, đơn vị.
Về điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến… Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản… Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”[5].
Bốn là, thói quen được chăng hay chớ, tùy tiện, làm việc không có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng. Không quan tâm đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị. Khi mắc sai lầm thường đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho yếu tố khách quan bên ngoài, không dám chịu trách nhiệm.
Người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện có thói quen tùy tiện thường lỏng lẻo trong việc ra các quyết định quản lý, hành động không dựa trên các nguyên tắc. Do vậy làm cho đội ngũ cán bộ có tư tưởng không tuân thủ kỷ luật lao động, thời gian làm việc, không nghiêm túc trong chấp hành các quy chế, quy định đã được đặt ra. Thậm chí còn có xu hướng coi thường pháp luật. Hướng dẫn, quy định một đằng nhưng lại làm một nẻo. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành một tổ chức thiếu nền nếp, làm việc tùy hứng làm cho kết quả hoạt động của đơn vị thường không ổn định, thất thường, không tạo ra sự phát triển.
Một số cán bộ chủ chốt cấp huyện có biểu hiện thỏa mãn với chút ít vốn kinh nghiệm của bản thân; xem nhẹ tư duy lý luận khoa học, do vậy trong lãnh đạo, chỉ đạo thường đưa ra quyết định nóng vội, áp đặt chủ quan duy ý chí, không dựa trên cơ sở lý luận khoa học.
Như vậy, bệnh kinh nghiệm gây ra hậu quả nằng nề, làm cho đội ngũ cán bộ có tư duy tùy tiện, áng chừng, thiếu chính xác, rơi vào sự vụ, thiển cận, thiếu nhìn xa trông rộng, coi thường tri thức, nặng về quá khứ, rơi vào phục cổ, hoài cổ. Do đó, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo không chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước có thể dẫn tới sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát tài sản nhà nước, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Hơn nữa, thói quen tùy tiện còn làm cho kỷ cương, pháp luật bị vô hiệu hóa, lỏng lẻo, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất dân chủ, thiếu công bằng trong giải quyết các vấn đề diễn ra trong thực tế.
Hậu quả của bệnh kinh nghiệm và giáo điều là ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội, công đồng, dân cư trong khu vực đó. Nếu cán bộ chủ chốt có bệnh kinh nghiệm và giáo điều thì những chính sách, quy định được ban hành ra mang xu hướng cổ hủ, lạc hậu, không hiện đại, không cập nhật theo xu thể phát triển của xã hội. Nhất là đối với những người yếu thế: người nghèo, người khuyết tật…. những người cần được quan tâm, chăm sóc với sự tiên tiến hiện đại nhất thì lại không được ưu tiên, quan tâm, tạo điều kiện.
Thứ hai, ảnh hưởng của bệnh giáo điều đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Bệnh giáo điều là căn bệnh ngược lại với bệnh kinh nghiệm. Nếu như bệnh kinh nghiệm tuyệt đối hóa kinh nghiệm thì bệnh giáo điều lại tuyệt đối hóa vai trò của lý luận. Tuyệt đối hóa kiến thức đã có trong sách vở, coi thường kinh nghiệm. Đội ngũ cán bộ khi mắc bệnh giáo điều thường dẫn đến những ảnh hưởng sau trong thực hiện nhiệm vụ chính trị:
Một là, khi mắc bệnh giáo điều đội ngũ cán bộ thường rơi vào tình trạng hiểu không đúng lý luận, do không hiểu lý luận, cán bộ rơi vào tình trạng tầm chương trích cú. Trình độ nhận thức và vận dụng lý luận chủ yếu ở mức độ sao chép, trích dẫn cơ học, cắt ghép, chắp vá các kết quả nghiên cứu lý luận, dẫn đến sự vận dụng một cách máy móc, giáo điều, vô nguyên tắc. Người mắc bệnh này thường ba hoa, nói nhiều về lý luận nhưng không hiểu lý luận, lấy việc trích dẫn lý luận để khỏa lấp sự yếu kém của mình về lý luận. Do vậy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp huyện khi rơi vào trường hợp này sẽ dẫn đến việc ra các quyết định lãnh đạo, chỉ đạo một cách mò mẫm, thiếu căn cứ, sáo rỗng, không áp dụng được lý luận vào để giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lý giải “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách.” [6].
Hai là, sao chép nguyên xi lý luận dẫn đến thiếu tính sáng tạo rập khuôn máy móc, không gắn sát với điều kiện hoàn cảnh thực tiễn, tính đặc thù của từng cơ quan, đơn vị và địa phương. Điều này khiến cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp huyện thường ra các văn bản quản lý sao chép giống nhau, chủ yếu thường tập trung vào các nội dung chung chung, na ná như nhau, không cụ thể hóa, không có mục tiêu, chỉ chú ý đến hình thức mà không quan tâm tới nội dung, hiệu quả công việc.
Mặt khác, do sự sao chép nguyên xi lý luận lâu ngày dẫn đến tâm lý sợ sai, một số cán bộ cấp huyện không phát huy tư duy độc lập, sáng tạo, ngại khó khăn phức tạp, không dám nghĩ, dám làm, hành động qua loa, hời hợt, đại khái.
Ba là, áp dụng nguyên xi các mô hình của nơi khác vào địa phương mà không tính tới điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Đây là cách làm khá phổ biến trong đội ngũ cán bộ hiện nay. Rập khuôn là sự sao chép lại hay là sự lặp lại theo một khuôn mẫu đã định sẵn. Do sự rập khuôn này đã kìm hãm sự sáng tạo, sự phát triển của đội ngũ cán bộ.
Do tư duy rập khuôn, đội ngũ cán bộ thường thụ động, ỷ lại, ngồi chờ rồi lấy các mô hình hay, các mô hình hiệu quả ở các địa phương khác về áp dụng nguyên xi vào địa phương, đơn vị mình. Hậu quả là nhiều mô hình dù rất thành công ở một địa phương nhưng khi đem áp dụng đại trà lại thất bại ở nhiều địa phương khác.
Ảnh hưởng của bệnh giáo điều, bệnh kinh nghiệm có thể nhìn thấy rõ khi nhìn vào nhóm đói tượng: người nghèo, người khuyết tật, người có công….Ở đâu có bệnh giáo điều, bệnh kinh nghiệm thì nơi đó chính sách an sinh xã hội là không được đảm bảo. Không có sự tư duy, đổi mới trong các hoạt động thực hiện chính sách xã hội, áp dụng bê nguyên tư duy, mô hình của nơi khác không có sự thay đổi phù hợp với tình hình của địa phương.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều. Nhưng người cũng lưu ý rằng: “Nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em, thì sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại”[7].
Nhìn chung, bệnh giáo điều chính là bệnh sách vở, đọc sách nhưng không hiểu sách, không gắn được lý luận với thực tiễn. Bệnh giáo điều tự nó làm mất đi giá trị của lý luận, làm cho lý luận không phát huy được vai trò của mình, làm cho thực tiễn không đạt được hiệu quả như mong muốn. Lý luận chỉ có ý nghĩa khi được vận dụng vào thực tiễn, nhưng lý luận khi vận dụng vào thực tiễn thì phải phù hợp với thực tiễn thì mới không sa và tình trạng lý luận suông hay lý luận sách vở. Khắc phục bệnh giáo điều chính là phê phán bệnh sách vở, nhưng điều đó không có nghĩa là coi thường sách vở hay coi thường lý luận mà phải đọc sách để có tri thức, có tri thức rồi phải vận dụng tri thức vào cuộc sống. Muốn vậy, phải thu hẹp tối đa khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn, thường xuyên đối chiếu giữa lý luận với thực tiễn.
Tóm lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[8]. Như vậy, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được hiểu trên tinh thần biện chứng, thực tiễn cần tới lý luận soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng để không mắc phải bệnh kinh nghiệm, không rơi vào mò mẫm. Còn lý luận phải dựa trên cơ sở thực tiễn, nảy sinh từ thực tiễn, phản ánh thực tiễn, luôn liên hệ với thực tiễn và được bổ sung, hoàn thiện, phát triển thông qua tổng kết thực tiễn để không mắc phải bệnh giáo điều. Việc ngăn ngừa, khắc phục các căn bệnh nói trên trước hết phải bắt nguồn từ việc coi trọng lý luận, tăng cường năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn. Hiểu và vận dụng đúng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn sẽ khắc phục những ảnh hưởng của bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều trong đội ngũ cán bộ cấp huyện nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong tổ chức thực nhiệm vụ chính trị của đội ngũ cán bộ ở các địa phương, đơn vị.
Đặng Ánh Tuyết – Phạm Minh Hoàng – Học viện Chính trị khu vực I
Nguyễn Hồng Thái – Viện Kinh tế Công nghệ Việt Nam
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. C.Mác và Ph.Ăngghen (1998), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 1.
3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị, Triết học Mác – Lênin, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.
4. Hồ Chí Minh: (1995), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 5.
5. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, Nxb CTQG,H.1996, tập 8.
6. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 9.
[1] Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 9, tr 173.
[2] Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 9, tr 247.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb.CTQG, Hà Nội, tr. 181-182.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NxbCTQG,H.1996, tập 8, tr.497.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1995, tập 5, tr 280 – 281.
[6] Hồ Chí Minh (1947), Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.274.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2002, tập 8, tr 497.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2002, tập 8, tr 496.