(ĐHVO). Nếu một ai cảm thấy chán nản và mệt mỏi bởi chuyện tình cảm, công việc, học hành, hay vì bất cứ điều gì chăng nữa, hãy chậm lại một chút sẽ thấy quanh ta không ít những tấm gương khiếm khuyết nhưng đầy bản lĩnh như anh Hoàng Xuân Cường.
Sinh ra như bao đứa trẻ bình thường
Anh Hoàng Xuân Cường (1984), thôn Hồ Lương, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã cất tiếng khóc chào đời, dưới vòng tay ôm ấp của người mẹ như bao đứa trẻ khác. Nhưng số phận thật trớ trêu khi anh 6 tuổi, chuẩn bị bước vào trường mầm non thì bị điếc không rõ nguyên nhân. Gia đình đã dốc cạn tài chính chữa chạy cho anh, nhưng không chữa được. Thời gian đầu, anh bỡ ngỡ, rơi vào trầm lặng, nhưng được bố mẹ chăm sóc, dần dần đứa trẻ đó lại lấy được hồn nhiên như sự ban đầu. Nhưng so với bạn cùng trang lứa anh thấy vẫn thiệt thòi vô cùng, nhiều khi anh ứa nước mắt khóc. Số phận nghiệt ngã đâu chỉ dừng lại ở đó, khi nên 10 tuổi không may anh bị té ngã gãy tay. Gia đình, bố mẹ anh, lại phải bán hết tài sản để chạy chữa tại Bệnh viện Nhi Trung Ương tại Tp. Hà Nội. Trải qua cuộc phẫu thuật mổ và băng bó, bố mẹ anh với biết anh bị bệnh xương thuỷ tinh. Không những thế, anh lại bị mắc thêm bệnh khớp ở hai chân khi học cấp 2 khiến anh không đi lại được nên buộc phải bỏ học nằm liệt ở nhà ôm nỗi đau giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần.
Bắt đầu đi học nghề từ tuổi 25
Lớn dần, anh biết mình không thể cứ phụ thuộc vào gia đình được mãi nên nung nấu ý định tìm nghề. Rồi anh được một người bạn trong hội người khuyết tật giới thiệu đến với nghề thêu hoa tại Trung tâm dạy nghề ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Lo con vất vả, không trụ được khó nhọc nên bố mẹ ngăn cản anh đi học nghề, anh tự nhủ: “Rồi dần dần bố mẹ già ốm, mình sẽ làm gì để nuôi sống bản thân đây?” Ý chí anh trỗi dậy, tìm mọi cách để nài nỉ, thuyết phục bố mẹ anh rồi một ngày được bố mẹ đồng ý cho đi học nghề thêu hoa. Cố kìm nén nỗi đau và không muốn để bố mẹ nhìn thấy khó khăn, vất vả của mình nên anh nỗ lực, quyết tâm học nghề. Học nghề được 5 tháng, anh chuyển đến Công ty Chân Thiện Mỹ tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh vừa học vừa làm. Bước vào, một công ty dành cho người khuyết tật, được chào đón nhiệt tình của các thầy cô cũng như được học hỏi, hòa nhập với mọi người là người khuyết tật, anh Cường nuôi một hy vọng lớn vào tương lai có thể làm được tất cả.
Công ty Chân Thiện Mỹ huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh
Nhưng câu chuyện học nghề của một người thường đã khó, học nghề của một người khuyết tật càng khó khăn hơn gấp bội. Anh còn nhớ, thầy Nguyễn Văn Lưu quê Hải Dương, người thầy dạy thêu ren không chỉ chỉ bảo từng li từng tí, mà còn động viên tinh thần mỗi lúc anh mệt mỏi chán nản. Thầy như người bố, người mẹ thứ 2 của anh tại môi trường mới này. Anh luôn cảm thấy áp lực khi phải làm quen môi trường, học nghề theo kịp mọi người nhưng được sự động viên của các thầy cô và bạn bè nơi đây, cùng ý chí không phụ thuộc vào bố mẹ đã giúp anh vượt qua khó khăn và thành công trong nghề thêu tranh.
Anh đã đạt được những thành công bước đầu
Mỗi bức tranh, anh làm ra cũng phải mất từ 15-20 ngày tỉ mỉ chịu thương, chịu khó mới ra được một đến ba bức. Mặc dù mỗi tháng chỉ được 1,5 triệu đến 2 triệu đồng, chỉ đủ để anh mua rau sống qua ngày, nhưng anh cảm thấy thực sự hạnh phúc, vì những đồng tiền mồ hôi nước mắt do chính mình làm ra.
Dần dần, không chỉ là đủ sống nữa, anh đã nuôi ước mơ sẽ có ngày có tiền dư để dành mở xưởng được. Để biến ước mơ thành hiện thực, anh ngày ngày chăm chỉ nỗ lực để nuôi dưỡng ước mơ thành hiện thực, ước mơ đó dường như nuôi dưỡng tâm hồn anh ngày càng lớn mạnh.
Tác phẩm tranh thêu của anh Hoàng Xuân Cường
Dịch Covid – 19 không thể ngăn cản được ước mơ của anh
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 nên công ty anh đang theo làm bị đóng cửa, và thế là công việc thêu tranh của anh bị tạm hoãn. Anh phải về nhà, không có việc làm nên đã nảy ra suy nghĩ làm tranh đính đã Venus và tranh thủ học thêm nghề bán hàng Online để có thêm kinh tế trong mùa dịch.
Quả thực, không có con đường nào trải hoa hồng, anh Cường luôn chọn cho mình con đường chông gai để từ chính con đường đó làm nên sự kiên cường, không bao giờ khuất phục trước khó khăn. Và hơn hết, để có được như này hôm nay là kết quả của sự cố gắng, quyết tâm, sự lạc quan, tin tưởng vào chính bản thân mình. Anh tâm niệm: “Anh không bao giờ thấy bản thân trách phận một điều gì về số phận của mình, anh luôn luôn hướng tới những điều tốt đẹp và đặc biệt là phải sống, sống có ích.”
Tác phẩm tranh đính đá của anh Hoàng Xuân Cường
Giải thưởng nghị lực vượt khó bán hàng online
Hơn thế nữa với phương châm lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều nên từ rất lâu, anh luôn muốn có một số vốn nhỏ để mở một xưởng tranh đính đá cho các bạn khuyết tật ở làng quê. Khi đó, anh có thể giúp cho các bạn khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn có công việc để làm nuôi sống bản thân, bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội đặc biệt giúp các bạn vượt qua rào cản tâm lý, cho các bạn thấy rằng bản thân luôn có giá trị.
Mong rằng, anh Cường vẫn luôn kiên cường, ý chí như thế để có thể thực hiện được ước mơ đầy giá trị nhân văn, hỗ trợ được nhiều người khuyết tật có công việc ổn định để có thể tự tin, hòa nhập xã hội.
Nguyễn Văn Sự (NS)