Anh Cấn Hồng Khuyên- chàng trai nghị lực vượt lên số phận

(ĐHVO). Sinh ra khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng đến năm học lớp 11, anh Cấn Hồng Khuyên không may mắn bị chứng bệnh vô danh khiến tay chân yếu dần, cơ miệng cử động khó khăn. Vượt lên trên tất cả, anh vẫn dùng sức lực nhỏ bé của mình cống hiến cho đời, cho người.

Anh Cấn Hồng Khuyên khởi nghiệp từ đôi chim bồ câu non (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh Cấn Hồng Khuyên sinh ra trong một gia đình gồm 6 thành viên tại thôn Bách Kim, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Theo lời kể, năm 1978,bố anh nhập ngũ, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc sang Campuchia tham gia nghĩa vụ quốc tế. Năm 1979, sau khi điều trị vết thương ông được phục viên về địa phương xây dựng gia đình với mẹ anh là bà Cấn Thị Mẩu, họ sinh ra được bốn người con, anh Khuyên là con út.

Lý giải về cái tên của mình, anh tâm sự: “Bố mẹ định đặt tên tôi là Cấn Văn Khuyên, nhưng cán bộ làm giấy khai sinh tưởng nhầm tôi thành con gái, nói con gái ai đặt đệm là “Văn” bao giờ, vậy là cô ấy đổi thành “Hồng”. Bao chuyện dở khóc dở cười cũng bắt nguồn từ cái tên Cấn Hồng Khuyên mà ra. Năm tôi học lớp 9, cô giáo dạy hoá học gọi toàn các bạn nam lên kiểm tra bài cũ nhưng không ai thuộc bài cả, sau đó cô bảo: “Bây giờ tôi sẽ gọi một cách cách lên bảng”. Cô gọi đúng tên tôi làm cả lớp cười bò. Cũng may hôm đó học thuộc bài không thì ngại chết ”.

Năm lớp 9, do gia đình không có điều kiện nên trong khi các bạn đi học thêm để ôn thi vào lớp 10, anh Khuyên phải vừa học trên lớp, vừa phải ra nhà chú để học thợ mộc. Nếu không thi đỗ, anh sẽ đi làm luôn chứ không phải học nghề nữa. Dù vậy, nhờ sự cần cù, chịu khó học hỏi của bản thân, anh Khuyên đã thi đỗ cấp ba với điểm số cao và được chọn thẳng vào lớp A của trường. Cánh cửa tri thức như mở ra trước mắt anh, biết bao ước mơ tương lai được ấp ủ khiến anh tự nhủ, mình phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa.

Những rồi, bước ngoặt năm lớp 11 đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh, trong lúc xếp hàng học quân sự, bỗng nhiên mặt mũi anh tối sầm, người lả đi. Rồi cứ thế hai chân anh yếu dần, bố mẹ đưa anh ra viện Bạch Mai khám, nằm ở Bạch Mai 2 tuần mà chưa có kết luận bệnh, anh được chuyển sang viện châm cứu Trung ương. Suốt 6 tháng trời, ngày nào cũng có gần 40 cái kim châm khắp cơ thể, nhưng nỗi đau đớn thể xác sao sánh bằng nỗi đau tinh thần? Chàng trai 17,18 tuổi ấy chẳng thể tưởng tượng được tương lai phía trước sẽ tối tăm và mù mịt ra sao khi bản thân mình từ một người khỏe mạnh bình thường trở thành người khuyết tật! Nỗi đau đớn tinh thần và thể xác cùng nỗi nhớ trường lớp, thầy cô và các bạn  dày vò khiến anh chỉ hi vọng mau khoẻ để quay lại học tiếp. Quãng thời gian sau đó, nhờ sự tận tình của bác sĩ và sự động viên, chăm sóc của cha mẹ mà việc điều trị có tiến triển tốt. Khi anh Khuyên dần lấy lại được niềm tin đã mất, tập trung chữa trị bệnh thì lời bác sĩ như quả bom giáng xuống: Các bác sĩ của bệnh viên Bạch Mai kết luận anh bị bệnh Wilson nhiễm đồng trong máu, căn bệnh gây ảnh hưởng đến thần kinh và dần dần sẽ làm anh mất khả năng vận động. Bấy giờ chưa có phác đồ điều trị hợp lý, bệnh tình không tiến triển, anh Khuyên được các bác sĩ cho về nhà.

Anh tâm sự: “Lúc được biết kết quả bị bệnh Wilson, tôi suy sụp lắm nhưng chỉ khóc một, hai lần rồi thôi, biết bao tủi thân, ấm ức nuốt hết vào lòng. Tôi tự nhủ với bản thân: Mình phải mạnh mẽ lên! Chuẩn bị cho mình một tâm lý như vậy nhưng khi ra ngoài chơi cho khuây khỏa, nhìn những ánh mắt miệt thị, nghe những lời nói cay nghiệt như sát muối vào nỗi đau của tôi là tôi lại chùn bước. Họ coi tôi là thằng điên, thằng tâm thần bị ma nhập.”

Cảm giác sợ hãi ám ảnh lấy anh, anh dần sống khép kín, biệt lập với thế giới bên ngoài. Suốt 6 năm trời chỉ có một người bạn duy nhất, thỉnh thoảng đến tâm sự, kể anh nghe về cuộc sống xung quanh. Thời gian 6 năm tự đấu tranh với bản thân và căn bệnh, cố gắng làm chủ cơ thể ngày một yếu dần, không thể đi đứng như bình thường, anh Khuyên phải bám vào tường đi từng bước một. Đến khi được bệnh viện Bạch Mai lấy mẫu máu và gửi sang Nhật làm xét nghiệm, kết quả là anh không bị Wilson, tuy không tìm ra nguyên nhân bệnh, nhưng kết luận đó đã giúp “cái án tử” treo trên đầu anh được gỡ bỏ. Thêm vào đó, được lời động viên của người bạn thân, anh Hồng một lần nữa thử bước chân hướng về phía mặt trời!

Anh kể: “Tôi bước ra thế giới một lần nữa với cảm giác e dè sợ sệt, tôi đeo tai nghe mở nhạc thật to để không nghe thấy những lời miệt thị của người khác. Cũng may là dù chân tay yếu, cử động mồm khó khăn nhưng cơ thể không teo tóp. Trái ngược với suy nghĩ tiêu cực của mình, mọi người chỉ ngạc nhiên một chút rồi động viên tôi hết lời. Những lời nói đó như tiếp thêm động lực cho tôi, giúp tôi càng mạnh mẽ hơn nữa!”

Anh Khuyên xin bố mẹ ra sống tự lập, bố mẹ anh mua 02 đôi chim bồ câu với ý định để anh có việc làm cho vui. Từ 02 đôi chim này, từng đôi từng đôi một, đến nay anh đã là ông chủ của một trang trại nhỏ với hơn 100 đôi chim bố mẹ, hàng tháng cho ra đời khoảng 60-70 đôi chim non. Anh tâm sự:“Cũng không phải thành công đến ngay lập tức, tôi thất bại nhiều lần lắm. Mới đầu phải lo xoay vòng vốn để có tiền mua thức ăn cho chim, rồi trong quá trình nuôi, chim bệnh, chim chết. Có lần sơ ý quên không đóng cửa, chó con vào cắn chết 12 đôi, tôi nhìn mà xót xa vì công sức của mình.”

Có thất bại, có suy sụp trăn trở, có bước tiếp! Đằng sau vẻ ngoài hiền lành, dễ mến của anh là một trái tim kiên cường vượt lên mọi đắng cay cuộc đời ban cho mình. Thể trạng không bằng người ta, nhưng anh tâm niệm: “Hình như càng khó khăn tôi lại càng cương quyết theo đuổi con đường này. Tôi không muốn là gánh nặng cho ai hay sống theo ý muốn của ai hết, cuộc đời chỉ có một, chẳng ai có thể sống thay mình. Tôi mơ ước mình có thể xây dựng một cơ ngơi nho nhỏ, để những ngày tháng sau này không còn phải lo nghĩ đến cơm áo, gạo tiền nữa.”

Trại chim bồ câu nho nhỏ của anh Khuyên (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Những lúc tâm trạng xuống dốc, anh lại ngồi tự tay làm những ngôi nhà bằng tăm tre, đây là khoảng thời gian giúp anh suy ngẫm, nhìn nhận lại cuộc sống và cũng để rèn luyện tính kiên trì nhẫn nại.

Nhà tăm do anh Khuyên làm (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh hay tự động viên mình: “Mệt thì cho phép bản thân nghỉ ngơi, ngã ở đâu đứng lên ở đó, thất bại thì làm lại. Thái độ sống mới làm nên cuộc đời của một con người!” Chính vì thế, dù chân tay yếu ớt, dù mệt mỏi để chống lại bệnh tật nhưng anh Khuyên vẫn từng bước, từng bước tiến về tương lai.

Anh Khuyên tâm niệm:“Dẫu biết rằng từ lời nói đến thực tế, đang là một khoảng cách rất xa. Nhưng chúng ta- những người có cùng chung cảnh ngộ vẫn đang thực hành rất tốt, sống hoà nhập để không ai bị bỏ lại ở phía sau. Ai rồi cũng đều sẽ phải khuất núi, nhưng chúng ta đang lựa chọn cái chết ngẩng cao đầu”.

Công Năng

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang