Ấn tượng và đậm giá trị nhân văn

Tối 5-9, trên sân vận động quốc gia tại Thủ đô Tokyo của Nhật Bản, Thế vận hội thể thao người khuyết tật – Paralympic Tokyo 2020 bế mạc. Buổi lễ diễn ra đầy ấn tượng, trẻ trung và sôi động, thể hiện sự lạc quan, hướng về tương lai và các giá trị nhân văn sâu đậm.

Toàn cảnh lễ bế mạc Paralympic Tokyo 2020 tại sân vận động quốc gia Tokyo.

Ảnh: IOC

Do Tokyo đang trong tình trạng khẩn cấp vì đại dịch Covid-19, lễ bế mạc Paralympic Tokyo 2020 diễn ra không có khán giả và hạn chế tối đa đại biểu, khách mời. Với chủ đề “Harmonious Cacophony” (Một bản hòa tấu), Ban tổ chức mong muốn mang đến một ngày hội chia tay đầm ấm trong tình đoàn kết, hữu nghị, thể hiện sự đa dạng trong thống nhất giữa các nền văn hóa. Các VĐV đại diện cho 160 đoàn thể thao người khuyết tật các nước, vùng lãnh thổ và đoàn thể thao người khuyết tật tị nạn hòa cùng các nghệ sĩ trong những tiết mục ca múa nhạc, biến sân vận động trở thành một sân khấu lớn của bản hòa tấu đa sắc màu mà ở đó mỗi người như những mảnh ghép hoàn thiện, bổ sung và cùng hỗ trợ, nâng đỡ, giúp nhau vượt trên số phận. Trên màn hình lớn của sân vận động lần lượt giới thiệu những khoảnh khắc đáng nhớ của 12 ngày thi đấu, vinh danh những thành tích và kỷ lục nổi bật của các VĐV. Cùng với lễ hạ cờ Paralympic, Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) Andrews Parsons và Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đã bàn giao lá cờ Paralympic cho bà Anne Hidalgo, Thị trưởng thành phố Paris của Pháp, nơi sẽ tổ chức kỳ Paralympic Paris 2024. Để chào mừng sự kiện này, các nghệ sĩ và VĐV thể thao người khuyết tật Pháp đã trình diễn một chương trình nghệ thuật được truyền trực tiếp từ thủ đô của nước Pháp.

Trước đó, trong buổi sáng và chiều 5/9 đã diễn ra những nội dung thi đấu cuối cùng tại Paralympic Tokyo 2020. Đây cũng là “ngày vàng” của thể thao người khuyết tật các nước châu Á khi gần như độc chiếm HCV ở môn cầu lông (giành 13/14 HCV). Trong đó đội tuyển cầu lông Trung Quốc dẫn đầu với năm HCV, các tay vợt chủ nhà Nhật Bản có ba HCV xếp thứ hai, hai đội tuyển Indonesia và Ấn Độ cùng giành hai HCV, Malaysia giành một HCV, chỉ có duy nhất một HCV thuộc về đội tuyển Pháp. Các VĐV châu Á cũng xuất sắc giành hai HCV và đều là những kỷ lục đại hội trong tổng số năm nội dung chung kết marathon khắc nghiệt. VĐV Michishita Misato (Nhật Bản) giành HCV, đồng thời phá kỷ lục đại hội ở hạng T12 với thời gian 3 giờ 50 giây; VĐV người Trung Quốc Li Chaoyan phá kỷ lục Paralympic hạng T46 sau 2 giờ 25 phút 50 giây để giành HCV. Về đích đầu tiên trong cuộc đua hơn 42 km dánh cho VĐV xe lăn hạng T54 là tay đua Hug Marcel của Thụy Sĩ với thành tích ấn tượng 1 giờ 24 phút 2 giây. Trong ngày thi đấu cuối cùng, các VĐV của Mỹ đã giành cả hai HCV bóng rổ xe lăn và bóng chuyền ngồi.

Tại Paralympic này, đoàn thể thao người khuyết tật Trung Quốc đã cho thấy sức mạnh vượt trội bằng việc giành 207 huy chương (trong đó có 96 HCV), đoàn Anh xếp thứ nhì (42 HCV) và đoàn Mỹ đứng thứ ba (37 HCV). Với chính sách quan tâm, đầu tư lớn, hiệu quả cho thể thao người khuyết tật, Trung Quốc luôn dẫn đầu và vượt trội ở nhiều nội dung thi đấu của các môn thể thao. Trong đó, ở nhóm môn cơ bản, họ giành tới 27 HCV môn điền kinh, 19 HCV môn bơi lội, 11 HCV đấu kiếm, bảy HCV cử tạ, bốn HCV bắn súng, bốn HCV bắn cung… Tại nhóm môn đặc thù, các VĐV Trung Quốc cũng thể hiện sức mạnh với 16 HCV bóng bàn, năm HCV cầu lông… Tuy có số lượng HCV ít hơn, nhưng hai đoàn Anh và Mỹ lại tập trung vào chất lượng khi các VĐV của họ không những đoạt được các ngôi vô địch mà còn phá nhiều kỷ lục thế giới, kỷ lục Paralympic với mục tiêu hướng tới là dần đưa thành tích thể thao Paralympic tiệm cận thành tích Olympic.

Đoàn Nhật Bản dù tham dự với lực lượng đông nhất trong lịch sử phong trào Paralympic, song không đứng trong tốp 10 đoàn dẫn đầu thành tích. Tuy nhiên, với nước chủ nhà, thành tích là đáng quý và họ cũng mong muốn, nhưng điều quan trọng hơn là một kỳ Thế vận hội thật sự công bằng, đúng tinh thần Paralympic. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á cũng có một kỳ đại hội thành công. Với năm HCV, năm HCB và tám HCĐ, đoàn Thái Lan xếp thứ 25 trên bảng xếp hạng; đoàn Malaysia có ba HCV, hai HCB, xếp thứ 39; đoàn Indonesia đứng vị trí thứ 43 với hai HCV, ba HCB và bốn HCĐ; Singapore xếp thứ 48 với hai HCV.So với Paralympic Rio 2016, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam có phần không thành công khi chỉ giành được một HCB của lực sĩ cử tạ Lê Văn Công và xếp thứ 75 trên bảng xếp hạng. Sau Paralympic Tokyo 2020, nếu không có gì thay đổi, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà tổ chức Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á – ASEAN Para Games 2021 trong năm 2022. Theo lãnh đạo Tổng cục Thể dục – Thể thao, bên cạnh việc tập trung đầu tư cho những môn thể thao thế mạnh để có thành tích cao chuẩn bị cho đại hội khu vực sắp tới, về lâu dài, Tổng cục sẽ có chính sách hỗ trợ để mở rộng và phát triển hơn nữa phong trào thể thao người khuyết tật. Đó là nền tảng cơ sở để xây dựng và tuyển chọn lực lượng VĐV kế cận cho thể thao thành tích cao./.

Theo Báo Nam Định

Bài viết liên quan

Picture3

Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024)

43

Chuỗi hoạt động chào mừng 70 năm giải phóng thành phố Nam Định

“Tháng 3 giỗ mẹ” – tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

1

Bầu chọn danh hiệu “Vận động viên (VĐV) tiêu biểu và đề cử vận động Thể thao người khuyết tật xuất sắc thành phố Hải Phòng lần thứ 30 năm 2023”

tl-1-5308.jpg

Quảng Bình: Triển lãm về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

thoi-3-2228

Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy xoá mù chữ ở Lạng Sơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang