An sinh góp phần phục hồi kinh tế
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội (KT-XH) cuối năm 2022, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, cùng với việc phát triển kinh tế, thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, các lĩnh vực an sinh xã hội đã được triển khai kịp thời, thiết thực và hiệu quả. Các chính sách ưu đãi đối với người có công, bảo trợ xã hội, người yếu thế, người nghèo đều được quan tâm, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ thực sự vượt trội như chăm sóc, hỗ trợ người dân, người cao tuổi, phụ nữ sinh con và trẻ em bị tác động bởi đại dịch Covid-19, nhất là trẻ em mồ côi.
Sau khi Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ nhất ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15, liên tiếp các nghị quyết an sinh xã hội (NQ số 68/NQ-CP, NQ số 116/NQ-CP, Quyết định 08/2022/QĐ-TTg) lần lượt được ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời không chỉ hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động vượt qua dịch bệnh Covid-19 kéo dài, mà còn góp phần phục hồi và phát triển KT-XH nhanh ngay từ đầu quý I/2022. Các chính sách này đã góp phần rất quan trọng để ổn định lòng dân, động viên, thu hút người lao động sớm quay trở lại làm việc, không để ngưng trệ sản xuất, kinh doanh, đứt gãy thị trường lao động.
Nếu như trước đó, trải qua năm 2021 dịch bệnh Covid-19 đầy khó khăn với làn sóng 3 triệu người lao động di chuyển từ các cực tăng trưởng về các địa phương dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, nhưng, thị trường lao động – việc làm đã không để xảy ra việc đó và trở lại trạng thái bình thường nhanh hơn dự báo. Cuối năm 2022, thị trường lao động đã đạt quy mô 51,9 triệu người, tăng hơn 2,8 triệu người so với cùng kỳ. Tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường đạt 68,7%, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 992 nghìn đồng so với năm 2021.
Năm 2022, với ngành LĐ-TB&XH đánh dấu bước thành công trong nhiều lĩnh vực, trong đó giáo dục nghề nghiệp đã có bước chuyển biến tích cực cả về quy mô lẫn chất lượng. Tỷ lệ người học nghề tăng lên, nhận thức xã hội của gia đình và người học có chuyển biến, đào tạo chất lượng cao được chú trọng hơn, kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam được tăng cường, tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành, nghề, trình độ đào tạo được tăng lên. Đáng chú ý, lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý trong các doanh nghiệp FDI tăng nhanh, đảm nhận nhiều vị trí, lĩnh vực việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài đảm nhận. Minh chứng là tại Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới tại CHLB Đức, với gần 100 quốc gia tham gia, đoàn thí sinh Việt Nam giành 2 Huy chương Bạc – thành tích tốt nhất của Việt Nam từ trước đến nay qua những lần tham dự sân chơi kỹ năng nghề thế giới.
Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát và các nước dần khôi phục lại việc tiếp nhận lao động nước ngoài. Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn kịp thời nắm bắt các chính sách, quy định mới của các quốc gia về tiếp nhận lao động, hướng dẫn doanh nghiệp trong các khâu tuyển chọn, đào tạo, tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Kết thúc năm 2022, đã có hơn 142 nghìn lao động đi làm việc tại các thị trường lao động – một con số kỷ lục, khi trước đó đầu năm 2022, kế hoạch đề ra là 90 nghìn người.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm người lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản đầu tháng 9/2022. Ảnh: Tiến Tuấn
Phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững
Có thể thấy, mặc dù thị trường lao động đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn bộc lộ những vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Về chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cầu lao động của nền kinh tế chưa đủ hiện đại, chưa có đủ việc làm bền vững đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động, còn 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 27,6%); gần 34 triệu lao động có việc làm phi chính thức (chiếm 67,5%) tổng số lao động có việc làm.
Thị trường lao động Việt Nam hiện phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung – cầu và tự cân bằng của thị trường còn hạn chế, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa thực sự phát triển đầy đủ. Đặc biệt những tháng cuối năm 2022, trước tác động bởi sự biến động của thị trường quốc tế và trong nước, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ tại khu vực phía Nam đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm gây ảnh hưởng tới đời sống của hàng vạn người lao động; 528 doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh, phải cắt giảm việc làm; số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp là hơn 600 nghìn người, chiếm khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp, trong đó số lao động bị mất việc làm là hơn 50 nghìn người, chiếm 8,4% số lao động bị ảnh hưởng. Phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém, rời rạc, thiếu tính kết nối, đặc biệt thiếu kỹ năng và kinh nghiệm trong hoạt động phân tích, dự báo thị trường lao động.
Bên cạnh những thành tựu phục hồi và phát triển KT-XH năm 2022, năm 2023, nền kinh tế của Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách, dự báo thị trường lao động cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức. Để khắc phục cũng như lường trước những khó khăn sắp tới, cần có những giải pháp khắc phục và từng bước tháo gỡ những vấn đề đang đặt ra trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội. Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và phát triển. Chính phủ cũng sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về việc xây dựng thị trường lao động theo các định hướng đó, mà nòng cốt là đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết cung – cầu lao động, tăng cường các chương trình đầu tư công, phát triển các trường, các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao.
Hiện, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động…
Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế… Ngoài ra, phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua việc đa dạng hơn các gói dịch vụ an sinh xã hội; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt, thích ứng với các rủi ro.
Các chỉ tiêu Quốc hội giao ngành LĐ-TB&XH thực hiện trong năm 2023:
+Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó, tỷ lệ có bằng/chứng chỉ khoảng 27,5%; giữ tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%.
+Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 1-1,5%. Đưa khoảng 110 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
+Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 39 – 40%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 31,5 – 32%.
Theo Báo Điện tử Dân sinh