(ĐHVO). Alzheimer là một bệnh lý về não là bệnh gây mất trí nhớ phổ biến ở nhóm người cao tuổi, trong đó mất trí nhớ là triệu chứng phổ biến nhất khi bị bệnh. Những thay đổi trong các mô của não sẽ phá hủy các kết nối quan trọng giữa các vùng khác nhau của não và giữa não với cơ thể.
Bệnh này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1906, bởi nhà tâm thần và thần kinh học người Đức Alois Alzheimer đã chỉ ra căn bệnh này không thể chữa được, mang tính thoái hóa và gấy tử vong.
Quá trình bệnh lý có thể chia thành ba giai đoạn
Giai đoạn thứ nhất, sa sút trí tuệ nhẹ sẽ có biểu hiện: rối loạn ngôn ngữ, khó khăn trong tìm kiếm ngôn từ chính xác để diễn đạt; hay quên, rối loạn định hướng về thời gian, thị giác, không gian; rối loạn hành vi, mất khả năng thực hiện các động tác thông thường; rối loạn cảm xúc và sự suy giảm khả năng nhận xét đánh giá; loạn thần. Giai đoạn thứ 2, sa sút trí tuệ trung bình, gồm các biểu hiện: rối loạn trí nhớ, mất dần khả năng thu nhận những thông tin mới, rối loạn định hướng và suy giảm khả năng nhận xét, phán đoán, cùng với đó xuất hiện các triệu chứng như: mất ngôn ngữ, mất nhận biết,… dẫn đến hoang tưởng, nghi kỵ những người xung quanh. Một giai đoạn nữa của bệnh, đó là giai đoạn sa sút trí tuệ nặng. Đây là giai đoạn cuối của diễn biến bệnh. Ở giai đoạn này, bệnh nhân mất toàn bộ khả năng thực hiện động tác trong các sinh hoạt hàng ngày, do đó bệnh nhân hoàn toàn lệ thuộc vào người khác vì họ không thể tự ăn uống, tiểu tiện, tắm rửa và di chuyển. Bệnh nhân mất trí nhớ gần và xa, không còn nhận biết được người thân trong gia đình. Do mất khả năng đi lại nên bệnh nhân nằm liệt giường, tăng nguy cơ thiếu dinh dưỡng và nguy cơ viêm phổi do sặc vì mất các cử động mang tính phản xạ như nhai, nuốt. Các biến chứng của giai đoạn cuối là kiệt nước, thiếu dinh dưỡng, viêm phổi do nuốt lạc đường và loét do nằm.
Ảnh minh họa – người mắc bệnh Alzheimer
Nguyên nhân gây bệnh Alzheimer
Hiện này chưa được xác định một cách rõ ràng, tuy nhiên các nhà khoa học có đưa ra một số nguyên nhân gây bệnh như: do sự tích tụ của một loại protein ở trong não dẫn đến chết dần các tế bào não. Quá trình lão hóa gây ra sự phá hủy các myelin làm giảm quá trình dẫn truyền thần kinh, kết quả làm chết các tế bào thần kinh, do rối loạn quá trình sản xuất và hoạt động của các chất oxy hóa trong cơ thể.
Nhưng lưu ý nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh
Alzheimer là bệnh thoái hóa não, khiến người bệnh mất trí nhớ không phục hồi. Bởi vậy, ngăn ngừa bệnh là vấn đề vô cùng quan trọng. Để giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, cần có chế độ dinh dưỡng đảm bảo, ăn nhiều trái cây, rau củ và các loại hạt, uống nước ép rau quả đảm bảo lượng axit béo Omega 3. Cần duy trì cân nặng hợp lý, tránh xa rượu, bia và thuốc lá. Tập thể dục và hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ giúp cơ thể luôn khỏe mạnh mà còn giúp ngăn ngừa một số bệnh do tuổi tác. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, hoạt động thể chất giúp tăng cường sức chịu đựng của tế bào, ngăn ngừa quá trình lão hóa tế bào thần kinh và cải thiện trí nhớ. Bên cạnh đó, thường xuyên thực hiện các hoạt động kích thích não bộ như đọc sách, giải câu đố… cũng sẽ giúp ngăn ngừa bệnh bệnh Alzheimer hiệu quả, bởi những hành động này đều rất tốt cho các tế bào não và trí nhớ. Ngoài ra, còn một số yếu tố như: giảm căng thẳng, lo âu, ngủ đủ giấc… cũng góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Nam Phương