(ĐHVO) Ai cũng ghét tôi, chỉ vì tôi là người khuyết tật – đó là suy nghĩ, cảm nhận của nhiều người khuyết tật khi phải đối mặt với những ánh nhìn khinh miệt của mọi người xung quanh.
Không may mắn khi có hình hài khác biệt hơn so với mọi người, người khuyết tật đã phải chịu rất nhiều khó khăn, vất vả, bất công trong cuộc sống. Họ không chỉ gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày mà còn phải chịu những tổn thương tinh thần khi bị những người xung quanh, thậm chí ngay cả người thân ghẻ lạnh, xa lánh. Có những đứa trẻ khi sinh ra chỉ vì những khiếm khuyết trên cơ thể mà bị chính bố mẹ đẻ bỏ rơi. Có những người may mắn hơn khi được sống trong vòng tay quan tâm, yêu thương của cha mẹ trong những giai đoạn đầu của cuộc đời. Tuy nhiên, khi rời xa vòng tay cha mẹ, họ cũng có thể phải chịu sự phân biệt đối xử, bị ghét bởi hình dáng khiếm khuyết bên ngoài của mình.
Sự phân biệt đối xử có thể diễn ra ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào trong cuộc sống, trong trường học, những học sinh khuyết tật có thể bị bạn bè trêu chọc hoặc mang ra làm trò cười. Các em cũng phải chịu sự tủi thân khi không thể cùng tham gia các trò chơi vận động như bao bạn khác. Trong cuộc sống xã hội, người khuyết tật là một trong những đối tượng rất khó tìm việc làm. Nhiều doanh nghiệp đều không tuyển dụng người khuyết tật vì lý do không đạt tiêu chuẩn ngoại hình. Ngay cả khi được tuyển dụng, người khuyết tật cũng là đối tượng thường xuyên phải nhận ánh nhìn dè bỉu, thậm chí kỳ thị của đồng nghiệp. Đáng thường hơn, họ còn phải nhận những lời bình phẩm khiếm nhã, thậm chí có phần độc ác từ những người xung quanh. Tất cả những sự kỳ thị, trêu đùa, ghét bỏ đều như mũi dao đâm vào trái tim người khuyết tật. Khiến cho họ trở nên tự ti, không còn niềm tin vào cuộc sống.
Ai cũng ghét tôi chỉ vì tôi là người khuyết tật (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Để có thể sinh hoạt như những người khác, người khuyết tật phải có rất nhiều cố gắng. Tuy nhiên, vẫn có những việc họ không thể làm được mà phải có sự giúp đỡ của những người xung quanh. Điều này khiến cho người khuyết tật bị coi là những “kẻ phiền phức”. Vốn không tự tin với những khiếm khuyết của mình, lại thêm sự trêu chọc, kỳ thị đến từ những người khác, người khuyết tật sẽ hình thành nên tâm lý bản thân mình bị tất cả mọi người ghét bỏ. Họ sẽ luôn sống trong trạng thái bị cô lập và sợ tham gia vào những hoạt động tập thể. Họ cũng có thể suy nghĩ, lo lắng quá nhiều về hành động và lời nói của người khác vì nghĩ mọi người đều có ý ghét bỏ mình. Do đó, họ rất khó để xây dựng được một mối quan hệ vững chắc cũng như phát triển trong công việc, bị ỷ lại vào xã hội.
Bị người khác ghét bỏ là điều không ai mong muốn, đặc biệt là người khuyết tật. Họ cũng chỉ muốn có cuộc sống bình thường như bao người khác. Họ cũng mong ước được đối xử công bằng, được nhìn nhận như một người thực sự có ích. Chính vì vậy, người khuyết tật nói chung đều có chung một khúc mắc muốn được tháo gỡ đó là không bị ghét bỏ bởi những khiếm khuyết của mình. Để làm được điều này, cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi người trong chúng ta đều cần hình thành tư tưởng tránh đánh giá người khuyết tật chỉ vì hình dáng bên ngoài của họ bởi việc đánh giá như vậy là điều vô lý, thiển cận.
Thu Hà