30 ngày rung chuyển Hà Thành

(ĐHVO). Ở khu vực Mễ Trì – Hà Nội, có một con phố dài 830m và rộng 17,5m, chạy từ số nhà 30 đường Phạm Hùng đến cổng khu đô thị Mỹ Đình. Đó là phố mang tên Trần Văn Lai. Ông nguyên là Đại biểu Quốc hội khóa II và III, Thứ trưởng Bộ Thương binh – Xã hội và sau làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội.

Ông sinh năm 1894 tại Hà Nội và mất năm 1975 cũng tại Hà Nội.

Bố mẹ ông có nghề khảm trai, nhà có của ăn của để nhưng ông quyết chí theo học ngành Y. Tốt nghiệp, ông làm bác sĩ tại Bệnh viện Phủ Doãn nhưng vẫn mở phòng khám tư, đa phần miễn phí cho người nghèo ở nhà riêng – ngõ Tức Mạc phố Trần Hưng Đạo. Ông là Phó Hội trưởng Hội Tế sinh do bà Cả Mọc thành lập. Năm 1938 ông được bầu vào Viện Dân biểu, nhưng ông đã từ chối vì không muốn hợp tác với chính quyền thuộc địa Pháp.

Đốc lý Hà Nội Trần Văn Lai

Ít người nhớ ông là Đốc lý (người đứng đầu) thành phố Hà Nội từ ngày 20/7/1945 đến 19/8/1945.

Sau đảo chính Pháp tại Việt Nam, quân Nhật giao quyền cho chính phủ Trần Trọng Kim cai quản thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.

Khi đấy bác sĩ Trần Văn Lai cùng với bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, học giả Đặng Thai Mai, nhà văn Hoàng Đạo cùng quan Khâm sai đại thần Phan Kế Toại là 5 thành viên chủ chốt của Ủy ban Giám đốc Chính trị miền Bắc.

Ngày 20/7/1945 bác sĩ Trần Văn Lai nhận lời làm Đốc lý Hà Nội trong chính phủ Trần Trọng Kim. Ngày 19/8/1945 chính phủ Trần Trọng Kim sụp đổ. Vẻn vẹn 30 ngày đứng đầu chính quyền thành phố, ông đã thay đổi triệt để diện mạo phố phường Thủ đô với tâm thế của một công dân yêu nước, một nhà lãnh đạo đô thị bẩm sinh.

Trước hết, ông yêu cầu các nhân viên trong Tòa Đốc lý phải sử dụng tiếng Việt trong các văn bản giao dịch hành chính.

Tiếp quản Hà Nội từ tiền nhiệm người Nhật Maruyama ngày 21/7, đến ngày 1/8 ông đã hoàn thành sứ mệnh dỡ bỏ những bức tượng thực dân Pháp dựng tại Hà Nội để tôn vinh văn hóa Pháp và ca ngợi sự thống trị của nhà cầm quyền thuộc địa.

Để khẳng định tinh thần dân tộc, Bác sĩ Trần Văn Lai đã cho hạ bức tượng Nữ thần Tự do mà dân Việt hay gọi là tượng “Bà đầm xòe” ở vườn hoa Cửa Nam; tượng toàn quyền Paul Bert ở vườn hoa Paul Bert; nhóm tượng đài Tử sĩ, dân Việt hay gọi là “Tượng đài Canh nông” vì tượng lính Pháp ở trên, bao quanh bên dưới là những tượng Sĩ – Nông – Công – Thương của xứ Annam; tượng Thống chế Ferdinand Foch đặt ngay cạnh nhóm tượng Tử sĩ; tượng “lái súng” Jean Duquis, người gây ra vụ xung đột đầu tiên, dẫn đến vụ tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất của quân đội Pháp, đặt tại bến Phà Đen (cảng Quai Clemenceau) cùng bức phù điêu chiến hạm Pháp cập bến sông Hồng; tượng đài kỷ niệm lính Khố xanh dựng sau Nha cảnh sát trung ương (Công an quận Hoàn Kiếm ngày nay).

Với độ dài của lịch sử, ngày nay có nhiều ý kiến luyến tiếc khi những di sản chính quyền thực dân Pháp để lại trên đất Hà Nội bị phá dỡ. Tuy vậy, chịu đựng gần thế kỷ đô hộ của người Pháp, nỗi bức xúc, căm giận tất cả những gì liên quan tới nước Pháp vẫn còn hiện diện trong nhiều người dân Hà Nội. Việc xóa sạch những di sản của chính quyền cai trị thực dân là tâm lý chung của người dân Việt Nam lúc bấy giờ.

Bác sĩ Trần Văn Lai đã lắng nghe tư vấn của các trí thức yêu nước, những nhà văn hóa lớn của dân tộc để quyết định “thay máu” cho hệ thống tên phố, tên đường tại Hà Nội.

Những tên Tây và tên những người Việt có công với Tây bị loại đầu tiên khi bác sĩ Trần Văn Lai đặt lại tên đường phố. Nhóm thay đổi này ông chú trọng tới các anh hùng nghĩa sĩ của Việt Nam như Phan Đình Phùng thay cho Boulevard Camot; Trần Hưng Đạo thay cho Boulevard Gambetta; Đinh Tiên Hoàng thay cho F. Ganier…

Với các phố cổ của đất Kinh kỳ đang mang những tên tiếng Pháp như Rue de Lasoire, Rue Paul Bert, Rue des Cantomas…được ông trả lại cái tên quen thuộc ngày trước như Hàng Đào, Hàng Khay, Hàng Ngang…

Những phố ở khu phố Tây hoặc phố lớn chạy ra ngoại vi, ông chú trọng lấy tên các danh nhân, anh hùng dân tộc để đặt như Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học…

Quy trình đặt tên phố của ông khoa học, hệ thống và nhất quán, vừa tôn vinh những người có công với nước, vừa gìn giữ bản sắc dân tộc.

Các phố Hàng đã được trả lại tên. Khu trung tâm Hà Nội là các phố mang tên những vị vua sáng lập các triều đại. Xa chút bên ngoài là những anh hùng dũng tướng trong lịch sử dân tộc. Ven sông Hồng là các phố mang tên những vị anh hùng và những trận thủy chiến lừng danh sử sách như Vạn Kiếp, Vân Đồn, Bạch Đằng…

Con phố mang tên ông

Sau Cách mạng tháng Tám, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rút khỏi Hà Nội. Toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp.

Do hoàn cảnh riêng, ông không theo kháng chiến nhưng gửi gắm cho cách mạng người con trai cũng theo nghề Y là Trần Mạnh Chu. Ông Chu là Giáo sư Tiến sĩ chuyên ngành tiết niệu, QĐND Việt Nam. Con dâu là Tiến sĩ Sử học Dương Lan Hải.

Sống trong vùng địch hậu, ông kiên quyết khước từ mọi dụ dỗ của chính quyền và người Pháp.

Ông là người chỉnh sửa và ký đầu tiên vào Bản kiến nghị đòi hòa bình của các nhân sĩ trí thức Hà Nội gửi Chính phủ Pháp đầu năm 1954.

Năm 1954, sau khi Chính phủ VNDCCH tiếp quản thành phố, ông tham gia chính quyền, làm Ủy viên UBHC thành phố Hà Nội. Sau ông được đề bạt làm Thứ trưởng Bộ TB – XH, rồi làm Phó Chủ tịch UBHC thành phố Hà Nội đến khi nghỉ hưu.

Hồ Công Thiết

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang