Nguyện dành hết một phần cuộc đời còn lại của mình để tiếp tục giúp đỡ, dạy dỗ những trẻ em khuyết tật, cô Nguyễn Thị Côi và lớp học linh hoạt đã trở thành một phần rất đặc biệt cho cả phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ở lớp học đó, chỉ có 25 em, mỗi em là một cá tính, một độ tuổi những đặc điểm chung là các em đều là những trẻ em khuyết tật, sinh ra đã không được may mắn như những người bình thường khác.
Lớp học linh hoạt tràn đầy tình thương của cô giáo Côi
Nhà văn hóa khu dân cư số 2 phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội là phòng học của một “lớp học linh hoạt”. Lớp học được dành riêng cho cô giáo Nguyễn Thị Côi dạy trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ. Nói về cơ duyên đến với lớp học này, cô Côi cho biết thời điểm khi cô đang còn làm hiệu trưởng trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), quận có chủ trương về việc giúp đỡ những trẻ em lang thang cơ nhỡ, khuyết tật để các em có thể được học hành như bao bạn bè cùng trang lứa. Điều đó đã thôi thúc cô Côi phải làm một điều gì đó để có thể giúp đỡ những người mà khi sinh ra cuộc đời đã không hề ưu ái họ. Những ngày đầu tiên, cô đến xóm trọ của các em học sinh bán báo, đánh giày, cơ nhỡ để dạy học. Đồ dùng học tập lúc này được tận dụng từ những món đồ sẵn có như là hòm đánh giày trở thành bàn học, lớp học chỉ có thắp bóng điện cho sáng, quạt điện cũng không nên cả cô và trò đều mướt mát mồ hôi những ngày nóng nực. Song, đó dường như không phải là rào cản, cản bước con đường và tình yêu thương của cô Côi dành đến cho các bạn nhỏ.
Cô giáo Côi – người mẹ thứ hai của rất nhiều đứa trẻ tật nguyền
Hiện nay, lớp học của cô Côi có 25 em học sinh khuyết tật từ 7 đến 35 tuổi. Hầu hết là những người bị thiểu năng trí tuệ, một số em còn e ngại, nhút nhát khi gặp người lạ đến lớp. Để dạy được các em khuyết tật vô cùng vất vả phức tạp và thực sự phải có một sự kiên nhẫn. Bởi phải dạy từng em một, học trò tiếp thu được đến đâu thì phải dạy đến đấy. Có những em học tới 4-5 tháng nhưng vẫn chưa thuộc được chữ i, t nên phài rèn, dạy học các em hằng ngày, đến bao giờ thuộc mới được sang chữ khác. Thậm chí, lớp học 25 em những giáo viên luôn phải kèm từng em một, mỗi em học một bài khác nhau. Giáo viên phải thường xuyên động viên, khuyến khích bằng những điểm 10 mỗi khi các em có tiến bộ để không bị nản chí.
Mỗi buổi sáng, lớp học bắt đầu từ lúc 8h30 – 9g, học trò có thể đến lác đác trước đó hoặc đúng giờ đó. Đến 1h0g30 – 11g cô giáo sẽ cho cả lớp nghỉ học. Lớp học diễn ra trong không khí thoải mái, vừa học vừa chơi chứ không thể ép các em học sinh phải học hết cả buổi. Bản thân mình là cô giáo nhưng cô Côi vẫn phải đặt mình vào vị trí của học trò, bị khuyết tật về trí tuệ nên nên vừa học vừa dỗ để học sinh mới chịu nghe lời và không bị nản chí.
Những hôm thời tiết nóng nực 39 – 40 độ, các em bị căng thẳng đầu óc, có em tăng động rồi nói linh tinh, giáo viên cũng thực sự phải thông cảm. Thậm chí, có em còn bị ngất, cô giáo phải bình tĩnh bấm huyệt cho các em tỉnh lại. Lớp học chưa bao giờ thấy cô giáo mắng mỏ, nhiếc móc các em mà thay vào đó là những chiếc bánh, cái kẹo, để các em ăn uống và giải tỏa tâm lý.
Trưởng thành của học trò – Hạnh phúc của người nhà giáo
Chia sẻ về lớp học này, bà Đặng Thị Kim Hoa ở tại Trương Định cảm động nói rằng : “Cư dân trong khối phố đều vô cùng cảm phục tinh thần và tình yêu thương học trò của cô giáo Côi. Đã gần 80 tuổi nhưng vẫn nặng lòng với học trò bị thiệt thòi, đem con chữ đến với các cháu. Ở lớp học linh hoạt ấy, cô giáo Côi luôn quan tâm từng học trò và đặc biệt không thu bất cứ một đồng tiền học phí nào. Mong rằng cô tiếp tục có nhiều sức khỏe để dạy chữ cho các cháu ở đây”.
Lời chia sẻ của bà Hoa cũng là tiếng lòng của tất cả mọi người muốn dành sự cảm ơn đến cho cô Côi. Trong 25 năm qua, ở độ tuổi đã được nghỉ ngơi sau những năm tháng dài cống hiện cho sự nghiệp giáo dục, cô giáo già vẫn miệt mài gắn bó dạy con chữ cho lớp học bán báo, đánh giày và bây giờ là lớp học linh hoạt này. Không những không thu bất cứ một đồng học phí nào mà cô còn giúp đỡ các em về vật chất như quần áo, đồ dùng học tập. Nhiều em ốm, cô đến thăm, mua hoa quả và chăm sóc động viên những học trò của mình. Về phía gia đình, chồng và các con của cô Côi đều rất ủng hộ việc làm thiện nguyện và ý nghĩa của vợ, của mẹ mình. Đó cũng là cách để cô Côi sống chậm lại, ý nghĩa hơn, yêu thương và cảm thông hơn với những học trò của mình. Điều đó còn làm cho cô Côi thêm vui vẻ, “bận rộn” hơn là việc chỉ ngồi ở nhà vui hưởng tuổi già.
“Ngày đi dạy học sinh bán báo và đánh giày, có những hôm nắng mưa hay trời rét quá, các em không đi bán báo, sách vở hay đánh giày được nên không có tiền ăn, tôi thường mua thức ăn và lo cho các cháu ăn uống tối hôm đó. Nếu em nào đi làm mà không được, tôi lại mua sách vở để ủng hộ các em chi tiêu. Ngoài ra, tôi cũng đi xin quần áo để các em được ăn mặc ấm khi mùa đông đến”, cô giáo Côi chia sẻ.
Ngày nhà giáo Việt Nam 20 – 11 cũng đang đến gần, với cô Côi luôn nhận được rất nhiều món quà tinh thần, những lời chúc và tình cảm của nhiều thế hệ học sinh dành tặng. Những em học sinh trưởng thành, lớn khôn và có công việc ổn định vẫn về thăm cô giáo. Chứng kiến sự trưởng thành, có cuộc sống khá giả nhưng vẫn không quên cô giáo xưa đã từng chăm lo, dạy bảo cho mình, cô Côi nhưng được trẻ lại và hạnh phúc biết nhường nào.
Cô Côi còn chia sẻ thêm: “Có hai em học sinh tôi dạy từ cấp 1 rồi cấp 2 và cấp 3 thì tôi liên hệ với trung tâm GDTX để cho các em đi học rồi sau đó, hai em đã đỗ ĐH. Còn những em khác không đủ điều kiện để học tiếp, các em đã học hết phổ thông rồi về nhà mở cửa hiệu sơn sửa móng tay hoặc buôn bán nhỏ cũng kiếm được thu nhập từ chính sức lao động.
Nhìn lại hành trình đi qua của cô giáo Nguyễn Thị Côi, chúng ta lại chợt nhận ra rằng, giá trị lớn nhất của nhân loại chính là tình yêu thương. Cả những con người mà khi sinh ra, họ không may mắn gặp phải những cản trở của cuộc đời, họ cũng cần được yêu thương. Và có lẽ rằng, phải có một tấm lòng rất bao dung, nhân ái thì mới thôi thúc được cô Côi có thể cống hiến hết mình có những đứa trẻ ấy. Giữa sự khó khăn và phức tạp của cuộc sống, vẫn còn đó hình ảnh của một cô giáo luôn dang tay đón các em vào lòng.
Quỳnh Chi