02 Start – up mục tiêu bảo vệ môi trường nổi bật của Shark Tank mùa 3

(DHVO) Vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề toàn cầu, hiện nay, cùng với quá trình phát triển kinh tế, đầu tư khởi nghiệp, các doanh nghiệp rất chú trọng đến việc bảo vệ môi trường. Thương vụ bạc  tỷ- Shark Tank Việt Nam mùa 3 đã có 02 Start-up hết sức ấn tượng trong việc bảo vệ môi trường.

1. Dự án ống hút cỏ Green Joy Straw

Tại  Shark Tank Việt Nam mùa 3 tập 8, Nguyên Võ, Co-founder kiêm CEO của Green Joy Straw muốn gọi 2 tỷ đồng cho 20% cổ phần công ty. Môi trường, phát triển bền vững là điều mà Nguyên Võ rất trăn trở trong suốt thời gian qua, vậy nên, cô quyết định nghỉ công việc ngân hàng 10 năm để khởi nghiệp.

Du-an-ong-hut-co

Founder Green Joy Straw và Shark Đỗ Liên sau khi “bắt tay” hợp tác

(Ảnh nguồn internet)

Theo lời của founder Green Joy Straw mà Cafebiz dẫn tin, ống hút cỏ Green Joy là giải pháp tối ưu để thay thế ống hút nhựa. Ống hút này dễ dàng phân hủy, an toàn cho sức khỏe. Ngoài ra việc sơ chế sản xuất ống hút cỏ này góp phần tạo việc làm ổn định cho bà con đồng bằng sông Cửu Long. Qua 8 tháng hoạt động, Green Joy Straw đang cung cấp cho 100 nhà hàng khách sạn ở Việt Nam, hơn 30 thị trường trên thế giới. Trong đó có những khách hàng lớn đến từ Mỹ, Canada, Châu Âu. Một số khách hàng từ Pháp, Đức, Tây Ban Nha còn muốn phân phối độc quyền ống hút cỏ này tại đất nước của họ. Tại thị trường châu Á, Green Joy có khách hàng từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đi đúng xu hướng “chuộng” các sản phẩm thân thiện môi trường, nên Green Joy Straw cũng có những thành tựu nhất định trong việc kinh doanh, theo chia sẻ của người sáng lập. Doanh số sau 8 tháng hoạt động đạt mức 830 triệu đồng. Đến quý 4, 2019 startup này đã có những đơn đặt hàng đến từ Mỹ, châu Âu, doanh số dự tính đến cuối 2019 là 13 tỷ đồng, 2020: 150 tỷ đồng, 2021: 350 tỷ đồng và 2022 là 600 tỷ đồng. Trên thị trường hiện có 6 công ty gia nhập cạnh tranh. Green Joy hiện đã có giấy kiểm nghiệm về mẫu đất, mẫu nước, vi sinh, các tiêu chuẩn để xuất khẩu sang châu Âu. Sản phẩm của dự án này được sản xuất tại xưởng nhỏ ở vùng nguyên liệu tỉnh Long An. Nguyên Võ cho biết quy mô vùng nguyên liệu dự tính lên tới 100 ha, có thể mang lại 1 tỷ ống hút trong vòng 5 năm tới mỗi tháng có thể xuất khẩu 100-200 container một tháng.

Cũng theo Cafebiz,  vốn là người yêu mến, muốn trở thành “bà đỡ” của các bạn khởi nghiệp trong mảng cộng đồng, phát triển bền vững, những thông tin về startup ống hút cỏ đã “đốn tim” vị cá mập Đỗ Liên.Thế nên, dù Shark Bình “yêu Green Joy Straw ngay từ cái nhìn đầu tiên” thì tình yêu mạnh mẽ của Shark Liên với startup này đã khiến Nguyên Võ “xiêu lòng”.”Ý tưởng biến cỏ thành tiền đó là ý tưởng rất khác biệt và tôi trân trọng điều đó. Điều thứ hai là nghĩ đến môi trường. Kiếm được tiền rất vui, nhưng kiếm tiền mà còn hạnh phúc nữa thì không còn gì tuyệt vời bằng”, Shark Liên nói.

2. Dự án  Revival Waste

Theo msn tài chính, dự án Trong tập 4 Shark Tank mùa 3, Revival Waste của từ startup Hải Bình – nhà sáng lập Doanh nghiệp xã hội Revival Waste, gọi vốn 1 tỉ đổi lấy 10% cổ phần công ty. Đây là doanh nghiệp cộng đồng đầu tiên tham gia gọi vốn Shark Tank Việt Nam qua ba mùa.

Du-an-vi-moi-truong

Nhà sáng lập Revival Waste bắt tay hợp tác với Shark Đỗ Liên

(Ảnh nguồn internet).

Theo đó, Nhà sáng lập Doanh nghiệp xã hội Revival Waste kêu gọi đầu tư để hồi sinh “rác chết”. Mở màn phần thuyết trình, Hải Bình cho hay mỗi một năm Việt Nam đang thải ra 20 triệu tấn rác. Chỉ 10% trong số đó được thu hồi và tái chế, 90% số rác còn lại đang đi vào bãi chôn lấp hoặc ở đâu đó ngoài môi trường tự nhiên như sông ngòi, kênh rạch, hệ thống thoát nước… Việt Nam hiện đứng thứ 4 về xả thải rác nhựa ra biển nhưng 80% nhà máy tái chế nhựa tại Việt Nam lại đang nhập khẩu rác nhựa để vận hành sản xuất.

Nhà sáng lập Revival Waste nhấn mạnh: “Phần lớn người Việt nghĩ loại rác ve chai thu mua là rác tái chế, còn lại là rác không tái chế được. Nhưng sự thật ve chai chỉ gom được 10% rác thải sinh hoạt. Trong 90% còn lại có một 1 lượng cực kì lớn rác có thể tái chế. Chúng tôi gọi đó là “rác chết”, và mục tiêu của chúng tôi là hồi sinh “rác chết” đó lại”.

Revival Waste chuyên nghiên cứu từng chủng loại rác, đưa ra phương thức xử lý và phân loại phù hợp, sau đó xây dựng một kế hoạch khả thi cho các doanh nghiệp khác tham gia vào. Doanh thu của Revival Waste đến từ tiền bán rác, chi phí tư vấn các doanh nghiệp khi tham gia vào dự án. Hiện Revival Waste đang thu gom rác từ các nguồn là trường học và một số chương trình phối hợp với các địa phương.

Là dự án vì cộng đồng lại vừa mới thành lập từ tháng 11-2018, vì thế tài chính là một trong những khó khăn lớn nhất của Revival Waste ở thời điểm hiện tại. Nhà sáng lập cho biết doanh thu của Revival Waste đạt 125 triệu đồng nhưng công ty đang lỗ khoảng 700 triệu đồng. Hải Bình cũng chia sẻ, Revival Waste đã tìm ra cách tối ưu và giải quyết bằng cách phân loại rác tại nguồn và đưa thẳng đến nhà máy tái chế. Và dự án thực tế không cần nhiều người bởi Revival Waste đang nhận được sự hỗ trợ, đồng thuận từ rất nhiều người nhờ vào việc xây dựng thành công hệ thống của mình.

Dẫu vậy, các Shark Dzung Nguyễn, Nguyễn Ngọc Thủy, Phạm Thanh Hưng, Nguyễn Thanh Việt đều lắc đầu từ chối vì cho rằng các phương án xử lý rác của Revival Waste chưa đủ sức thuyết phục. Đứng trước nguy cơ phải ra về tay trắng khi, nhà sáng lập Hải Bình cung cấp thêm thông tin đến các nhà đầu tư rằng số vốn của Revival Waste đang bảo toàn. Dự án đã lan tỏa đến 18 quận, huyện và 9 tỉnh thành trên cả nước. Nhà sáng lập Revival Waste bày tỏ tham vọng: “Từ bây giờ đến năm 2030, chúng tôi sẽ làm sao để định giá cho rác 0 đồng trong mắt người dân trở nên giá trị. Số tiền rất nhỏ, nhưng chúng tôi sẽ tạo ra một hiệu ứng rất lớn”.Khát vọng này đã thành công thu hút sự chú ý của Shark Đỗ Liên – người quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực bảo vệ môi trường. Vị Cá mập đang đảm nhận vị trí chủ tịch Quỹ môi trường xanh Việt Nam đã đưa ra cho startup lời đề nghị 1 tỉ đồng đổi lấy 50% cổ phần của Revival Waste.

Shark Đỗ Liên chia sẻ: “Nghe bạn nói, tôi rất hiểu các hoạt động kinh doanh của bạn đương nhiên đang lỗ rồi, bản thân các công ty quản lý rác của Nhà nước cũng đang lỗ, nhưng tôi thích mục đích bạn đang hướng đến là làm sạch cho cộng đồng. Đây là ý tưởng rất hay. Bạn đang có định hướng rất tốt, tôi vào sẽ giúp bạn rất nhiều thứ. Tôi không mong muốn được chia lợi nhuận. Nếu được chia, tôi sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận đó quay ngược lại giúp cho cộng đồng. Chúng ta muốn xử lý triệt để thì phải đánh vào ý thức của từng người dân. Khi chúng ta vứt rác ra khỏi nhà thì phải biết phân loại ngay từ trong nhà. Điều đấy là quan trọng và tôi muốn bạn phải làm được điều đó. Đặc biệt, các bạn phải lan tỏa cho những thế hệ trẻ gìn giữ môi trường, nơi sống của chính bản thân mình”.

Mạnh dạn bày tỏ mục đích đến Shark Tank để đi tìm người đồng hành, nhà sáng lập của Revival Waste đề nghị thương lượng ở mức 1 tỉ đồng đầu tư cho 49% cổ phần. Con số này nhanh chóng được nhà đầu tư gật đầu đồng ý, đánh dấu thương vụ vì cộng đồng đầu tiên thành công Shark Tank Việt Nam.

Rất trùng hợp, trong hai dự án nổi bật trong việc bảo vệ môi trường của Shark Tank mùa 3, Shark Đỗ Liên đều là vị cá mập quyết định xuống tiền đầu tư, là “bà đỡ mát tay” của các dự án vì môi trường./.

Phạm Trang (TH).

Bài viết liên quan

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ti-hon-8-6221

Hành trình vượt khó của ‘cô rồng tý hon’

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang