Vai trò và tầm quan trọng của thông tin số liệu về người khuyết tật

Thực tế cho thấy, thông tin, số liệu càng chính xác bao nhiêu thì kết quả càng tốt bấy nhiêu. Chính vì vậy, thông tin, số liệu luôn đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của xã hội, quyết định trực tiếp đến sự thành công hay thất bại của các kế hoạch, dự án và chính sách. Trong lĩnh vực liên quan đến người khuyết tật (NKT), thông tin, số liệu càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc có được các số liệu chính xác, đầy đủ và kịp thời về NKT là nền tảng để xây dựng các chính sách, chương trình hỗ trợ và các nghiên cứu liên quan.

Thông tin, số liệu chính xác còn giúp các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội, và cộng đồng NKT hiểu rõ hơn về tình trạng thực tế, từ đó đề xuất và thực hiện các biện pháp phù hợp. Bên cạnh đó, thông tin, số liệu còn là cơ sở để đánh giá hiệu quả của các chương trình, chính sách đã triển khai, từ đó điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với thực tế.

Ảnh minh họa buổi họp chuẩn bị cho buổi tham vấn bộ công cụ khảo sát số liệu NKT

Theo cuộc Điều tra Quốc gia về NKT năm 2016 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó có khoảng 700.000 trẻ em khuyết tật. Số liệu này lại có những khác biệt nhất định so với số liệu từ các cuộc điều tra khác như Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, số liệu hay được sử dụng bởi các cơ quan như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng như ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Mặc dù trên thực tế con số 6,2 triệu NKT đang được sử dụng như một thông tin chính thống nhưng chưa thực sự đồng nhất. Điều này đã và đang tác động trực tiếp đến việc xây dựng, thực thi, giám sát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với NKT. Và điều đó cũng có thể dẫn đến nhiều khó khăn trong việc hoạch định và thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp NKT.

Những chênh lệch trong số liệu không chỉ gây khó khăn cho việc lập kế hoạch chính sách mà còn ảnh hưởng đến sự giám sát và đánh giá hiệu quả của các chính sách đó. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của NKT cũng như các cam kết khác, việc có số liệu chính xác và cập nhật là điều kiện tiên quyết để đáp ứng các cam kết quốc tế.

Và Thông qua cuộc điều tra, lần đầu tiên chúng ta có cái nhìn tổng thể về tỉ lệ khuyết tật trong dân số cả nước cũng như so sánh giữa các vùng kinh tế – xã hội; sự tương quan giữa các dạng và mức độ khuyết tật; cũng như điều kiện sống và mức độ hòa nhập NKT trong một số lĩnh vực như y tế, bảo trợ xã hội, giáo dục, việc làm v.v…

Có thể nói, cuộc Điều tra Quốc gia về NKT năm 2016 tuy đã mang lại cái nhìn tổng thể về tình trạng khuyết tật, nhưng sau 6 năm, nhiều dữ liệu đã không còn phản ánh chính xác thực trạng hiện nay. Những biến động xã hội, kinh tế, và y tế (như đại dịch COVID-19) đã tác động mạnh đến cuộc sống của NKT; làm thay đổi cả về số lượng và chất lượng đời sống của họ. Do đó, cần được cập nhật, bổ sung các số liệu để phản ánh tốt hơn mức độ hòa nhập NKT trong các chương trình, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, và cũng là để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu xây dựng luật, hoạch định chính sách cho phù hợp với các cam kết quốc tế, cụ thể như là việc sửa đổi Luật Người khuyết tật trong thời gian sắp tới, việc giám sát việc thực thi Luật và chính sách cho NKT và Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật (CRPD)…

Trong năm 2021, trong khuôn khổ dự án “Làm việc cùng nhau vì một tương lai hòa nhập: thực hiện công ước Quốc tế về quyền người khuyết tật thông qua hợp tác hiệu quả”, ba cơ quan Liên Hợp Quốc (UNDP, UNICEF và UNFPA) đã thực hiện một Báo cáo phân tích bối cảnh thực thi quyền của NKT tại Việt Nam. Báo cáo cho thấy tình trạng khan hiếm dữ liệu, và thiếu sự đồng bộ hóa và phân tổ dữ liệu theo tình trạng khuyết tật. Cụ thể: Trong 158 chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDG) thì chỉ có 8 chỉ tiêu yêu cầu phân tổ dữ liệu theo tình trạng khuyết tật. Trong 8 chỉ tiêu này, chỉ có 2 chỉ tiêu (1.2.3: Số đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng và 1.2.5: Số người đang sinh sống và được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà ở xã hội) là được thu thập thường xuyên. Điều này cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng trong dữ liệu liên quan đến NKT, đặc biệt là các nhóm NKT dễ bị lề hóa như người khuyết tật nghe nói và khuyết tật chữ in. Có thể nói một thách thức lớn trong việc thu thập dữ liệu về NKT là sự thiếu đồng bộ và khan hiếm dữ liệu chi tiết.

Hơn nữa, dữ liệu có sẵn thường khó tiếp cận và khi có lại thường thiếu tính nhất quán, gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân khi sử dụng để nghiên cứu, xây dựng chính sách. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập một hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu đồng bộ, bao quát mọi khía cạnh của NKT.

Xuất phát từ những nhu cầu lập pháp, quản lý, học thuật và thực tiễn đề cập ở trên, một cuộc điều tra quốc gia lần thứ hai về người khuyết tật là một việc làm cần thiết góp phần cung cấp bằng chứng cho việc xây dựng các chính sách phát luật và các chương trình phát triển kinh tế – xã hội có hòa nhập NKT.

Được biết năm 2023, Tổng Cục Thống kê đã có kế hoạch triển khai cho Cuộc Điều tra Quốc gia thứ hai về người khuyết tật. Hy vọng rằng, cuộc điều tra này sẽ giúp “lấp đầy” những khoảng trống về dữ liệu hiện tại, đồng thời cung cấp một cái nhìn toàn diện và cập nhật về tình trạng khuyết tật tại Việt Nam… Và kết quả của cuộc điều tra sẽ sớm được công bố để làm cơ sở trong việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách cũng như triển khai hiệu quả nhất các chính sách đã được xây dựng.

Tạm kết

Thông tin về số liệu người khuyết tật không chỉ đơn thuần là những con số mà nó phản ánh tình trạng và nhu cầu thực tế của một bộ phận lớn trong xã hội. Vai trò của thông tin này là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ NKT. Do đó, cần có sự đầu tư đúng mức vào việc thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu, đảm bảo rằng mọi quyết định liên quan đến NKT đều dựa trên những thông tin chính xác, kịp thời và đồng bộ.

Box

Số liệu là nền tảng cơ bản của quá trình hoạch định và xây dựng chính sách. Số liệu không chỉ cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình thực tế mà còn giúp nhận diện các vấn đề cần giải quyết, đánh giá tác động; thiết kế và dự đoán kết quả hoạt động, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả. Một chính sách tốt cần dựa trên số liệu đáng tin cậy, giúp đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra không chỉ dựa trên giả thuyết hay cảm quan mà trên cơ sở thực tế đã được kiểm chứng.

Số liệu cũng là yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng, giám sát và đánh giá các chính sách công. Việc sử dụng số liệu một cách chính xác và hiệu quả giúp đảm bảo rằng các chính sách được đưa ra phù hợp với thực tế, mang lại hiệu quả cao nhất và đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội. Trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội hiện nay, việc đầu tư vào hệ thống thu thập, quản lý và phân tích số liệu là vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các chính sách công.

Việt Nam đã ký tham gia Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật năm 2007 (phê chuẩn năm 2014) và ban hành Luật Người khuyết tật năm 2010. Cả hai văn bản này đều có những điều khoản quy định trách nhiệm thống kê và thu thập số liệu về người khuyết tật nhằm phục vụ cho hoạch định chính sách, giám sát và đánh giá thực hiện quyền của người khuyết tật.

Bài viết liên quan

Picture1

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Picture2

Mô hình hợp tác xã với sự tham gia và hỗ trợ người khuyết tật

Picture1

Ngày hội Hội “Tỏa sáng nghị lực thanh niên Bắc Giang năm 2024”

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang