Chị Mai giới thiệu về những sản phẩm do cơ sở sản xuất
Học con chữ từ chị em gái
Chị Mai khi sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng càng lớn lên đôi chân chị cứ dần dần teo lại. Đầu tiên là còn bước được những bước liêu xiêu, nhưng sau đó không đi lại được nữa. Trong gia đình không chỉ có chị mà em trai và em gái út của chị cũng bị căn bệnh tương tự. Người thì chân tay không phát triển và không cử động được, người thì bị liệt không đi lại được. Gia đình đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không tìm ra nguyên nhân.
Bố của chị có hai đời vợ. Người vợ đầu bị mất sớm do bom giặc Mỹ bắn phá khi đang làm ở ngoài ruộng lúa, để lại cho ông 4 người con. Bố chị lấy mẹ chị sinh ra 6 người con. Chị là con thứ 3 trong gia đình. Và trong các anh chị em của chị, hai anh đầu mất sớm..
Khóe mắt hen đỏ, ông Lê Văn Tiến – bố của chị Mai, năm nay đã 80 tuổi nghẹn lòng nhớ lại: “Khi sinh ra, 3 người con không may bị khuyết tật của tôi đều khỏe mạnh bình thường nhưng đứa nào cũng vậy, sau trận ốm liên miên do sốt cao là bị như thế. Mai bị từ năm lên 4 tuổi”.
Gia đình đông con, mọi thu nhập đều trông chờ vào mấy sào ruộng nên kinh tế vô cùng khó khăn. Ngày đó, phương tiện đi lại không có, nhà lại ở cách xa trường, phần vì ông bà Tiến cảm thấy mặc cảm và tủi hổ không muốn cho ai biết con gái mình bị khuyết tật nên chị Mai không được bố mẹ cho đến trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác. Nghe tiếng ôn bài của người chị cùng cha khác mẹ chị buồn lắm, cũng muốn được biết chữ cho bằng bạn bằng bè, nhưng vì thương bố mẹ vất vả, chị không dám đòi hỏi gì. Thế là chị cứ bám theo chị mình và sau này là đứa em giáp mình để được dạy cho con chữ, những phép tính cộng trừ…
Chị Mai tâm sự “Thương tôi nên chị tôi và em tôi cứ học được gì ở trên lớp là về dạy lại cho tôi. Càng học tôi càng thấy ham. Ngấm dần rồi tôi cũng biết đọc, biết viết, biết cả viết những bài văn nữa”.
Chị Mai không bao giờ quên được những “nốt trầm” trong cuộc đời mình. Đó là những lần chị được nhưng người họ hàng rồi bố mẹ cho đi thăm khám, chạy chữa, phục hồi chức năng nhưng đều nhận được câu trả lời là bệnh này không chữa được. Rồi bố đi cày đồng về muộn, cơm chưa có để ăn, mệt nên bố cáu và mắng “chỉ biết ăn không biết làm gì”. Rồi không biết bao lần chị phải nghe những lời xì xào của người “ngoài đường”. Họ nói “con què thì làm được gì”. Không giận, cũng không buồn ai cả. Với chị đó chính là động lực thôi thúc để chị quyết tâm học bằng được một nghề gì đó, tự kiếm sống bằng chính lao động của mình và để không ai phải nói đến mình nữa.
Khởi nghiệp từ những điều tưởng chừng không thể
Lựa chọn ngành nghề để bước đến thành công là câu chuyện không hề dễ dàng ngay cả với những người được học hành bài bản và có một cơ thể khoẻ mạnh. Nhưng chị Lê Thị Mai đã bắt đầu khởi nghiệp từ những “mảnh khuyết” tưởng chừng như không thể lấp đầy.
Trong tiềm thức của mình, chị biết rõ, không ai có thể giúp mình bằng chính mình và cũng không có vận may nào tự nhiên mà có, tất cả đều bằng lao động và sự nỗ lực vượt bậc mới có được. Chị tham khảo tìm hiểu và quyết tâm xin với bố mẹ cho mình đi học may. Thời kỳ đó, thời kỳ bao cấp khó khăn, mọi thứ đều phân phối, nghề may thời đó là nghề cao giá mà không phải ai cũng có điều kiện được học, được làm. Biết là vậy, nhưng vì thương con, ông bà Tiến đi khắp các hiệu may trong vùng xin cho con mình được học nhưng không ai dám nhận lời. Chị thích được học đến độ, biết nhà ông họ có cái máy khâu chị cứ sang nhà ngồi vào thử. Cái máy khâu thời ấy quý lắm, vì không biết đánh suốt chỉ nên chân cứ đạp liên hồi chỉ thì rối bung, ông họ xót xa sợ cái máy bị hỏng không cho thử nhưng chị mặc kệ.
May mắn sau đó, có hiệu may ở Hải Lý cách nhà không xa đồng ý nhận dạy thử 1 tuần nếu không được sẽ gửi về lại gia đình. Công học may là 1 chỉ vàng do bố mẹ chị dành dụm và cái máy khâu là bác ruột chị mua cho với mong muốn chị sẽ học được cái nghề nuôi sống bản thân. Sau 10 ngày học việc tại đó, không thấy thầy dạy nói đến việc về hay ở, chị mừng lắm. Khi ấy là năm 1986. Chị chia sẻ.
Với sự miệt mài, chịu khó, cùng với chút năng khiếu sẵn có, sau hơn 3 tháng học nghề chị mạnh dạn mở hiệu may tại nhà. Đôi tay chị bình thường run lắm, nhưng cứ khi cầm vào kéo cắt vải, cầm thước đo, đi những đường may đôi tay lại vững chãi và khéo léo vô cùng. Từ chỗ không tin tưởng, khách hàng cứ người nọ truyền tai người kia, tìm đến cửa hàng đặt may ngày một đông. Cùng với đó, rất nhiều người tìm đến chị học nghề. Mỗi năm chị đào tạo khoảng 10 thợ may.
“Cũng may ngày ấy khách hàng không quan tâm đến mẫu mã như bây giờ. Quần áo chỉ cần cắt vừa vặn với người mặc, đường may chắc chắn là được”, chị Mai nở nụ cười tươi tắn, khiêm tốn chia sẻ.
Chị Mai trao đổi với công nhân là người khiếm thính
Lan toả nghị lực và khát vọng sống
May đo không chỉ với đam mê, nhiệt huyết mà những sản phẩm may đo của chị với phom dáng đẹp, màu sắc hài hoà, phù hợp sở thích của từng mà cơ sở sản xuất của chị ngày một lớn mạnh. Thành lập HTX năm 2022, từ một cửa hiệu may nhỏ đến nay, HTX may mặc tình thương và hướng nghiệp Thiên Ân có 2 xưởng sản xuất tại xóm Tây Cát, xã Hải Đông xưởng sản xuất với diện tích 640 m2 và khu nhà ăn rộng 300 m2, tạo việc làm ổn định cho 50 lao động; và ở xã Giao Châu, huyện Giao Thủy chị thuê Nhà văn hoá xã gần 300m2 tạo lập một xưởng tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động. Thu nhập bình quân của công nhân trung bình từ 5 – 8 triệu đồng.
Chị nhớ ngày mà chị quyết định dừng các đơn hàng tại hiệu may của mình để chuyển sang nhận hàng gia công công nghiệp với mong muốn tạo công ăn việc làm cho những người học trò theo học. Khi ấy cả chị và 6 người học trò đều chưa một lần tiếp xúc với máy may công nghiệp… nên đơn hàng gia công 160 cái áo bị hỏng hết. Không được phía đối tác hỗ trợ, chị phải bù lỗ. Rồi có rất nhiều lần không trả kịp hàng, đơn hàng phải tự mua phụ kiện may, lãi chẳng có… nhưng chị Mai không hề nản chí. Với chị, đó là những kinh nghiệm để sau này chị chọn những công ty uy tín và tử tế.
Trưởng thành theo thời gian, giờ đây HTX chị thành lập với mục đích dạy nghề cũng như hướng nghiệp dạy nghề cho người khuyết tật ngày càng phát triển lớn mạnh, rất nhiều người khuyết tật đang học nghề và làm việc và ổn định cuộc sống. Trong tiếng máy rì rào như kể về những ngày nắng mưa, những ngày hàng chất cao như núi, hình ảnh người giám đốc tận tình chỉ bảo từng đường kim mũi chỉ cho những người cùng cảnh ngộ với mình gây xúc động với bất kỳ ai đến tham quan hay đặt hàng tại xưởng. Mỗi người một khiếm khuyết, có bạn bị khiếm thính, có bạn bị bại liệt nửa người, có bạn bị chậm chạp…nhưng bằng tình yêu thương và sự thấu hiểu khôn cùng, chị không ngại vất vả chỉ với một mong muốn các bạn khuyết tật có được việc làm, tự nuôi sống được bản thân, bỏ qua mặc cảm, tự ti, hoà nhập với cộng đồng.
Đã có nhiều người trước khi đến với chị, biết chị, còn mang nhiều mặc cảm, tự ti vì nghĩ mình sống không có ích bị coi thường đã có ý định tìm đến cái chết để giải thoát, nhưng khi gặp chị, sự tự tin, vui vẻ, bản lĩnh vượt trội của chị đã chinh phục được họ, tiếp cho họ nghị lực và niềm tin vào cuộc sống.
Theo chị, để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, cùng với việc thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, rất cần sự nhận thức đúng đắn từ gia đình, xã hội và ngay cả bản thân người khuyết tật. Nếu gia đình quan tâm, yêu thương, chia sẻ và trang bị vốn kiến thức cần thiết thì chắc chắn người khuyết tật sẽ dần dần xóa đi khoảng cách với những người không khuyết tật. Đồng thời, bằng những nỗ lực của bản thân, người khuyết tật sẽ khẳng định được mình, sẽ tự vươn lên làm chủ cuộc sống và thay đổi hoàn cảnh.
Về định hướng trong thời gian tới chị mong muốn nhận được nhiều đơn hàng hơn và được chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn trong hoạt động sản xuất để có thể hỗ nhiều hơn cho các lao động là người khuyết tật tại HTX của chị cũng như giúp họ có chỗ lưu trú ổn định, bởi hiện tại HTX chưa có điều kiện bố trí cho họ.
“Muốn người khác tôn trọng và không chú ý đến sự khác biệt của mình thì phải có nghị lực và trí lực” – Doanh nhân Lê Thị Mai |
Trần Hồng