(ĐHVO). “Truyền thông là cầu nối giúp người khuyết tật đến gần hơn với chủ trương, chính sách pháp luật” là nội dung nổi bật tại buổi tập huấn công tác truyền thông trong lĩnh vực người khuyết tật do Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương Binh và xã hội tổ chức ngày 27/10 tại Hà Nội.
Tập huấn Công tác truyền thông trong lĩnh vực người khuyết tật
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2016 Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số trong đó có hơn khoảng 663 nghìn trẻ em khuyết tật từ 2-17 tuổi. Bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam thông tin tại hội nghị, số lượng người khuyết tật hiện nay chưa có dấu hiệu dừng lại mà còn tiếp tục gia tăng từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhóm người khuyết tật là nhóm đối tượng được Đảng và Nhà nước quan tâm hơn cả thông qua việc gia nhập Công ước của Liên hợp quốc các Quyền của Người Khuyết năm 2007 (CRPD). Hiện thực hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật, năm 2010, Luật Người khuyết tật được ban hành và có hiệu lực khẳng định mạnh mẽ quyền của người khuyết tật, những quyền vốn có của con người đã được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam, cũng như các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt Công ước CRPD.
Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật đã phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng kế hoạch tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật và các chính sách, chương trình trợ giúp người khuyết tật, xây dựng phim phóng sự tình hình thực hiện chương trình trợ giúp người khuyết tật và chân dung điển hình trợ giúp người khuyết tật thành công được phát trên sóng Đài truyền hình Việt Nam; xây dựng các số chuyên đề về người khuyết tật đăng trên các báo, tạp chí, chuyên trang,…
Bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam
Công tác truyền thông lĩnh vực người khuyết tật đóng vai trò đặc biệt quan trọng, được ví như là cánh tay nối dài giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hiện hành đến gần hơn với người khuyết tật, không những giúp người khuyết tật kịp thời tiếp cận, thụ hưởng các chính sách đúng, kịp thời mà còn giúp cho cán bộ và người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật tại cộng đồng, xử lý nghiêm hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật. Trên cơ sở thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, Luật người khuyết tật, Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, Luật người khuyết tật và Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn công tác truyền thông trong lĩnh vực người khuyết tật. Thông qua buổi tập huấn này, Cục Bảo trợ xã hội mong muốn các cơ quan truyền thông báo, đài, cán bộ phụ trách truyền thông tổ chức của và vì người khuyết tật cùng chung tay và đồng hành để giúp cho người khuyết tật và cộng đồng xã hội thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người yếu thế, luôn dành nhiều ưu đãi cho họ, giúp họ xóa bỏ tự ti, mặt cảm vươn lên trong cuộc sống hòa nhập cộng đồng, cống hiến nhiều cho xã hội.
Nhìn chung, hệ thống chính sách, quy phạm pháp luật đối với người khuyết tật hiện nay cơ bản được xây dựng đầy đủ và bao trùm toàn diện ở các lĩnh vực đời sống xã hội, bảo vệ quyền của người khuyết tật như trợ cấp xã hội; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; miễn giảm học phí khi đi học văn hóa, học nghề, miễn giảm giá vé khi tham gia giao thông và vào các khu tham quan, du lịch; phụ cấp cho giáo viên dạy hòa nhập và chuyên biệt; trợ giúp pháp lý miễn phí; hỗ trợ việc làm, vay vốn lãi suất ưu đãi. Theo Nhà báo Nguyễn Vĩnh Quyên, nguyên Phó Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc Hội chia sẻ, để thông tin chính sách, pháp luật, quyền lợi và trách nhiệm đến gần hơn với người khuyết tật, hỗ trợ toàn diện, linh hoạt hơn nữa trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội thì công tác truyền thông đóng cần đổi mới, linh hoạt và đi sâu phân tích, tìm hiểu và khai thác, truyền tải thông tin một cách phù hợp, hiệu quả đối với đối tượng là người khuyết tật.
Nhà báo Nguyễn Vĩnh Quyên, nguyên Phó Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc Hội
Truyền thông có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của xã hội đối với vấn đề về người khuyết tật và có tác động tích cực đến quá trình hòa nhập của người khuyết tật. Truyền thông góp phần phổ biến về các dịch vụ hỗ trợ, các nguồn trợ giúp; tham gia huy động các nguồn lực để giải quyết vấn đề người khuyết tật chưa được hòa nhập vào đời sống xã hội, kinh tế, chính trị nói chung. Hình thức và nội dung mà các phương tiện truyền thông tuyên truyền có tác dụng làm cho xã hội hiểu rõ hơn những khó khăn trong thực tế mà người khuyết tật phải đối mặt, từ đó làm thay đổi suy nghĩ, định kiến và cách hành xử gây ảnh hưởng không tốt cho người khuyết tật đồng thời nhận thức đúng đắn về khả năng, đóng góp của người khuyết tật cho xã hội, tạo điều kiện cho người khuyết tật tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, thời điểm và tần suất tin bài về chủ đề hòa nhập người khuyết tật, ngôn từ để nói về người khuyết tật có thể mang lại cái nhìn tích cực, tăng cường sự tôn trọng đối với quyền và nhân phẩm của người khuyết tật, thúc đẩy và nâng cao nhận thức về xã hội hòa nhập. Việc đưa hình ảnh người khuyết tật có nhân phẩm và được tôn trọng lên các phương tiện truyền thông có tác dụng quảng bá cho một xã hội hòa nhập và chấp nhận sự khác biệt giữa các thành viên của xã hội.
Thực tế là ngày nay, người khuyết tật đã dần khẳng định được vị thế của mình trong cộng đồng, tham gia vào hầu hết các hoạt động của xã hội và có vai trò như những người không khuyết tật. Đối với bản thân người khuyết tật và gia đình người khuyết tật thì đã tự tin hơn, dám thể hiện, khẳng định bản thân hơn, đầu tư nhiều hơn cho người khuyết tật từ đó nhiều người khuyết tật không chỉ vượt lên số phận bản thân mà còn đóng góp rất nhiều cho xã hội trên cả 3 bình diện kinh tế – chính trị – xã hội. Đối với cộng đồng xã hội thì nhận thức được nâng cao, thay đổi, phần lớn đã không còn nhìn người khuyết tật dưới con mắt kỳ thị, phân biệt nữa mà đã công nhận như đó là sự đa dạng xã hội, thay vì thương hại là đồng cảm, sẻ chia bởi nhiều người cũng quan niệm có thể chính mình cũng trở thành người khuyết tật vì nguyên nhân nào đó, ghi nhận những cống hiến, đóng góp của người khuyết tật cho bản thân, gia đình và xã hội.
Mặt khác, không chỉ phản ánh, nêu gương, báo chí còn giám sát, phản biện, phát hiện những tồn tại, hạn chế, đề xuất những giải pháp nâng cao, hoàn thiện trong quá trình hòa nhập của người khuyết tật hoặc trong quá trình triển khai, thực thi chính sách, pháp luật. Để từ đó, truyền thông lại được xem như là tiếng lòng giúp người khuyết tật truyền tải, phát ngôn và kịp thời đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, tháo gỡ những vướng mắc trên thực tiễn.
Có thể thấy rằng truyền thông đóng vai trò hữu hiệu, tích cực nếu truyền thông tốt và đúng. Sự tham gia của truyền thông đã tạo nên môi trường thuận lợi hơn cho quá trình hòa nhập của người khuyết tật. Tuy nhiên, để phát huy và tăng cường hơn nữa sức mạnh của truyền thông trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật lĩnh vực về người khuyết tật thì các đơn vị truyền thông báo, đài cần khắc phục một số hạn chế, đặc biệt chú trọng đến nguyên tắc phản ánh đúng sự thật, có cái nhìn đa chiều, đứng trên nhiều góc độ để có sự phản ánh khách quan nhất,… nhằm thể hiện tính chất công bằng, văn minh của xã hội trong xu thế hội nhập và phát triển, để tất cả mọi người khuyết tật đều có cơ hội thụ hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của mình đồng thời có trách nhiệm đóng góp cho xã hội.
Hồng Liên