TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

: Cùng với nguyên tắc cá thể hóa trách trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với cá nhân người phạm tội, Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS-2015) còn quy định TNHS đối với pháp nhân thương mại. Việc pháp nhân thương mại phải chịu TNHS, không loại trừ TNHS của cá nhân là nội dung đặc biệt quan trọng mà doanh nhân nói chung, người quản lý doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế nói riêng cần phải nghiên cứu, tìm hiểu để áp dụng trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm phòng ngừa ngăn chặn hiệu quả các hành vi phạm pháp luật có thể xảy ra…
  1. CƠ SỞ TRUY CỨU TNHS ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI VÀ TNHS ĐỐI VỚI CÁ NHÂN

Cơ sở của việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại

Nhà nước là chủ thể của quan hệ pháp luật hình sự, thông qua các cơ quan bảo vệ pháp luật có quyền truy cứu TNHS và áp dụng các biện pháp cưỡng chế hình sự đối với chủ thể của tội phạm. TNHS của pháp nhân thương mại là sự lên án và hình phạt của Nhà nước đối với hành vi phạm tội mà pháp nhân đã thực hiện. Thông qua việc Nhà nước tuyên bố hành vi nguy hiểm mà pháp nhân thương mại thực hiện là tội phạm và áp dụng các biện pháp hình sự đối với pháp nhân đó, nhằm bảo vệ trật tự pháp luật và giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho mọi người. TNHS là hậu quả pháp lý bất lợi mà pháp nhân phải gánh chịu, được thực hiện bằng hình phạt, biện pháp tư pháp hình sự và án tích do Tòa án Nhân dân quyết định áp dụng đối với pháp nhân đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, trong các trường hợp được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Cùng với sự phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình vi phạm pháp luật của pháp nhân thương mại đã diễn ra trên nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế – xã hội cả về tính chất, mức độ và hậu quả gây ra; các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính không còn đủ sức răn đe, ngăn chặn. Việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại trong thời gian vừa qua là biện pháp hiệu quả phòng ngừa các tội phạm, được dư luận đồng tình, ủng hộ, tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Trong thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ được quyết định bởi một cá nhân người quản lý, điều hành, mà các quyết định quan trọng (cả những quyết định sai trái) đều căn cứ trên cơ sở bàn bạc, thống nhất của tập thể lãnh đạo doanh nghiệp doanh nghiệp hay tổ chức kinh tế. Vì vậy, nếu chỉ buộc tội cá nhân  chịu TNHS khi họ thực hiện ý chí tập thể vì lợi ích của pháp nhân là thiếu công bằng và bỏ lọt tội phạm. Mặt khác, việc quy định TNHS của pháp nhân thương mại còn có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển trách nhiệm chứng minh thiệt hại, yêu cầu bồi thường thiệt hại do pháp nhân phạm tội gây ra, từ người bị thiệt hại sang trách nhiệm chứng minh của Nhà nước – Chủ thể thay mặt người dân, doanh nghiệp trong việc buộc pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật gây ra.

TNHS đối với pháp nhân thương mại

BLHS-2015 quy định chủ thể của tội phạm là người có năng lực TNHS và pháp nhân thương mại (Điều 8); đối với pháp nhân thương mại phạm tội chỉ phải chịu TNHS trong phạm vi các tội phạm theo quy định tại Điều 76 BLHS-2015.

Pháp nhân thương mại là doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác được pháp luật công nhận tư cách pháp nhân, hoạt động vì mục đích lợi nhuận. Pháp nhân thương mại phạm tội là pháp nhân thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, an toàn công cộng và trật tự công cộng; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà theo quy định của Bộ luật Hình sự phải chịu TNHS. Việc quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm là cơ sở để quy định những nội dung khác liên quan về TNHS của pháp nhân thương mại phạm tội trong BLHS-2015. Các tội danh mà pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu thuộc các nhóm tội phạm về quản lý trật tự kinh tế, môi trường và tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng; đây là những tội danh mà pháp nhân thường hay vi phạm có mức độ nguy hiểm nhất định và có thể chứng minh trên thực tế.

Điều 76 BLHS-2015 quy định 33 tội danh, trong đó 22 tội thuộc Chương XVIII. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; 09 tội thuộc Chương XIX. Các tội phạm về môi trường và 02 tội trong Chương XXI. Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Pháp nhân nào vi phạm một trong các tội quy định trong Điều 76 BLHS-2015 thì pháp nhân đó phải chịu TNHS. BLHS-2015 quy định chỉ có pháp nhân gắn với hoạt động thương mại, phạm các tội trong Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu TNHS. Trong cấu thành của 33 tội của Bộ luật Hình sự hiện hành đều có một khung riêng quy định loại và mức hình phạt áp dụng đối với pháp nhân, theo các khung tương ứng khi xử lý hành vi đối với cá nhân phạm tội.

Điều kiện một pháp nhân thương mại phải chịu TNHS

Điều 75 BLHS-2015 quy định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu TNHS khi có đủ các điều kiện:

Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại

Là những hành vi phạm tội do một người hoặc một số người của pháp nhân (lãnh đạo, quản lý điều hành hoặc được pháp nhân ủy quyền, phân công, giao nhiệm vụ…) họ đã nhân danh pháp nhân thực hiện. Nếu những người này thực hiện hành vi phạm tội nhưng không nhân danh pháp nhân, thì cá nhân họ phải chịu trách nhiệm và không thể truy cứu TNHS đối với pháp nhân.

Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích pháp nhân thương mại

Khi một người hoặc một số người của pháp nhân, nhân danh pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội vì lợi ích của pháp nhân, chứ không vì lợi ích cá nhân người thực hiện. Trong trường hợp một người hoặc một số người, nhân danh pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội, nhưng vì lợi ích của chính họ thì những người này phải chịu TNHS về tội mà họ đã thực hiện, nếu hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự. Trường hợp những người nhân danh pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội vì lợi ích chung của pháp nhân, nhưng họ lại lợi dụng danh nghĩa pháp nhân để thực hiện những hành vi vì lợi ích cá nhân, thì phải phân biệt rõ hành vi phạm tội nào là nhân danh pháp nhân vì lợi ích pháp nhân, hành vi nào vượt ra ngoài lợi ích chung để xác định TNHS pháp nhân và TNHS cá nhân.

Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại

Hành vi phạm tội của một người hoặc một số người có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân. Sự chỉ đạo, điều hành được thể hiện ở việc đề ra chủ trương, kế hoạch, tổ chức, phân công thực hiện của những người đứng đầu pháp nhân hoặc của tập thể lãnh đạo pháp nhân. Trường hợp tuy không có sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của lãnh đạo nhưng lại có sự chấp thuận của những người đứng đầu pháp nhân (kể cả trường hợp biết mà không phản đối, ngăn chặn) thì pháp nhân thương mại cũng phải chịu TNHS về tội phạm mà người của pháp nhân đã thực hiện.

Chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS theo quy định

Thời hiệu truy cứu TNHS là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu TNHS; thời hiệu truy cứu TNHS sự tính từ ngày tội phạm thực hiện. Nói một cách khác để truy cứu TNHS pháp nhân, phải căn cứ vào các hành vi phạm tội do một người hoặc một số người của pháp nhân đã thực hiện còn thời hiệu truy cứu TNHS quy định trong khoản 2 và khoản 3 Điều 27 BLHS-2015.

Bốn điều kiện nêu trên có sự liên kết chặt chẽ với nhau, trong đó ba điều kiện đặc thù đối với pháp nhân và một điều kiện áp dụng chung cho cả pháp nhân và cá nhân, nếu thiếu một trong các điều kiện trên thì không thể truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại.

Cơ sở truy cứu TNHS đối với đối với cá nhân

Cơ sở TNHS của cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 2 BLHS-2015, theo đó chỉ người nào phạm một trong các tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu TNHSĐể phải chịu TNHS do đã thực hiện một tội phạm cụ thể được quy định trong phần các tội phạm của BLHS-2015 thì cá nhân phải thỏa mãn các điều kiện về chủ thể, lỗi, không thuộc trường hợp được miễn TNHS và thời hiệu truy cứu TNHS được quy định tại phần chung của Bộ luật Hình sự.

Người phạm tội có năng lực TNHS phải chịu TNHS đối với tất cả tội phạm được quy định tại phần các tội phạm (Điều 8 BLHS-2015). Trong trường hợp cá nhân là thành viên của pháp nhân thương mại, thực hiện công việc được pháp nhân giao vì lợi ích của pháp nhân, xâm phạm đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, nếu hành vi của họ đã thực hiện đủ yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS-2015 thì cá nhân đó cũng phải chịu TNHS.

  1. TNHS CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI VÀ TNHS CỦA CÁ NHÂN LÀ THÀNH VIÊN CỦA PHÁP NHÂN PHẠM TỘI

TNHS của cá nhân thực hiện hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân, có sự chỉ đạo hoặc chấp thuận của pháp nhân

Khoản 2 Điều 75 BLHS-2015 quy định việc pháp nhân thương mại chịu TNHS không loại trừ TNHS của cá nhân. Điều này có nghĩa là việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội không đồng nghĩa với việc bỏ qua TNHS của cá nhân. Đối với pháp nhân thương mại sẽ phải chịu hình phạt khi thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 75 BLHS-2015. Còn đối với cá nhân sẽ bị truy cứu TNHS khi hành vi của họ thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành.

Để truy cứu TNHS pháp nhân thương mại, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh hành vi phạm tội, lỗi của người lãnh đạo, chỉ huy, người đại diện pháp nhân đã thực hiện hoặc các điều kiện khác về vai trò lãnh đạo, chỉ huy, nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân để phạm tội. Về nguyên tắc người lãnh đạo, người đại diện của pháp nhân thực hiện một tội phạm vì lợi ích hoặc trong khuôn khổ hoạt động của pháp nhân, theo sự chỉ đạo hoặc đồng tình của pháp nhân, thì cả pháp nhân và người trực tiếp thực hiện đó phải chịu TNHS về cùng một tội phạm.

Căn cứ xác định TNHS của cá nhân lợi dụng danh nghĩa pháp nhân phạm tội

Trường hợp người lãnh đạo, người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của pháp nhân thương mại phạm tội, do vượt quá thẩm quyền hoặc lợi dụng danh nghĩa hay vật chất của pháp nhân để thực hiện tội phạm, thì về nguyên tắc chỉ có cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm về tội phạm đó, còn pháp nhân sẽ không bị truy cứu TNHS về hành vi vượt quá của họ. Quy định này nhằm răn đe, phòng ngừa những trường hợp cá nhân lợi dụng danh nghĩa pháp nhân, cố ý thực hiện hành vi phạm tội nhưng được che đậy, núp bóng dưới danh nghĩa pháp nhân hoặc đổ tội cho pháp nhân. Như vậy, trong trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà đáng ra pháp nhân thương mại phải bị truy cứu TNHS theo quy định, nhưng hành vi phạm tội đó không có sự chỉ đạo, điều hành, phân công hay đồng ý của pháp nhân thì dù có gây ra hậu quả nguy hại đến mức nào TNHS cũng không đặt ra đối với pháp nhân.

Mọi hoạt động của pháp nhân phải được thông qua các hành vi của cá nhân và các hành vi đó tạo ra quyền và nghĩa vụ cho pháp nhân. Để truy cứu TNHS của một pháp nhân, phải căn cứ chính vào hành vi của cá nhân là người lãnh đạo, chỉ huy, người đại diện hoặc người được pháp nhân phân công thực hiện. Nếu những hành vi của cá nhân thực hiện vì mục đích, lợi ích của pháp nhân sẽ được coi là ý chí của pháp nhân, xâm phạm đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại trong một chừng mực nhất định, thì pháp nhân đó phải chịu TNHS. Đối với những hành vi do cá nhân là người của pháp nhân thực hiện xuất phát từ mục đích, lợi ích khác thì pháp nhân đó không phải chịu TNHS về hành vi của cá nhân nếu hành vi của họ đủ yếu tố cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS-2015 thì cá nhân đó phải chịu TNHS.

Trách nhiệm của Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng là phải làm rõ có hay không có hành vi phạm tội vượt quá của một người, hay một nhóm người nhân danh pháp nhân phạm tội. Nếu có thì phải phân định rõ hành vi phạm tội vượt quá, để xác định TNHS của từng đối tượng. Làm rõ có hay không hành vi lợi dụng danh nghĩa pháp nhân để phạm tội vì lợi ích riêng, hành vi phạm tội thuộc điều, khoản nào quy định trong Bộ luật Hình sự.

Việc xác định TNHS của cá nhân trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội theo quy định tại Khoản 2 Điều 75 BLHS-2015, không bắt buộc áp dụng trong mọi trường hợp khi pháp nhân phạm tội phải chịu TNHS, thì cá nhân nhân danh pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội cũng phải chịu TNHS. Quy định này được áp dụng trong từng trường hợp cụ thể nhất định theo nguyên tắc: Pháp nhân thương mại sẽ phải chịu hình phạt khi thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 75 BLHS-2015, còn đối với cá nhân sẽ bị truy cứu TNHS khi hành vi của họ thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm quy định trong BLHS-2015.

Đối với những hành vi phạm tội của pháp nhân đặc biệt nguy hiểm, gây thiệt hại lớn đối với nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, gây ra bức xúc và được dư luận xã hội quan tâm, thì cần phải xem xét làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan của pháp nhân.

III.  TÌNH HUỐNG THAM KHẢO

Tình huống thứ nhất “Tội trốn thuế”

Nội dung vụ việc

Năm 2022, Lê Thị T là thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), kiêm kế toán trưởng Công ty TNHH Thương mại Minh Anh (Công ty MA) tỉnh NĐ, đã có hành vi không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp của đơn vị, với mục đích để trốn thuế cho Công ty MA số tiền là 290.000.000 đồng. Đây là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để không phải nộp tiền thuế, hành vi này xâm phạm đến chế độ quản lý thuế gây thiệt hại tiền thuế cho Nhà nước, được thực hiện với lỗi cố ý của Lê Thị T và Công ty MA với mục đích nhằm chiếm đoạt số tiền thuế mà đáng lẽ phải nộp cho Nhà nước là 290.000.000 đồng.

Lê Thị T thực hiện hành vi nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân, tuy không có sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp nhưng việc thực hiện hành vi trên lãnh đạo Công ty MA không phản đối (thông qua báo cáo tài chính nội bộ với HĐQT). Công ty MA và Lê Thị T đã phạm tội “Tội trốn thuế” quy định tại Điều 200 BLHS-2015.

Trách nhiệm hình sự của Công ty MA pháp nhân và cá nhân Lê Thị T

Căn cứ theo điểm a khoản 5 Điều 200 BLHS-2015: Công ty MA là pháp nhân thương mại phạm tội trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, Công ty MA có thể bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 200 BLHS-2015, Lê Thị T đã thực hiện hành vi “b. Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;” trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; Lê Thị T có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Lê Thị T còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nhận xét

Công ty MA là pháp nhân thương mại phải chịu TNHS căn cứ theo khoản 1 Điều 75 BLHS-2015 vì: (i) Hành vi phạm tội trốn thuế được thực hiện do cá nhân là thành viên HĐQT, kiêm kế toán trưởng; (ii) Mục đích đem lại lợi ích cho công ty 290.000.000 đồng vì trốn được số tiền thuế mà lẽ ra Công ty MA phải nộp theo khoản 1, Điều 2 Luật quản lý thuế 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012); (iii) Hành vi này được thực hiện có sự chấp thuận của Công ty MA (tuy không trực tiếp chỉ đạo Lê Thị T phải trốn thuế, nhưng thông qua báo cáo tài chính tháng, quý của phòng kế toán đã gửi đến các thành viên HĐQT công ty) và (iv) Chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 BLHS-2015.

Lê Thị T là người của pháp nhân trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội trốn thuế với lỗi cố ý nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước cho Công ty MA phải chịu TNHS theo quy định tại khoản 2 Điều 75 BLHS-2015 “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.”

Tình huống thứ 2 “Tội buôn lậu”

Nội dung vụ việc

Nguyễn Văn A được Công ty Phúc Lộc Thành (Công ty PLT), chuyên kinh doanh vàng bạc, đá quý thuê làm giám đốc điều hành. Lợi dụng dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tháng 7/2021 Nguyễn Văn A được Hội đồng quản trị giao nhiệm vụ mang 320.000 USD sang cho Công ty CPC ở nước ngoài (Công ty CPC) và mang 125 lượng vàng về. Việc đi, về không qua của khẩu, không làm thủ tục Hải quan mà qua đường mòn, lối tắt. Ngày 23/7/2021 Nguyễn Văn A theo đường mòn, lối tắt vượt biên sang điểm hẹn đã thỏa thuận với Công ty  CPC trao 320.000 USD và nhận 125 lượng vàng. Ngày 25/7/2021 trên đường trở về qua biên giới Nguyễn Văn A bị bắt giữ. Kết quả giám định hàng của Nguyễn Văn A mang theo là Vàng SJC miếng loại 1L gồm 125 lượng (4,6992kg). Công ty  PLT và Nguyễn Văn A phạm tội “Tội buôn lậu” quy định tại Điều 188 BLHS-2015.

TNHS của Công ty PLT và Nguyễn Văn A

Căn cứ điểm d khoản 6 Điều 188 BLHS-2015, Công ty PLT có thể bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Căn cứ khoản 4 Điều 188 BLHS-2015 Nguyễn Văn A bị có thể bị phạt tù từ 12 đến 20 năm; Nguyễn Văn A còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản tài sản.

Nhận xét

Công ty  PLT là pháp nhân thương mại phải chịu TNHS về tội buôn lậu vì đã cử người đi từ Việt Nam mang 320.000 USD sang Công ty CPC ở nước ngoài và mang 125 lượng vàng từ nước ngoài về Việt Nam. Việc buôn bán trái phép của pháp nhân với lỗi cố ý, được thể hiện qua việc phân công Nguyễn Văn A mang USD đi, mang vàng về không qua của khẩu, không làm thủ tục Hải quan mà qua đường mòn, lối tắt xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu. Công ty  PLT phải chịu TNHS căn cứ theo quy định của khoản 1 Điều 75 BLHS-2015.

Đối với cá nhân trong vụ việc này, mặc dù được HĐQT Công ty PLT giao nhiệm vụ, nhưng Nguyễn Văn A biết rõ (phải biết rõ) việc mang 320.000 USD ra nước ngoài để mang 125 lượng vàng về Việt Nam, việc đi, về không qua của khẩu, không làm thủ tục hải quan mà qua đường mòn, lối tắt là trái quy định của pháp luật và Nguyễn Văn A phải chịu TNHS do phạm tội buôn lậu và phải chịu TNHS theo quy định tại Điều 188 BLHS-2015.

Tình huống thứ 3 “Tội gây ô nhiễm môi trường”

Nội dung vụ việc

Công ty CP Thép mạ kẽm (Công ty NB) hoạt động trên địa bàn tỉnh NB, chuyên sản xuất các loại dây, lưới thép mạ kẽm. Nước thải của Công ty NB là các loại hóa chất tẩy rửa kim loại, dung dịch mạ dư thừa (axit HCl, axit H2SO4, muối kẽm, kiềm, gỉ sắt, kẽm, Crom…) thuộc loại độc hại, phải được xử lý trước khi xả thải ra môi trường theo quy định. Hệ thống xử lý nước thải công nghệ nhập ngoại tương đối hiện đại, nếu thực hiện đúng quy trình sẽ đảm bảo an toàn cho môi trường. Công ty  NB giao cho Trần Văn B (Kỹ sư môi trường, Phó trưởng phòng Kỹ thuật) toàn quyền quyết định từ việc tuyển chọn nhân viên, xử lý công nghệ đến hạch toán chi phí và trực tiếp chỉ đạo, trả lương người lao động trong Tổ xử lý nước thải của Công ty NB, từ 01/7/2018. Phần thanh quyết toán về hóa chất để trung hòa, điện, nước, nhân công, bồi dưỡng độc hại… phục vụ cho việc xử lý nước thải Công ty NB tính theo kg sản phẩm nhập kho hàng tháng.

Trần Văn B đã móc nối với Bùi Văn V giám đốc một doanh nghiệp (Công ty MK) chuyên cung cấp “Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường” để có đủ các loại giấy tờ thủ tục hành chính quy định về xử lý, kiểm tra, đánh giá, xác nhận nước xả thải ra môi trường là an toàn. Trên thực tế, nước thải của Công ty  MK chỉ xử lý khoảng 1/3 khối lượng và xả thải công khai, còn 2/3 nước thải chưa xử lý được đưa vào bể chứa chờ xả ra sông qua hệ thống ống ngầm khi có điều kiện. Mặc dù không xử lý toàn bộ nước thải trước khi xả thải ra môi trường, Trần Văn B vẫn làm các thủ tục chứng từ, chi phí để thanh toán toàn bộ phần xử lý nước thải căn cứ vào sản phẩm nhập kho trong hơn 2 năm. Khu vực sông Cái ở địa phương này bị ô nhiễm, nhưng trong khu vực có rất nhiều đơn vị sản xuất chế biến hải sản, làng nghề… có liên quan hoá chất tẩy rửa, đều xả thải ra sông nên việc điều tra, phát hiện các trường hợp vi phạm gặp rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng của địa phương.

Để có đủ căn cứ khởi tố, Cảnh sát môi trường đã phải theo dõi, mật phục nhiều tháng mới bắt được quả tang Trần Văn B xả nước thải công nghiệp chưa xử lý ra môi trường. Trần Văn B bị khởi tố hình sự và đề nghị truy tố về Tội gây ô nhiễm môi trường quy định tại Điều 235 BLHS-2015. Cơ quan điều tra tiến hành điều tra thu thập chứng cứ, nếu đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 75 BLHS-2015 sẽ khởi tố hình sự Công ty NB về Tội gây ô nhiễm môi trường quy định tại Điều 235 BLHS-2015.

Sau khi điều tra, Cơ quan điều tra đã có kết luận: (i) Hành vi xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý của Trần Văn B thực hiện không vì lợi ích chung của Công ty NB, vì vậy không coi đây là ý chí của pháp nhân; đồng thời cũng không có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của lãnh đạo Công ty NB về việc xả nước thải chưa xử ký ra môi trường; (ii) Trần Văn B là người của Công ty NB, nhưng đã lợi dụng danh nghĩa pháp nhân giao nhiệm vụ để thực hiện hành vi thu lợi bất chính của Công ty NB số tiền 357.850.000 đồng ngoài lương trong hơn 2 năm cho cá nhân; và (iii) Lãnh đạo Công ty NB không chỉ đạo, điều hành hay đồng ý cho phép Trần Văn B thực hiện hành vi xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường, do vậy TNHS cũng không đặt ra đối với Cty NB.

Nhận xét

Trong trường cụ thể này, Trần Văn B đã lợi dụng danh nghĩa pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội để thu lợi cho cá nhân, nhằm chiếm đoạt của Công tyNB số tiền là 357.850.000 đồng trong 02 năm. Trần Văn B phải chịu TNHS về tội phạm đã thực hiện, vì hành vi của Trần Văn B đủ yếu tố cấu thành “Tội gây ô nhiễm môi trường” quy định tại Điều 235 BLHS-2015.

Cơ quan điều tra đã làm rõ việc hành vi của Trần Văn B không vì lợi ích của Công ty NB và không có sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo công ty. Từ 01/7/2018 công ty đã thanh quyết toán đủ tiền chí phí hóa chất, điện, nước, tiền công và bồi dưỡng độc hại cho công việc xử lý nước thải đúng theo hợp đồng với Trần Văn B.

Trần Văn B vì lợi ích cá nhân đã lợi dụng pháp nhân thực hiện những hành vi để chiếm đoạt 357.850.000 đồng của Công ty NB, chủ động xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm môi trường và  Trần Văn B phải chịu TNHS theo quy định là đúng người, đúng tội.

 

  1. KẾT LUẬN

Qua các tình huống nêu trên, đã chứng minh việc pháp nhân thương mại phải chịu TNHS không loại trừ TNHS của cá nhân mà không trái với nguyên tắc “Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” (khoản 3 Điều 31 Hiến pháp 2013). Bởi vì, các doanh nghiệp nêu trên là pháp nhân thương mại có quyền và nghĩa vụ độc lập với những cá nhân tham gia với tư cách là thành viên, nếu pháp nhân và cá nhân thực hiện hành vi, vi phạm pháp luật hình sự và bị kết án thì được hiểu là hành vi phạm tội do 02 chủ thể khác nhau thực hiện và phải chịu TNHS theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Việc xác định TNHS của cá nhân trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội theo quy định tại Khoản 2 Điều 75 BLHS-2015, không bắt buộc áp dụng trong mọi trường hợp khi pháp nhân phạm tội phải chịu TNHS, thì cá nhân nhân danh pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội cũng phải chịu TNHS. Quy định này được áp dụng trong từng trường hợp cụ thể nhất định theo nguyên tắc: Pháp nhân thương mại sẽ phải chịu hình phạt khi thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 75 BLHS-2015; đối với cá nhân sẽ bị truy cứu TNHS khi hành vi của họ thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Những hành vi phạm tội của pháp nhân đặc biệt nguy hiểm, gây thiệt hại  đối với đời sống xã hội, gây ra bức xúc và được dư luận xã hội quan tâm, thì cần phải xem xét làm rõ trách nhiệm của các cá nhân của pháp nhân trực tiếp thực hiện các hành vi phạm tội.

Tội phạm là sự thống nhất giữa hai yếu tố khách quan và chủ quan. Về khách quan, là hành vi của con người có mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội; về chủ quan, hành vi đó phải gắn với thái độ chủ quan (yếu tố lỗi) của người phạm tội. Pháp luật hình sự Việt Nam trước đây chỉ coi chủ thể của tội phạm là cá nhân vì chỉ có con người mới đáp ứng được hai điều kiện nêu trên, do vậy mà không đặt vấn đề truy cứu TNHS đối với pháp nhân. Ngày nay, nhiều pháp nhân thương mại vì lợi nhuận đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước, cộng đồng xã hội và người dân. Do vậy, ngoài trách nhiệm pháp lý về hành chính, bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự, việc quy định TNHS đối với pháp nhân thương mại để xử lý những hành vi nguy hiểm do pháp nhân gây ra là điều cần thiết, phù hợp với xu thế chung của thời đại.

Để xác định TNHS của pháp nhân thương mại phải chứng minh lỗi của pháp nhân, mà mọi hoạt động của pháp nhân phải thông qua hoạt động của cá nhân. Hành vi của cá nhân phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân, có sự chỉ đạo điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân và vì lợi ích của pháp nhân. Mặt khác, nếu hành vi vừa vì lợi ích của cá nhân, vừa vì lợi ích của pháp nhân thì phải phân rõ TNHS của người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, để thực hiện quy định “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân” trên thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Trách nhiệm Nhà nước nói chung và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nói riêng là phải làm rõ và phân định chính xác hành vi phạm tội để xác định TNHS của từng đối tượng, đồng thời cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, ban hành cho phù hợp với thực tiễn và hướng dẫn thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền.

Việc pháp nhân thương mại phải chịu TNHS, không loại trừ TNHS của cá nhân là nội dung quan trọng mà doanh nhân, người quản lý doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế cần phải nghiên cứu, tìm hiểu để áp dụng trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phạm pháp luật có thể xảy ra, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển, không chỉ mang lại lợi nhuận chính đáng mà còn góp phần tích cực xây dựng quê hương, đất nước văn minh, giàu đẹp phù hợp với xu thế chung của thời đại./.  T.V.C

LS Trần Văn Chương

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TDCC

Pháp luật sở hữu đối với các công trình chung cư và thực tiễn hiện nay

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang