Tiếp tục hành trình bền bỉ vì hạnh phúc của người khuyết tật và không để ai bị bỏ lại phía sau

(ĐHVO). Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam là đối tác uy tín của các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước; địa chỉ tin cậy của các tổ chức hội thành viên và người khuyết tật trong cả nước. Mặc dù còn nhiều tồn tại, hạn chế, thách thức trên hành trình vì hạnh phúc của người khuyết tật và không để ai bị bỏ lại phía sau. Liên hiệp hội về người khuyết tật nhiệm kỳ 2017-2022 đã nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn không chỉ hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội II đề ra mà còn góp phần không nhỏ trong việc thực hiện hiệu quả các quy định, chính sách, chương trình trợ giúp… đối với người khuyết tật. Qua đó, Liên hiệp hội tiếp tục từng bước thúc đẩy hiện thực hóa quyền của người khuyết tật cùng nghĩa vụ công dân cũng như sự hòa nhập bình đẳng, đầy đủ và đóng góp của họ vào xã hội.

Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam (sau đây gọi tắt là Liên hiệp hội) là tổ chức xã hội tự nguyện của công dân Việt  Nam và tổ chức của người  khuyết tật được thành lập  theo quy định của pháp luật  Việt Nam nhằm tập hợp,  đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ,  tạo điều kiện, nâng cao  năng lực để người khuyết  tật sinh hoạt, học tập, làm  việc theo hướng hòa nhập cộng đồng, vì hạnh phúc của người khuyết tật; thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; góp phần thực hiện tốt chính sách Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật.

Liên hiệp hội hoạt động trong phạm vi cả nước trong lĩnh vực người khuyết tật. Có quyền hạn: 

  1. Tuyên truyền tôn chỉ, mục đích của Liên hiệp hội.
  2. Đại diện cho hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp hội.
  3. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Liên hiệp hội theo quy định của pháp luật.
  4. Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội liên quan đến người khuyết tật theo đề nghị của cơ quan nhà nước; cung cấp dịch vụ công về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Liên hiệp hội, tổ chức dạy nghề, truyền nghề theo quy định của pháp luật.
  5. Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Liên hiệp hội theo quy định của pháp luật. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển Liên hiệp hội và lĩnh vực Liên hiệp hội hoạt động. Được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
  6. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Liên hiệp hội. Tham gia phản ảnh tâm tư nguyện vọng quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên đến các cơ quan nhà nước; đề xuất chính sách liên quan đến người khuyết tật theo quy định của pháp luật.
  7. Thành lập pháp nhân thuộc Liên hiệp hội theo quy định của pháp luật.
  8. Được gây quỹ Liên hiệp hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động.
  9. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao.
  10. Được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực Liên hiệp hội hoạt động, cơ quan quyết định cho phép thành lập Liên hiệp hội về việc gia nhập tổ chức quốc tế tương ứng, ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Liên hiệp hội tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức của Người khuyết tật Châu Á và Châu Á – Thái Bình Dương theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Điều lệ của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam quy định về nhiệm vụ:

  1. Chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Liên hiệp hội. Tổ chức, hoạt động theo Điều lệ Liên hiệp hội đã được phê duyệt. Không được lợi dụng hoạt động của Liên hiệp hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
  2. Tập hợp, đoàn kết hội viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Liên hiệp hội; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Liên hiệp hội nhằm tham gia phát triển lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Liên hiệp hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
  3. Phổ biến, huấn luyện kiến thức cho hội viên, hướng dẫn hội viên tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và Điều lệ, quy chế, quy định của Liên hiệp hội.
  4. Đại diện hội viên tham gia, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Liên hiệp hội theo quy định của pháp luật.
  5. Tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật; góp phần nâng cao vị thế, vai trò của người khuyết tật theo quy định của pháp luật.
  6. Hòa giải tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Liên hiệp hội theo quy định của pháp luật.
  7. Xây dựng và ban hành quy chuẩn đạo đức trong hoạt động của Liên hiệp hội.
  8. Quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí của Liên hiệp hội theo đúng quy định của pháp luật.
  9. Hàng năm, Liên hiệp hội phải báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của Liên hiệp hội với Bộ Nội vụ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chậm nhất vào ngày 01 tháng 12 hàng năm; chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tuân thủ pháp luật.
  10. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Trên cơ sở tôn chỉ, mục đích, quyền hạn và nhiệm vụ của mình, Liên hiệp hội đã bám sát chiến lược hoạt động, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ II trong bối cảnh, điều kiện gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời gian nửa cuối nhiệm kỳ do thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, kéo dài gây ra những tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình chung, trên mọi phương diện. Đặc biệt, Liên hiệp hội dù không được công nhận là tổ chức hội đặc thù, chưa được duyệt các hoạt động theo nhiệm vụ Nhà nước giao dù được quy định trong Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 theo quyết định 1190/Ttg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5 tháng 8 năm 2021, thế nhưng với tinh thần trách nhiệm Liên hiệp hội luôn phấn đấu không chỉ hoàn thành mục tiêu đề ra mà còn góp phần không nhỏ trong các hoạt động liên quan đến người khuyết tật, hướng đến mục tiêu vì hạnh phúc của người khuyết tật.

Bên cạnh đó, các hoạt động của Liên hiệp hội cũng bị ảnh hưởng bởi các quy định mới có phần khó khăn hơn cho các hoạt động của các tổ chức hội của người khuyết tật theo Nghị định 45 và 33 của Bộ Nội vụ cũng như tiếp cận các nguồn dự án từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài…

Ngoài ra, việc Luật về hội chưa được thông qua cũng khiến cho việc phát triển tổ chức hội gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, nhiều địa phương tổ chức sát nhập các hội ở địa phương đã gây ra những hạn chế nhất định đối với kết quả hoạt động của hội người khuyết tật nói riêng và người khuyết tật nói chung.

Liên hiệp hội tiếp và làm việc với đoàn công tác nước bạn Lào

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn chung của cả nước, Liên hiệp hội cũng nhận được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương; sự nỗ lực, phấn đấu trong các hoạt động của các tổ chức hội thành viên, đơn vị trực thuộc đã góp phần không nhỏ trong việc góp phần hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội II đã đề ra. Cụ thể:

1. Công tác chính trị tư tưởng: 

Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết TƯ; thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật của Nhà nước và các bộ, ban, ngành. Các hoạt động của Liên hiệp hội cũng luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, Nghị quyết cũng như các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước theo từng giai đoạn.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp hội, thông qua nhiều kênh, Liên hiệp hội đã tuyên truyền, phổ biến tư tưởng, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước đến các tổ chức hội thành viên cũng như người khuyết tật trong cả nước và cộng đồng xã hội đặc biệt là những nội dung liên quan đến người khuyết tật. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về lĩnh vực người khuyết tật, thúc đẩy hiện thực hóa quyền của người khuyết tật, tăng cường tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập một cách bình đẳng và đầy đủ; góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Hàng năm, nhân các dịp lễ tết cổ truyền của dân tộc hay các dịp kỷ niệm những ngày ý nghĩa đặc biệt như Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 và Ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12, Liên hiệp hội và các tổ chức hội thành viên luôn có những hoạt động, chương trình ý nghĩa. Không chỉ tôn vinh người khuyết tật, làm công tác truyền thông, chào mừng ngày của người khuyết tật… mà còn khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác người khuyết tật; nhấn mạnh việc tổ chức, triển khai thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong công tác người khuyết tật.

2. Công tác xây dựng tổ chức phát triển hội:

Tính đến năm 2023, tổng số thành viên của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam là 47 tổ chức so với 39 tổ chức vào năm 2018 (Kết nạp thêm CLB chấn thương cột sống; Mạng lưới Giáo dục đặc biệt; Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam; Hội Cha mẹ trẻ và Người khiếm thính Việt Nam; Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam; các tổ chức hội của người khuyết tật Tây Ninh, Hòa Bình và Vĩnh Long). Các tổ chức hội thành viên ngày càng liên kết chặt chẽ thành mạng lưới hoạt động mạnh, từ đó góp phần nâng cao vị thế, cải thiện đời sống, hỗ trợ người khuyết tật…. Đặc biệt Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã có những hoạt động gắn kết các tổ chức hội người khuyết tật phía bắc nhất là trong các hoạt động về phụ nữ và trẻ em khuyết tật. Qua đó cũng thúc đẩy, gắn kết hơn mối quan hệ giữa các ban, ngành, cơ quan chức năng và người khuyết tật tại các địa phương và trong cả nước. Bên cạnh đó, các tổ chức hội người khuyết tật cũng thường xuyên tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thông tin hoạt động thông qua nhiều kênh truyền thông hiệu quả.

Bên cạnh việc phát triển các tổ chức hội thành viên, trong 5 năm qua Liên hiệp hội cũng thành lập thêm 2 cơ quan trực thuộc là Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng tiền thân là Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng ACDC và Viện Khoa học và Bổ trợ pháp lý. Qua đó phát triển thêm các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực người khuyết tật và các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật.

Có thể thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn đến việc thành lập hội ở các địa phương nhưng Liên hiệp hội với các hội thành viên luôn đẩy mạnh công tác phát triển hội cả về số lượng, đặc biệt là chất lượng hoạt động. Đảm bảo đúng quy định pháp luật, góp phần hỗ trợ đồng hành cùng người khuyết tật cũng như thực hiện hiệu quả nghị quyết, chỉ thị và các quy định về chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật.

Từ thực tế cho thấy, ở tỉnh thành nào có tổ chức của người khuyết tật thì nơi đó người khuyết tật được tiếp cận các chính sách đầy đủ hơn, đời sống của người khuyết tật được cải thiện, vị thế của người khuyết tật được nâng cao, người khuyết tật được hòa nhập bình đẳng và đầy đủ hơn. Và ở đâu có hội người khuyết tật thì chính quyền ở đó hiểu rõ hơn về lĩnh vực khuyết tật và quyền của người khuyết tật được thực thi và bảo vệ tốt hơn…

Cùng phương châm “Không có gì về chúng tôi mà thiếu chúng tôi”, do đó, công tác phát triển hội luôn được Liên hiệp hội và các tổ chức hội thành viên coi đây là một trong những hoạt động trọng tâm, giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi việc phát triển hội đồng nghĩa gắn với hiệu quả hoạt động của người khuyết tật cũng như thúc đẩy thực thi chính sách, tham gia xây dựng chính sách, góp ý sửa đổi bổ sung chính sách về người khuyết tật….

Một buổi hội thảo

3. Về việc tham gia xây dựng, thúc đẩy , giám sát thực thi chính sách, pháp luật: 

Trong 5 năm qua, Liên hiệp hội và các tổ chức hội thành viên, các đơn vị trực thuộc đã được mời tham gia hàng chục chuyến đi kiểm tra, giám sát của các đoàn giám sát của UBQG về người khuyết tật; Ủy ban xã hội của Quốc hội cũng như các bộ ngành như Bộ GTVT, Bộ Xây dựng; Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế…. Liên hiệp hội cũng là thành viên tích cực của UBQG về người khuyết tật Việt Nam; là đối tác tin cậy của các cơ quan ban ngành trong việc tham gia góp ý, xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách và pháp luật về người khuyết tật.

Cùng việc tham gia các đoàn giám sát, kiểm tra, Liên hiệp hội và các tổ chức hội thành viên, các đơn vị trực thuộc cũng có những hoạt động đánh giá độc lập và thúc đẩy thực thi chính sách có thể kể các hoạt động:

– Xây dựng Báo cáo độc lập đánh giá việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật năm 2018 và báo cáo bổ sung giám sát thực thi Công Ước LHQ về quyền của người khuyết tật và đại dịch covid-19 năm 2022 theo đúng quy định của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc; tổ chức đánh giá 10 năm thực hiện Luật người khuyết tật và các chính sách đối với người khuyết tật;

– Đóng góp ý kiến xây dựng các Bộ luật, luật, các chính sách hỗ trợ người khuyết tật như: Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030…. Đặc biệt phải kể đến tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Chỉ thị 39 của Ban Bí Thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật ban hành 01/11/2019.

– Thường xuyên tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản đối với các cơ quan chức năng nhằm hướng đến việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật phù hợp với thực tế cuộc sống cũng như tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách đối với người khuyết tật: Gửi khuyến nghị và góp ý chỉnh sửa một số điều liên quan đến Luật Khám bệnh chữa bệnh sửa đổi và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi lên Bộ Y tế và Chính phủ; Tổ chức các hoạt động liên quan kế hoạch Tổng thể ASEAN 2030 có lồng ghép quyền của người khuyết tật….

– Tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với người khuyết tật bằng nhiều hình thức, góp phần đảm bảo thực thi chính sách đối với người khuyết tật: Phản ánh thực trạng, hiện tượng trong việc thực thi chính sách; bảo vệ quyền lợi đúng quy định của pháp luật; văn bản thúc đẩy, kiến nghị, phân tích, làm rõ, hướng dẫn việc thực hiện đúng quy định pháp luật…. Đơn cử năm 2022, Tạp chí Đồng Hành Việt, cơ quan ngôn luận của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam đã bảo vệ quyền lợi cho 01 nạn nhân chất độc da cam tại Hà Nam…. hay năm 2018 bảo vệ cho 01 trường hợp ở Yên Bái….

– Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp lý miễn phí: Trung tâm Trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt; Phòng luật của Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng hàng năm tư vấn hàng trăm trường hợp vướng mắc pháp lý của người khuyết tật; Hội Người khuyết tật Hà Nội thường xuyên kết nối cùng Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hỗ trợ pháp lý nhân các chương trình, sự kiện…. Và các tổ chức của người khuyết tật khác cũng lồng ghép và có các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận trợ giúp pháp lý để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Ngoài ra, Liên hiệp hội cũng như các tổ chức thành viên cũng tích cực tham gia và đóng góp nhiều ý kiến tại các hội nghị, hội thảo về chính sách, thúc đẩy thực thi Luật, Công ước LHQ về quyền của người khuyết tật nhằm trao đổi kinh nghiệm và tăng cường vai trò, tiếng nói của người khuyết tật với các cơ quan, tổ chức….

4. Hợp tác quốc tế: 

Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam là thành viên của Mạng lưới người khuyết tật quốc tế, Châu lục và trong khu vực. Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên, đơn vị trực thuộc là đối tác tin cậy của nhiều tổ chức quốc tế như: USAID, CBM, UNDP, UNICEF, DHF/PTU,….

Tổng kinh phí hoạt động các dự án, phi dự án của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và các tổ chức hội thành viên trong 5 năm nhiệm kỳ 2017-2022 lên đến gần trăm tỷ đồng trong đó nhiều dự án hết sức ý nghĩa, tạo ra những giá trị lâu dài, bền vững đối với người khuyết tật nói chung, cộng đồng xã hội nói riêng. Có thể kể đến như:

– Phối hợp cùng UNDP trên cơ sở cung cấp dịch vụ thực hiện Chương trình Tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử đã thu hút được đông đảo sự tham gia của người khuyết tật; bước đầu đặt nền móng tăng cường năng lực cho người khuyết tật khi tham gia các hoạt động bầu cử, ứng cử cũng như hiểu biết về pháp luật và thực hiện đúng quy định pháp luật nói chung.

– Năm 2018, phối hợp cùng UNICEF thực hiện đánh giá công tác thực hiện Quyết định 647 của Chính Phủ;

– Năm 2021, phối hợp cùng tổ chức IC thực hiện khảo sát nhu cầu dụng cụ trợ giúp đối với người khuyết tật tại 3 tỉnh ở miền Bắc và miền Trung;

– Năm 2022, phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng tổ chức thành công Trại hè hạnh phúc tại Phú Yên cho trẻ em khuyết tật một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; tôn vinh 47 phụ nữ khuyết tật tiêu biểu vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống và tiếp kiến Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân…

– Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng là đơn vị trực thuộc đang triển khai dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” và Dự án “tăng cường chất lượng sống cho người khuyết tật tại các tỉnh bị phun dải nặng chất da cam”. Ngân sách hàng năm hàng chục tỷ đồng và hỗ trợ cho khoảng 2.500-3.000 người khuyết tật tại ba tỉnh Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, được ba tỉnh đánh giá cao. Viện ACDC cũng phối hợp, hỗ trợ kinh phí với các bộ Y tế, LĐTB&XH, Giao thông, UBQG về NKT tổ chức các hội thảo, tập huấn.

Ngoài ra, Liên hiệp hội và các tổ chức hội thành viên, đơn vị trực thuộc cũng là đối tác uy tín, tin cậy của các tổ chức quốc tế, phi chính phủ trong việc tham gia cung cấp các dịch vụ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

5. Công tác Thi đua, khen thưởng, kỷ luật 

Trong 5 năm, Liên hiệp hội căn cứ hồ sơ đề nghị khen thưởng; căn cứ báo cáo thành tích để xét khen tặng cho các tổ chức, đơn vị thành viên, trực thuộc nhân các dịp Lễ, các chương trình sự kiện. Công tác thi đua, khen thưởng được thực hiện kịp thời, hiệu quả khích lệ, động viên người được khen thưởng. Trên tinh thần hỗ trợ tối đa, đảm bảo đúng quy định về thi đua, khen thưởng.

Trong đó, phải kể đến tặng bằng khen và tôn vinh những phụ nữ khuyết tật có nhiều thành tích, là những tấm gương tiêu biểu trong công tác hội, làm kinh tế, công tác xã hội… vào tháng 10 năm 2022;

Đặc biệt, năm 2020, hai Phó Chủ tịch của Liên hiệp hội được Thủ tướng tặng bằng khen và một số Ủy viên Ban Chấp hành, hội viên Liên hiệp hội được nhận bằng khen của Bộ LĐTB&XH về những đóng góp trong lĩnh vực an sinh xã hội; năm 2022, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam được Ban Thi đua – Khen thưởng TW cho phép tặng kỷ niệm chương vì hạnh phúc của người khuyết tật.

Đối với công tác kỷ luật, nhiệm kỳ II không có trường hợp nào vi phạm quy chế, Điều lệ hay vi phạm pháp luật nên không có trường hợp nào bị kỷ luật. Cũng trong nhiệm kỳ II, không có bất kỳ đơn thư khiếu nại, tố cáo nào cần giải quyết.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về hỗ trợ người khuyết tật

6. Công tác Thông tin, truyền thông 

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp hội xuyên suốt trong Chiến lược phát triển. Trong 5 năm qua, Liên hiệp hội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác thông tin, tuyên truyền để đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật và các kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Qua đó, công tác và hiệu quả hoạt động được nâng cao, đảm bảo đúng chủ trương, đường lối, chính sách, kế hoạch đã đặt ra. Trong đó phải kể đến 2 chuyên đề pháp luật cho doanh nghiệp phối hợp với Bộ Tư pháp đã ghi nhận được nhiều đánh giá cao, phản hồi tốt. Các cơ quan Tạp chí và trung tâm đã hỗ trợ hàng trăm lượt người khuyết tật với hàng nghìn người hưởng lợi từ các hoạt động.

Nhiều bài viết trên Tạp chí Đồng Hành Việt cũng đã được tuyên dương tại buổi họp giao ban với Ban Tuyên giáo TƯ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Công tác phát hành tuy ổn định, ra số đều đặt, chất lượng bài viết cao nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn vì số lượng ít; lượng in tiếp cận bạn đọc thấp;….

Năm 2019 Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động Tạp chí điện tử, từ đó cập nhật kịp thời và bám sát các hoạt động của Liên hiệp hội và một số tổ chức hội thành viên… Trong thời gian qua, Hai đơn vị Tạp chí luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động cũng như hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Liên hiệp hội, góp phần không nhỏ trong tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; nâng cao nhận thức; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người khuyết tật…

Hiện Liên hiệp hội đang phối hợp cùng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu người khuyết tật; giao Viện Khoa học Bổ trợ pháp lý hoàn thiện trang website của Liên hiệp hội.

Ngoài ra, Liên hiệp hội và các tổ chức hội thành viên cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí, là khách mời của các cơ quan báo chí nhất là các đài trung ương, uy tín…. Cùng với đó là các hình thức tuyên truyền như băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, sách kỷ yếu, tài liệu….

Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy thực thi chính sách; nâng cao nhận thức; tuyên truyền, phổ biến thông tin….

7. Công tác Văn phòng

Trong nhiệm kỳ II, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về trụ sở và kinh phí hoạt động do không có nguồn thu cố định, không được sự hỗ trợ từ việc thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao, nhân sự thiếu… nhưng Văn phòng Liên hiệp hội vẫn cố gắng hỗ trợ kịp thời và cơ bản hoàn thành công tác Văn phòng. Trong đó, phải kể đến sự hỗ trợ của Tạp chí Đồng Hành Việt đã bố trí cán bộ hỗ trợ Liên hiệp hội công tác văn phòng; Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng hỗ trợ 1 máy tính xách tay và 1 máy in mới cho hoạt động văn phòng. Ngoài ra một số cá nhân hội viên cũng hỗ trợ một số các chi phí trong quá trình hoạt động.

8. Công tác điều hòa phối hợp và Một số hoạt động nổi bật của các tổ chức hội thành viên 

Trong suốt 5 năm qua, Liên hiệp hội luôn hỗ trợ tối đa các hoạt động của các tổ chức hội thành viên khi được đề nghị cũng như điều phối các hoạt động như phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện…. Kịp thời hỗ trợ bằng công văn, khen thưởng, vận động chính sách cũng như là đầu mối giới thiệu và bảo đảm cho các tổ chức hội thành viên tiếp nhận các hoạt động dự án/phi dự án.

Cùng với đó, nhiều tổ chức hội thành viên hoạt động rất hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc góp phần đảm bảo an sinh, giải quyết việc làm, hỗ trợ người khuyết tật và các đối tượng yếu thế vươn lên trong cuộc sống… các hoạt động thường xuyên của các tổ chức hội như tuyên truyền phổ biến pháp luật, chính sách, nâng cao nhận thức, hỗ trợ pháp lý, hợp tác quốc tế, góp ý dự thảo luật, phản biện, giám sát luật, tổ chức các ngày lễ, kỷ niệm, hỗ trợ thăm hỏi động viên các hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt có thể kể đến thời gian cách ly toàn xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra, Liên hiệp hội cùng các tổ chức hội thành viên đã nhanh chóng, kịp thời, sâu sát vừa hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho một số tổ chức, hội viên là người khuyết tật; vừa hỗ trợ tâm lý, tư vấn cũng như cảnh báo nguy cơ; tuyên truyền, phổ biến phòng chống dịch; vận động tham gia phòng chống dịch hiệu quả trên địa bàn sinh sống….

Một buổi làm việc cùng Vụ Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp)

Ngoài ra, có thể kể đến nhiều hoạt động nổi bật của một số tổ chức hội bên cạnh các hoạt động chung như:

8.1. Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam:

Nhiệm kỳ V 2017-2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do Đại dịch Covid-19 nhưng Hội đã vận động được 2.862 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra. Trong đó nhiều hoạt động được hội duy trì, thực hiện hiệu quả và gây tiếng vang như: Chương trình “Một trái tim- Một thế giới” ở Trung ương Hội; Các chương trình “Nối vòng tay nhân ái”, “Trái tim nhân hậu”, “Những tấm lòng nhân ái”, “Những trái tim hồng”, “Cây mùa xuân”, “Trung thu cho em”, “Cùng em đến trường”… ở các địa phương. Cùng với việc vận động nguồn lực tài chính, thông qua các chương trình, Hội đã hỗ trợ hơn 16 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và các đối tượng khó khăn, yếu thế khác cải thiện cuộc sống.

Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ công tác phòng chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai,…

8.2. Hội Người mù Việt Nam: Số vốn Trung ương Hội đang quản lý là 51,651 tỷ đồng (năm 2018 được bổ sung thêm 2 tỷ đồng), vốn kênh địa phương là 20,183 tỷ đồng. cho gia đình hội viên, hoặc các cơ sở tại 51 tỉnh, thành hội vay. Tạo việc làm cho 10 nghìn lao động.

Ngân sách đã dành cho các hoạt động là Trung ương Hội: 41.950.721.356 đồng (bao gồm cả ngân sách và kinh phí do tổ chức nước ngoài tài trợ, hỗ trợ theo chương trình dự án). Trung tâm Đào tạo cán bộ, phục hồi chức năng cho người mù: 33,231,000,000 đồng.

Ngoài ra, có thể kể đến như, trong 5 năm đã mở được 353 lớp, dạy nghề cho 4962 người, với các nghề tin học, thủ công, xoa bóp bấm huyệt, ca nhạc, chăn nuôi… tổng kinh phí là 19,335 tỷ đồng. Tỉ lệ có việc làm sau đào tạo là hơn 70% (riêng nghề xoa bóp đạt 95%). Các cấp hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, vận động xã hội hóa và gia đình để xây sửa nhà đại đoàn kết cho hội viên, đã xây dựng 572 nhà, trị giá 32,874 tỷ đồng, sửa chữa 551 nhà, trị giá 10,168 tỷ đồng; cấp 1890 bộ học cụ, 646 bộ sách xoá mù chữ. Toàn Hội mở được 258 lớp xoá mù chữ, phục hồi chức năng cho 2189 hội viên, 280 lớp tiền hoà nhập cho 1694 em… cùng các hoạt động công tác phụ nữ trẻ em, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, phục hồi chức năng, tặng cây gậy trắng…

Và gần đây nhất là thúc đẩy Việt Nam phê chuẩn Hiệp ước Marraket.

8.3. Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội: Tổng ngân sách cho các hoạt động là hơn 21.219 triệu đồng với tổ chức gần 200 chương trình tập huấn, hội thảo, tọa đàm cho hơn 6.000 lượt cán bộ, hội viên nhằm trang bị kiến thức về: kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết trình, điều hành hội họp, kỹ năng truyền thông, viết đề xuất dự án, phát triển cộng đồng dựa vào nội lực (ABCD), tập huấn các văn bản pháp luật, tập huấn công tác văn phòng, quản lý tài chính, thành lập Hội người khuyết tật xã/phường, tập huấn sử dụng ứng dụng zoom để tổ chức các cuộc hội họp, học tập trực tuyến (online), cũng như các khóa đào tạo tư vấn hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho người khuyết tật …; Hội cùng với hơn 30 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất,…. thành lập Mạng lưới các doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật; Phối hợp với Ngân hàng CSXH thành phố Hà Nội, trong nhiệm kỳ IV (2017-2022), đã có hơn 500 người khuyết tật được vay vốn để sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ với tổng số dư nợ trên 20 tỷ đồng; Hàng nghìn người khuyết tật hưởng lợi từ các dự án…

8.4. Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Các cấp Hội đã tiến hành tổ chức hơn 30 hoạt động cho hơn 2000 lượt hội viên người khuyết tật tham gia; hàng năm các cấp Hội và đơn vị thành viên đã tiến hành vận động nguồn lực chăm lo đời sống hội viên đạt từ 500-700 xuất quà trên năm dành cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp cùng NHC SXH giải ngân cho vay 02 đối tượng tại Thanh Liêm và Lý Nhân với tổng số tiền là 130 triệu

8.5. Hội Người khuyết tật Cần Thơ: Huy động được Tổng số kinh phí: 17.490.932.821đ cho các hoạt động. Nhiều hoạt động như: Hội trao vốn vay không lãi suất cho 353 lượt người với tổng số tiền là 2.616.250.000đ; giới thiệu thành công 9 cặp vợ chồng người khuyết tật tham gia chương trình Thần Tài Gõ Cửa do Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện; giới thiệu việc làm cho 28 người khuyết tật và tạo điều kiện học nghề phù hợp tại địa phương cho 16 người khuyết tật; đào tạo nghề cho 24 người khuyết tật học nghề; thực hiện được 18 buổi tham vấn đồng cảnh lớn và nhỏ với 266 lượt người khuyết tật tham dự; 5.564 lượt các cán bộ Hội/Hội viên đã tham gia nhiều sự kiện….

8.6. Hội Người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng: Làm cầu nối, phối hợp với nhiều tổ chức, mạnh thường quân tặng quà cho người khuyết tật lên tới hàng chục tỷ đồng như hỗ trợ 10 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang bị ốm đau bệnh nặng, mỗi hoàn cảnh 50 triệu đồng; tặng 900 chiếc xe lăn, mỗi chiếc trị giá 2 triệu đồng; 100 chiếc xe lắc, mỗi chiếc trị giá 3 triệu 500 ngàn đồng; tặng 100 chiếc xe đạp giá 3 triệu đồng 1 chiếc; 200 chiếc chân tay giả, 150 bộ giày nẹp; tặng 50 ngàn phần quà hỗ trợ cho hội viên trong Hội; sửa chữa 30 căn nhà dột nát; xây được 15 căn nhà tình thương mới… Ngoài ra, hỗ trợ xin việc làm cho 50 hội viên; gây quỹ, tham gia các hoạt động nghệ thuật tại các trung tâm cải tạo…

8.7. Hội Người khuyết tật thành phố Thái Nguyên: Vận động được hơn 1.128.000.000 đồng cho các hoạt động tặng quà, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn; TGPL Nhà nước tỉnh TN tổ chức hàng chục phiên tuyên truyền phổ biến PL TGPL cho hơn 234 lượt người khuyết tật tham gia và có 22 ca được trợ giúp về các lĩnh vực dân sự: thừa kế , đất đai …trong khả năng của mình, Hội đã tư vấn và hỗ trợ 40 trường hợp trong việc thực hiện các thủ tục Bảo trợ xã hội.

8.8. Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam: Chương trình Bảo trợ Gia đình siêu nhân, bảo trợ 236 gia đình trẻ bại não khó khăn với mức bảo trợ mỗi tháng 500,000 đồng; Tặng 3745 suất quà Tết cho trẻ bại não đặc biệt khó khăn với tổng quà tặng hơn 800 triệu đồng; Xây dựng và duy trì Mái ấm Gia đình Siêu nhân, là nơi lưu trú miễn phí cho các gia đình có trẻ bại não tại Hà Nội….

8.9. Hội Cha mẹ trẻ khiếm thính và Người khiếm thính Việt Nam: Huy động được gần 5,5 tỷ đồng cho các hoạt động như tặng hơn 50 máy trợ thính; Tổ chức hàng chục các buổi đo và tư vấn thính lực cho TEKT; Kết nối kiểm tra và tư vấn về việc sử dụng máy trợ thính đúng cách; tổ chức các buổi thăm quan, dã ngoại….

8.10. Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam: Huy động được gần 1,5 tỷ cho các hoạt động hội thao thân thiện thường niên; Tập huấn trực tiếp cho phụ huynh 12 tỉnh thành, mỗi lượt hơn 100 phụ huynh tham dự; Tập huấn online cho hơn 700 phụ huynh với tổng số 25 lớp trong đó bao gồm kèm phụ huynh 12 tháng…

Ngoài ra, các tổ chức hội của/vì người khuyết tật tại các địa phương khác như: Đà Nẵng, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Long, Quảng Trị, Bạc Liêu, Hòa Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương, Thái Nguyên… cũng vận động được các nguồn kinh phí và tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật như dạy nghề, tập huấn nâng cao năng lực, vận động chính sách, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật, hỗ trợ đồng cảnh, tư vấn, tặng quà, cử người tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao… nhất là trong các dịp lễ tết của dân tộc, ngày của người khuyết tật.

Trao tặng Kỷ niệm chương vì Hạnh phúc của người khuyết tật

9. Ngân sách thực hiện

Trong 5 năm 2017- 2022, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cùng các đơn vị trực thuộc và các tổ chức hội thành viên cấp tỉnh đã vận động được hơn 200 tỷ thông qua các hoạt động dự án với các tổ chức quốc tế, phi chính phủ cũng như hỗ trợ của ngân sách địa phương.

Từ những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ 2017-2022, Liên hiệp hội tiếp tục khẳng định những giá trị của mình, đóng góp vào công cuộc chung của đất nước:

Một là, khẳng định vị thế, nâng cao năng lực và vị thế của Liên hiệp hội và các tổ chức hội thành viên;

Hai là, có một chiến lược phát triển phù hợp với tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu và đòi hỏi từ thực tế hoạt động.

Ba là, góp phần thúc đẩy, giám sát, phản biện, xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đối với người khuyết tật; hạn chế những bất cập, tồn tại trong quá trình thực thi chính sách

Bốn là, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật

Năm là, có các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm hoạt động và các vấn đề liên quan đến lĩnh vực người khuyết tật

Sáu là, phát triển tổ chức của và vì người khuyết tật đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu của các dạng khuyết tật;

Bảy là, đối tác tin cậy của các tổ chức trong và ngoài nước, các bộ, ban, ngành chức năng trong việc thực hiện các công tác về người khuyết tật

Tám là, địa chỉ tin cậy của các tổ chức của và vì người khuyết tật cũng như người khuyết tật cả nước

Chín là, là đơn vị thực hiện báo cáo độc lập đánh giá việc thực hiện CRPD tại Việt Nam

Để có được những kết quả như vậy, trước hết phải khẳng định: 

  1. Lĩnh vực hoạt động của người khuyết tật Việt Nam ngày càng được Đảng, Nhà nước, Quốc hội cũng như cộng đồng xã hội quan tâm hơn; người khuyết tật được thụ hưởng từ chính sách, pháp luật;
  2. Chính sách, pháp luật về người khuyết tật ngày càng đầy đủ và hoàn thiện;
  3. Các tổ chức của và vì người khuyết tật từ trung ương tới cấp cơ sở ngày càng phát triển, mạng lưới hội người khuyết tật mở rộng và đón nhận được sự tin tưởng của các cấp chính quyền. Năng lực quản lý và lãnh đạo của hội cơ sở ngày càng được nâng cao rõ rệt;
  4. Nhận thức của người khuyết tật, cộng đồng xã hội ngày càng được nâng cao; chuyển hướng từ thiện nhân đạo sang tiếp cận dựa trên quyền;
  5. Công tác thông tin, truyền thông liên quan đến lĩnh vực người khuyết tật ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng cũng như tính thường xuyên so với trước kia chỉ tập trung vào các ngày lễ lớn;
  6. Việt Nam về cơ bản đã phê chuẩn hết các khung pháp lý là các công ước, hiệp ước quốc tế liên quan đến người khuyết tật; Công ước và các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến người khuyết tật ngày càng được tổ chức triển khai sâu rộng;
  7. Công tác kiểm tra, giám sát ngày càng được quan tâm, thực hiện; có chế tài xử lý những vi phạm hành chính trong việc thực hiện chính sách đối với người khuyết tật;
  8. Bên cạnh các chương trình hỗ trợ người khuyết tật như Chương trình giai đoạn 2021-2030 còn có các chương trình lồng ghép người khuyết tật trong các hoạt động như dạy nghề;
  9. Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cùng các đơn vị trực thuộc, tổ chức thành viên được Chính phủ và các bộ ban ngành cùng các tổ chức quốc tế, phi chính phủ đánh giá cao và ghi nhận năng lực.

Một buổi tập huấn nâng cao năng lực cho NKT

Tuy nhiên, cũng không phải không có những khó khăn, hạn chế hay những tồn tại nhất định trong quá trình hoạt động.

Có thể kể đến như:

  1. Công tác giám sát và phản biện việc thực thi chế độ, chính sách cho người khuyết tật, LHH chưa chủ động được, còn hạn chế. Chủ yếu phụ thuộc vào các chương trình của Bộ và các bên liên quan.
  2. Chính sách còn chồng chéo; công tác quản lý cũng đa tầng, nhiều thủ tục hành chính nên dẫn đến nhiều hoạt động gặp khó khăn trong công tác triển khai hoặc triển khai nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn
  3. Việc thực thi chính sách chưa thực sự đồng bộ, nhất quán giữa các bộ ngành; chính sách có nhưng khó triển khai; chính quyền nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm công tác người khuyết tật; năng lực cán bộ quản lý, thực hiện chính sách còn yếu và thiếu; nhiều nhận thức sai lệch của cán bộ quản lý dẫn đến cản trở hoạt động trong công tác người khuyết tật; thiếu văn bản hướng dẫn cũng như chế tài chưa đủ mạnh để đảm bảo việc thực thi hiệu quả…
  4. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, bộ phận văn phòng và thường trực Liên hiệp hội vẫn phải làm việc trên tinh thần tự nguyện và không có kinh phí duy trì hoạt động nên gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do Liên hiệp hội không phải Hội đặc thù hay chưa được tham gia vào các hoạt động theo diện Nhà nước giao nhiệm vụ.
  1. Ban Chấp hành của Liên hiệp hội chưa hoạt động thực sự hiệu quả, còn rời rạc, thiếu sự gắn kết; nhiều ủy viên hoạt động mờ nhạt thậm chí không tham gia hoạt động; các tổ chức hội thành viên, đơn vị trực thuộc chưa thực hiện nghiêm túc Điều lệ…
  2. Trụ sở hiện nay của Liên hiệp hội vẫn đang nhờ Hội Người mù Việt Nam và các đơn vị khác nên cũng là một vấn đề cần sớm được quan tâm và có hướng giải quyết trong thời gian tới.
  3. Thiếu nguồn kinh phí đối ứng để đảm bảo các hoạt động của Liên hiệp hội; các đơn vị trực thuộc chưa thể hiện được vai trò và hỗ trợ công tác văn phòng.
  4. Theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP đã ra đời thay thế cho nghị định số 93 trước đây quy định về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho các cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, thương mại vẫn còn một số bất cập nên việc phê duyệt các dự án còn gặp nhiều khó khăn với các đơn vị trong đó LHH cũng không ngoại lệ.
  5. Nguồn tài trợ từ các dự án cũng giảm dần 10. Trình độ, năng lực nhận thức của một số cán bộ hội còn hạn chế

Có thể nói, với việc nhìn nhận, đánh giá và mạnh dạn chỉ ra những khó khăn hạn chế, sẽ là cơ sở để Liên hiệp hội rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó có những giải pháp phù hợp mà Đại hội Đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 2023 – 2028 sẽ là cơ hội để Liên hiệp hội thực hiện tốt các giải pháp cho kết quả các hoạt động ngày một cao và thiết thực hơn.

Trong đó, có thể kể đến: 

Một là, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền trong công tác tổ chức; thực hiện đúng, đủ quy định cũng như có những trao đổi làm rõ các vấn đề vướng mắc để đề nghị các cơ quan chức năng, có thẩm quyền tháo gỡ, đảm bảo hoạt động.

Hai là, bám sát các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình, công tác hoạt động

Bốn là, ổn định tổ chức, kiện toàn bộ máy Liên hiệp hội đảm bảo tính đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, hoạt động hiệu quả; tổ chức lại văn phòng quy củ, hoạt động chuyên nghiệp

Năm là, nâng cao năng lực cho BCH, cán bộ văn phòng, các ban chuyên môn, các tổ chức hội thành viên

Sáu là, đảm bảo thực hiện nghiêm túc Điều lệ Bảy là, sáng tạo, chủ động, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể trên cơ sở đoàn kết, dân chủ, thống nhất trong tổ chức thực hiện

Tám là, thường xuyên thu thập thông tin, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh kịp thời mong muốn của các tổ chức hội thành viên, người khuyết tật

Chín là, tăng cường công tác thông tin truyền thông; hợp tác quốc tế; liên kết mạng lưới trong và ngoài Liên hiệp hội

Hy vọng rằng, với những kết quả đã đạt được, cùng những bài học kinh nghiệm được rút ra và các giải pháp khắc phục khó khăn, tồn tại, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III nhiệm kỳ 2023-2028 của Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam sẽ đề ra những phương hướng hoạt động hiệu quả, thiết thực vừa để góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vừa góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu vì hạnh phúc của người khuyết tật và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tuệ Lâm – Tạp chí Đồng Hành Việt số 8/2023

Bài viết liên quan

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Picture1

Trường THPT Bắc Kiến Xương lọt top những ngôi trường hàng đầu Thái Bình

5-1712332006101296289476

Đóng học phí một lần: Thực hiện sao cho đúng luật?

z5314683295603_d42ec9ed4bb4a30f54fd34b04322fdfa

Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý vốn vay quay vòng dành cho hội viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang