Cơn bão Yagi (Con bão số 3), cơn bão mạnh nhất trong lịch sử mấy chục năm trở lại đây đã gây ra những thiệt hại vô cùng nặng nề và đớn đau. Những hậu quả sau bão là không thể đo đếm được. Tiền bạc, vật chất, cơ sở hạ tầng bị mất mát, phá hủy với con số vài chục nghìn tỷ đồng cũng không thể sánh được so với nhân mạng mất đi….
Cùng với bão là tình trạng sạt lở, lũ quét diễn ra phức tạp đã khiến cuộc sống của người dân lao đao, khốn khổ kéo theo hàng loạt hệ lụy.
Ảnh minh họa – Nguồn Internet
Thế nhưng, từ trong những khó khăn, lại tiếp tục bừng lên sự đoàn kết, sẻ chia vốn sẵn là những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc được hình thành, gìn giữ và phát huy, phát triển từ nghìn đời nay. Cũng lại thắp sáng lên những tia sáng hy vọng từ những mất mát, khó khăn. Và để rồi cùng chia sẻ vơi bớt những nhọc nhằn, đớn đau và tiếp tục gắn chặt, hàn sâu tình cảm sắt son bền vững của tình nghĩa đồng bào – Hai tiếng thiêng liêng. Cả nước đang hướng về những khó khăn, sẻ chia những nỗi đau, mất mát với những địa phương chịu hậu quả nặng nề, sự vào cuộc chung sức đồng lòng của toàn đảng, toàn dân, toàn quân để khắc phục mọi hậu quả “tang thương” của thiên tai ập đến với con người.
Đặc biệt, tình cảm đó càng thể hiện rõ nét hơn khi những hình ảnh đã được tục ngữ, ca dao cô đọng, súc tích như: Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều… với những câu chuyện bớt ngày công, nhiều người dân “sục sôi, vội vã” huy động nhân lực, vật lực để đồng hành cùng Nhà nước, các lực lượng chức năng trực tiếp tham gia các đoàn cứu trợ, cứu nạn; hay với hình ảnh nhường lại phần để sẻ chia cho những địa phương, con người khó khăn hơn… Đặc biệt là rất nhiều hình ảnh đẹp đến từ những người thường được coi là nhóm đối tượng yếu thế cần sự giúp đỡ trong xã hội, từ những đối tượng hay được gắn với cụm từ dễ bị tổn thương như người khuyết tật, trẻ em cũng dành những đồng tiền ít ỏi, đẫm mồ hôi nhưng đầy ý nghĩa của mình để tương trợ đồng bào những lúc khó khăn. Điều đó khẳng định những nhóm đối tượng này đã, đang không chỉ cần được hiện thực hóa quyền của họ mà bản thân họ cũng đang tích cực thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân trước lời kêu gọi, vận động hay từ chính suy nghĩ sâu thẳm trong thâm tâm mình.
Nhiều người trong chúng ta vẫn thường hay biết đến, cảm phục và truyền thông các hình ảnh cứu trợ khi thiên tai dịch họa ở các nước phương tây hay thường thấy nhất là lấy hình ảnh của Nhật Bản với sự trật tự, kỷ luật, chia sẻ với những lời ca ngợi có cánh mà lại ít quan tâm đến những câu chuyện ngay trong chính đất nước Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc cũng tồn tại những nghĩa cử cao đẹp; những hình ảnh vô cùng nhân văn như thế, thậm chí có khi còn nhiều hơn thế. Bởi Việt Nam xưa nay vẫn được thế giới ngưỡng mộ và ngợi ca với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cùng tình cảm thiêng liêng gắn với hai tiếng “đồng bào”; một dân tộc luôn chung sức, đồng lòng mỗi khi hoạn nạn, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong đó có những điều tưởng chừng như không thể mà đã vang danh làm chấn động cả thế giới, nguồn động lực cho nhiều quốc gia noi theo.
Và chỉ cần nhìn lại những lần đất nước “lâm vào tình thế khó khăn” trong mấy năm trở lại đây như đại dịch Covid-19, hay mỗi lần thiên tai địch họa như trận bão lịch sử vừa qua thì chúng ta càng thấy được ý nghĩa, giá trị thiêng liêng của hai tiếng ĐỒNG BÀO. Nó đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ vào những chiến thắng mọi luận điệu xuyên tạc, đập tan mọi âm mưu nhằm chia rẽ cũng như kích động âm thầm; như “cái tát” thẳng vào những kẻ thích tô vẽ làm màu hay mượn danh để mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi dụng danh nghĩa để trục lợi bất chính… những điều làm xấu đi hình ảnh, ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân và những giá trị cao cả của dân tộc, đất nước. Nó cũng là cơ sở để tình yêu nước ngày càng thắm đượm trong lòng mỗi người dân Việt Nam; càng khẳng định rõ nét hơn sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Tuy rằng, dẫu còn những hình ảnh chưa được đẹp, những câu chuyện chưa được hay trong xã hội nhưng nếu mỗi người vẫn luôn gìn giữ, nuôi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như phát huy, phát triển phù hợp với xu thế thời đại như giá trị “đồng bào” thì chắc chắn những hình ảnh, câu chuyện đó sẽ ngày một ít đi và Việt Nam sẽ ngày càng thịnh vượng như mong muốn của các thế hệ cha anh đã từng dành tất cả, sẵn sàng hy sinh vì tương lai của đất nước, của dân tộc.
Một số hình ảnh đoàn từ thiện – Nguồn Internet
Lâm An