(ĐHVO).Từ xa xưa, người dân Nam Định đã truyền tụng câu nói “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ mẹ” gắn với tín ngưỡng thờ “Cha” là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, “Mẹ” là Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Với những nét độc đáo, tiêu biểu, Lễ hội Phủ Dầy gắn với sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ – thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương (áo vàng)
Những ngày tháng Ba âm lịch, Quần thể di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy lộng lẫy cờ, hoa, rực rỡ sắc màu. Trên các trục đường dẫn vào các di tích: Phủ Chính Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Phủ Bóng (Nguyệt Du Cung), Đền Trình, Đền Công Đồng, Đền Chầu Bà Đệ Tứ Khâm Sai, Đền Mẫu Thượng, Đền Mẫu Thoải, Đền Mẫu Đông Cuông… tấp nập dòng người, xe qua lại. Trong không gian linh thiêng tại các di tích, tiếng trống, tiếng nhạc dập dìu, khoan thai, những giai điệu hát Văn luôn có sức hấp dẫn đối với những người tôn sùng đạo Mẫu. Các giá hầu đồng được các thanh đồng, thủ nhang, nghệ nhân, cung văn giàu kinh nghiệm thực hành một cách chuyên nghiệp, bài bản. Người dân nô nức dự hội để cầu bình an, may mắn, sức khỏe.
Những năm gần đây, chương trình Lễ hội Phủ Dầy ngày càng đổi mới, phong phú, hấp dẫn, hài hoà giữa phần lễ và phần hội, khai thác và phát huy nhiều giá trị văn hoá dân gian cổ truyền của dân tộc. Lễ hội Phủ Dầy năm 2024 tiếp tục bảo tồn các nghi thức cổ như Liên hoan nghệ thuật hát Chầu văn; Lễ rước Mẫu thỉnh Kinh; thi đấu cờ người; hội kéo chữ (Hoa trượng hội) với các bộ chữ “Quốc thái dân an” và “Thiên hạ thái bình”. Bên cạnh đó còn có các các hoạt động văn hoá tâm linh, nghệ thuật dân gian đặc sắc như: Hầu đồng, hát văn, múa lân – sư – rồng, thả rồng bay, hát chèo…
Màn trống hội
Một trong những nghi lễ độc đáo và lượng người tham gia đông đảo là Lễ rước đuốc đăng long tại Phủ Chính Tiên Hương. Theo quan niệm dân gian, ngọn lửa thiêng được rước từ nơi thờ Thánh Mẫu trong những ngày lễ hội đem lại sự may mắn, sinh sôi. Bắt đầu nghi lễ rước đuốc, các thanh đồng đạo quan, đồng đền, thủ nhang thành tâm xin ngọn lửa thiêng từ trong cung cấm, sau đó rước ra ngoài và tiếp lửa cho hơn một ngàn ngọn đuốc của các tráng sỹ. Dẫn đầu đoàn rước là các đội rồng, lân, sư tử, biểu diễn trong nhịp trống phách rộn ràng. Tiếp đó là hình tượng rồng lớn được thắp sáng rực rỡ.
Theo sau là hơn một ngàn tráng sỹ, gồm cả nam và nữ, ở nhiều độ tuổi, tay cầm những ngọn đuốc rực sáng, nối nhau bước đi. Cả đoàn rước tạo thành linh vật rồng lửa, kéo dài hàng cây số. Ngọn lửa thiêng trong lễ rước đuốc Phủ Chính Tiên Hương tượng trưng cho ánh sáng niềm tin, đồng thời bày tỏ mong muốn của các đồng đền thủ nhang, dân thôn bản hạt, con nhang đệ tử, toàn thể nhân dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Sau 30 năm Lễ hội Phủ Dầy đã được Nhà nước cho phép mở trở lại. Đến nay, Lễ hội Phủ Dầy đã được khôi phục hội tụ đầy đủ giá trị văn hóa tín ngưỡng tâm linh; trở thành 1 trong 5 lễ hội lớn của cả nước và điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế về dự mỗi năm.
Ông Trần Khắc Thiềng, Chủ tịch UBND xã Kim Thái, Phó Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Phủ Dầy năm 2024 cho biết: Lễ hội Phủ Dầy năm 2024 dự kiến có 1-1,5 triệu lượt người trẩy hội. Kế thừa phát huy những kết quả tích cực từ công tác tổ chức lễ hội những năm trước, năm nay, Lễ hội Phủ Dầy diễn ra an toàn, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng. Tại các điểm di tích đã tiến hành lắp đặt hàng nghìn đèn lồng, hệ thống điện chiếu sáng dọc các tuyến đường xung quanh di tích, trong khuôn viên, nội tự, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và du khách trong các ngày diễn ra lễ hội. Ban Tổ chức Lễ hội đã xây dựng kịch bản lễ hội khoa học, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và nét đẹp văn hóa truyền thống địa phương, tạo sức hấp dẫn cho du khách tham dự lễ hội.
Phát huy giá trị di sản
Phủ Dầy được coi là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lớn của cả nước. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá Lễ hội Phủ Dầy và Nghi lễ Chầu văn của người Việt được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.
Vào các kỳ lễ hội, ở Phủ Chính Tiên Hương, giữa làn khói hương mờ ảo, giọng hát văn, tiếng trống phách, đàn nguyệt, sáo nhị vang lên, lúc dìu dặt, khoan thai, khi dồn dập cùng với động tác lắc lư, nhún nhảy, tâm trạng biến hóa của thanh đồng… khiến không gian hầu đồng trở nên huyền ảo. Ngoài các giá đồng ca ngợi công lao của Thánh Mẫu, các giá Quan Đệ Nhất, Ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy, Cô Bơ, Cô Chín có nội dung ca ngợi những người có công lao với nước, với dân, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương đất nước… Sự phát triển của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt có sự đóng góp không nhỏ của các đồng đền, thủ nhang nơi phụng thờ Thánh Mẫu.
Theo Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ – Thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương, qua gần 50 năm “bắc ghế hầu thánh” lúc nào bà cũng tâm niệm: “Phủ Dầy được coi là chốn tổ của Mẫu nên tôi muốn lưu giữ lối cổ trong nghi thức hầu đồng và quảng bá nét đẹp văn hóa này ra thế giới”. Nhiều năm hoạt động trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ luôn giữ phép tắc khi hành lễ. Với bà, khi được vào vai các giá hầu, được “hầu cái bóng” của các vị thánh là niềm vinh dự tự hào, bởi mỗi giá hầu là một câu chuyện về một vị anh hùng, lúc sinh thời là người có đức độ, tài giỏi, có công với dân với nước, đồng thời lan toả những nét đẹp văn hoá truyền thống đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Đến với Lễ hội Phủ Dầy, du khách sẽ được đắm mình trong những nét đặc sắc của văn hóa, của tín ngưỡng, tâm linh đong đầy, tỏa sáng trong những trang phục cổ truyền, sặc sỡ sắc màu đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu; trong những hồi trống, điệu nhạc và trong cả dáng cong cao vút của những mái đình, phủ đệ thâm nghiêm chất chứa hồn dân tộc./.
P.V