Thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam – 62 năm không thể nào quên

(ĐHVO). Lịch sử là một bằng chứng không hề thay đổi. Chúng ta vẫn luôn ý thức rằng, chiến tranh đã lùi xa gần hơn nửa thế kỷ, nhưng mỗi khi nhắc đến nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang hiện diện ở nhiều nơi trên đất nước ta thì vết thương chiến tranh lại càng gặm nhấm.

Nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần vẫn còn ứ đọng trong tâm khảm mỗi người. Và hôm nay, ngày 7/8/2023, tại Hội trường lớn khách sạn Tân Sơn Nhất – TP. Hồ Chí Minh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ họp mặt 62 năm, ngày thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2023) để cùng chia sẻ, xoa dịu tâm hồn, nhằm cố gắng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Dư âm của chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra, hệ lụy đến ngày nay vẫn còn đó, nỗi đau da cam dai dẳng không thể nào nguôi ngoai và không biết đến bao giờ nhân dân Việt Nam mới có thể quên được. Hơn 62 đã qua và hơn 62 năm, chúng ta luôn luôn ghi nhớ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ dùng các loại vũ khí tối tân, bom đạn gây thương vong cho nhân dân ta mà chúng còn sử dụng cả chất độc da cam/dioxin – loại chất độc hóa học được xem là bậc nhất trong các chất độc. Chúng đã gây ra những thảm họa chưa từng có trong lịch sử loài người, triệt hạ nguồn sinh sống của người dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng. Việc sử dụng chất độc da cam/dioxin ở chiến trường Việt Nam ròng rã suốt 10 năm (1961 – 1971) đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, không chỉ hủy hoại môi trường, các hệ sinh thái, mà còn từng ngày, từng giờ hủy hoại sức khỏe con người Việt Nam qua nhiều đời.

Kế hoạch diệt cỏ khai quang phát triển canh nông ở miền Nam Việt Nam được triển khai từ năm 1960, do Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ ở Sài Gòn đệ trình. Ngày 20/11/1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã phê chuẩn và thông qua kế hoạch. Nhưng ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ đã dùng phi công thực hiện phun rải các chất độc hại này vào đất nước ta. Từ năm 1961 đến năm 1971, ròng rã suốt 10 năm, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn, bản ở nước ta với diện tích 3,06 triệu ha, bằng gần ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam; trong đó có 86% diện tích phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chất độc da cam (CĐDC) đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người nhân dân Việt Nam. Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn; chức năng giữ nước, chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn; một số loài động thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng. Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam, nhất là rừng Sác, phía Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh (Cần Giờ) và ở huyện Năm Căn – tỉnh Cà Mau bị phá hủy nặng nề, vai trò của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút.

Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, từ năm 1975 cho đến nay có gần 1 triệu người đã mất, còn hơn 3 triệu người là nạn nhân đi lại rất khó khăn với bao thảm cảnh không sao kể xiết. Hàng trăm nghìn nạn nhân CĐDC đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh, có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản… Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân CĐDC là bị liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, bị mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh. Đặc biệt CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 850.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, có 350.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và có khoảng 500 người nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4.

Hiện nay, chính sách người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được nhà nước quan tâm, trợ cấp hàng tháng theo định mức, nhưng vẫn đang còn ở mức khiêm tốn so với nhu cầu cuộc sống của đa số nạn nhân da cam. Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ, các nạn nhân là dân thường không còn khả năng sản xuất, không có nguồn thu. Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân da cam rất lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình. Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là việc giám định xác nhận nạn nhân chất độc da cam/dioxin gặp nhiều bất cập, đòi hỏi giấy tờ, bệnh án và các hồ sơ liên quan từ thời kháng chiến. Nhưng nhiều gia đình, nhiều nạn nhân trải qua cuộc chiến tranh, thiên tai, hỏa hoạn, thất lạc giấy tờ liên quan nên rất khó xác định, gây thiệt thòi cho nhiều nạn nhân và gia đình họ.

Khắc phục chất độc hóa học là vấn đề có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học. Đảng, Nhà nước ta đã có những sách lược về vấn đề này. Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là một văn bản rất quan trọng, thể hiện quan điểm và sự chỉ đạo của Đảng nhằm giải quyết một vấn đề phức tạp và lâu dài trên phạm vi cả nước. Theo tinh thần đó, Thành Ủy TP. Hồ Chí Minh đã có Thông tri số 37 – TT/ TU ngày 15/9/2015 đã đi vào đời sống của nhân dân thành phố, tác động sâu sắc đến nhận thức của cộng đồng xã hội.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, là việc làm nhân đạo, là tiếng gọi của lương tri và trách nhiệm của tất cả chúng ta. Nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đảm bảo các chế độ về trợ cấp cho nạn nhân CĐDC đầy đủ, kịp thời. Thực thi chính sách và các giải pháp huy động nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động “Hành động vì nạn nhân da cam” đối với nạn nhân da cam; nêu cao truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị cơ sở khảo sát, nắm tình hình, trợ cấp khó khăn, trao vốn sinh kế, sổ tiết kiệm, cấp học bổng, tiếp sức đến trường, thăm, tặng quà nhân dịp lễ, Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, Ngày vì nạn nhân da cam 10/8. Đồng thời, Thành hội còn thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tạo cơ hội và điều kiện tự tin cho nhiều người trên địa bàn thành phố vươn lên cuộc sống, giảm bớt khó khăn.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 2005. Trải qua hơn 18 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, đến nay, Thành Hội đã xây dựng được 15 tổ chức Hội, TP. Thủ Đức, quận, huyện, 198 hội xã, phường, với hơn 4.753 hội viên. Đội ngũ cán bộ Hội nhiệt tình, luôn nêu cao tinh thần “Đoàn kết – Nghĩa tình – Trách nhiệm – Vì nạn nhân chất độc da cam”. Nhiều tấm gương điển hình Hội cơ sở, cán bộ, hội viên Hội tiêu biểu, NNCĐ da cam vượt khó. Hội là thành viên của MTTQ, thường xuyên phối hợp các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện tốt phong trào “Hành động Vì nạn nhân chất độc da cam”; ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8”.

Nhiệm vụ chính của Hội là tập hợp đoàn kết các nạn nhân bị tổn thương bởi chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và các công dân tự nguyện tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học nhằm góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước, vì quyền và lợi ích hợp pháp của các nạn nhân CĐDC/dioxin. Hội đại diện cho các nạn nhân CĐDC trong đấu tranh buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do họ gây ra trong chiến tranh ở Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Hội cùng với Ủy ban MTTQ TP. HCM đã có nhiều chương trình hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân CĐDC có hiệu quả thiết thực như: Hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, tặng quà, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân CĐDC. Ủy ban MTTQ Thành phố còn chỉ đạo các cấp Mặt trận ở địa phương phối hợp cùng Hội cơ sở tổ chức và hỗ trợ nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo, nhằm đồng hành chia sẻ giúp đỡ cho các nạn nhân CĐDC có thêm điều kiện để cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. HCM thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn

6 tháng đầu năm 2023, Thành Hội đã huy động và làm tốt công tác chăm lo cho nạn nhân CĐDC với tổng số tiền và hiện vật hàng hóa quy ra tiền để hỗ trợ là gần 8,4 tỷ đồng, tặng cho 8.783 người (suất), mỗi suất quà trị giá từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Điều trăn trở lớn nhất của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Hồ Chí Minh hiện nay, đó là: khi vấn đề giải quyết chính sách nạn nhân CĐDC còn nhiều nỗi lo, vì nạn nhân CĐDC đều thuộc diện khó khăn, có những hoàn cảnh gia đình người dân bị phơi nhiễm gặp khó khăn đến mức cùng cực. Vậy chúng ta phải cần có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực hơn nữa cho các nạn nhân chất độc da cam, vừa đảm bảo tính nhân đạo, vừa giúp đỡ các nạn nhân chữa bệnh và tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Kỷ niệm 62 năm thảm họa da cam ở Việt Nam năm nay, chính là dịp để chúng ta ôn lại những hồi ức khó phai, đồng thời khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam, và cũng là dịp để chúng ta khắc ghi những hy sinh mất mát to lớn của chiến sĩ, đồng bào, cùng tri ân những người đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trước nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin, phát huy tinh thần tương thân tương ái, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Hồ Chí Minh cùng với cơ quan, đơn vị, các cá nhân, tổ chức và nhân dân tiếp tục giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam cả về vật chất lẫn tinh thần; tiếp thêm sức mạnh nghị lực vượt khó vươn lên, xoa dịu nỗi đau thể xác, tinh thần, giúp nạn nhân chất độc da cam từng bước hòa nhập đời sống xã hội.

ThS. Nhà báo Nguyễn Thị Thùy Liên

Bài viết liên quan

Mạn đàm một số nội dung về tiếp cận quyền bầu cử, ứng cử của người khuyết tật

Cần làm tốt vai trò truyền thông liên quan đến người khuyết tật

Picture1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại tỉnh Nam Định

Picture1

Nam Định tiếp nhận ủng hộ đồng bào bị thiên tai

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc (ở giữa) cùng Chủ tịch HĐND Lê Quốc Chỉnh ủng hộ tại Lễ Phát động

Nam Định: Phát động ủng hộ đồng bào vùng lũ

Picture1

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang