Ngày 6/8/2024, tại khách sạn Tân Sơn Nhất, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 63 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2024) và phát động chương trình gây quỹ cộng đồng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2024. Buổi gặp mặt có gần 300 đại biểu đại diện Thành ủy, UBND, UBMTTQVN, các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị xã hội TP. Hồ Chí Minh; một số đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, mạnh thường quân, các ủy viên Ban Chấp hành Hội, đại diện nạn nhân da cam/dioxin của TP. Thủ Đức; quận, huyện Hội và các cháu làng Hòa Bình đến dự. Tham dự buổi gặp mặt còn có ông Kim Dae Jong – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Hàn và ông Park Jin Soo – Giám đốc Tài chính Công Ty TNHH Mỹ phẩm LG Vina.
Kỷ niệm 63 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam cũng là dịp để các cá nhân, tổ chức nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trước nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, xoa dịu nỗi đau thể xác, tinh thần; tiếp thêm sức mạnh, nghị lực vượt khó vươn lên; tiếp tục chung tay giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam từng bước hòa nhập đời sống xã hội.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Hồ Chí Minh (Hội NNCĐDC TP.HCM) đã nhắc lại những thảm họa nỗi đau da cam và báo cáo tình hình hoạt động của Hội trong thời gian qua.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ dùng các loại vũ khí tối tân, bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc da cam/dioxin. Đây là loại chất độc được xem là bậc nhất trong các chất độc, tác hại của nó là triệt hạ nguồn sinh, sống của con người, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng… Việc sử dụng chất độc da cam/dioxin ở chiến trường Việt Nam ròng rã suốt 10 năm (1961 – 1971) đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, không chỉ hủy hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn từng ngày, từng giờ hủy hoại sức khỏe con người Việt Nam. Nhìn lại chặng đường 63 năm, tuy những mất mát đau thương do chiến tranh để lại ngày một giảm nhẹ, vơi dần theo năm tháng, nhưng thảm họa da cam vẫn là nỗi đau âm ỉ, kéo dài xuyên thế kỷ, từ đời này, sang đời khác.
Chất độc da cam (CĐDC) đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm. Từ năm 1975 cho đến nay, nước ta đã có gần 1 triệu người đã mất, còn hơn 3 triệu người là nạn nhân đi lại rất khó khăn với bao thảm cảnh không sao kể xiết và hiện có hàng trăm nghìn người đang vật lộn với những căn bệnh hiểm nghèo. CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. TP. HCM hiện có hơn 6.000 nạn nhân nhiễm CĐDC, trong đó con của các cựu chiến binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) là hơn 1.000 người và hơn 350 người thuộc thế hệ 3, thứ 4.
Hiện nay, chính sách người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH được nhà nước quan tâm, trợ cấp hàng tháng theo định mức, nhưng vẫn đang còn ở mức khiêm tốn so với nhu cầu cuộc sống của đa số nạn nhân da cam (NNDC). Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ, các nạn nhân là dân thường không còn khả năng sản xuất, không có nguồn thu… Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ra ngoài khả năng của gia đình. Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc giám định xác nhận nạn nhân chất độc da cam/dioxin chưa khả quan.
Với mục tiêu: Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, là việc làm nhân đạo, là tiếng gọi của lương tri và trách nhiệm của tất cả chúng ta, nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP. Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đảm bảo các chế độ về trợ cấp cho NNDC đầy đủ, kịp thời. Thực thi chính sách và các giải pháp huy động nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động “Hành động vì nạn nhân da cam”, nêu cao truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Hội đã phối hợp với các đơn vị cơ sở khảo sát, nắm tình hình, thực hiện trợ cấp khó khăn, trao vốn sinh kế, cấp sổ tiết kiệm, cấp học bổng tiếp sức đến trường; thăm, tặng quà dịp lễ, Tết Nguyên đán, ngày vì nạn nhân da cam 10/8…
Trải qua gần 20 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng được 15 tổ chức hội TP.Thủ Đức, quận, huyện, 218 chi hội xã, phường, với 4.468 hội viên. Đội ngũ cán bộ Hội nhiệt tình, luôn nêu cao tinh thần “đoàn kết – nghĩa tình – trách nhiệm – vì nạn nhân chất độc da cam”. Nhiều tấm gương điển hình Hội cơ sở, cán bộ, hội viên Hội tiêu biểu, nạn nhân CĐDC vượt khó. Hội là thành viên của MTTQ, thường xuyên phối hợp các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện tốt phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”; ngày “vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8”.
Nhiệm vụ của các cấp Hội NNCĐDC ở TP.HCM là tập hợp, đoàn kết các nạn nhân bị tổn thương bởi CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và các công dân tự nguyện tham gia khắc phục hậu quả CĐHH nhằm góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước, vì quyền và lợi ích hợp pháp của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Hội đại diện cho các nạn nhân CĐDC trong đấu tranh buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả CĐHH do họ gây ra trong chiến tranh ở Việt Nam.
Trong thời gian qua, Hội NNCĐDC TP.HCM (Hội NNCĐDC TP.HCM) đã phối hợp với MTTQVN Thành phố, các đơn vị, các cấp Hội thực hiện nhiều chương trình thiết thực, như: Hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, tặng quà, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân da cam… Hội đã thực hiện các công tác chăm lo, giúp đỡ, tạo việc làm, hỗ trợ cho nạn nhân CĐDC với tổng số tiền và hiện vật hàng hóa trị giá hơn 6 tỷ đồng, tặng 7.665 suất quà, cấp 29 xe lăn, xe lắc, hỗ trợ hàng trăm nạn nhân ở các quận, huyện khám chữa bệnh.
Quang cảnh buổi gặp mặt:
Tại Lễ kỷ niệm, ngoài việc tuyên truyền cho mọi tổ chức, cá nhân hiểu rõ thêm về hậu quả của chất độc da cam/dioxin; những hoạt động của Đảng, Nhà nước trong công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học, Hội NNCĐDC TP.HCM còn tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương: “Vì nạn nhân chất độc da cam” cho 36 cá nhân đã có thành tích đóng góp trong sự nghiệp chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân da cam/dioxin; trao học bổng trị giá 257 triệu đồng cho các em học sinh là con cháu nạn nhân chất độc da cam/dioxin học giỏi có hoàn cảnh gia đình khó khăn; giao lưu với một số tấm gương nạn nhân da cam vượt khó, Hội còn thực hiện tri ân, cảm ơn sâu sắc những tấm lòng vàng đồng hành với nạn nhân da cam trong suốt thời gian qua. Đồng thời, Hội đã phát động chương trình gây quỹ cộng đồng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2024 nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng xã hội, góp sức cùng nhau chăm sóc sức khỏe, tinh thần, đời sống, giúp các nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin hòa nhập với cộng đồng./.
THS. NGUYỄN THỊ THÙY LIÊN