Ở tiểu khu Vườn Đào, thị trấn Nông trường Mộc Châu (huyện Mộc Châu – Sơn La), ai cũng biết và khâm phục tấm gương lao động giỏi của ông Nguyễn Văn Đề, thương binh hạng 4/4, là cựu chiến binh tiêu biểu vượt khó, vươn lên làm giàu từ chăn nuôi bò sữa, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Tây (cũ), tháng 2 năm 1968, chàng thanh niên 18 tuổi Nguyễn Văn Đề đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Sau 2 tháng huấn luyện ở Nho Quan, ông bắt đầu hành quân vào Nam và đến tháng 8 ông vào đến chiến trường Tây Nguyên, được bổ sung ngay vào đơn vị chiến đấu.
Ông nhớ lại: “Ở chiến trường chủ yếu chúng tôi tham gia đánh chặn các tuyến giao thông của địch. Lúc thì chúng chở quân, lúc chúng chở lượng thực, vũ khí từ đồng bằng lên Đắk Lắk, Pleiku. Chúng tôi phải ra đường giao thông nằm phục sẵn cả đêm trong trường hợp có mật báo là ngày hôm sau có đoàn của địch đi qua, khi nào chúng đến thì chúng tôi sẵn sàng chiến đấu”.
Về hoàn cảnh bị thương, ông Nguyễn Văn Đề vẫn còn nhớ như in một ngày tháng 8 năm 1971, trong một đợt chiến đấu ác liệt, ông bị mảnh bom B52 của địch xuyên qua đùi và bị gãy xương đùi bên trái. Sau đó, ông được điều trị trực tiếp tại chiến trường 4 tháng với tỷ lệ thương tật 32%. Đầu năm 1972, sức khỏe ông yếu dần và được chuyển ra Sơn Tây điều dưỡng.
Khi bình phục, ông được cử đi học Trường Quản lý kinh tế 4 năm. Lúc đó, được cấp trên quan tâm, nói rằng “các đồng chí đi công tác, chiến đấu ở xa lâu năm rồi, nên khi học xong đồng chí nào ở tỉnh nào thì được về tỉnh đó công tác”. Do đó, năm 1976, thương binh Nguyễn Văn Đề được điều về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Sơn Bình (cũ).
Thời điểm bấy giờ, đơn vị đang phát động phong trào quân đội làm kinh tế. Bộ Chỉ huy quân sự Hà Sơn Bình lúc đó có trang trại rất lớn, vừa nuôi cá, vừa nuôi lợn. Vừa rời quân ngũ, cho dù trên mình còn mang thương tích nhưng người chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Đề đã không quản ngại, cùng đồng đội tích cực lao động, sản xuất, chăn nuôi. Tuy nhiên, đến năm 1980, do vết thương tái phát nhiều lần, nên ông được nghỉ mất sức và về làm cán bộ ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Tây.
Thời điểm đó, em trai ông đang làm công nhân ở Công ty bò sữa Mộc Châu nên năm 1990, ông quyết định rời quê hương lên đây làm kinh tế, cải thiện đời sống. Quyết định xa quê lúc đó rất khó khăn, bởi 4 đứa con còn bé, ra đi với hai bàn tay trắng, không biết tương lai sẽ như thế nào? Nhưng rồi khi lên đây, lãnh đạo Công ty cũng rất quan tâm đến gia đình thương binh nên họ giao đất và bán chịu bò, cho vay tiền để làm chuồng trại.
Những năm đầu sinh sống ở vùng đất mới, gia đình thương binh Nguyễn Văn Đề được giao 3 ha đất và 10 con bò sữa. Nhưng giá sữa lúc đó rất rẻ, chỉ đủ quay vòng nuôi bò, chưa có lợi nhuận. Ông cùng vợ con tranh thủ trồng mận, ngô, khoai để lấy lương thực nuôi gia đình, cuộc sống vẫn mang tính chất “giật gấu vá vai”, chưa ổn định. Đến năm 1998, gia đình ông nhận nuôi 15 con bò sữa cho Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu. Thời điểm này thu nhập từ việc chăn nuôi bò cùng trồng trọt vẫn còn bấp bênh, vợ chồng ông phải mang sữa xuống Hà Nội và các vùng lân cận để bán nhưng vẫn không có lãi.
Đến năm 2002, khi Công ty xây dựng và lắp đặt được dây chuyền chế biến sữa tươi tại Mộc Châu, đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con nuôi bò. Lúc đó, giá sữa cao dần, từ 2.000 đến 12.000 đồng/một lít, đời sống của các hộ chăn nuôi bò sữa mới được nâng lên. Giá sữa lên nên có điều kiện để gia đình ông nâng số lượng đàn bò.
Ông đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư xây chuồng trại và mua thêm bò giống, thức ăn cho đàn bò. Để đảm bảo thức ăn cho đàn bò, ông đã thay diện tích trồng ngô, khoai, sắn không hiệu quả sang trồng cỏ. Không phụ công người chăm sóc, đến nay, đàn bò của gia đình ông đã có trên 80 con cho sữa. Đến nay mỗi năm, gia đình ông thu về 280 tấn sữa, thu về hơn 3 tỷ đồng, trừ chi phí cho về khoảng 2,5 tỷ đồng.
Không chỉ là một trong những người thành công, làm giàu ở lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, ông Nguyễn Văn Đề còn nhiệt tình trong việc chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong tiểu khu Vườn Đào nói riêng, thị trấn Nông trường Mộc Châu nói chung. Ông cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng số lượng đàn bò, mở rộng chuồng trại để tăng thu nhập cho gia đình.
Sau những ngày tháng lao động không ngừng nghỉ, ông đã được các cấp trao nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Ba; Huân chương Giải phóng; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Bằng khen của Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam, Giấy khen của Công đoàn Công ty bò sữa Mộc Châu vì có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất; nhiều năm liền gia đình ông được công nhận “Gia đình văn hóa”./.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội