(ĐHVO). Quyền của NKT bao gồm các quyền tự do cơ bản của con người, là phẩm giá, nhu cầu, lợi ích và năng lực vốn có ở con người – với tư cách là thành viên của cộng đồng và được chăm sóc, bảo vệ đặc biệt với tư cách là nhóm người đặc thù dễ bị tổn thương bởi sự khuyết tật, được thừa nhận và bảo hộ bằng pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế.
NKT thuộc nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội nên khi tiếp cận khái niệm quyền của NKT, ta cần tìm hiểu đồng thời hai khái niệm, đó là: quyền con người (nói chung) và quyền của nhóm người dễ bị tổn thương (nói riêng).
Thứ nhất, quyền con người bao gồm những quyền tự nhiên và các quyền pháp lý. Dưới góc độ quyền tự nhiên, quyền con người là toàn bộ các quyền, đặc quyền được công nhận dành cho một người kể từ khi người đó sinh ra, đó là những quyền bẩm sinh, vốn có, không do chủ thể nào ban phát như quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, quyền bình đẳng… các quyền tối thiểu của con người luôn được công nhận và bảo vệ trong mọi trường hợp..
Dưới góc độ pháp lý, Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc định nghĩa như sau: “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép hoặc tự do cơ bản của con người.”
Thứ hai, quyền của nhóm người dễ bị tổn thương: Mặc dù không có định nghĩa chính thức chung nào được đưa ra về các nhóm người dễ bị tổn thương, tuy nhiên từ các nguồn tài liệu và thực tiễn về quyền con người, có thể hiểu rằng khái niệm này chỉ những nhóm, cộng đồng có vị thế chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn, từ đó khiến họ có nguy cơ cao hơn bị bỏ quên hay bị vi phạm các quyền con người, bởi vậy họ cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm cộng đồng người khác.
Như vậy, có thể hiểu rằng quyền của NKT bao gồm các quyền tự do cơ bản của con người, là phẩm giá, nhu cầu, lợi ích và năng lực vốn có ở con người – với tư cách là thành viên của cộng đồng và được chăm sóc, bảo vệ đặc biệt với tư cách là nhóm người đặc thù dễ bị tổn thương bởi sự khuyết tật, được thừa nhận và bảo hộ bằng pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế.
Ở Việt Nam, NKT là một trong những nhóm đối tượng xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm thông qua việc Việt Nam gia nhập Công ước của Liên hợp quốc các Quyền của Người Khuyết năm 2007 (CRPD). Hiện thực hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật, năm 2010, Luật Người khuyết tật được ban hành và có hiệu lực khẳng định mạnh mẽ quyền của NKT, những quyền vốn có của con người đã được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam, cũng như các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt Công ước CRPD. Đặc biệt, người khuyết tật được xác định là một trong các đối tượng đặc thù cần được đảm bảo quyền được tiếp cận các thông tin văn bản pháp luật có liên quan theo những hình thức, phương thức, phương tiện, tài liệu phù hợp với từng loại đối tượng được khẳng định tại Luật Phổ biến Giáo dục pháp luật năm 2012. Nhìn chung, hệ thống chính sách, quy phạm pháp luật đối với NKT hiện nay cơ bản được xây dựng đầy đủ và bao trùm toàn diện ở các lĩnh vực đời sống xã hội, bảo vệ quyền của NKT. Để làm rõ, bài viết đưa ra một số quy định pháp luật nổi bật về quyền của NKT:
-
Nhân quyền và quyền bình đẳng trước pháp luật
Nhân quyền (quyền con người) là những quyền tự nhiên, vốn có kể từ khi người đó sinh ra. Ở nước ta, quyền con người luôn được ghi nhận trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992; trong các hệ thống các văn bản pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.”
Tuy nhiên, trong một số trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng mà quyền con người có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật. Là một thành viên trong xã hội, NKT cũng được đảm bảo quyền con người, đó là quyền được sống, được tự do, được mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do ngôn luận, quyền bình đẳng trước pháp luật…
Quyền bình đẳng trước pháp luật, trước tiên là quyền được pháp luật xác lập, thừa nhận tư cách con người; không bị pháp luật phân biệt đối xử, có vị thế ngang nhau trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau. Pháp luật thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng bằng việc quy định các quyền, nghĩa vụ pháp lý ngang nhau; không xem sự khác biệt về giới tính, chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, địa vị xã hội, … là tiêu chí để xây dựng những quy định có tính chất “ưu tiên” trong việc hưởng quyền và chịu trách nhiệm pháp lý. NKT gặp không ít rào cản ngăn họ thực hiện quyền, nghĩa vụ cũng như những khó khăn khi tham gia vào các hoạt động của xã hội. Do vậy, bình đẳng hóa cơ hội cho NKT thực là vấn đề đáng được quan tâm. Thông qua những chính sách, quy định riêng biệt, NKT đã được tiếp cận, tạo cơ hội thuận lợi trong việc thực hiện các quyền, tham gia vào hoạt động xã hội.
-
Quyền được chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ để phục hồi chức năng
Được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng là một trong số những quyền Nhà nước đảm bảo thực hiện cho NKT. Những vấn đề về chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ phục hồi chức năng cho NKT được quy định trong Luật NKT năm 2010, Luật bảo hiểm y tế, Nghị định 28/2012/NĐ-CP,… Theo đó, NKT được chăm sóc sức khỏe ban đầu nơi cư trú thông qua việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật, hướng dẫn phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng.Bên cạnh đó, Nhà nước đảm bảo để NKT được khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp, hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế…
Về phục hồi chức năng, Nhà nước bảo đảm việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đối với cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng công lập. Ngoài ra, việc phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cũng được đảm bảo thực hiện, hoạt động này nhằm chuyển giao kiến thức về vấn đề khuyết tật, kỹ năng phục hồi và thái độ tích cực đến người khuyết tật, gia đình của họ và cộng đồng, tạo sự bình đẳng về cơ hội và hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật.
Đặc biệt, Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 đã đưa ra mục tiêu bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng của NKT có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn chi trả bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ phục hồi chức năng theo quy định hiện hành; phối hợp rà soát, nghiên cứu sửa đổi một số điều có liên quan của Luật Bảo hiểm y tế về chi trả bảo hiểm y tế trong sử dụng kỹ thuật phục hồi chức năng, các thiết bị, dụng cụ, vật liệu, vật tư y tế phục hồi chức năng, trang thiết bị y tế đặc thù cá nhân.
-
Quyền về giáo dục
Xác định tầm quan trọng của giáo dục, Nhà nước ta luôn đảm bảo quyền được học tập, phát triển của NKT. Nhiều chủ trương, chính sách, quy định ra đời nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích NKT thực hiện quyền được giáo dục của mình. Những quyền này được thể hiện cụ thể trong Luật NKT năm 2010 cùng một số văn bản pháp luật có liên quan khác như: Nghị định 28/2012/NĐ-CP, Nghị định 113/2015/NĐ-CP, Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH,… Trong đó quy định, NKT được tạo điều kiện học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng; được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học; được cung cấp phương tiện, dụng cụ học tập phù hợp, thiết yếu; Học sinh, sinh viên NKT được vay vốn với chính sách ưu đãi,…
Hiện nay, Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định 03 phương thức giáo dục đối với NKT gồm phương pháp giáo dục chuyên biệt, phương pháp giáo dục hòa nhập và phương pháp giáo dục bán hòa nhập. Mỗi một phương thức có những ưu và nhược điểm nhất định, phù hợp với những dạng tật khác nhau.
Thứ nhất, giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chung NKT với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục. Ở phương pháp giáo dục này, NKT được giáo dục trong môi trường học tập hòa nhập với cộng đồng, xã hội, giúp NKT phát triển toàn diện, học tập và thích nghi với môi trường sống và làm việc sau này.
Giáo dục hòa nhập thừa nhận sự khác nhau giữa NKT và người không khuyết tật và tạo môi trường hài hòa sự khác nhau ấy. NKT sẽ tự lập hơn, vượt qua rào cản để bắt nhịp với người không khuyết tật. Ngược lại, người không khuyết tật sẽ mở lòng, thấy hiểu và cùng giúp đỡ NKT hòa nhập với môi trường.
Đây được coi là phương pháp giáo dục chủ yếu đối với NKT trên cả nước bởi nó tương đối hiệu quả và đạt được mục tiêu giáo dục đặt ra. Tuy nhiên, mặt trái của phương pháp này là tình trạng kỳ thị, xa lánh, cô lập NKT diễn ra phổ biến bởi vẫn tồn tại rào cản về nhận thức của xã hội đối với NKT. Điều đó vô hình chung tạo ra vấn đề về tâm lý cho NKT, thậm chí khiến NKT sợ đến trường và tiếp xúc với bạn bè, thầy cô.
Thứ hai, giáo dục chuyên biệt là phương thức giáo dục dành riêng cho NKT trong cơ sở giáo dục. Tại đây, học sinh khuyết tật tham gia học trong các lớp chuyên biệt hoặc trong trường chuyên biệt tập trung hỗ trợ sự phát triển các kỹ năng cá nhân và kỹ năng xã hội để học sinh có thể sống độc lập tới mức đối đa sau khi hoàn thành xong chương trình giáo dục.
Trong môi trường giáo dục này, NKT được tiếp cận các phương pháp khác nhau nhằm phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật và hi vọng đến một ngày nào đó, NKT sẽ trở nên “lành lặn” như những trẻ em khác. Đặc biệt, tại đây NKT không gặp phải sự kỳ thị, cô lập như đối với phương pháp giáo dục hòa nhập. Tuy nhiên, đặc điểm của phương pháp giáo dục này tách biệt với môi trường xã hội, ít tạo điều kiện để NKT hòa nhập cộng đồng, khiến NKT tự ti khi giao tiếp xã hội.
Thứ ba, giáo dục bán hòa nhập là phương thức giáo dục kết hợp giữa giáo dục hòa nhập và giáo dục chuyên biệt cho NKT trong cơ sở giáo dục. Những học sinh này tham gia vào một số hoạt động cùng học sinh bình thường trong trường học. Những hoạt động này có thể là những hoạt động ở một số môn học, hoạt động giáo dục. Thời gian còn lại, NKT được học chương trình riêng với những nội dung, phương pháp giáo dục riêng phù hợp với khả năng của họ. Phương thức này cũng được thực hiện trong trường hợp chưa đủ điều kiện để NKT học tập theo phương thức giáo dục hoà nhập.
Mỗi phương thức giáo dục đối với NKT đều có những ưu, nhược điểm riêng. Tùy từng đối tượng NKT thì NKT, cha, mẹ hoặc người giám hộ NKT lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với sự phát triển của cá nhân NKT. Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để NKT được học tập và phát triển theo khả năng của cá nhân.
-
Quyền về lao động, việc làm
Giải quyết vấn đề việc làm cho NKT là một vấn đề khá nan giải, bởi những khiếm khuyết về thân thể, tinh thần khiến họ gặp không ít khó khăn, dễ bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong quá trình tuyển dụng, làm việc. Chính vì thế, pháp luật đã có nhiều quy định nhằm bảo vệ nhóm người này, thể hiện trong Luật NKT năm 2010, Bộ luật lao động năm 2019, Luật an toàn vệ sinh lao động năm Nghị định 28/2012/NĐ-CP,…Theo đó, trong việc tuyển dụng, NKT có quyền ứng tuyển, quyền được tuyển dụng một cách bình đẳng khi đáp ứng được những tiêu chí mà nhà tuyển dụng đưa ra. Trong quá trình lao động, NKT được bố trí sắp xếp công việc theo điều kiện hoàn cảnh cụ thể, được bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, NKT còn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi dành cho NKT có hoàn cảnh khó khăn….
Đặc biệt, Bộ Luật Lao động 2019 mở ra con đường mới, thay vì “cấm” đã “cho phép” được sử dụng người lao động là NKT nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong trường hợp người lao động là NKT đồng ý. Một mặt, vẫn đảm bảo mục đích chung là đảm bảo an toàn lao động, sức khỏe và sự ưu tiên cho NKT trong lao động, mặt khác đảm bảo quyền tự do, tự quyết về việc làm của người khyết tật. NKT tự có thể quyết định cơ hội việc làm, thu nhập của bản thân khi cảm thấy đảm bảo yếu tố sức khỏe và khả năng làm việc.
-
Quyền tham gia thể dục, thể thao
Trước hết, phải khẳng định NKT có quyền tham gia thể dục, thể thao dành riêng, phù hợp với NKT. Bởi NKT cũng chính là công dân trong xã hội, không bị phân biệt đối xử, được tham gia hòa nhập và thực hiện các hoạt động bổ trợ sức khỏe, nâng cao thể trạng, phục hồi chức năng. Công ước CRPD đã quy định rõ về quyền của NKT tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí và thể thao trên cơ sở bình đẳng với những người khác, bao gồm tổ chức, phát triển và tham gia những hoạt động thể thao và vui chơi dành riêng cho NKT, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên đảm bảo các quyền đó.
Hiện thực hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách văn hóa, thể thao đối với NKT đã được quy định chi tiết tại Khoản 1 Điều 11 Luật Thể dục, thể thao năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2018 nhấn mạnh không phân biệt lứa tuổi, giới tính, sức khoẻ, tình trạng khuyết tật được thực hiện quyền hoạt động thể dục, thể thao để nâng cao sức khoẻ, vui chơi, giải trí. Theo đó, trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, NKT, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ luyện tập thể dục, thể thao tại cơ sở thể thao theo quy định của Chính phủ.
Qua một số quy định về quyền của NKT nêu trên, có thể thấy Nhà nước đang khẳng định những nỗ lực trong việc tạo ra một hành lang pháp lý để NKT hoà nhập cộng đồng, thông qua việc tạo cho họ quyền chủ động trong việc tiếp cận chính sách bằng những hình thức phù hợp với chính dạng tật và mức độ khuyết tật của họ. Bên cạnh đó, thúc đẩy sự hòa nhập của NKT đòi hỏi trước hết phải có sự thừa nhận rằng tất cả mọi người đều là thành viên đầy đủ của xã hội, đồng thời tôn trọng tất cả các quyền của họ. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để NKT tiếp cận chính sách chính là thúc đẩy sự hình thành môi trường không phân biệt đối xử và cơ hội bình đẳng cho NKT tiếp cận thông tin về luật pháp, các chính sách, các điều luật và chính sách liên quan đến lợi ích của NKT trong xã hội.
Hồng Liên